Sốc phản vệ là gì? Cơ chế, triệu chứng, cách xử lý
Nội dung bài viết
Sốc phản vệ xảy ra trong một vài giây hoặc một vài phút sau khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Tình trạng này là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng và có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, người bệnh cần tìm hiểu một số thông tin cơ bản để có kế hoạch xử lý, phòng ngừa phù hợp.
Sốc phản vệ là gì?
Đối với một số người bệnh dị ứng nghiêm trọng, việc tiếp xúc với các chất gây dị ứng có thể dẫn đến phản ứng đe dọa đến tính mạng. Điều này được gọi là sốc phản vệ. Nguy cơ sốc phản vệ tăng lên nếu người bệnh bị hen suyễn nặng hoặc không được điều trị phù hợp. Một số tình trạng y tế, chẳng hạn như bệnh tim cũng có thể làm tăng nguy cơ sốc phản vệ.
Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, diễn ra nhanh chóng khi cơ thể tiếp xúc với nọc độc côn trùng, một số loại thức ăn hoặc một số loại thuốc nhất định. Hầu hết các trường hợp, sốc phản vệ thường là do ong đốt hoặc sử dụng thực phẩm đã dị ứng từ trước, chẳng hạn như đậu phộng và một số loại hạt.
Sốc phản vệ khiến cơ thể tiết ra một số lượng lớn các chất hóa học. Điều này có thể khiến cơ thể bị sốc, huyết áp giảm đột ngột và đường thở bị thu hẹp, dẫn đến tắt thở. Các dấu hiệu đặc trưng bao gồm mạch đập nhanh, cảm thấy yếu ớt, mệt mỏi, phát ban trên da, buồn nôn và nôn.
Hầu hết các trường hợp, sốc phản vệ có thể được cải thiện bằng Epinephrine trong vài phút. Người bệnh có thể sử dụng Epinephrine để ngăn ngừa các nguy cơ gây đe dọa đến tính mạng, sau đó đến bệnh viện ngay lập tức. Loại thuốc này có sẵn dưới dạng tiêm bắp và có thể sử dụng dễ dàng. Do đó, người có tiền sử dị ứng nghiêm trọng nên trao đổi với bác sĩ về việc giữ vài liều Epinephrine bên người.
Sốc phản vệ rất hiếm khi xảy ra và hầu hết người bệnh đều đáp ứng các phương pháp điều trị. Tuy nhiên điều quan trọng là trao đổi với bác sĩ nếu người bệnh bị dị ứng thuốc hoặc có các bệnh lý cần điều trị y tế, bao gồm các bệnh răng miệng, nướu răng hoặc viêm nha chu. Ngoài ra, người bệnh dị ứng nghiêm trọng cũng nên thông báo cho người thân hoặc mang vòng tay cảnh báo y tế về bệnh dị ứng.
Cơ chế bệnh sinh sốc phản vệ
Cơ chế sốc phản vệ bao gồm ba giai đoạn, bao gồm: Mẫn cảm, hóa sinh bệnh, sinh lý bệnh. Cụ thể các giai đoạn như sau:
1. Giai đoạn một: Mẫn cảm
Giai đoạn này bắt đầu từ khi cơ thể tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng. Hoặc mẫn cảm có thể bắt đầu khi cơ thể chuyển hóa một số chất trung gian của sulfamide và penicilline. Dị nguyên có thể đi vào cơ thể thông qua đường hô hấp (hít thở), ăn uống, tiếp xúc qua da, hô hấp (hít thở) hoặc truyền tĩnh mạch.
Khi vào cơ thể, dị nguyên này sẽ gặp đại thực bào (tế bào A). Các tế bào A được lập trình để chống lại các dị nguyên, chuyển các thông tin di truyền qua hệ ARN (axit ribonucleit) và tiết ra chất intecleukin 1 (IL1). Chất IL1 có nhiệm vụ hoạt hóa tế bào TCD4, TCD4, sau khi được hoạt hoá, có sự tham gia của các phức hợp tương hợp tổ chức chuyển lớp 1 và 2 (Major histocompatibility complex class 1 và 2), tác động đến thứ lớp của TCD4 là TH1 và TH2.
Đối với trường hợp sốc phản vệ do thuốc (chẳng hạn như penicillin), sốc phản vệ có vai trò rõ rệt của TH2 tham gia cùng IL4 và IL5, dẫn đến sự sản sinh của IgE. Các kháng thể IgE từ các tế bào plasma (plasmocyte: tương bào) sẽ đi qua màng tương bào và bám vào bề mặt mastocyte (dưỡng bào). Đây là đánh dấu kết thúc giai đoạn thứ nhất.
2. Giai đoạn hai: Hóa sinh bệnh
Trong giai đoạn này các dị nguyên dị ứng kết hợp với phân tử IgE và giải phóng nhiều loại hoạt chất trung gian, chẳng hạn như histamine, bradykinin, serotonin, prostaglandin D2, các leucotrien (D4, B4),….
3. Giai đoạn ba: Sinh lý bệnh
Trong giai đoạn này, các hoạt chất tiết ra trong quá trình phản ứng sẽ làm giãn động mạch lớn, dẫn đến hạ huyết áp, co thắt dạ dày, tá tràng gây ra các cơn đau ở vùng bụng, co thắt phế quản gây khó thở, co thắt các động mạch não gây đau đầu, choáng váng hoặc hôn mê.
Các nghiên cứu cho biết, một số chất trung gian trong cơ chế sốc phản vệ có thể làm tăng tính thấm mao quản và tính nhạy cảm của phế quản. Điều này có thể dẫn đến một số tác động như:
Co thắt phế quản, phù nề thanh quản, tăng tiết dịch, gây hẹp đường hô hấp, giảm thông khí phế nang và gây suy hô hấp cấp.
Giãn tĩnh mạch ngoại biên, tăng tính thấm của thành mạch thoái vị và dẫn đến giảm thể tích tuần hoàn gây giảm cung lượng tim và tụt huyết áp.
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết sốc phản vệ
Các triệu chứng phản vệ thường xảy ra trong vòng vài phút sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Tuy nhiên, đôi khi, các triệu chứng có thể xảy ra sau nửa giờ hoặc lâu hơn sau khi tiếp xúc.
Các dấu hiệu đầu tiên của phản ứng phản vệ có thể giống như các triệu chứng dị ứng điển hình, chẳng hạn như:
- Chảy nước mũi hoặc phát ban trên da
- Nổi mề đay, ngứa, sưng hoặc đỏ da
- Cổ họng bị sưng hoặc ngứa, giọng nói khàn, khó nuốt, đau thắt cổ họng
- Lo lắng, bồn chồn hoặc hốt hoảng
- Khó thở, phù nề thanh khí quản
- Ho khan, thở khò khè, đau, ngứa hoặc tức ngực
- Nhịp tim nhanh, suy tim cấp, ngất xỉu, chóng mặt, mất ý thức hoặc suy nhược nghiêm trọng
- Nôn mửa, tiêu chảy hoặc chuột rút
- Chảy nước mũi hoặc phát ban trên da
- Trụy mạch
Thời gian diễn tiến các triệu chứng có thể từ vài giây đến khoảng 30 phút. Tốc độ diễn tiến càng nhanh, tình trạng bệnh càng nghiêm trọng và tiên lượng càng xấu.
Một số người bệnh có thể cảm nhận thấy gần như đang chết đi. Theo thống kê, cứ 5 người thì có 1 người có phản ứng sốc phản vệ lần thứ hai trong vòng 12 giờ. Điều này được gọi là sốc phản vệ 2 pha.
Sốc phản vệ cần được tiêm Epinephrine và kiểm tra tại phòng cấp cứu. Nếu không có sẵn Epinephrine, người bệnh cần đến phòng cấp cứu ngay lập tức. Nếu không được điều trị ngay lập tức, sốc phản vệ có thể gây tử vong.
Nguyên nhân gây sốc phản vệ
Hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra các kháng thể chống lại các chất lạ trong cơ thể. Điều này nhằm bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại, chẳng hạn như vi khuẩn hoặc một số loại virus nhất định. Tuy nhiên hệ thống miễn dịch của một số người có thể phản ứng quá mức với các chất bình thường, không gây hại cho cơ thể.
Hầu hết các triệu chứng dị ứng thường không đe dọa đến tính mạng, tuy nhiên các phản ứng nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc phản vệ. Đối với những người chưa từng dị ứng hoặc sốc phản vệ, nguy cơ gặp tình trạng này sau khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng.
Các tác nhân gây sốc phản vệ phổ biến nhất thường bao gồm:
1. Nguyên nhân cơ bản
Sốc phản vệ xảy ra khi bạn có một loại kháng thể, một thứ thường chống lại nhiễm trùng, phản ứng quá mức với một thứ vô hại như thức ăn. Nó có thể không xảy ra lần đầu tiên bạn tiếp xúc với trình kích hoạt, nhưng nó có thể phát triển theo thời gian.
Ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất là do dị ứng thức ăn. Đối với người lớn, nguyên nhân chính thường là do thuốc.
Các loại thực phẩm có thể dẫn đến kích thích ở trẻ em bao gồm:
- Đậu phộng
- Động vật có vỏ
- Cá
- Sữa
- Trứng
- Đậu nành
- Lúa mì
Các yếu tố kích thích thực phẩm gây kích ở người lớn phổ biến bao gồm:
- Động vật có vỏ
- Một số loại hạt chẳng hạn như quả óc chó, hạt phỉ, hạt điều, quả hồ trăn, hạt thông và hạnh nhân
- Đậu phộng
Đôi khi một số người có thể nhạy cảm đến mức chỉ cần ngửi mùi thức ăn cũng có thể gây phản ứng. Ngoài ra người bệnh cũng bị dị ứng với một số chất bảo quản trong thực phẩm.
Các loại thuốc thường gây kích ứng dẫn đến sốc phản vệ bao gồm:
- Kháng sinh Penicillin, nguy cơ sốc phản vệ sau khi tiêm cao hơn khi dùng đường uống
- Thuốc giãn cơ, chẳng hạn như thuốc được dùng để gây mê
- Thuốc chống viêm không steroid như Aspirin, ibuprofen và một số loại NSAID khác
- Thuốc chống động kinh
Sốc phản vệ cũng có thể được kích hoạt bởi một số nguyên nhân không phổ biến khác. Các nguyên nhân này có thể bao gồm:
- Phấn hoa hoặc các loại thực vật có mùi thơm
- Vết đốt hoặc vết cắn từ ong, ong bắp cày, ong Yellow Jacket và kiến lửa
- Cao su, thường bao gồm găng tay bệnh viện, bóng bay và dây thun, một số người có thể bị phản ứng phản vệ nếu hít phải nhựa cao su
Ngoài ra, một số người có thể có phản ứng khi có sự kết hợp của nhiều tác nhân:
- Hít thở phấn hoa bạch dương và ăn táo, ăn khoai tây sống, cà rốt, cần tây hoặc hạt phỉ
- Hít thở phấn hoa ngải cứu và ăn cần tây, táo, đậu phộng hoặc kiwi
- Hít phấn hoa cỏ phấn hương và ăn dưa hoặc chuối
- Chạm vào nhựa cây và ăn đu đủ, hạt dẻ hoặc kiwi
Mặc dù không phổ biến nhưng tập thể dục ngay sau khi tiếp xúc với một số chất kích thích khác, chẳng hạn như sau khi ăn thức ăn gây kích thích, có thể dẫn đến sốc phản vệ.
Phản ứng phản vệ thường bắt đầu trong vòng vài phút sau khi tiếp xúc với chất kích hoạt, nhưng đôi khi tình trạng này có thể xảy ra sau đó một giờ hoặc hơn.
Một số người không bao giờ tìm ra nguyên nhân gây ra phản ứng của họ.
Nếu người bệnh không xác định được nguyên nhân kích hoạt tình trạng dị ứng, hãy đến bệnh viện để được xét nghiệm và có biện pháp xử lý phù hợp. Một số xét nghiệm có thể xác định các chất gây dị ứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các chất gây sốc phản vệ có thể không xác định được (sốc phản vệ vô căn).
2. Các yếu tố rủi ro
Không có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến sốc phản vệ. Tuy nhiên một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ này, bao gồm:
- Đã từng sốc phản vệ trong quá khứ: Nếu người bệnh đã từng sốc phản vệ trong quá khứ thì nguy cơ tái sốc phản vệ tương đối cao. Các phản ứng trong tương lai có thể nghiêm trọng hơn so với các phản ứng đầu tiên.
- Dị ứng hoặc hen suyễn: Một số người có một hoặc hai tình trạng này có nguy cơ sốc phản vệ cao hơn những người khác.
- Một số điều kiện khác chẳng hạn như bệnh tim, sự tích tụ bất thường của các tế bào bạch cầu nhất định (chứng tăng sản bạch cầu).
Chẩn đoán sốc phản vệ như thế nào?
Người bệnh sẽ được chẩn đoán là bị sốc phản vệ nếu xuất hiện các triệu chứng như:
- Rối loạn tâm thần
- Sưng họng
- Suy nhược cơ thể hoặc chóng mặt
- Nhịp tim nhanh hoặc bất thường
- Sưng mặt
- Nổi mề đay
- Huyết áp thấp
- Thở khò khè
Để chẩn đoán tình trạng sốc phản vệ, bác sĩ có thể hỏi các câu hỏi về phản ứng dị ứng trong quá khứ, bao gồm cả các tiền sử dị ứng, chẳng hạn như:
- Các loại thức ăn
- Thuốc
- Nhựa cao su
- Các loại côn trùng
Bên cạnh đó, để hỗ trợ chẩn đoán, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm chẩn đoán, chẳng hạn như:
- Xét nghiệm máu để đo lượng men nhất định (tryptase) thường tăng cao trong vòng 3 giờ sau khi bị sốc phản vệ.
- Kiểm tra dị ứng bằng cách xét nghiệm da hoặc xét nghiệm máu để xác định các nguyên nhân gây dị ứng
Cách xử lý khi bị sốc phản vệ
Sốc phản vệ là một tình trạng cấp cứu cần được xử lý ngay lập tức để tránh gây đe dọa đến tính mạng. Bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp xử lý chẳng hạn như cải thiện hệ thống hô hấp, bổ sung oxy, truyền tĩnh mạch và theo dõi diễn tiến của người bệnh. Cụ thể các biện pháp xử lý, điều trị tình trạng sốc phản vệ thường bao gồm:
- Epinephrine (adrenaline) có thể giảm phản ứng dị ứng của cơ thể
- Truyền Oxy để cải thiện khả năng hô hấp
- Thuốc kháng histamine và cortisone tiêm tĩnh mạch (IV) để giảm viêm đường dẫn khí và cải thiện hô hấp
- Thuốc chủ vận beta (chẳng hạn như albuterol) để làm giảm các triệu chứng ở đường hô hấp
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các trường hợp, cách xử lý như sau:
1. Trong trường hợp khẩn cấp
Nếu ở cạnh người bệnh có dấu hiệu sốc với các dấu hiệu như da nhợt nhạt, cơ thể lạnh, da sần sùi, mạch đập yếu hoặc nhanh, khó thở, lú lẫn, mất ý thức, bạn cần thực hiện các bước sau:
- Gọi ngay cho cấp cứu 115 hoặc trợ giúp y tế khẩn cấp
- Sử dụng ống tiêm epinephrine tự động bằng cách ấn vào đùi của người bệnh
- Đảm bảo người bệnh đang nằm và kê cao chân
- Kiểm tra mạch đập, nhịp thở, nếu cần thiết hãy thực hiện hô hấp nhân tạo hoặc các kỹ năng sơ cứu khác (nếu bạn có kỹ năng)
Những người bệnh dị ứng hoặc có tiền sử sốc phản vệ nên mang theo ít nhất là 1 hoặc 2 liều epinephrin bên người. Ngoài ra, epinephrin hết hạn sau khoảng 1 năm. Do đó, thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng của thuốc và không sử dụng thuốc hết hạn để tránh các rủi ro khác.
Khi nhân viên y tế đến, bác sĩ có thể tiêm thêm epinephrine cho người bệnh. Nếu người bệnh không thở được, bác sĩ có thể đặt một ống xuống miệng hoặc mũi hỗ trợ khả năng hô hấp. Nếu các biện pháp không hiệu quả, bác sĩ có thể thực hiện một loại phẫu thuật gọi là mở khí quản để đặt trực tiếp ống thở vào khí quản của người bệnh.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể được cho sử dụng thuốc kháng histamine và steroid trên đường di chuyển đến bệnh viện. Ngoài ra, người bệnh có thể cần đến phòng cấp cứu để ngăn ngừa tình trạng sốc phản vệ 2 pha.
Sau quá trình sơ cứu và xử lý, người bệnh sẽ được đề nghị đến gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng, đặc biệt là khi người bệnh không thể xác định được nguyên nhân gây phản ứng. Điều này vô cùng quan trọng để tránh các phản ứng kích ứng có thể gây đe dọa đến tính mạng trong tương lai.
2. Biện pháp điều trị lâu dài
Sốc phản vệ có thể tái phát nếu người bệnh tiếp xúc với các dị nguyên gây kích ứng. Do đó, thực hiện các biện pháp điều trị lâu dài là cách tốt nhất để phòng ngừa các rủi ro và làm giảm các phản ứng dị ứng của cơ thể.
Mặc dù, trong hầu hết các trường hợp, không có cách nào có thể điều trị tình trạng hệ thống miễn dịch tiềm ẩn có thể gây sốc phản vệ. Tuy nhiên, người bệnh có thể thực hiện một số bước để ngăn ngừa tình trạng sốc phản vệ nghiêm trọng trong tương lai và hạn chế tối đa các rủi ro. Các biện pháp bao gồm:
- Xác định các tác nhân gây dị ứng và tránh tiếp xúc.
- Mang theo epinephrine tiêm tự động bên người. Trong cơn sốc phản vệ, người bệnh có thể tự dùng thuốc bằng cách ấn vào đùi.
- Đeo vòng tay cảnh báo y tế về tình trạng dị ứng để nhờ sự trợ giúp từ những người xung quanh.
Sốc phản vệ là một tình trạng nghiêm trọng, có thể gây tắc thở và dẫn đến tử vong. Đôi khi người bệnh có thể bị viêm đường hô hấp hoặc đau tim, tăng nguy cơ đột quỵ và tử vong. Do đó, những người dị ứng nghiêm trọng hoặc có tiền sử sốc phản vệ nên đến bệnh viện để được hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Biện pháp phòng ngừa tình trạng sốc phản vệ
Cách tốt nhất để ngăn ngừa sốc phản vệ là tránh các chất gây ra phản ứng nghiêm trọng này. Bên cạnh đó, người bệnh có thể lưu ý một số vấn đề, chẳng hạn như:
- Đeo vòng cổ hoặc vòng tay cảnh báo y tế để giúp người khác biết tình trạng dị ứng với các loại thuốc cụ thể hoặc các chất khác.
- Giữ một hoặc hai liều epinephrine tiêm tự động hoặc các loại thuốc chống dị ứng khẩn cấp khác theo đề nghị của bác sĩ bên người. Thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng của thuốc và đổi thuốc trước khi thuốc hết hạn.
- Thông báo cho người thân, bạn bè, bác sĩ hoặc nhân viên nhà hàng về tình trạng dị ứng.
- Nếu dị ứng với côn trùng, phấn hoa, hãy cẩn thận khi ở ngoài trời. Mặc áo dài tay và quần dài, không đi chân trần trên đất. Ngoài ra hạn chế sử dụng nước hoa, nước giặt quần áo có mùi thơm và không uống nước đã được mở, để bên ngoài trời. Nếu bị côn trùng đốt, người bệnh cần bình tĩnh, di chuyển ra khỏi khu vực côn trùng và tránh gây kích động các loại côn trùng.
- Nếu dị ứng thực phẩm, hãy đọc kỹ nhãn các loại thực ăn tiêu thụ và thông báo với nhân viên nhà hàng về loại thực phẩm gây dị ứng.
- Cẩn thận khi tập thể dục nếu người bệnh đã từng sốc phản vệ sau khi tập thể dục. Ngừng tập thể dục nếu bắt đầu phát triển các dấu hiệu hoặc triệu chứng sốc phản vệ như cảm thấy mệt mỏi, nóng trong người hoặc ngứa da. Phát ban, sưng tấy hoặc các tình trạng rối loạn hô hấp có thể là dấu hiệu nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Ở những người nắm rõ nguyên nhân và được điều trị kịp thời, tiên lượng thường tốt. Nếu tử vong xảy ra, nguyên nhân thường là do hô hấp kém, điển hình là do ngạt thở hoặc sốc tim. Có khoảng 0.7 – 20% các trường hợp tử vong do sốc phản vệ, trong đó, một số trường hợp tử vong trong một vài phút.
Do đó, những người bị dị ứng nghiêm trọng nên có biện pháp phòng ngừa và điều trị phù hợp. Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể các biện pháp xử lý và phòng ngừa.
Tin bài nên đọc
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!