Giới thiệu một số nội dung hoạt động của đề án phát triển y tế biển, đảo (13/08/2013)

Để đảm bảo việc bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho người lao động, lực lượng vũ trang và dân trên biển, đảo một cách có hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi “ Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, ngày 7 tháng 2 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 317/QĐ –TTg, Phê duyệt Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”

GIỚI THIỆU MỘT SỐ NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

CỦA ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN Y TẾ BIỂN ĐẢO

1- Nguyễn Văn Đoàn

Vùng biển nước ta có diện tích trên  một triệu km²,với chiều dài 3.620 km, có trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 2.773 đảo ven bờ, 187 đảo xa bờ và hiện có 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương, trong đó có 151 quận, huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh (9 quận, 114 huyện bao gồm cả 12 huyện đảo, 10 thị xã và 18 thành phố), có 637 xã phường tiếp giáp trực tiếp biển, có 65 xã đảo; Dân số của 28 tỉnh/thành phố ven biển khoảng 43,9 triệu người, dân số xã phường tiếp giáp biển khoảng 16,8 triệu người, dân số các huyện đảo khoảng 242 nghìn người;

Y tế biển đảo

Hệ thống y tế được tổ chức theo quy hoạch chung trong hệ thống y tế quốc gia từ tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã; tuy nhiên cũng chưa thống nhất về tổ chức ở một số tỉnh, huyện; nhìn chung năng lực của các trung tâm y tế, bệnh viện, trạm y tế xã đảo còn hạn chế, các dịch vụ y tế (đặc biệt chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao) chưa bao phủ hết đối với quân và dân đang sinh sông và làm việc trên biển, đảo; không đủ khả năng mở rộng phạm vi cứu chữa khi bị chia cắt hoặc tăng đột biến nhu cầu khám chữa bệnh, thiếu hệ thống vận chuyển cấp cứu hiệu quả trên biển. Hệ thống y tế của các Bộ ngành có hoạt động kinh tế trên biển chưa đáp ứng được việc bảo vệ chăm sóc sức khoẻ người lao động và thực hiện những quy định quốc gia, quốc tế. Việc liên kết các lực lượng y tế trên biển, đảo của các địa phương, Bộ, ngành chưa toàn diện. Từ năm 1991, việc chăm sóc sức khoẻ quân và dân trên biển, đảo đã triển khai theo mô hình kết hợp quân dân y( KHQDY) mạng lại hiệu quả tích cực, hầu hết các đảo, ven đảo đều có lực lượng quân đội, các đơn vị này được biên chế quân y đảm bảo chăm sóc sức khoẻ cho bộ đội và chăm sóc sức khoẻ nhân dân; tuy nhiên đến nay cũng bộc lộ nhiều bất cập do thiếu cơ chế để liên kết các lực lượng y tế, chính sách xã hội chưa phù hợp, chính sách về tài chính – đầu tư chưa hợp lý, sự phát triển về quy mô dân số, sự phát triển kinh tế biển, thời tiết bất thường và những yếu tố về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

            Để đảm bảo việc bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho người lao động, lực lượng vũ trang và dân trên biển, đảo một cách có hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi “ Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, ngày 7 tháng 2 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 317/QĐ –TTg, Phê duyệt Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” với các nội dung chính như sau:

Về mục tiêu:

  1. Mục tiêu chung:

           Bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

  1. Mục tiêu cụ thể:
  2. a)Củng cố mạng lưới y tế đủ năng lực và phù hợp với đặc thù hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân vùng biển, đảo.
  3. b)Phát triển nguồnnhân lực y tế đủ về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biển, đảo.
  4. c)Tăng cường năng lực cấp cứu, vận chuyển, khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và các bệnh tật đặc thù vùng biển, đảo.
  5. d)Trang bị kiến thức cho người dân vùng biển, đảo có thể tự bảo vệ sức khỏe, biết tự sơ cấp cứu và đưa người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo.

đ) Thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về đảm bảo y tế cho hoạt động trên biển.

  1. Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020

– Ban hành bộ tiêu chí chuẩn về y tế cho vùng biển, đảo;

– Đào tạo, bổ túc bác sỹ về Y học biển để có đủ năng lực cấp cứu, khám chữa bệnh các bệnh lý đặc thù biển cho 70% các bệnh viện/trung tâm y tế huyện đảo và các bệnh viện ven biển thuộc các Bộ ngành kinh tế biển;

– 100% Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh/thành phố ven biển và mỗi Bộ ngành kinh tế biển, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Dầu khí có 01 đơn vị, đủ năng lực khám dự phòng, tư vấn sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân, lực lượng lao động vùng biển, đảo;

– Với các xã đảo độc lập trên biển đạt 100% có trạm y tế xã, trong đó 50% đạt tiêu chí chuẩn y tế cho vùng biển, đảo; 40% bệnh viện/trung tâm y tế huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2;

– Đầu tư cho 04 trung tâm 115 đủ khả năng phối hợp cấp cứu, vận chuyển cấp cứu trên biển; 6 bệnh viện có trung tâm thu nhận và điều trị bệnh đặc thù vùng biển, đảo và đóng mới 01 tàu biển có chức năng là tàu bệnh viện, trang bị thêm tính năng cấp cứu y tế cho 1 – 2 tàu Cảnh sát biển;

– Xây dựng 02 mô hình trợ giúp y tế từ xa – telemedicine từ bệnh viện vùng đến bệnh viện/trung tâm y tế huyện đảo và nhà dàn;

– 100% người lao động trên các tàu biển, nhà dàn có kiến thức tự bảo vệ sức khỏe và biết kêu gọi sự trợ giúp khi có tình huống cấp cứu;

– 100% tàu vận tải biển – tàu viễn dương thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về bảo đảm y tế biển.

Việc nghiên cứu nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân, lực lượng quân đội ở khu vực biển đảo này cũng như khả năng đáp ứng của lực lượng quân y, dân y và nhất là hoạt động KHQDY trên các đảo là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, có như vậy người dân mới yên tâm làm ăn và sinh sống trên vùng biển, đảo, đồng thời đảm bảo cho các lực lượng vũ trang, các thành phần tham gia làm kinh tế trên biển;

Quyết định số 317/QĐ –TTg, của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” được xây dựng nhằm phục vụ Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Việc phát triển y tế biển, đảo tạo sự công bằng trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế của quân và dân đang công tác, làm ăn, sinh sống trên biển, đảo và việc hưởng các chính sách xã hội. Mọi người dân sinh sống trên biển, đảo, các lực lượng tham gia làm kinh tế, yên tâm bám biển, chủ động ứng xử với thiên tai, nhân tai. Họ là lực lượng mạnh thật sự trên biển, góp phần phối hợp với lực lượng vũ trang bảo vệ trên biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Triển khai đề án phát triển y tế biển, đảo sẽ giúp tăng cường sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành địa phương ven biển; tạo ra hành lang pháp lý cho việc đầu tư  y tế của các Bộ, ngành địa phương ven biển, bảo đảm nguồn tài chính chi trả cho các hoạt động y tế cho vùng biển, đảo.

Đề án có một ý nghĩa hết sức to lớn trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân biển đảo; đặc biệt là đối với người dân đang ngày đêm bám sát ngư trường phát triển kinh tế biển đảo đồng thời góp phần gìn giữ biển đảo quê hương.

Tuy nhiên, đây mới là chủ trương, chính sách của nhà nước, để các chính sách này đi vào cuộc sống, chúng ta cần phải có những nỗ lực hơn nữa. Đặc biệt là trong việc tổ chức hệ thống y tế như trong đề án đã chỉ ra. Đồng thời phải bố trí đủ ngân sách để thực thi đề án vì lĩnh vực này thật khó để xã hội hoá.

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *