Rụng Tóc: Nguyên Nhân Thường Gặp, Cách Nhận Biết & Điều Trị
Nội dung bài viết
Rụng một lượng tóc vừa phải mỗi ngày là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, rụng tóc quá nhiều và thường xuyên có thể là một mối lo lớn như gây hói đầu, cần phải tìm ra nguyên nhân và hướng điều trị ngay.
Rụng tóc là gì?
Rụng tóc là hiện tượng tóc rụng khỏi da đầu nhiều hơn mức bình thường trong nhiều ngày liên tiếp, không dừng. Mức bình thường là khoảng 50-100 sợi/ngày. Điều này, khiến tóc thưa và mỏng dần, ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài khiến nhiều người lo lắng, sợ bị hói.
Nguyên nhân gây bệnh
Trung bình da đầu có thể chứa tới hơn 100.000 sợi tóc. Việc rụng từ 50 – 100 sợi tóc mỗi ngày là chuyện bình thường. Tóc mới thường mọc lên, thay thế những sợi tóc đã rụng xuống, không đáng lo ngại.
Trong trường hợp không thể đếm hết những sợi tóc đã rụng vì quá nhiều, bạn nên thảo luận với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và mối nguy hại tiềm ẩn.
Nguyên nhân chính bị rụng tóc
Những nguyên nhân chính có thể gây ra tình trạng bệnh:
1. Di truyền
Hay còn gọi là rụng tóc androgen.
Alopecia areata được chẩn đoán khi hệ thống miễn dịch của chính cơ thể bạn tấn công các nang tóc, khiến tóc bị rụng.
Trong khi đó, rụng tóc androgen là một tình trạng di truyền, còn được gọi là hói đầu ở nam hoặc hói đầu ở nữ. Khi đó, người bệnh có mái tóc mỏng và rụng dần.
2. Thay đổi nội tiết tố/hormone
Chủ yếu xảy ra khi mang thai, sinh con (rụng tóc sau sinh), ngưng sử dụng thuốc tránh thai, mãn kinh…
Ở cả nam và nữ, hormone chịu trách nhiệm cho nhiều quá trình cơ thể. Đối với mái tóc, hormone cũng có vai trò vô cùng quan trọng.
Sự thay đổi và mất cân bằng hormone ảnh hưởng đến sự phát triển của tóc, có thể là do:
- Mang thai
- Sinh nở
- Mãn kinh
- Bệnh tuyến giáp
Tin tốt là tóc bị rụng liên quan đến hormone thường là tạm thời và tóc sẽ phát triển bình thường trở lại sau khi bạn cân bằng nội tiết.
Nhiều phụ nữ nhận thấy rằng lúc mang bầu là thời điểm họ có mái tóc đẹp và tràn đầy sức sống nhất. Tuy nhiên, tóc có thể rụng từng chút một, hoặc rụng rất nhiều chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Điều này được gọi là telogen effluvium, xảy ra ở 40 – 50% phụ nữ do sự thay đổi hormone trong thai kỳ. Rất may, đây chỉ là tình trạng rụng tóc tạm thời.
Các hormone liên quan tới rụng tóc được gọi là nhóm androgen. Ba loại hormone thuộc nhóm androgen chính là:
- Testosterone
- Androstenedione
- Dihydrotestosterone/DHT.
Trên thực tế, cả cơ thể đàn ông và phụ nữ đều chứa cả ba loại hormone này và sự mất cân bằng của chúng có thể góp phần gây tóc rụng nhiều ở cả hai giới.
Sự nhạy cảm của nang lông với DHT là nguyên nhân chủ yếu gây hói đầu ở nam giới. Như đã nói, DHT là một hormone androgen, làm cho nang tóc bị co lại, khiến tóc có tuổi thọ ngắn hơn và giảm khả năng mọc tóc.
Thông thường, sau khi tóc rụng, một sợi tóc khác sẽ bắt đầu mọc ra từ cùng một nang. DHT sẽ ngăn chặn quá trình này.
Trong khi đó, hói đầu ở nữ (rụng tóc androgen ở phụ nữ) thường là do mức độ căng thẳng cao, mất cân bằng hormone, bệnh tuyến giáp hoặc phơi nhiễm độc hại. Phụ nữ thường rất dễ bị rụng tóc do hormone.
Do các biến động hormone có thể xảy ra nhiều lần trong cuộc đời, từ việc mang thai, sinh con, đến mãn kinh, dùng thuốc tránh thai…
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) cũng là một vấn đề sức khỏe khác liên quan đến hormone có thể góp phần gây rụng tóc trên da đầu, đồng thời kích phát triển lông ở những nơi không mong muốn.
3. Bệnh hoặc tình trạng sức khỏe
Bệnh tuyến giáp, alopecia areata, nhiễm nấm trên da đầu (như hắc lào), các bệnh gây sẹo (như lichen phẳng, lupus), trichotillomania (rối loạn nhổ tóc)… cũng là nguyên nhân gây rụng tóc thường gặp.
4. Sử dụng thuốc điều trị bệnh
Nếu bạn đang thường xuyên sử dụng các loại thuốc điều trị ung thư, tăng huyết áp, viêm khớp, phiền muộn, vấn đề tim mạch… có thể dẫn tới rụng tóc.
5. Sốc về thể chất hoặc tinh thần
Sốt cao, stress, có người thân qua đời… có thể gây ra rụng tóc.
6. Thói quen sinh hoạt
Buộc tóc quá chặt, thường xuyên làm tóc, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng (thiếu protein, sắt…)…
Nguyên nhân rụng tóc ở trẻ sơ sinh
Tóc rụng nhiều ở trẻ sơ sinh, đặc biệt trong 6 tháng đầu đời, là điều hoàn toàn bình thường. Nó còn được gọi là rụng tóc hình vành khăn. Sau đó, tóc mới sẽ mọc lại và phát triển khỏe mạnh.
Nguyên nhân của hiện tượng vô hại này là do tóc có giai đoạn tăng trưởng, phát triển (kéo dài khoảng 3 năm) và nghỉ ngơi (kéo dài khoảng 3 tháng).
Trong giai đoạn nghỉ, tóc “sống” trong nang tóc. Khi gặp một vấn đề nào đó (như stress, sốt, thay đổi hormone), một lượng lớn sợi tóc sẽ ngừng phát triển cùng một lúc và tóc bị rụng cho đến khi giai đoạn phát triển tóc diễn ra (khoảng 3 tháng sau).
Trong những tháng đầu đời, mức hormone của bé sẽ giảm và khiến tóc rụng. Hiện tượng này cũng diễn ra ở những bà mẹ mới sinh con.
Phân loại bệnh rụng tóc và dấu hiệu nhận biết
Có nhiều kiểu tóc rụng khác nhau, tùy theo cách phân loại và đặc điểm. Một số loại rụng tóc thường gặp cũng đã được đề cập bên trên.
Để bạn đọc dễ hình dung, bài viết xin được đề cập tới những loại rụng tóc điển hình nhất, cũng như đấu hiệu nhận biết ngay dưới đây:
Rụng tóc tự nhiên (Involutional alopecia)
Đây là hiện tượng tự nhiên, tóc thưa dần theo tuổi. Nhiều nang tóc đi vào giai đoạn nghỉ ngơi, và những sợi tóc còn lại trở nên ngắn hơn, số lượng ít hơn.
Rụng tóc androgen (Androgenic alopecia)
Đây là một tình trạng di truyền có thể ảnh hưởng đến cả nam và nữ, còn gọi là hói đầu.
Nam giới bị hói đầu có thể bắt đầu bị rụng tóc ngay từ tuổi thiếu niên hoặc hói đầu ở tuổi 20. Tóc thường bắt đầu rụng ở trước trán. Đường chân tóc dần bị thụt lùi ra phía sau và xuất hiện mảng hói lớn.
Tóc phía trên đỉnh đầu cũng sẽ rụng nhiều tạo thành mảng hói nhỏ. Dần dần hói lan rộng toàn da đầu. Sau cùng, tóc có thể chỉ còn lại ở sau gáy và ở hai bên mang tai.
Nữ giới bị hói đầu thường nhận thấy các triệu chứng rõ rệt từ tuổi 40. Tóc bắt đầu mỏng đi trên toàn bộ da đầu. Tóc rụng nhiều nhất ở vùng rẽ ngôi, hai bên trán.
Rụng tóc từng mảng/từng vùng (Alopecia areata)
Alopecia areata thường bắt đầu đột ngột và gây tóc rụng từng vùng ở trẻ em và thanh niên. Tình trạng này có thể dẫn đến tóc rụng toàn phần (Slopecia totalis). Nhưng ở khoảng 90% những người mắc bệnh này, tóc sẽ mọc trở lại trong vòng vài năm.
Rụng lông toàn cơ thể (Alopecia universalis)
Tình trạng này làm cho tất cả lông trên cơ thể rụng, bao gồm cả lông mày, lông mi và lông mu.
Rối loạn nhổ tóc/tật nhổ tóc (Trichotillomania)
Hiện tượng này thường gặp nhất ở trẻ em, là một rối loạn tâm lý khiến một người tự nhổ tóc của chính mình. Tóc thường bị trụi ở một vị trí nào đó mà tay thuận nhất.
Rụng tóc telogen (Telogen effluvium)
Đây là tình trạng tóc thưa thớt tạm thời trên da đầu, xảy ra do những thay đổi trong chu kỳ phát triển của tóc. Một số lượng lớn tóc bước vào giai đoạn nghỉ cùng một lúc, gây rụng tóc và thưa thớt.
Rụng tóc có sẹo (Scarring alopecias)
Rụng tóc có sẹo khá nan giải, có thể dẫn đến rụng tóc vĩnh viễn. Da bị viêm (như viêm mô tế bào, viêm nang lông hoặc bị mụn trứng cá) và các rối loạn da khác (như một số dạng lupus và lichen phẳng) thường dẫn đến sẹo phá hủy khả năng tái tạo của tóc.
Tác động nhiệt độ cao lên tóc (sấy, duỗi hay uốn tóc) và kéo hay buộc tóc quá chặt cũng có thể dẫn đến rụng tóc vĩnh viễn.
Cách điều trị rụng tóc hói đầu
Chúng ta có thể ngăn chặn hoặc thậm chí đảo ngược chứng rụng tóc bằng cách điều trị đúng cách. Đặc biệt, nếu bệnh là do bệnh lý tiềm ẩn nào đó gây ra.
Rụng tóc androgen có thể khó điều trị hơn. Tuy nhiên, một số biện pháp như cấy tóc có thể giúp bệnh nhân tự tin hơn.
Dưới đây là những phương pháp giúp ích cho người bị rụng tóc hói đầu:
Cách trị rụng tóc tại nhà
Các biện pháp khắc phục tại nhà sau đây có thể khuyến khích mọc tóc:
- Có chế độ ăn giàu dưỡng chất, khoa học.
- Hạn chế tác động nhiệt hoặc hóa chất lên tóc và da đầu.
- Áp dụng liệu pháp hương thơm, như dùng tinh dầu tuyết tùng, tinh dầu oải hương, tinh dầu xạ hương…
- Massage da đầu nhẹ nhàng. Có thể massage với dầu dừa, tinh dầu bưởi…
- Uống trà cam thảo.
- Ủ da đầu bằng nước ép hành tây 15 phút rồi gội sạch bằng dầu gội.
- Không nên gội đầu quá nhiều. Bạn chỉ nên gội 2 – 3 lần/tuần.
- Không buộc tóc quá chặt, chải đầu khi ướt hoặc kéo tóc.
Rụng tóc uống thuốc gì?
Thuốc là sự lựa chọn đầu tiên giúp điều trị rụng tóc, bao gồm cả thuốc không kê đơn (kem, gel bôi ngoài da) và thuốc uống kê đơn.
- Thuốc bôi ngoài da chứa Minoxidil
Hầu hết các sản phẩm kem và gel bôi ngoài da với mục đích hỗ trợ điều trị rụng tóc đều chứa thành phần Minoxidil. Minoxidil có sẵn dưới dạng dung dịch 2%, dung dịch 4%, dung dịch 5% và chế phẩm tạo bọt hoặc mousse.
Sản phẩm này hoạt động tốt nhất trên đỉnh đầu, ít tác dụng hơn khi áp dụng ở trước trán. Người trẻ tuổi mới có dấu hiệu hói đầu hoặc những người có các mảng hói nhỏ thường nhận được hiệu quả cao nhất khi dùng Minoxidil. Sản phẩm được dùng 2 lần mỗi ngày và sử dụng vô thời hạn.
Tóc gãy rụng sẽ tái phát nếu bạn ngưng sử dụng. Hơn 50% người dùng cho rằng nó có thể làm dày tóc và làm chậm tóc gãy rụng, nhưng nó không được coi là hiệu quả ở những nam giới bị hói đầu rộng.
- Thuốc đường uống
Finasteride (Propecia) có thể được chỉ định cho nam giới bị tóc rụng kiểu androgen. Thuốc thuộc nhóm ức chế men khử 5-alpha, giúp giảm tóc rụng bằng cách ngăn chặn hoạt động của hormone tự nhiên trong nang tóc.
Propecia có thể kích mọc tóc và làm dày tóc ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, công dụng chính của nó vẫn là duy trì sợi tóc đã mọc. Người bệnh phải dùng thuốc trong khoảng 6 – 12 tháng.
Tác dụng phụ của thuốc là bất lực, giảm ham muốn tình dục. Rất may, tác dụng phụ này rất ít gặp.
- Thuốc Corticosteroid
Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc Corticosteroid (Prednison) cho một số bệnh nhân. Corticosteroid bắt chước hormone do tuyến thượng thận của con người tạo ra. Nó có thể giảm viêm và ức chế hệ thống miễn dịch
Tuy nhiên, thuốc Corticosteroid có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, bao gồm: Tăng nhãn áp, giữ nước, phù chân, tăng huyết áp, đục thủy tinh thể, tăng đường huyết.
Một số bằng chứng cho thấy sử dụng Corticosteroid lâu dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh: Nhiễm trùng, mất canxi trong xương, dẫn đến loãng xương, da mỏng, dễ bầm tím, đau họng, khàn tiếng.
Điều trị rụng tóc bằng Đông y
Theo Đông y, sợi tóc là phần dư của huyết và liên hệ mật thiết với thận. Tóc rụng quá nhiều được xếp vào nhóm chứng lạc phát, ban thốc.
Nguyên nhân do:
- Khí huyết bị trì trệ, không thông
- Huyết nhiệt sinh phong
- Huyết hư
- Can thận bất túc
Bởi vậy, các bài thuốc Đông y trị rụng tóc cũng tập trung vào giải quyết những nguyên nhân chính. Một số bài thuốc chữa hói đầu hiệu quả hoặc ngăn ngừa tóc rụng có thể kể tới như:
- Bài thuốc 1: Hà thủ ô chế và thục vị (mỗi vị 10gr), kỷ tử, dương phu sao, viễn chí đã bỏ ruột, bạch linh, dây ruột già bỏ ruột, khô kỷ, tục đoạn, ngưu tất, hạt mã đề, đại vân, hạt dây tơ hồng, hoa cúc trắng, phúc bồn tử (mỗi vị 9gr). Sắc thành nước uống hoặc viên thành hoàn, uống ngay khi đói. Dùng lâu dài.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị 120gr dầu vừng, 15gr sáp ong, 5gr đương quy và 3gr tử thảo. Sao đương quy và tử thảo cùng dầu vừng trên lửa nhỏ. Sao tới khi 2 vị thuốc khô cháy thì vớt lấy xác thuốc rồi cho sáp ong vào nấu cho tan chảy. Lọc sạch tạp chất để lấy cốt, để nguội cô đặc thành cao. Thoa cao lên da đầu có tóc bị rụng 2 lần/ngày.
- Bài thuốc 3: 16gr hoài sơn, 16gr sơn thù, 32gr thục địa, 12gr bạch linh, 12gr lộc cửu, 12gr đan bì, 10gr mạch môn và 10gr ngũ vị. Sắc lấy nước uống, dùng 1 thang/ngày, chia làm 3 lần.
Những bài thuốc trên thường phải sử dụng trong thời gian dài mới có tác dụng. Song, nó ít tác dụng phụ và được đánh giá là an toàn hơn thuốc Tây.
Các phương pháp khác
Có một số lựa chọn và phương pháp điều trị thẩm mỹ có thể giúp ích khi tóc bị rụng quá nhiều hoặc hói đầu.
Bao gồm:
- Bột phủ tóc
- Đội tóc giả hoặc nối tóc
- Xăm tóc
- Phẫu thuật hoặc cấy tóc
- Laser cường độ thấp
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu
Bên cạnh những phương pháp đã được khoa học chứng minh và các cơ quan có thẩm quyền chứng nhận cho điều trị rụng tóc, thì vẫn không thiếu các sản phẩm chưa được chứng minh là có thể giúp mọc lại tóc.
Nhiều loại dầu xả, dầu gội, vitamin và các sản phẩm được quảng cáo giúp mọc tóc nhanh chóng… có thể là không đáng tin. Mặc dù phần lớn những sản phẩm này thường vô hại nhưng không được nghiên cứu lâm sàng và do đó có thể vô dụng.
Bởi vậy, nên cảnh giác với những lời quảng cáo “trên trời” và nên tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia trước khi sử dụng bất cứ sản phẩm nào.
Bị rụng tóc nên ăn gì, kiêng ăn gì?
Những gì bạn có thể làm ngay từ hôm nay để ngăn ngừa hói đầu là xây dựng chế độ ăn uống phù hợp.
Rụng tóc nên ăn gì?
Thực phẩm toàn phần (nguyên chất) và chế độ ăn giàu dinh dưỡng là điều rất quan trọng giúp hỗ trợ tóc tăng trưởng, khỏe mạnh.
Có nhiều lựa chọn thực phẩm có thể chữa bệnh, bao gồm:
- Thực phẩm hữu cơ
Những thực phẩm này không chứa các hóa chất hay dư lượng thuốc trừ sâu. Hóa chất có thể hoạt động như các chất gây rối loạn nội tiết cản trở sự phát triển của tóc.
- Hạt bí ngô
Kẽm là khoáng chất rất cần thiết với sức khỏe của tóc. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thiếu kẽm có liên quan đến chứng suy giáp.
Hạt bí ngô là một trong những thực phẩm chứa nhiều kẽm nhất. Đây cũng là thực phẩm tự nhiên, lành mạnh mà bạn nên ăn mỗi ngày.
- Cá đánh bắt tự nhiên
Cá hồi, các trích, các mòi… đánh bắt tự nhiên có nhiều chất béo omega-3, giúp giảm viêm đồng thời hỗ trợ tóc mọc nhanh và mọc nhiều.
- Trà xanh
Trà xanh giúp thúc đẩy giải độc. Nó cũng cung cấp chất chống oxy hóa mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của tóc. Trà xanh cũng có thể hỗ trợ ngăn chặn sự chuyển đổi testosterone thành DHT.
- Một số loại hạt
Hạt chia và hạt lanh cung cấp nhiều chất xơ cũng như chất béo lành mạnh có thể giúp hỗ trợ tóc tăng trưởng tốt.
- Nước hầm xương
Do chứa nhiều protein, collagen và axit amin, nên nước hầm xương là thực phẩm hoàn hảo để khuyến khích sự phát triển của tóc khỏe mạnh.
- Cafein
Thông tin này có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người, vì cafein thường được coi là thực phẩm “nước đôi”, “vừa có công, vừa có tội” với sức khỏe.
Theo một nghiên cứu từ Khoa Da liễu, Đại học L Cantereck (Đức), cafein giúp kích thích các sợi tóc. Nó giúp tóc phát triển nhanh hơn thông quan việc giảm tác dụng của DHT.
Rụng tóc nên kiêng gì?
Những thực phẩm được nêu dưới đây có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể và sự tăng trưởng, phát triển của sợi tóc mà bạn nên hạn chế hoặc tránh tiêu dùng:
- Chất béo chuyển hóa
Đây là chất béo không lành mạnh, đã được chứng minh là làm tăng viêm và sản xuất DHT, có thể gây hói đầu. Nó có trong các loại dầu hydro hóa, như dầu ngô và dầu đậu nành.
- Đường
Đường đóng vai trò lớn trong quá trình làm mất cân bằng nội tiết tố, góp phần kháng insulin, tăng DHT và gây viêm. Tất cả yếu tố này đều có thể dẫn đến hói đầu.
- Thực phẩm chế biến
Loại thực phẩm này thường chứa nhiều chất béo, natri/muối và đường. Chúng có thể ngăn cản sự phát triển của tóc khỏe mạnh.
- Rượu
Rượu có thể làm tăng viêm và gây độc hại cho gan, dẫn đến tóc bị rụng. Uống nhiều rượu cũng như hút thuốc lá đều làm tăng nguy cơ tóc rụng.
- Cafein
Chỉ tiêu dùng một lượng nhỏ cafein có trong cà phê và trà thảo dược có thể có lợi cho sức khỏe của tóc. Nhưng, lạm dụng cafein quá nhiều có thể gây phản tác dụng.
Bởi lẽ, nó làm cơ thể bị mất nước, mất cân bằng hormone và thậm chí tăng sản xuất DHT.
Tóc rụng uống vitamin gì? Bổ sung chất gì?
Bên cạnh thực phẩm tự nhiên và các bữa ăn thường ngày, thực phẩm chức năng, bổ sung hoặc các loại vitamin tổng hợp có thể hỗ trợ rất nhiều trong quá trình gìn giữ mái tóc chắc khỏe, chống gãy rụng và nhiều hơn thế nữa.
- Bột protein/Protein powder
Bạn có thể bổ sung 1 – 4 bữa bột protein mỗi ngày, tùy thuộc vào trọng lượng cơ thể và nhu cầu cá nhân.
Bạn cũng có thể dùng bột nước hầm xương. Nó rất giàu protein, collagen, gelatin, glucosamine, chondroitin và các khoáng chất quan trọng thường thiếu trong chế độ ăn uống thông thường.
Những chất dinh dưỡng này rất quan trọng hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng tóc khỏe mạnh, cũng như một loạt các lợi ích sức khỏe bổ sung.
- Chiết xuất cọ lùn/Saw palmetto
Một thử nghiệm tới từ Mạng nghiên cứu và phát triển lâm sàng (Aurora, Mỹ) đã phát hiện ra rằng chiết xuất cọ lùn có thể ngăn chặn DHT tự nhiên trên cả nam và nữ giới.
35% trong số những người tham gia nghiên cứu được dùng lotion và dầu gội chứa chiết xuất này đã có mái tóc được cải thiện đáng kể về độ dày.
Chiết xuất cọ lùn cũng có sẵn ở dạng viên uống bổ sung. Bạn có thể bổ sung 320mg chiết xuất cọ lùn mỗi ngày.
- Chiết xuất pygeum
Bổ sung 100mg chiết xuất pygeum, 2 lần/ngày có thể giúp ngăn chặn DHT và cải thiện sức khỏe tuyến tiền liệt.
- Dầu hạt bí ngô
Dùng 8gr hoặc 1 thìa canh dầu hạt bí ngô giúp ức chế sự hình thành DHT trên toàn cơ thể. Loại dầu này cũng chứa axit béo lành mạnh hỗ trợ tóc mọc dày hơn.
- Dầu cá
Bổ sung 1.000mg dầu cá chất lượng cao mỗi ngày giúp giảm viêm và làm dày tóc.
- Nước ép lô hội
Bạn có thể uống 1/2 cốc nước ép gel lô hội, 2 lần/ngày, kết hợp với dầu gội chứa gel lô hội để giúp tóc dày tự nhiên.
- Vitamin B
Uống 1 viên vitamin B tổng hợp mỗi ngày hỗ trợ kiểm soát căng thẳng. Biotin/vitamin B7 giúp làm dày tóc tự nhiên cùng với axit pantothenic/vitamin B5 hỗ trợ tuyến thượng thận, giảm stress và lo lắng.
- Sâm Ấn Độ/Ashwagandha
Các loại thảo dược Adaptogen như sâm Ấn độ có thể giúp cơ thể thích nghi và đối phó với căng thẳng. Đồng thời, nó giúp cân bằng hormone và giảm mức cortisol (còn gọi là hormone căng thẳng), tất cả đều giúp khuyến khích sự phát triển của tóc khỏe mạnh.
Bạn nên bổ sung 500mg sâm Ấn Độ mỗi ngày để mang lại hiệu quả mong muốn.
- Kẽm
Một trong những dấu hiệu thiếu kẽm của cơ thể chính là rụng tóc nhiều. Bạn nên bổ sung 8mg kẽm/ngày (đối với nữ giới) hoặc 11mg kẽm/ngày (đối với nam giới).
Có thể thấy rằng rụng vài sợi tóc mỗi ngày không phải là điều đáng bận tâm. Nhưng nếu tóc bạn đột nhiên rụng nhiều hơn và kéo dài, hãy đi thăm khám để xác định nguyên nhân.
Đừng để tới khi tóc rụng không thể kiểm soát, các mảng hói xuất hiện và lan rộng trên đầu mới tìm cách điều trị, lúc đó đã quá muộn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!