Rụng Tóc Tuổi Dậy Thì: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục

Rụng tóc tuổi dậy thì là hiện tượng rụng tóc nhiều bất thường ở độ tuổi dậy thì 11 – 18 tuổi. Rụng tóc có thể khiến các bạn trẻ lo lắng, mất tự tin, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý. Vậy rụng tóc tuổi dậy thì do đâu và điều trị bằng cách nào hiệu quả?

Tóc rụng nhiều ở tuổi dậy thì có nguy hiểm không?

Hiện tượng rụng tóc ở tuổi dậy thì là tình trạng tóc rụng nhiều hơn 100 sợi mỗi ngày ở thanh thiếu niên tuổi từ 11 đến 17. Đi kèm hiện tượng rụng tóc là sự xuất hiện của gàu, tóc khô, chẻ ngọn và dễ gãy rụng.

rung-toc1
Rụng tóc tuổi dậy thì có thể gây hói đầu

Trung bình, mỗi ngày tóc sẽ rụng khoảng 25 đến 100 sợi, nếu rụng trên 100 sợi và kéo dài thì cần phải điều trị chứng rụng tóc để tránh các tác hại có thể gặp phải sau đây:

  • Hói đầu: Thanh thiếu niên ở độ tuổi dậy thì rụng tóc thường xuyên có thể dẫn tới tình trạng hói đầu. Nếu tình trạng ở thể nhẹ sẽ bị hói ở một vài mảng trên da đầu, nếu tình trạng nặng có thể gây ra rụng tóc toàn bộ, ảnh hưởng lớn đến ngoại hình.
  • Tác động đến tâm lý: Ở lứa tuổi dậy thì, tâm lý chưa ổn định, dễ bị tác động. Rụng tóc kéo dài sẽ khiến các em không khỏi lo lắng. Hiện tượng này ảnh hưởng đến ngoại hình nên sẽ giảm sự tự tin, thậm chí có em còn khép mình, ngại giao tiếp với mọi người, có dấu hiệu trầm cảm.

Chính vì vậy, việc xác định nguyên nhân và tìm ra phương pháp trị hói đầu hiệu quả là rất cần thiết và nên tiến hành sớm.

Tại sao tóc rụng nhiều ở tuổi dậy thì?

Tóc rụng nhiều ở tuổi dậy thì có thể do nhiều nguyên nhân như chế độ dinh dưỡng, cách chăm sóc tóc, thậm chí có thể đến từ một số bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn trong cơ thể. Cụ thể là:

  • Rối loạn nội tiết tố

Giai đoạn dậy thì là thời điểm nội tiết tố thay đổi mạnh mẽ nhất. Sự thay đổi nội tiết tố kéo theo sự thay đổi về tâm lý và sức khỏe thể chất, có thể ảnh hưởng đến giọng nói, làn da và mái tóc. Vì thế, đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến hiện tượng rụng tóc ở tuổi dậy thì.

  • Chế độ ăn uống không khoa học

Thiếu dưỡng chất cho cơ thể hoặc thói quen ăn uống không khoa học của tuổi “teen” dễ khiến tóc rụng nhiều. Cụ thể chế độ ăn uống thiếu sắt, protein và các vitaminlại hay ăn quà vặt, thức ăn nhanh nhiều chất béo khiến tóc thiếu dưỡng chất, dễ khô xơ, gãy rụng. Ngoài ra, ăn uống không đúng giờ giấc cũng khiến tóc yếu, dễ gãy rụng.

  • Chăm sóc tóc không đúng cách

Việc sử dụng dầu gội đầu không phù hợp và sử dụng hóa chất khi tạo kiểu tóc cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến rụng tóc. Bên cạnh đó, để đầu bẩn hoặc tóc ướt khi đi ngủ cũng khiến tóc trở nên yếu hơn, thiếu sức sống.

  • Căng thẳng

Áp lực học hành, áp lực từ phụ huynh và tâm lý tuổi dậy thì kéo dài sẽ khiến sản sinh nhiều hormone cortisol và làm rối loạn hormone, ảnh hưởng đến nội tiết. Do vậy tóc của thanh thiếu niên bị stress dễ gãy rụng hơn.

  • Do sử dụng thuốc

Một số thuốc điều trị trứng cá và các bệnh lý về tuyến giáp ở tuổi dậy thì cũng có khả năng gây rụng tóc.

  • Do ảnh hưởng bệnh

Một số chứng bệnh như nấm da đầu, nhiều gàu, vảy nến da đầu, viêm da tiết bã nhờn ở đầu, tiểu đường cũng có thể gây ra rụng tóc. Vì thế nếu rụng tóc không rõ nguyên nhân cần đi khám để tìm ra các chứng bệnh có thể gặp phải.

Bên cạnh đó, chứng rụng tóc có thể bị tác động bởi các thói quen như cột tóc quá chặt, lạm dụng tạo kiểu tóc từ máy sấy, máy uốn tóc. Ngoài ra chứng rụng tóc có thể ảnh hưởng do di truyền.

Cách chữa rụng tóc ở tuổi dậy thì

Khi gặp hiện tượng rụng tóc ở tuổi dậy thì diễn ra trong thời gian dài, các bậc phụ huynh nên lưu ý đưa con đến các cơ sở y tế khám, xác định nguyên nhân rụng tóc để sử dụng phương pháp điều trị rụng tóc hiệu quả.

Trị rụng tóc bằng tại nhà

Khi hiện tượng rụng tóc ở thể nhẹ, chưa xuất hiện hói đầu, có thể sử dụng phương pháp trị rụng tóc bằng cách thiên nhiên. Các thảo dược khi được sử dụng đem lại độ an toàn cho tóc, giúp tóc hồi phục, từ đó giảm gãy rụng.

Bồ kết trị rụng tóc

Bồ kết từ lâu đã là một dược liệu được sử dụng để đun làm nước gội đầu rất tốt. Hàm lượng aponin trong bồ kết có tác dụng kháng viêm, trị gàu hiệu quả. Ngoài ra, bồ kết còn giúp tóc chắc khỏe, đen mượt, kích thích mọc tóc.

Cách thực hiện:

  • Nướng bồ kết khô cho thơm, bẻ vụn cho vào nồi nấu với nước.
  • Sử dụng nước bồ kết gội dầu thay thế dầu gội đầu hàng ngày.
  • Nên gội đầu thường xuyên, ít nhất 3 lần/tuần để giữ tóc và da đầu luôn sạch sẽ.
bo-ket
Bồ kết có thể trị rụng tóc hiệu quả

Sử dụng tinh dầu bưởi

Nhiều năm trở lại đây, tinh dầu bưởi rất được ưa chuộng vì là sản phẩm trị rụng tóc, kích thích mọc tóc hiệu quả. Tinh dầu bưởi chiết xuất từ vỏ bưởi chứa nhiều dưỡng chất như: pectin, các vitamin nhóm A, C, naringin giúp tăng cường sản xuất collagen, kích thích tế bào sừng phát triển, giúp mọc tóc.

Cách thực hiện:

  • Có thể thoa trực tiếp tinh dầu bưởi lên tóc 2 lần/ngày hoặc gội đầu với tinh dầu bưởi.
  • Chỉ cần nhỏ 5 đến 7 giọt tinh dầu bưởi với 30ml nước ấm để tinh dầu hòa quyện.
  • Pha vào nước gội, gội đầu, massage nhẹ nhàng. Khi gội đầu xong, bạn nên để tóc khô tự nhiên.

Dùng nha đam trị rụng tóc

Nha đam có nhiều dưỡng chất và vitamin rất tốt cho tế bào da, tóc, ngoài ra còn giúp thanh nhiệt cơ thể. Sử dụng nha đam có thể giúp trị gàu, cung cấp dưỡng chất cho tóc và chống rụng tóc.

Cách thực hiện:

  • Chọn lá nha đam to và dày, bỏ vỏ lấy phần gel (thịt nha đam), xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt
  • Gội đầu bằng nước ấm, thoa nước cốt nha đam lên tóc.
  • Ủ tóc trong vòng 30 phút sau đó gội sạch lại với nước

Nên áp dụng phương pháp này thường xuyên để trị rụng tóc tuổi dậy thì nhanh hiệu quả. Ngoài ra các “teen” có thể uống nước nha đam, ăn sữa chua nha đam để chăm sóc tóc từ bên trong cơ thể.

Phương pháp điều trị chứng rụng tóc bằng tự nhiên có độ an toàn cao, dễ sử dụng và ít gây các tác dụng phụ. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được sử dụng khi rụng tóc vừa phải, do các nguyên nhân từ môi trường sống tác động, thói quen chăm sóc tóc.

Bị rụng tóc nên ăn gì, kiêng gì

Chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng đến tình trạng rụng tóc. Bổ sung các dưỡng chất cho cơ thể là cách nuôi dưỡng tóc từ bên trong.

che-do-an-uong
Điều chỉnh chế độ ăn uống rất quan trọng đối với các bạn trẻ bị rụng tóc

Muốn có một sức khỏe tốt và một mái tóc đẹp cần lưu ý bổ sung các dưỡng chất trong chế độ ăn uống như sau:

  • Bổ sung thực phẩm nhiều đạm: Thực phẩm nhiều đạm giúp bổ sung nhiều protein cho cơ thể. Đây là dưỡng chất quan trọng cho việc hình thành và kích thích mọc tóc. Protein có nhiều trong các loại thịt đỏ, trứng, cá, sữa…
  • Sử dụng thực phẩm nhiều sắt như củ dền, cà chua, các loại hạt, đậu phụ… giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu – nguyên nhân dẫn đến rụng tóc ở tuổi dậy thì.
  • Bổ sung vitamin C: Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây và rau xanh như rau cải xanh, dâu tây, ớt chuông. Đây là chất chống oxy hóa tuyệt vời, giúp chuyển hóa chất sắt trong cơ thể, bổ sung dưỡng chất cho tóc.
  • Bổ sung vitamin E: Vitamin E giúp cung cấp ẩm cho tóc, làm tóc suôn mượt, ít xơ rối. Ngoài ra, đây còn là chất chống nắng tự nhiên giúp da và tóc được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời. Vitamin E có nhiều trong bông cải xanh, bơ, các loại dầu thực vật, rau chân vịt (rau bina).
  • Bổ sung vitamin nhóm B: Các vitamin nhóm B tốt cho tóc là vitamin B1 và B6 giúp tăng cường trao đổi chất trong cơ thể, chống oxy hóa, giảm gãy rụng.

Ngoài ra, người bệnh cần uống đủ nước mỗi ngày, nên sử dụng nước lọc và nước trái cây. Bên cạnh các nhóm thực phẩm cần bổ sung, người bị rụng tóc cần tránh thực phẩm đóng hộp, đồ ăn nhanh, đồ nhiều dầu mỡ, cay nóng. Không nên sử dụng các loại nước tăng lực, cà phê, hạn chế sử dụng nước ngọt, trà sữa…

Sử dụng thuốc trị rụng tóc Tây y

Thuốc trị rụng tóc được dùng trong trường hợp hiện tượng rụng tóc trầm trọng, có thể gây hói đầu hoặc khi các phương pháp tự nhiên không đem lại hiệu quả.

Cơ chế của phương pháp này là giúp tóc khỏe mạnh từ bên trong, ngăn ngừa rụng tóc, kích thích mọc tóc, ức chế các nguyên nhân gây ra rụng tóc như viêm da đầu, vảy nến da đầu…

Hiện nay, thuốc Tây y trị rụng tóc có thể có dạng thuốc uống, thuốc bôi ở dạng lỏng hoặc dạng bọt. Một số loại thuốc được dùng để điều trị rụng tóc là:

  • Minoxidil có thể bôi lên tóc ngày 2 lần hoặc sử dụng ở dạng xịt giúp kích thích mọc tóc.
  • Ketoconazole ở dạng kem bôi ngoài da, sử dụng trong trường hợp rụng tóc do nấm da đầu.

Chữa rụng tóc bằng thuốc Đông y

Người bệnh có thể sử dụng một số bài thuốc Đông y dạng uống trong để trị rụng tóc. Đông y thường sử dụng các thảo dược tự nhiên như hà thủ ô, vừng đen, đương quy, trắc bá diệp cỏ nhọ nhồi… nhằm bồi bổ khí huyết, ngăn ngừa rụng tóc hiệu quả.

Bên cạnh thuốc uống, các thầy thuốc có thể kê các loại thuốc bôi. Một trong những bài thuốc bôi đông y thường sử dụng là Cao thảo dược từ đương quy, từ thảo, mật ong và dầu vừng vừng.

Cách làm cao như sau:

  • Sao đương quy, tử thảo cùng với dầu vừng trên lửa nhỏ cho đến khi khô.
  • Vớt bã thuốc và cho sáp ong vào nấu chảy. Lọc bỏ tạp chất bằng vải sạch rồi để nguội thành cao.
  • Bôi cao 2 lần một ngày, bôi vào khu vực hay bị rụng tóc để kích thích nang tóc phát triển.

Dù sử dụng thuốc Tây y hay Đông y, người bệnh cũng cần đi khám để được kiểm tra kỹ càng. Thông qua kết quả thăm khám các bác sĩ, thầy thuốc sẽ chỉ định loại thuốc, bài thuốc phù hợp nhất.

Chữa rụng tóc nhiều ở tuổi dậy thì bằng laser

Chiếu tia laser chữa rụng tóc là phương pháp mạnh, áp dụng trong trường hợp rụng tóc nặng dẫn đến hói đầu nghiêm trọng do nguyên nhân rối loạn nội tiết androgenic.

Phương pháp này cần sự can thiệp của bác sĩ, các bác sĩ sẽ chiếu tia laser vào vùng da đầu bị rụng tóc kích thích sự phát triển của nang tóc, giúp mọc tóc. Tùy theo tình trạng rụng tóc có thể sử dụng liệu trình khác nhau. Chiếu tia laser thường tiến hành từ 2 đến 3 lần/tuần trong vài tháng, đạt hiệu quả rồi kết thúc điều trị.

Phương pháp laser cần nhiều thời gian và khá tốn kém. Vì thế khi đã lựa chọn phương pháp này người bệnh nên có sự chuẩn bị nguồn lực kinh tế, kiên trì chữa trị theo phác đồ.

Phẫu thuật cấy tóc

Phẫu thuật cấy tóc là phương pháp điều trị rụng tóc cuối cùng được lựa chọn sử dụng, chỉ sử dụng trong tình trạng bị rụng tóc vĩnh viễn trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và ngoại hình.

Phẫu thuật cấy tóc sẽ cấy ghép tóc vào lỗ chân lông trên da đầu, duy trì thẩm mỹ. Tuy nhiên, phương pháp này rất tốn kém, có thể gây đau và nhiễm trùng da đầu nếu không được chăm sóc đúng cách và cẩn thận.

Biện pháp ngăn ngừa tóc rụng nhiều ở tuổi dậy thì

Rụng tóc tuổi dậy thì xảy ra rất phổ biến, thậm chí khi được điều trị vẫn có thể xảy ra rụng tóc trở lại. Vì thế, các “teen” cần có biện pháp ngăn ngừa và chăm sóc tóc hiệu quả.

  • Gội đầu đúng cách

Lựa chọn dầu gội đầu phù hợp nhất, không nên thay đổi dầu gội đầu quá nhiều. Nên lựa chọn dầu gội từ thảo dược thiên nhiên đảm bảo an toàn. Gội sạch, tráng tóc kỹ, không chải đầu trong lúc tóc ướt. Nên để tóc khô tự nhiên, tránh sấy tóc ở nhiệt độ nóng, không để tóc ướt khi đi ngủ.

  • Hạn chế sử dụng hóa chất cho tóc, tạo kiểu tóc

Việc sử dụng hóa chất cho tóc để uốn, nhuộm, tạo kiểu gây tổn thương tóc, tăng nguy cơ gãy rụng nhiều. Vì thế nên để tóc tự nhiên, hạn chế sử dụng hóa chất.

  • Sử dụng thuốc đúng cách

Sử dụng thuốc trong điều trị một số chứng bệnh có thể gây ra tác dụng phụ là rụng tóc. Tuy nhiên, với việc sử dụng thuốc không nên lạm dụng mà cần có sự kê đơn của bác sĩ để đảm bảo an toàn.

  • Không buộc tóc quá chặt

Dùng dây thun hay dây cột tóc quá chặt có thể khiến đau da đầu và tóc bị kéo căng dẫn đến yếu chân tóc, tăng nguy cơ gãy rụng.

  • Tránh căng thẳng, giữ tinh thần thoải mái

Phụ huynh không nên đặt nhiều áp lực cho con ở tuổi dậy thì dẫn đến tâm lý căng thẳng sinh rụng tóc. Bên cạnh đó, chính các bạn tuổi dậy thì cũng cần phải xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, ngủ đủ giấc, luôn vui vẻ và tích cực rèn luyện bản thân.

Trên đây là tổng quan về chứng rụng tóc tuổi dậy thì các bậc phụ huynh và các bạn nhỏ có thể tham khảo để rút ra kinh nghiệm điều trị. Chúc các bạn trẻ sớm phục hồi mái tóc hiệu quả!

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *