Trẻ sơ sinh 1-6 tháng tuổi bị táo bón phải làm sao?
Nội dung bài viết
Trẻ sơ sinh 1-6 tháng tuổi bị táo bón là tình trạng không phổ biến nhưng có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Do đó, cha mẹ hoặc người chăm sóc nên tìm hiểu các thông tin cần thiết về tình trạng này để có biện pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Tại sao trẻ sơ sinh 1-6 tháng tuổi bị táo bón?
Táo bón ở trẻ sơ sinh không phổ biến, đặc biệt là ở trẻ bú sữa mẹ. Tuy nhiên, đôi khi trẻ có thể gặp khó khăn trong nhu động ruột và dẫn đến các triệu chứng khó đi ngoài hoặc táo bón.
Trẻ bú mẹ rất hiếm khi bị táo bón, bởi vì sữa mẹ rất bổ dưỡng và dễ tiêu hóa. Trên thực thế, sữa mẹ cũng được xem là một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên, an toàn và lành mạnh cho trẻ em từ 1 đến 6 tháng tuổi.
Trẻ bú sữa công thức thường có xu hướng dễ bị táo bón hơn, bởi vì sữa công thức thường khó tiêu hóa hơn sữa mẹ. Điều này khiến phân trở nên khô, cứng, có kích thước to và khó đi ra khỏi hậu môn. Đặc biệt khi chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức, trẻ sơ sinh 1-6 tháng tuổi có nguy cơ bị táo bón cao hơn, do hệ thống tiêu hóa cần thời gian để điều chỉnh hoạt động.
Do đó, nếu trẻ bú sữa công thức, điều quan trọng là thực hiện pha sữa theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Bên cạnh đó, không pha quá nhiều bột sữa, tránh tình trạng mất nước và táo bón.
Bên cạnh đó, mất nước có thể là một trong các nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh 1-6 tháng tuổi bị táo bón. Khi cơ thể mất nước, phân có thể trở nên khô, cứng, dẫn đến tình trạng khó đi đại tiện và gây táo bón. Các dấu hiệu mất nước ở trẻ sơ sinh bao gồm khô miệng, thóp trũng, ít đi tiểu, nước tiểu màu vàng sẫm, hôn mê hoặc ngủ thường xuyên hơn.
Ngoài ra, đôi khi tình trạng trẻ sơ sinh 1-6 tháng tuổi bị táo bón có thể liên quan đến nhiều bệnh lý trong cơ thể, chẳng hạn như các rối loạn hệ thống tiêu hóa của bé. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ ảnh hưởng đến duối 5% các trường hợp và được chẩn đoán cũng như điều trị dễ dàng bởi bác sĩ chuyên môn. Do đó, nếu trẻ có dấu hiệu táo bón nghiêm trọng hoặc rối loạn tiêu hóa, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.
Dấu hiệu trẻ sơ sinh 1-6 tháng tuổi bị táo bón
Trẻ sơ sinh bị táo bón thường không có các dấu hiệu nhận biết rõ ràng. Do đó, điều quan trọng là cha mẹ cần lưu ý tần suất đi đại tiện của trẻ để xác định sự thay đổi nhu động ruột và thói quen đại tiện của trẻ.
Một số trẻ bị táo bón có thể có biểu hiện giống như đang rặn khi đi đại tiện. Điều này khiến các cơ bụng của trẻ trở nên săn chắc trong quá trình đi đại tiện. Bên cạnh đó, trẻ cũng dành nhiều thời gian hơn để nằm ngửa, cong lưng và khó chịu mỗi khi có nhu động ruột.
Bên cạnh đó, một số dấu hiệu khác có thể bao gồm:
- Bụng săn chắc, cứng, căng tròn
- Phân cứng
- Khó khi đi đại tiện
- Không muốn bú sữa
- Phân có máu hoặc có các tia máu dính trên tã lót, quần
- Khóc nhiều hơn bình thường
- Khi đi đại tiện có xu hướng cong lưng và siết chặt các cơ ở mông
Nếu trẻ sơ sinh 1-6 tháng tuổi bị táo bón, cha mẹ hoặc người chăm sóc nên liên hệ với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể các biện pháp khắc phục an toàn. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh có cơ bụng yếu và hệ thống tiêu hóa chưa hoàn thiện, vì vậy tránh sử dụng thuốc cho trẻ khi không nhận được chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
Trẻ sơ sinh 1-6 tháng tuổi bị táo bón phải làm sao?
Nếu nhận thấy trẻ có dấu hiệu bị táo bón, cha mẹ hoặc người chăm sóc có thể tham khảo một số cách khắc phục an toàn, tại nhà như:
1. Thay đổi loại sữa
Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn, người mẹ có thể tham khảo cách điều chỉnh chế độ ăn uống để cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ. Trẻ có thể nhạy cảm với các loại thực phẩm mẹ tiêu thụ và dẫn đến các triệu chứng táo bón, mặc dù điều này không phổ biến và không được khoa học chứng minh.
Cụ thể, người mẹ nuôi con bằng sữa mẹ có thể tham khảo một số loại thực phẩm như:
- Thực phẩm giàu chất xơ như lê, táo, mận, dâu tây, bơ, mâm xôi, chuối chín, củ cải đường, bông cải xanh, các loại đậu và các loại rau lá màu xanh đậm.
- Bổ sung trái cây tươi và nước ép trái cây như mơ, việt quất, nho, kiwi, đu đủ, đào,…
- Tăng cường các loại ngũ cốc như lúa mạch, gạo lứt, yến mạch, lúa mì.
- Bổ sung các loại hạt như óc chó, hạt chia, hạt lanh, thìa là, quả hồ đào, hạnh nhân.
- Uống nhiều nước và các chất lỏng khác.
Trẻ bú sữa công thức có thể cần thay đổi loại sữa để cải thiện các triệu chứng táo bón, hoặc ít nhất là đến khi các triệu chứng táo bón được cải thiện. Nhạy cảm với một số thành phần của sữa có thể dẫn đến táo bón. Bên cạnh đó, luôn luôn trao đổi với người có chuyên môn trước khi thay đổi loại sữa công thức mới cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Bên cạnh đó, không nên cho trẻ uống sữa bò hoặc các loại sữa động vật khác. Các loại protein có trong sữa có thể gây kích ứng hệ thống tiêu hóa, khó tiêu và khiến tình trạng táo bón trở nên nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh từ 1 – 6 tháng tuổi không cần bổ sung bất cứ loại thực phẩm rắn nào ngoại trừ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Tham khảo thêm: Trẻ sơ sinh bị táo bón mẹ nên ăn gì cho bú thì tốt?
2. Xoa bóp và vận động
Vận động và xoa bóp có thể hỗ trợ điều trị tình trạng trẻ sơ sinh 1-6 tháng tuổi bị táo bón. Cha mẹ có thể nhẹ nhàng di chuyển hai chân của bé mô phỏng theo động tác đạp xe đạp. Điều này có thể hỗ trợ thư giãn các cơ và giúp trẻ đi đại tiện dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, xoa bóp nhẹ ở vùng bụng của trẻ vài lần mỗi ngày cũng có thể kích thích hệ thống tiêu hóa, kích thích nhu động ruột và giúp trẻ đi ngoài dễ dàng hơn.
3. Tăng cường lượng nước trong cơ thể
Trẻ sơ sinh 1-6 tháng tuổi bị táo bón có thể là do thiếu nước. Do đó, tăng cường lượng chất lỏng trong cơ thể có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.
Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn, mẹ có thể cho trẻ bú nhiều lần hơn mỗi ngày. Nếu trẻ bú sữa công thức, có thể cho trẻ uống thêm nước riêng ở giữa các lần bú. Không nên thêm nước hoặc bớt lượng bột sữa, điều này có thể khiến trẻ không được các chất dinh dưỡng cần thiết.
Nếu trẻ trên 4 tháng, cha mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về các loại nước ép trái cây, chẳng hạn như mận, lê, táo, để cải thiện tình trạng táo bón. Không cho trẻ uống nhiều hơn 50 ml nước trái cây mỗi ngày và trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Trẻ sơ sinh 1-6 tháng tuổi bị táo bón khi nào cần đến bệnh viện?
Đến bệnh viện hoặc thông báo cho bác sĩ nhi khoa nếu trẻ sơ sinh 1 – 6 tháng tuổi không đi đại tiện trong 2 – 3 ngày liên tục và có các dấu hiệu như:
- Có máu trong phân
- Trẻ dễ nổi giận, khóc, cáu gắt
- Bé có dấu hiệu đau bụng
- Tình trạng táo bón không được cải thiện sau khi áp dụng các biện pháp tại nhà
Mặc dù không phổ biến nhưng bác sĩ có thể đề nghị bé sử dụng các loại thuốc nhuận tràng, thuốc bơm hậu môn hoặc thuốc đạn để cải thiện các triệu chứng. Không sử dụng các loại thuốc này cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi nếu không nhận được chỉ định của bác sĩ.
Trẻ sơ sinh 1-6 tháng tuổi bị táo bón là tình trạng không phổ biến và có thể cải thiện bằng cách thay đổi loại sữa, xoa bóp hoặc vận động thường xuyên. Tuy nhiên nếu tình trạng táo bón trở nên nghiêm trọng hoặc không được cải thiện sau khi áp dụng các biện pháp tại nhà, cha mẹ và người chăm sóc nên đưa trẻ đến bệnh viện để được tham vấn y tế.
Có thể bạn quan tâm: Trẻ 6 tháng – 1 tuổi bị táo bón và cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!