Nấm Candida là gì? Có nguy hiểm không?

Nhiễm nấm Candida là một bệnh lý có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Bệnh sẽ gây ra những triệu chứng như ngứa rát, viêm nhiễm, nguy hiểm nhất là tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ mang đến cho bạn thông tin về bệnh nấm Candida và những cách điều trị bệnh. 

Nấm Candida là gì? Đối tượng có nguy cơ cao mắc nấm Candida?

Candida là tên gọi của một loại nấm men phổ biến và tồn tại ở khắp nơi. Loại nấm này có thể tồn tại trên cơ thể người ở da, miệng, bộ phận sinh dục và đường tiêu hóa. 

Thông thường, nấm Candida sẽ tồn tại cân bằng với các loại vi sinh vật khác trên cơ thể và không gây ra bất kỳ tác hại nào. Tuy nhiên, khi gặp điều kiện thuận lợi, nấm Candida sẽ phát triển mạnh và gây ra nhiều bệnh lý cho con người. 

Hình ảnh nấm Candida khi quan sát qua kính hiển vi
Hình ảnh nấm Candida khi quan sát qua kính hiển vi

Nhiễm nấm Candida là một thuật ngữ chỉ các bệnh thuộc họ nấm Candida mà phần lớn là do nấm Candida Albicans gây nên. Khi soi hình dạng nấm candida dưới kính hiển vi, có 8 đến 9 loại nấm Candida có khả năng gây bệnh nhưng trên 95% trường hợp mắc bệnh là do nấm Candida Albicans gây ra. 

Bất kỳ ai ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng có nguy cơ nhiễm nấm, từ trẻ nhỏ cho đến người già. Tuy nhiên, những đối tượng dưới đây sẽ cơ nguy cơ mắc bệnh cao hơn:

  • Nữ giới có khả năng mắc bệnh nấm Candida cao hơn nam giới.
  • Người bị mắc các bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch như tiểu đường, HIV…
  • Phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh cũng là đối tượng dễ nhiễm bệnh.
  • Bệnh nhân đang điều trị bệnh ung thư bằng xạ trị và hóa trị.
  • Phụ nữ vệ sinh cơ thể kém hoặc có hormone estrogen tăng cao.
  • Những người đeo răng giả. 

Nếu nằm trong nhóm những đối tượng dễ mắc bệnh như trên, thì bạn nên xây dựng những biện pháp phòng ngừa bệnh cho bản thân. Ngoài ra, khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường, bạn không nên chủ quan mà ngay lập tức đến bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và chữa trị. 

Nấm Candida gây ra bệnh gì?

Nấm Candida có thể xuất hiện và gây hại ở nhiều nơi trên cơ thể. Tùy vào từng vị trí xâm nhập mà nấm sẽ gây ra nhiều bệnh lý khác nhau. Một số bệnh lý thường gặp do nấm Candida gây ra:

  • Bệnh tưa miệng: Là bệnh nấm candida ở miệng. Nấm sẽ tác động và gây tổn thương đến các vùng xung quanh miệng như môi, lưỡi, bên trong má… 
  • Viêm thực quản: Nấm Candida xuất hiện ở miệng sau đó lan xuống thực quản và gây viêm nhiễm thực quản.
  • Nấm candida ở vùng kín: Đây là một trong những bệnh viêm nhiễm phụ khoa thường gặp ở phụ nữ. Bệnh gây ra tình trạng viêm nhiễm, ngứa ngáy và có tiết nhiều dịch trắng đục. Bệnh sẽ xuất hiện nhiều ở phụ nữ mang thai hoặc người bị tiểu đường. 
Bệnh tưa miệng ở trẻ em
Hình ảnh nấm Candida gây ra bệnh tưa miệng
  • Nấm Candida trên da: Nấm Candida sẽ có cơ hội phát triển và gây bệnh ở vùng da ẩm ướt và không thông thoáng. Một số vùng da thường bị bệnh như mông, ngực, da ở gốc móng tay…
  • Nhiễm nấm Candida toàn thân: Nấm Candida có thể thâm nhập vào máu và gây nhiễm trùng thông qua vết thương sau phẫu thuật, ống thông khí. Nấm sẽ theo máu đi khắp cơ thể và gây nên tình trạng nhiễm trùng nặng. Bệnh này thường mắc ở những trẻ sơ sinh có trọng lượng thấp hoặc người bị suy giảm hệ miễn dịch. 

Khi bị nhiễm nấm Candida ở da, vùng kín, miệng, bệnh sẽ gây ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu và ảnh hưởng đến việc sinh hoạt hàng ngày. Khi nấm đã đi vào máu, cơ thể sẽ gặp phải những biến chứng trầm trọng, thậm chí là đe dọa đến tính mạng người bệnh. Do vậy, người bệnh cần phát hiện bệnh nấm Candida sớm và điều trị kịp thời. 

Nguyên nhân, triệu chứng gây bệnh

Theo nhiều nghiên cứu, có rất nhiều những nguyên nhân gây bệnh nấm Candida trên cơ thể. Nhìn chung, nguyên nhân chủ yếu khiến nấm Candida phát triển và gây bệnh:

  • Người bệnh mắc bệnh tiểu đường, nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ mang thai hoặc những người có sức đề kháng yếu. Do không có sức đề kháng nên các tác nhân gây hại dễ dàng xâm nhập và gây bệnh.
  • Khi dùng kháng sinh và thuốc corticoid kéo dài, cơ thể sẽ bị mất cân bằng hệ vi sinh. Từ đó, nấm Candida sẽ có cơ hội phát triển và gây viêm nhiễm. 
  • Giữ vệ sinh không sạch sẽ ở những vùng da ẩm thấp như bộ phận sinh dục. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm Candida xâm nhập. 

Nấm Candida gây ra nhiều bệnh lý khác nhau trên cơ thể. Mỗi bệnh lại xuất hiện những triệu chứng riêng biệt. Hơn nữa, các triệu chứng nặng nhẹ thế nào còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số những triệu chứng phổ biến khi bị nhiễm nấm Candida như sau:

Nhiễm nấm Candida trên da

Nấm Candida xuất hiện trên da với những dấu hiệu như:

  • Cơ thể xuất hiện những đốm màu trắng hoặc đỏ, gây ngứa rát khó chịu.
  • Một số trường hợp da sẽ xuất hiện triệu chứng sưng đỏ.
  • Xuất hiện các mụn mủ ở quanh vùng da bị viêm nhiễm.
  • Da xuất hiện các vết nứt và bị phát ban.

Nhiễm nấm Candida phụ khoa

Nấm Candida ở phụ nữ gây ra một số triệu chứng như sau: 

  • Âm đạo bị đỏ, ngứa và đau rát. Khi gãi ngứa, bệnh sẽ lan sang những vị trí xung quanh như hậu môn, bẹn…
  • Khí hư vón cục thành từng mảng dày và bám vào âm đạo. Khí hư không có mùi hôi.
  • Niêm mạc âm đạo bị viêm đỏ gây tiểu khó, phù nệ nặng ở âm hộ. 
  • Khi quan hệ tình dục, bệnh nhân có cảm giác đau rát.
  • Các triệu chứng trên thường nặng hơn trước chu kỳ kinh nguyệt.
Nấm Candida phụ khoa gây ra nhiều triệu chứng như đau rát, phù nề âm đạo
Nấm Candida phụ khoa gây ra nhiều triệu chứng như đau rát, phù nề âm đạo

Không chỉ ở nữ giới, nam giới cũng bị nhiễm nấm Candida ở vùng sinh dục. Dưới đây là một số triệu chứng điển hình của bệnh nấm men Candida ở nam:

  • Cơ quan sinh dục bị ngứa đỏ, có cảm giác châm chích ở đầu dương vật.
  • Xuất hiện chất nhầy trắng ở vùng sinh dục.
  • Các triệu chứng này thường xuất hiện sau khi quan hệ tình dục khoảng vài phút hoặc vài giờ. Sau khi rửa sạch, triệu chứng sẽ giảm dần. 

Nhiễm nấm Candida toàn thân

Nhiễm nấm Candida toàn thân gây ra những triệu chứng như sau:

  • Cơ thể sốt cao, ớn lạnh.
  • Cơ thể mệt mỏi, lừ đừ, suy đa tạng.
  • Da bị nổi mẩn.
  • Cơ thể dễ bị kích động, hôn mê và không được tỉnh táo. 

Nhiễm nấm Candida ở thực quản

Các biểu hiện thường gặp khi bị nhiễm nấm Candida ở thực quản:

  • Có cảm giác khó khăn và đau rát khi nuốt thức ăn.
  • Bệnh nhân cảm thấy bị đau ngực và vùng xương ức.

Nhiễm nấm Candida ở miệng, lưỡi

Bệnh tưa miệng thường gây ra những triệu chứng như sau:

  • Miệng xuất hiện nhiều mảng trắng như sữa đông, đặc biệt là ở vùng lưỡi, môi.
  • Khi cạo sạch mảng trắng, bạn có thể thấy niêm mạc bị viêm đỏ, chảy máu nhẹ.
  • Khóe môi bị viêm nứt và da ở miệng bị khô.
  • Người bệnh cảm thấy mất vị giác, khó khăn khi nuốt. 

Nấm Candida ở đường tiêu hóa

Một số triệu chứng thường gặp khi bị nhiễm nấm men ở đường tiêu hóa:

  • Mắc bệnh viêm loét dạ dày.
  • Xuất hiện các dấu hiệu như ợ nóng, ợ hơi, đầy bụng, dị ứng thực phẩm.
  • Vùng hậu môn bị ngứa. 

Trên đây là những triệu chứng thường gặp của bệnh nấm men Candida. Nếu bạn phát hiện cơ thể mắc những dấu hiệu trên, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để can thiệp kịp thời, tránh để bệnh diễn biến nặng. 

Nhiễm nấm Candida có nguy hiểm không? Nấm Candida có lây không?

Theo các bác sĩ, nấm Candida là một bệnh lý không quá nguy hiểm và có thể điều trị khỏi. Tuy nhiên, khi bệnh nặng và diễn ra trong thời gian dài, bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh. 

Theo đó, nhiễm nấm Candida có thể ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Bạn sẽ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu dẫn đến tâm lý cáu gắt, căng thẳng kéo dài. 

Bên cạnh đó, khi bị nấm Candida ở vùng kín, đời sống vợ chồng sẽ gặp khó khăn bởi tâm lý e ngại, lo sợ, thậm chí là lãnh cảm trong việc chăn gối. Chưa hết, bệnh nấm Candida ở âm đạo có thể gây viêm nhiễm vòi trứng, dẫn đến nhiều biến chứng cho cơ thể, nguy hiểm nhất là tình trạng vô sinh. 

Đối với những bệnh nhân bị nhiễm nấm toàn thân, bạn sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng máu, thậm chí là tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. 

Nhiều người thắc mắc rằng nhiễm nấm Candida có lây không. Câu trả lời là bệnh có thể lây lan bằng nhiều đường khác nhau. Những con đường lây lan của bệnh là:

  • Quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ an toàn qua đường miệng, âm đạo, hậu môn.
  • Mặc chung quần lót với người đang bị bệnh. 
  • Sử dụng chung khăn hoặc các dụng cụ cá nhân với người mắc bệnh. 

Khi biết được những con đường lây lan của bệnh, bạn có thể chủ động hơn trong việc phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân. 

Cách điều trị nhiễm nấm Candida

Hiện nay, người bệnh có thể lựa chọn những phương pháp khác nhau để điều trị bệnh. Tùy thuộc vào mức độ bệnh nặng hay nhẹ, thể trạng của mỗi người mà bạn có thể chọn cách chữa bệnh cho phù hợp. 

Điều trị bằng thuốc Tây y

Khi được chẩn đoán nhiễm trùng nấm Candida, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng một số loại thuốc Tây y. Các thuốc này có công dụng chung là kháng nấm và giảm viêm nhiễm. Tùy vào khu vực bị bệnh, mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ kê toa những loại thuốc khác nhau:

  • Nhiễm trùng nấm ở miệng: Bệnh nhân sẽ sử dụng một số loại thuốc dạng bôi như nystatin, clotrimazole… Nếu bệnh nặng, bạn sẽ dùng kết hợp với một số loại thuốc dạng uống như fluconazole, itraconazole…
  • Nhiễm trùng nấm ở thực quản: Bệnh nhân sẽ được chỉ định uống thuốc Fluconazole hoặc Itraconazole.
  • Nhiễm nấm ở da: Một số loại thuốc chống nấm được sử dụng để bôi ngoài da như Miconazole, Clotrimazole, Nystatin, Ketoconazol… Bên cạnh đó, bệnh nhân phải luôn giữ da sạch sẽ, khô ráo.
Người bệnh có thể điều trị nấm men candida bằng thuốc Tây y
Người bệnh có thể điều trị nấm men Candida bằng thuốc Tây y
  • Nhiễm nấm toàn thân: Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng các loại thuốc chống nấm dạng tiêm tĩnh mạch như Voriconazole, Fluconazole. Với bệnh nhân có số lượng bạch cầu thấp, sẽ được sử dụng thuốc Micafungin hoặc Caspofungin để thay thế. 
  • Nhiễm nấm phụ khoa: Một số loại thuốc được dùng để điều trị bệnh như Clotrimazole hoặc Miconazole dạng viên đặt. Kết hợp với đó là các loại thuốc đường uống Fluconazole hoặc Itraconazole. Ngoài ra, chị em phụ nữ nên sử dụng dung dịch betadine để vệ sinh. 

Các loại thuốc Tây y điều trị bệnh thường gây ra những tác dụng phụ như nóng trong người, gây suy gan, suy thận nếu sử dụng trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, khi uống thuốc, người bệnh không nên lạm dụng hoặc sử dụng sai liều lượng.  

Bài thuốc Đông y chữa bệnh nấm Candida

Theo Đông y, bệnh nấm Candida là một bệnh lý khởi phát do nóng trong người kết hợp với sự tổn thương khí huyết ở gan, thận. Do vậy, việc điều trị bệnh cần chú trọng điều hòa khí huyết, bổ sung tỳ vị và dưỡng can thận. 

Các bài thuốc Đông y sẽ loại bỏ được căn nguyên của bệnh, đồng thời giúp bồi bổ và tăng cường sức khỏe, hạn chế bệnh tái phát. Theo đó, người bệnh có thể tham khảo một số bài thuốc Đông y chữa bệnh nấm Candida như sau:

  • Bài thuốc 1: Đan sâm, mẫu lệ mỗi vị 15g, bạch linh, quế chi, xích thược mỗi vị 12g, đan bì, đào nhân, ngưu tất mỗi vị 9g. Bạn sắc lấy nước tất cả nguyên liệu và uống mỗi ngày một thang.
  • Bài thuốc 2: Đương quy, phục linh, trinh nữ, tam thất, ích mẫu, bạch thược, cam thảo, bồ công anh, sài hồ mỗi vị 9g. Bạn sắc tất cả nguyên liệu và nấu với 1 lít nước. Chia nước thuốc thành nhiều lần uống trong một ngày. 

Các bài thuốc Đông y thường phát huy công dụng khá chậm vì thế bệnh nhân nên kiên trì uống thuốc mỗi ngày. Ngoài ra, người bệnh nên đến phòng khám Đông y để khám và lấy thuốc, không được tự ý mua thuốc về uống. 

Mẹo dân gian điều trị bệnh tại nhà

Hiện nay, trong dân gian lưu truyền một số những bài thuốc điều trị bệnh nấm men Candida tại nhà. Các loại thuốc mà bạn có thể áp dụng để điều trị bệnh như:

  • Lô hội: Lô hội có chứa nhiều loại enzyme, vitamin…có công dụng giúp tăng cường hệ miễn dịch, sát khuẩn, trị tình trạng ngứa ngáy hiệu quả. Ngoài ra, lô hội có thể làm giảm tình trạng khô rát âm đạo khi bị nhiễm nấm. Bạn chuẩn bị lô hội, muối và mật ong, cho tất cả vào máy xay sinh tố để tạo thành hỗn hợp mịn. Cho ra bát và uống mỗi ngày 3 lần để điều trị bệnh.
Lô hội có công dụng kháng viêm, sát khuẩn và điều trị bệnh nấm Candida hiệu quả
Lô hội có công dụng kháng viêm, sát khuẩn và điều trị bệnh hiệu quả
  • Lá trầu không: Lá trầu không có chứa nhiều thành phần có tác dụng tiêu diệt các loại nấm và giúp vết thương phục hồi nhanh chóng. Bạn chuẩn bị 5 – 6 lá trầu không, giã nát. Đun sôi nước và cho lá trầu không vào nấu cùng một ít muối. Sau khi sôi, bạn hòa một ít nước lạnh với hỗn hợp. Bạn dùng nước tắm và vệ sinh sạch sẽ cơ thể.
  • Tỏi: Tỏi có chứa hoạt chất giúp ức chế nấm Candida phát triển. Do vậy, đây là một bài thuốc chữa bệnh khá hiệu quả. Bạn tiến hành bằng cách đập dập tỏi và ăn sống. Ngoài ra, bạn có thể chữa bệnh bằng cách chế biến và dùng một số món ăn từ tỏi.

Các mẹo dân gian chữa bệnh thường được nhiều người áp dụng bởi cách này đơn giản và dễ thực hiện. Tuy nhiên, bạn chỉ nên áp dụng chữa bệnh khi bị nhiễm nấm Candida ở mức độ nhẹ. Nếu bệnh đã tiến triển nặng, bạn cần đến bệnh viện để khám càng sớm càng tốt.

Lưu ý khi điều trị và các biện pháp phòng ngừa bệnh

Bên cạnh việc điều trị bệnh bằng thuốc, người bệnh nên xây dựng một chế độ sinh hoạt hợp lý. Điều này sẽ giúp giảm nhanh các triệu chứng và ngăn ngừa lây nhiễm bệnh.

Theo đó, bạn nên lưu ý một số vấn đề như sau để phòng và chữa bệnh nấm men Candida:

  • Thường xuyên súc miệng bằng nước muối ấm để loại bỏ các loại vi khuẩn gây hại bên trong khoang miệng.
  • Bạn nên giữ thói quen đánh răng hai lần mỗi ngày, dùng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn thừa bám trên răng. Ngoài ra, bạn nên thay bàn chải mới thường xuyên để đảm bảo an toàn.
  • Bạn nên kiểm soát đường huyết ở mức độ cho phép để không mắc các bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch như tiểu đường. 
  • Người bệnh nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái và không bó sát khi mắc bệnh. Bạn nên lựa chọn quần áo thông thoáng và thấm hút mồ hôi tốt.
  • Hạn chế sử dụng các chất tẩy rửa hoặc các dung dịch vệ sinh chứa nhiều hóa chất như xà phòng, sữa tắm, các chất khử mùi âm đạo… Các chất này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nấm men Candida. 
  • Khi đến các nơi công cộng hoặc nơi có nhiều người như hồ bơi, bạn nên đi dép, không nên đi chân trần vì dễ lây nhiễm bệnh.
  • Giữ cho móng tay, móng chân gọn gàng, sạch sẽ. Bạn nên lựa chọn cơ sở uy tín để làm nail.
  • Tăng cường bổ sung cho cơ thể những dưỡng chất cần thiết để tăng cường sức đề kháng và phòng ngừa bệnh tật.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để có một sức khỏe tốt và hạn chế mắc bệnh. 
  • Người bệnh không được quan hệ tình dục và sử dụng các chất kích thích trong thời gian chữa bệnh. 
Bạn nên thường xuyên tập luyện thể thao để tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật
Bạn nên thường xuyên tập luyện thể thao để tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật

Nhiễm nấm Candida là một bệnh lý tuy không quá nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh nhưng bạn phải điều trị sớm nhất để tránh gây ra biến chứng. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho bản thân mình, khi phát hiện triệu chứng, bạn không được chủ quan mà hãy đến cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị bệnh. 

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *