Viêm lỗ chân lông (nang lông): Dấu hiệu và cách điều trị

Viêm lỗ chân lông là một rối loạn da phổ biến, xảy ra khi các nang lông bị viêm hoặc nhiễm trùng. Với hơn 5 triệu nang lông trên cơ thể, viêm lỗ chân lông có thể xảy ra ở bất cứ đâu.

Viêm lỗ chân lông là gì? Có nguy hiểm không? Có lây không?

Làn da luôn có những sứ mệnh tuyệt vời. Nó bảo vệ chúng ta khỏi nhiều tác nhân gây hại, tự chữa lành các vết thương và là nơi neo đậu của lông/tóc tưởng nhỏ bé nhưng vô cùng hữu ích.

Tuy vậy, thỉnh thoảng, bạn vẫn có thể gặp phải những rắc rối nhỏ trên da, như viêm lỗ chân lông hay còn gọi là viêm nang lông (tiếng Anh: Folliculitis).

Nang lông có mặt ở khắp mọi nơi trên da, ngoại trừ môi, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Nếu vi khuẩn hoặc chất nào đó tắc nghẽn trong nang tóc, điều này có thể khiến nang tóc bị viêm, đỏ và sưng.

Bạn có thể gặp tình trạng này ở bất cứ nơi nào mọc lông hay tóc. Tuy nhiên, nó thường xuất hiện ở tay, chân, mặt, lưng, nách, mông, thậm chí là vùng kín…

Lỗ chân lông/nang lông hay nang tóc là những túi nhỏ trong da, bao lấy chân lông hay tóc
Lỗ chân lông/nang lông hay nang tóc là những túi nhỏ trong da, bao lấy chân lông hay tóc

Một số câu hỏi thường gặp về viêm nang lông:

  • Viêm lỗ chân lông có nguy hiểm không? – KHÔNG ĐE DỌA ĐẾN TÍNH MẠNG

Tình trạng bị viêm lỗ chân lông không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng khi xảy ra ở những vùng dễ thấy, rối loạn da lành tính này có thể gây mất thẩm mỹ, điều trị không đúng cách có thể để lại sẹo và tổn thương da.

Đáng chú ý, căn bệnh này đặc biệt gây khó chịu, ngứa ngáy, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống và sinh hoạt của người bệnh.

  • Viêm nang lông có lây không? – KHÔNG LÂY

Tuy nhiên, nếu tác nhân truyền nhiễm là nguyên nhân gây viêm nang lông thì nó có thể lây từ người này qua người khác.

Bởi vậy, viêm nang lông có thể lây qua tiếp xúc da trực tiếp, dùng chung vật dụng cá nhân (cụ thể là dao cạo hoặc khăn tắm), tắm chung hồ bơi hoặc bồn tắm nước nóng.

Viêm da lành tính này cũng có thể lây sang các vị trí khác trên cùng một cơ thể nếu người bệnh gãi, cào. Dùng khăn, dao cạo lên vùng da bị viêm rồi chạm vào vùng da khác cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

  • Viêm lỗ chân lông có tự khỏi không? – KHÔNG TỰ KHỎI, nhưng có thể điều trị

Tình trạng rối loạn da này có thể dễ dàng được điều trị. Nó cũng có thể tự hết mà không cần điều trị chuyên sâu. Tuy nhiên, đối với những trường hợp nặng hơn, bạn có thể cần gặp bác sĩ.

Nguyên nhân viêm lỗ chân lông thường gặp

Viêm nang lông có thể được gây ra bởi một lượng lớn các sinh vật truyền nhiễm. Tuy nhiên, nó thường vô trùng (không do nhiễm trùng) và thường liên quan nhiều hơn tới các hóa chất, thuốc, các kích thích vật lý (như cạo râu)…

Phân biệt các nguyên nhân này là điều rất quan trọng giúp điều trị viêm nang lông thành công.

Nguyên nhân thường gặp

Nguyên nhân phổ biến gây viêm lỗ chân lông bao gồm:

  • Nhiễm vi khuẩn

Vi khuẩn S. aureus và vi khuẩn Pseudomonas là thủ phạm chính. Những loại vi khuẩn này sống trên bề mặt da và thường không gây ra vấn đề gì. Nhưng nếu chúng xâm nhập vào bên trong cơ thể bạn, ví dụ thông qua một vết xước, thì chúng có thể gây ra rắc rối.

Vi khuẩn phát triển mạnh trong nước ấm, như bồn tắm hoặc bể bơi không được khử trùng bằng clo đúng cách
Vi khuẩn phát triển mạnh trong nước ấm, như bồn tắm hoặc bể bơi không được khử trùng bằng clo đúng cách
  • Nhiễm trùng nấm men

Pityrosporum ovale và Candida albicans là những loại nấm men phổ biến nhất liên quan đến viêm nang lông. Đối với người trẻ tuổi, P. ovale thường gây viêm lỗ chân lông ở ngực và viêm lỗ chân lông ở lưng. C. albicans có thể ảnh hưởng đến bất kỳ nếp gấp nào trên da. Đối với nam giới, nấm C. albicans thường là tác nhân gây viêm lỗ chân lông ở râu.

  • Nấm da

Hắc lào trên da đầu có thể gây ra các triệu chứng viêm nang lông và dẫn đến rụng tóc.

  • Nhiễm virus

Một số loại virus phổ biến, như virus HSV và virus herpes zoster (gây bệnh zona) có thể gây viêm nang lông. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, virus molluscum contagiosum có thể là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau đớn ở các nếp gấp trên da.

  • Nhiễm ký sinh trùng

Loại nhiễm trùng này thường ảnh hưởng đến người trưởng thành bị ức chế miễn dịch và người cao tuổi khỏe mạnh. Rận mặt có thể gây nhiễm trùng da đầu và da mặt. Trong một số trường hợp, bệnh ghẻ cũng có thể kích hoạt viêm nang lông, dẫn đến đau, lở loét lâu lành.

  • Lông mọc ngược

Đây thường là hậu quả của việc cạo lông, tẩy lông hoặc wax lông không đúng cách. Trừ khi trên da đã có sẵn vi khuẩn, nó thường không bị nhiễm trùng.

  • Phản ứng tiếp xúc

Một số chế phẩm dùng trên da, như thuốc mỡ parafin, kem dưỡng ẩm, một số hóa chất và việc lạm dụng steroid bôi da có thể liên quan đến viêm nang lông.

  • Thuốc

Một số loại thuốc, bao gồm corticosteroid, androgen, ACTH, lithium, isoniazid, phenytoin, vitamin B, thuốc ức chế protein kinase và một số loại thuốc điều trị u ác tính di căn… có thể gây viêm nang lông.

  • Bệnh dưới da

Mụn trứng cá, các rối loạn giống như mụn trứng cá, lichen phẳng và lupus ban đỏ có thể gây viêm nang lông.

Yếu tố nguy cơ

Những yếu tố sau có thể tăng nguy cơ mắc viêm nang lông:

Viêm nang lông thường gây ngứa ngáy, khó chịu
Viêm nang lông thường gây ngứa ngáy, khó chịu
  • HIV/AIDS
  • Bệnh đái tháo đường
  • Bệnh bạch cầu mãn tính
  • Viêm gan
  • Một số loại ung thư
  • Mụn trứng cá
  • Viêm da
  • Viêm da tiết bã
  • Dùng thuốc kháng sinh điều trị mụn trứng cá trong thời gian dài
  • Thuốc ức chế miễn dịch
  • Hóa trị
  • Là nam giới có tóc xoăn, thường xuyên cạo râu
  • Ngâm mình trong bồn nước nóng hoặc bơi trong hồ nước nóng không được khử trùng bằng clo đúng cách
  • Mặc quần áo giữ nhiệt và ra nhiều mồ hôi

Triệu chứng viêm lỗ chân lông

Triệu chứng điển hình của viêm lỗ chân lông là xuất hiện các cụm mụn đỏ hoặc mủ trắng, giống như nhọt. Kèm theo đó là cảm giác ngứa và đau nhức dữ dội.

Có hai nhóm viêm lỗ chân lông với nguyên nhân và triệu chứng khác nhau:

Viêm lỗ chân lông nông

Loại này chỉ ảnh hưởng đến một phần nhỏ của nang lông. Viêm lỗ chân lông nhẹ, dễ điều trị và không quá khó chịu.

Hình ảnh viêm lỗ chân lông
Hình ảnh viêm lỗ chân lông nông

Bao gồm:

  • Viêm lỗ chân lông do vi khuẩn

Đây là dạng viêm lỗ chân lông phổ biến, thường do vi khuẩn S. aureus gây ra. Triệu chứng điển hình là các vết sưng, đầy mủ trắng.

  • Viêm lỗ chân lông do tắm bồn nước nóng

Loại này thường xuất hiện dưới dạng phát ban, vết sưng tròn màu đỏ và cực kỳ ngứa. Chúng thường xảy ra 24 – 48 tiếng sau khi tiếp xúc với vi khuẩn Pseudomonas. Vi khuẩn này thường được tìm thấy trong bồn nước nóng và bể nước nóng không được khử trùng bằng clo và cân bằng độ pH.

  • Viêm lỗ chân lông do dao cạo

Loại này còn được gọi là Pseudofolliculitis Barbae. Nguyên nhân là do lông mọc ngược, thường gặp ở mặt và cẳng chân. Điều này phổ biến nhất ở nam giới có mái tóc xoăn và dùng dao cạo quá sát da. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến vùng kín. Loại này có thể để lại sẹo hoặc vết thâm.

  • Viêm lỗ chân lông do nấm

Nguyên nhân gây ra tình trạng này là nấm men. Loại viêm nang lông này gây ra các vết sưng đỏ, có mủ, mãn tính ở lưng, ngực, cổ, vai, bắp tay và đôi khi là mặt.

Viêm lỗ chân lông sâu

Loại này nghiêm trọng hơn, viêm lỗ chân lông nặng và ảnh hưởng đến toàn bộ nang lông.

Hình ảnh viêm nang lông sâu
Hình ảnh viêm nang lông sâu

Bao gồm:

  • Viêm nang lông ở cằm/Sycosis barbae

Thường gặp ở nam giới có thói quen cạo râu, hoặc thanh thiếu niên mới tập cạo râu. Nó gây ra đau rát, cảm giác như bị bỏng.

  • Viêm lỗ chân lông do vi khuẩn Gram (-)

Nguyên nhân là do người bệnh dùng kháng sinh trị mụn trứng cá kéo dài. Triệu chứng là tình trạng mụn trứng cá ngày càng nặng hơn, da nổi sẩn hoặc có áp xe nang lông ở vùng cằm và má.

  • Nhọt và hậu bối

Các triệu chứng trên da và khó chịu xuất hiện khá đột ngột. Điều này là do các đám nhọt hoặc mụn đỏ gây đau do nhiễm trùng tụ cầu khuẩn sâu trong nang lông.

  • Viêm lỗ chân lông tăng bạch cầu ái toan

Loại này có liên quan đến bệnh nhân bị AIDS. Nó gây ra ngứa dữ dội, nổi các mảng mụn lan rộng gần mặt và trên cơ thể.

Cách điều trị viêm lỗ chân lông hiệu quả

Mặc dù nhiều trường hợp viêm lỗ chân lông sẽ tự khỏi trong vòng 1 – 2 tuần nếu người bệnh quản lý tốt. Nhưng nếu không may bị viêm lỗ chân lông nặng hoặc thường tái phát, hãy đi khám để được điều trị hiệu quả.

Điều trị viêm lỗ chân lông tại nhà

Nói chung, để giúp giảm bớt các triệu chứng viêm lỗ chân lông, đồng thời thúc đẩy nang lông nhanh phục hồi, bạn nên:

  • Làm sạch vùng da bị ảnh hưởng. Nên tắm hoặc rửa vùng da đó bằng nước ấm, xà phòng kháng khuẩn, giấm pha loãng…
  • Đối với viêm nang lông do dao cạo, cách điều trị đơn giản chỉ là ngừng dùng dao trong vài ngày hoặc vài tuần.
  • Nếu muốn tẩy lông, bạn có thể áp dụng tẩy lông bằng laser, triệt lông bằng điện phân, dùng dao cạo bằng điện hoặc kem tẩy lông.
  • Khi bị viêm nang lông do tắm bồn nước nóng, bạn không cần điều trị chuyên sâu. Chỉ cần tắm lại bằng nước sạch hoặc ngâm mình trong nước giấm pha loãng.
  • Không dùng chung dao cạo râu, khăn mặt, khăn tắm, đồ lót… với người khác.
  • Chườm ấm lên da có thể giảm ngứa, rút mủ và xoa dịu sự khó chịu. Nên chườm ấm lên da trong tối đa 20 phút. Lặp lại khi cần thiết.
  • Bạn có thể sử dụng một số loại kem bôi, gel hoặc dung dịch vệ sinh ngoài da. Chúng được bán phổ biến tại các hiệu thuốc, có thể mua mà không cần bác sĩ kê đơn.
  • Tránh gãi, chà mạnh vào vùng da bị viêm.
  • Tránh mặc quần áo bó, chật, chất liệu thô ráp.
  • Tránh để da tiếp xúc với các hóa chất và sản phẩm chăm sóc da có thể gây dị ứng.
  • Ngâm mình trong bồn nước tắm pha giấm trắng (tỷ lệ 1 phần giấm với 4 phần nước).
Liệu pháp hương thơm với tinh dầu có thể ứng dụng trong điều trị bệnh ngoài da
Liệu pháp hương thơm với tinh dầu có thể ứng dụng trong điều trị bệnh ngoài da

Bạn cũng có thể áp dụng một số mẹo trị viêm lỗ chân lông tại nhà với tinh dầu như sau:

  • Trộn 4 – 5 giọt dầu tràm trà với dầu gội hoặc sữa tắm cho mỗi lần tắm. Dầu tràm trà giúp chống vi khuẩn trên da, bao gồm cả tụ cầu khuẩn và hầu hết các vi khuẩn Gram (-). Thêm vào đó, nó có khả năng chống nấm tuyệt vời.
  • Trộn 1/2 thìa cà phê bột nghệ với dầu dừa. Thêm một chút nước để tạo thành hỗn hợp sệt. Thoa đều hỗn hợp này lên vùng da bị viêm. Che lại bằng gạc và để qua đêm.
  • Thoa nước cây phỉ (nước chiết witch hazel) lên da bị viêm nhiễm. Hoặc, trộn nó với dầu gội để gội đầu. Nó có thể kháng khuẩn tốt, làm dịu kích ứng, giảm ngứa và viêm.
  • Pha loãng 3 giọt dầu lá neem (sầu đâu) với 1 thìa canh dầu dừa hoặc dầu hạnh nhân. Massage hỗn hợp này lên da bị viêm và các khu vực xung quanh để tiêu diệt vi khuẩn. Để qua đêm hoặc ít nhất 6 – 8 tiếng trước khi rửa lại bằng nước.

Đối với viêm lỗ chân lông vùng kín nam và nữ, người bệnh nên vệ sinh sạch sẽ vùng kín bằng nước muối loãng. Nên mặc đồ lót rộng rãi, thấm hút tốt và thay quần lót sạch mỗi ngày.

Bạn có thể cắt tỉa “cỏ” vùng kín thường xuyên, điều này có lợi cho sức khỏe vùng kín. Tuy nhiên, để hạn chế nguy cơ bị viêm lỗ chân lông, nên tránh dùng dao cạo sát vào da. Triệt lông bằng laser được khuyến nghị vì có tính an toàn hơn.

Những nam giới có thói quen cạo râu bằng dao cạo, hãy lưu ý những điều sau:

  • Không cạo râu quá thường xuyên.
  • Rửa mặt và vùng cần cạo bằng nước ấm với xà phòng kháng khuẩn trước khi cạo râu.
  • Sử dụng một lượng kem cạo râu vừa đủ.
  • Cạo theo hướng mọc của sợi râu.
  • Không nên dùng lực mạnh hoặc cạo quá sát da.
  • Sử dụng lưỡi dao cạo sắc, rửa dao trước và sau khi cạo.
  • Thoa kem dưỡng ẩm sau khi cạo râu.
  • Tránh dùng chung dao cạo và khăn lau với người khác.

Thuốc trị viêm lỗ chân lông

Các trường hợp viêm nang lông nhẹ (do vi khuẩn) thường được xử lý tốt bằng các loại thuốc kháng sinh không kê đơn dạng rửa ngoài da 2 lần/ngày như:

  • Benzoyl peroxide (Proactiv hoặc Clearisil)
  • Chlorhexidine (Hibiclens)
  • Phisoderm
Vừa rửa, vừa dùng thuốc bôi ngoài da sẽ mang lại hiệu quả điều trị viêm lỗ chân lông cao
Vừa rửa, vừa dùng thuốc bôi ngoài da sẽ mang lại hiệu quả điều trị viêm lỗ chân lông cao

Người bệnh cũng có thể ngâm vùng da bị ảnh hưởng trong bồn tắm với thuốc tẩy Clorox loãng (¼ cốc thuốc tẩy Clorox pha với bồn tắm nhiều nước).

Viêm nang lông nặng (do vi khuẩn) có thể cần kết hợp trong uống ngoài bôi và rửa da với thuốc kháng sinh 2 lần/ngày. Một số thuốc kháng sinh dùng cho trường hợp này bao gồm:

  • Kem bôi Clindamycin
  • Kem bôi Metronidazole
  • Thuốc kháng sinh đường uống, như Cephalexin, Dicloxacillin, Minocycline, Ciprofloxacin hoặc Levofloxacin, liều dùng từ 5 – 30 ngày

Viêm nang lông do nấm da hoặc nấm men thường được điều trị bằng dầu gội hoặc sữa tắm chống nấm, như Ketoconazole, 2 lần/ngày.

Các trường hợp nặng hơn cần kết hợp bôi kem chống nấm Miconazole (Lotrimin) hoặc Terbinafine (Lamisil) với thuốc uống chống nấm như Fluconazole (Diflucan).

Tăng sắc tố trên da bị viêm nang lông có thể được điều trị bằng các loại kem trị nám kê đơn, như Hydroquinone 4%, Axit kojic và Axit azelaic 15% – 20%. Kem trị nám không cần kê đơn như Hydroquinone 2% (Porcelana) cũng có thể có hiệu quả.

Chữa viêm lỗ chân lông bằng Đông y

Đông y cho rằng viêm lỗ chân lông là do hỏa độc, nhiệt độc. Những tác nhân này gây ra các triệu chứng bì phù, tấu lý kèm theo khối sưng đỏ, đau, bỏng rát, tạo mủ trên da. Những người thường bị viêm nang lông tái phát là do có cơ địa dị ứng nhiễm trùng, hay còn gọi là cơ địa huyết nhiệt.

Viêm nang lông theo Đông y được chia làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ sử dụng các bài thuốc, phương pháp khác nhau.

Đông y có thể trị viêm nang lông từ căn nguyên
Đông y có thể trị viêm nang lông từ căn nguyên

Giai đoạn viêm nhiễm

  • Thuốc đắp: Rửa sạch lá cúc hoa trắng, giã nhuyễn với chút muối. Đắp thuốc này lên mụn nhọt.
  • Thuốc uống: Dùng bài thuốc Giải thử thang gia giảm với các vị thuốc kim ngân, thạch cao, xích thược, đạm trúc diệp, liên kiều, lá sen.
  • Châm cứu: Tác động các huyệt Ôn lưu, Hạ cự hư, Hợp cốc, A thị xung quanh mụn.

Giai đoạn hóa mủ

  • Thuốc đắp: Giã nhuyễn cây móng tay, đất lòng bếp và củ chuối hột với chút muối. Đắp thuốc này lên da bị mụn mủ.
  • Thuốc uống: Sắc các vị thuốc hoàng cầm, kim ngân hoa, gai bồ kết, liên kiều, trần bì, cam thảo, bồ công anh, bối mẫu, cam thảo với nước. Uống 1 thang/ngày.
  • Thuốc ngâm rửa: Cho lá kinh giới, lá trầu không hoặc sầu đâu vào nồi nước, đun sôi. Chờ nước nguội rồi dùng nước này để ngâm rửa.

Giai đoạn vỡ mủ

  • Thuốc đắp: Giã nát lá lốt, lá đuôi chồn, lá canh trâu, lá mã đề, cải hôi, củ nghệ, lá nghệ. Đắp thuốc này lên da viêm.
  • Thuốc uống: Dùng bài thuốc Bát trân thang gia giảm với các vị thuốc bạch truật, thục địa, đảng sâm, bạch thược, đương quy, đại táo, cam thảo, bạch linh, hoàng kỳ.

Để phòng ngừa viêm lỗ chân lông tái phát, người bệnh có thể áp dụng thêm các bài thuốc thanh nhiệt lương huyết và thanh nhiệt giải độc.

Trị viêm nang lông bằng Đông y khá an toàn, ít tác dụng phụ nhưng cần áp dụng lâu dài.

Người bệnh cũng nên thăm khám tại cơ sở Đông y uy tín, không nên tự bốc thuốc hoặc mua thuốc Bắc/thuốc Nam trôi nổi trên thị trường.

Các phương pháp điều trị khác

Ngoài những phương pháp phổ biến trên, còn một số cách khác có thể áp dụng cho điều trị viêm lỗ chân lông.

Bao gồm:

  • Điều trị viêm nang lông bằng laser
  • Tiểu phẫu (áp dụng khi có nhọt lớn hoặc nhọt độc) có thể loại bỏ nang lông vĩnh viễn, nhưng rất tốn kém và có thể để lại sẹo, khiến da đổi màu
  • Liệu pháp ánh sáng hoặc liệu pháp quang động giúp cải thiện các triệu chứng viêm nang lông sâu

Viêm lỗ chân lông kiêng ăn gì? Nên ăn gì?

Chế độ ăn uống có tác động sau sắc tới sức khỏe của làn da. Sau đây là những lời khuyên về chế độ ăn uống có thể giúp tăng cường hiệu quả điều trị viêm lỗ chân lông.

Nên duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh ngay cả khi bạn khỏe mạnh
Nên duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh ngay cả khi bạn khỏe mạnh

Viêm lỗ chân lông nên ăn gì?

Những thực phẩm lành mạnh, chứa chất chống oxy hóa, có khả năng chống viêm, giảm đau tự nhiên… thường được khuyên dùng khi điều trị các bệnh da liễu.

Bao gồm:

  • Rau xanh và các thực phẩm có màu vàng, cam, như ớt chuông, rau cải, cà chua, cam quýt… có thể tăng cường, thúc đẩy miễn dịch tự nhiên.
  • Uống 8 – 10 cốc nước mỗi ngày.
  • Ăn nhiều thực phẩm cân bằng GLA (axit gamma-linolenic) và axit béo omega-3. GLA là một axit béo omega-6 giúp thúc đẩy sự phát triển khỏe mạnh của da, tóc và móng. Nó có trong dầu hoa anh thảo, dầu lý chua đen và dầu hạt hoa lưu ly. Tăng lượng axit béo omega-3 bằng cách ăn nhiều cá hồi, cá mòi, hạt lanh hoặc quả óc chó.
  • Một số loại gia vị và thảo dược cũng có thể hỗ trợ viêm lỗ chân lông, như tỏi, xô thơm, oải hương, dầu cam bergamot…
  • Chế độ ăn giàu vitamin B, như các loại thịt, cá, trứng, sữa…
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C, như các loại cam quýt, rau lá xanh đậm, ớt chuông, cà chua, quả mọng…

Viêm lỗ chân lông nên kiêng ăn gì?

Bạn nên loại bỏ hoặc tránh các thực phẩm gây viêm trong bữa ăn mỗi ngày. Điều này không chỉ giúp ích cho điều trị viêm nang lông, mà còn có lợi cho sức khỏe tổng thể.

Bao gồm:

  • Thực phẩm nhiều đường, siro có fructose cao, như soda, bánh kẹo, bánh rán…
  • Chất béo chuyển hóa có trong các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, bánh ngọt…
  • Dầu thực vật có hàm lượng axit béo omega-6 quá cao, như dầu đậu nành hoặc dầu lạc
  • Carbohydrate tinh chế trong bánh mì, mì tôm, bánh kẹo, ngũ cốc chế biến, bánh quy…
  • Đồ uống có cồn, như rượu, rượu vang, bia, cocktail
  • Thịt chế biến sẵn, bao gồm xúc xích, thịt hun khói, các loại thịt sấy như khô bò, khô gà…

Trên đây là những thông tin cơ bản về viêm lỗ chân lông. Tuy không phải là một bệnh gây tử vong, nhưng viêm nhiễm tái phát có thể lan rộng gây ra nhiều sự bất tiện.

Nhọt có thể phát triển dưới da và gây ra những tổn thương vĩnh viễn trên da. Điều này có thể bao gồm sẹo, nám và rụng tóc vĩnh viễn. Bởi vậy, hãy xác định nguyên nhân gây viêm nang lông và tiến hành điều trị sớm để tránh những nguy cơ kể trên.

4.3/5 - (11 bình chọn)

Bài thuốc An Bì Thang hiện đang được phân phối độc quyền tại Trung tâm Da liễu Đông y Việt Nam. Hàng ngàn người đã và đang sử dụng bộ sản phẩm này. Họ đánh giá sao về bài thuốc?

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *