Đau bụng trên rốn có thể bị gì? Nguy hiểm không?

Đau bụng trên rốn (vùng thượng vị) là biểu hiện thường gặp của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng và trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên trên thực tế, triệu chứng này cũng có thể xảy ra do các vấn đề ở gan, tụy, lách, ống mật – túi mật và cơ quan tiết niệu.

đau bụng trên rốn
Đau bụng trên rốn do đâu? Cách khắc phục

Đau bụng trên rốn do đâu?

Vùng bụng trên rốn chứa nhiều cơ quan quan trọng như gan, dạ dày, thực quản, thận, niệu quản, túi mật, tụy, tá tràng,… Tổn thương ở một trong những cơ quan này đều có thể gây ra tình trạng đau bụng. Đau bụng trên rốn có thể tự thuyên giảm nếu xảy ra do những nguyên nhân thông thường như ăn quá no, ăn quá nhanh, vận động mạnh sau khi ăn, dùng nhiều thực phẩm khó tiêu và lạm dụng rượu bia.

Tuy nhiên nếu triệu chứng này kéo dài liên tục trong vài ngày hoặc đi kèm với những biểu hiện bất thường như buồn nôn, ợ hơi, khó tiêu, chướng bụng, tiêu chảy,… bạn nên cân nhắc về một số vấn đề sức khỏe có khả năng xảy ra.

Dưới đây là một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng đau bụng trên rốn:

1. Viêm loét dạ dày tá tràng gây đau bụng trên rốn, buồn nôn

Viêm loét dạ dày tá tràng là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau vùng bụng ở trên rốn (đau thượng vị). Ban đầu, niêm mạc dạ dày chỉ bị viêm nhẹ nên mức độ cơn đau chỉ ở mức tương đối. Tuy nhiên nếu không điều trị, niêm mạc dạ dày và tá tràng có thể tiến triển sang giai đoạn loét. Ở giai đoạn này, vùng bụng trên rốn có thể bị đau âm ỉ đến dữ dội khi đói và sau khi ăn no.

Ngoài triệu chứng này, viêm loét dạ dày tá tràng còn đi kèm với một số biểu hiện khác như buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu, ăn uống không ngon, ợ hơi,… Nếu mắc bệnh lâu ngày, cân nặng có thể sụt giảm chỉ trong thời gian ngắn, thể trạng uể oải, xanh xao và thiếu sức sống.

2. Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) cũng có thể là nguyên nhân gây đau vùng bụng ở trên rốn. Tuy nhiên khác với viêm loét dạ dày, bệnh lý này chủ yếu gây đau khi nằm hoặc sau khi ăn quá no. Cơn đau xuất hiện ở vùng thượng vị nằm bên dưới ức, sau đó chạy ngược lên cổ họng kèm theo hiện tượng nóng rát.

đau bụng trên rốn buồn nôn
Đau vùng bụng ở giữa trên rốn kèm buồn nôn, ợ hơi, ợ nóng là biểu hiện của trào ngược thực quản

GERD không chỉ gây đau bụng trên ở giữa mà còn làm phát sinh một số biểu hiện đi kèm như buồn nôn, trớ thức ăn, ợ hơi, ợ nóng, ợ rát, chướng bụng, đầy hơi và ăn uống khó tiêu. Các triệu chứng của bệnh lý này thường bùng phát mạnh vào ban đêm và gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ.

3. Bệnh gan gây đau bụng phải trên rốn

Trong trường hợp bị đau bụng phải trên rốn, bạn có thể cân nhắc về một số vấn đề liên quan đến gan. Cơ quan này nằm ở vùng bụng trên và nghiêng nhiều về bên phải. Vì vậy khi gan bị viêm, hoại tử và tổn thương, cơn đau có thể xuất hiện ở vị trí này.

Đau bụng bên phải trên rốn có thể xảy ra do các vấn đề về gan như:

  • Viêm gan siêu vi (bao gồm viêm gan A, B, C, D, E)
  • Viêm gan không do nhiễm trùng (do rượu, nhiễm độc, do thuốc,…)
  • Suy gan cấp và mãn tính
  • Xơ gan mất bù/ còn bù
  • Ung thư gan

Đặc điểm của các bệnh lý về gan là có triệu chứng mờ nhạt và khó nhận biết. Ở giai đoạn đầu, bệnh hầu như chỉ gây đau vùng bụng bên phải trên rốn do nhu mô gan bị tổn thương và sưng viêm. Khi tổn thương ở gan tiến triển, cơ thể có thể xuất hiện một số triệu chứng như vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu, phân nhạt màu, da dễ dị ứng, ngứa ngáy, buồn nôn, ăn uống kém, nổi mề đay,…

4. Các vấn đề về ống mật, túi mật

Ngoài ra, đau bụng trên rốn cũng có thể là biểu hiện của các vấn đề về ống mật và túi mật như:

đau bụng trên rốn ở giữa là bệnh gì
Các vấn đề về túi mật, ống mật có thể là nguyên nhân gây đau vùng bụng ở trên rốn
  • Sỏi túi mật
  • Rối loạn vận động túi mật
  • Viêm túi mật cấp – mãn tính
  • Polyp túi mật
  • Ung thư túi mật

Các vấn đề ở ống mật và túi mật có thể gây đau ở vùng bụng giữa trên rốn (vùng thượng vị) hoặc vùng bụng bên phải trên rốn dưới bờ sườn. Cơn đau có thể âm ỉ, đau dai dẳng cho đến dữ dội tùy thuộc vào nguyên nhân và giai đoạn phát triển của bệnh.

Ngoài ra, các vấn đề ở sỏi và ống mật còn đi kèm với một số dấu hiệu khác như vàng da, chậm tiêu, chán ăn, sợ thức ăn chứa nhiều mỡ, đầy bụng,…

5. Đau bụng trên rốn do nhiễm giun

Đau bụng trên rốn cũng có thể xảy ra do nhiễm giun sán. Giun sán là các loại ký sinh trùng có khả năng sinh sống và phát triển trong đường ruột của con người. Các loại ký sinh trùng này có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua thực phẩm, nguồn nước bẩn, không vệ sinh tay sau khi đi vệ sinh và sau khi chạm vào đất cát.

Tuy nhiên, giun sán cũng có thể di chuyển từ đường ruột đến ống mật và gây đau vùng bụng trên rốn hoặc đau xung quanh rốn. Ngoài triệu chứng này, nhiễm giun sán còn có một số biểu hiện khác như tiêu chảy/ táo bón, đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, ăn uống kém, người xanh xao, suy nhược,…

6. Đau bụng trên rốn là biểu hiện của các vấn đề tiết niệu

Vùng bụng trên rốn không chỉ chứa các cơ quan tiêu hóa mà còn bao gồm cả các cơ quan tiết niệu như thận phải, thận trái và niệu quản (cơ quan dẫn nước tiểu xuống bàng quang). Vì vậy ở một số ít trường hợp, đau bụng trên rốn cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý ở đường tiết niệu như:

đau bụng trên rốn bên phải
Sỏi thận có thể gây đau bụng trên rốn bên phải hoặc bên trái (tùy theo vị trí của sỏi)
  • Sỏi thận
  • Sỏi niệu quản
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu

Các vấn đề ở đường tiết niệu có thể gây đau bụng trên rốn sau đó lan tỏa xuống vùng bụng xung quanh rốn và bụng dưới. Ngoài ra, các bệnh lý này còn gây ra một số biểu hiện khác như đau lưng, đau khi tiểu, tiểu nhiều lần, són tiểu, tiểu rắt, tiểu ra máu, buồn nôn, nôn mửa hoặc có cảm giác ớn lạnh, thân nhiệt tăng.

7. Đau bụng bên trái trên rốn do vấn đề về lách, tụy

Nếu đau vùng bụng bên trái trên rốn, nguyên nhân có thể do những vấn đề tụy và lách như:

  • Phì đại lá lách (thường do viêm tuyến bạch cầu, ung thư hạch, bệnh máu trằng)
  • Thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm gây tổn thương lách
  • Vỡ lá lách do chấn thương nghiêm trọng
  • Viêm tuyến tụy

Triệu chứng của các vấn đề ở tuyến tụy và lá lách thường không có biểu hiện điển hình – trừ những trường hợp cấp tính. Chính vì vậy nếu triệu chứng kéo dài trong nhiều ngày, nên chủ động thăm khám để được chẩn đoán và can thiệp điều trị trong thời gian sớm nhất.

8. Một số nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân trên, đau vùng bụng ở trên rốn còn có thể xảy ra do một số nguyên nhân ít phổ biến hơn như:

– Rối loạn tiêu hóa:

Rối loạn tiêu hóa là tình trạng hệ tiêu hóa bị rối loạn do nhiều nguyên nhân khác nhau như sử dụng rượu bia, chế độ ăn không phù hợp, dùng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, lạm dụng thuốc kháng sinh hoặc do hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn chỉnh (trẻ nhỏ). Tình trạng này có thể là nguyên nhân gây đau vùng bụng trên rốn và dưới rốn, cơn đau có thể âm ỉ hoặc đau quặn theo từng cơn.

đau bụng trên rốn dưới ức
Đau bụng trên rốn dưới ức là một trong những dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa còn gây ra một số triệu chứng khác như rối loạn đại tiện (táo bón xen kẽ tiêu chảy), đầy hơi, khó tiêu, bụng chướng, ợ hơi liên tục, buồn nôn, miệng đắng, chua,…

– Viêm ruột thừa:

Ruột thừa là một đoạn ruột dư ra có chiều dài khoảng 4 – 12cm, thường nằm ở vùng bụng phải bên dưới. Tuy nhiên trên thực tế, một số trường hợp ruột thừa có mạc treo. Đối với những trường hợp này, ruột thừa có thể di chuyển ở nhiều vị trí trong ổ bụng. Chính vì vậy trong một số trường hợp, đau vùng bụng trên rốn có thể là biểu hiện của viêm ruột thừa.

Viêm ruột thừa thường khởi phát ở dạng cấp tính với những triệu chứng điển hình như đau bụng dữ dội, sốt nhẹ, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, ăn không ngon miệng,…

– Ngộ độc thức ăn:

Ngộ độc thức ăn thường xảy ra do sử dụng thực phẩm hoặc nước uống bị nhiễm độc hoặc nhiễm khuẩn. Mức độ ngộ độc có thể dao động từ nhẹ đến nghiêm trọng và thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng nếu không xử lý kịp thời.

Ngoài triệu chứng đau bụng, ngộ độc thức ăn còn có thể gây ra một số triệu chứng đi kèm như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, sốt và đau đầu. Các triệu chứng này thường xuất hiện vài phút đến vài giờ sau khi dùng thức ăn và nước uống nhiễm khuẩn.

Trên thực tế, đau bụng trên rốn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài những nguyên nhân phổ biến, triệu chứng này còn có thể khởi phát do một số nguyên nhân hiếm gặp hơn như các vấn đề về tim, phổi,…

Đau bụng trên rốn có nguy hiểm không?

Đau bụng trên rốn xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Mức độ nguy hiểm của triệu chứng này phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Nếu xảy ra do rối loạn tiêu hóa, ăn uống không hợp lý, triệu chứng này có thể thuyên giảm chỉ sau vài ngày nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, trong trường hợp đau bụng trên rốn do các vấn đề ở gan, thực quản, dạ dày, lách, tụy,… tình trạng có thể nghiêm trọng dần theo thời gian. Chính vì vậy, nếu nhận thấy triệu chứng không thuyên giảm sau khoảng vài ngày hoặc đi kèm với những dấu hiệu bất thường, nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Cách khắc phục đau vùng bụng trên rốn tại nhà

Để làm giảm triệu chứng đau vùng bụng trên rốn tại nhà, bạn có thể áp dụng một số cách khắc phục sau:

1. Áp dụng các biện pháp giảm đau tạm thời

Đau bụng có thể gây khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ và hiệu suất lao động – học tập. Để kiểm soát triệu chứng này, bạn có thể áp dụng một số phương pháp giảm đau tạm thời sau:

đau bụng trên rốn bên trái
Chườm ấm từ 10 – 15 phút có thể làm giảm tình trạng đau vùng bụng trên rốn
  • Chườm ấm: Chườm túi ấm lên vùng bụng trên rốn là cách giảm đau an toàn và dễ thực hiện. Nhiệt độ ấm từ túi chườm có tác dụng làm dịu cơ trơn của dạ dày, thực quản, giãn mao mạch, thư giãn và giảm đau khá hiệu quả. Khi chườm ấm, nên nằm và thả lỏng cơ thể để cơn đau nhanh chóng thuyên giảm.
  • Trà gừng ấm giảm đau bụng: Nếu đau bụng trên rốn do rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày và trào ngược thực quản, bạn có thể uống trà gừng ấm để cải thiện. Ngoài tác dụng giảm đau, trà gừng còn giúp làm giảm tình trạng buồn nôn, nôn mửa và đắng miệng.
  • Ăn mật ong nguyên chất: Ăn mật ong nguyên chất là một trong những cách giảm đau bụng khá hiệu quả. Mật ong có khả năng làm dịu vùng cổ họng, trung hòa axit dạ dày và hạn chế tình trạng trào ngược thực quản. Bên cạnh đó, các hoạt chất trong thực phẩm này còn có đặc tính ức chế virus, nấm và vi khuẩn gây viêm nhiễm dạ dày – ruột.
  • Massage vùng bụng: Massage vùng bụng có thể làm giảm tình trạng đau bụng trên rốn khá rõ rệt. Khi massage, nên điều chỉnh lực vừa phải để tránh kích thích lên các cơ quan tổn thương. Để tăng tác dụng, bạn có thể sử dụng cùng với tinh dầu khuynh diệp để thúc đẩy tuần hoàn máu, thư giãn và giảm đau bụng.
  • Sử dụng thuốc không kê toa: Nếu cơn đau không thuyên giảm, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc không kê toa. Loại thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến là Paracetamol. Tuy nhiên trên thực tế, loại thuốc này có thể làm nghiêm trọng triệu chứng của các vấn đề ở gan và dạ dày. Vì vậy nên thông báo với dược sĩ toàn bộ triệu chứng, tình trạng sức khỏe và tiền sử dị ứng để được tư vấn loại thuốc phù hợp.

Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng một số cách giảm đau bụng trên rốn tại nhà khác như tắm nước ấm, ngồi thiền, nghỉ ngơi, uống trà nghệ mật ong,…

2. Điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt

Thực tế, đa phần các trường hợp đau bụng trên rốn đều khởi phát do thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu điều độ. Vì vậy để làm giảm và phòng ngừa triệu chứng tái phát, bạn nên xây dựng lối sống khoa học và lành mạnh.

đau bụng bên phải trên rốn
Ăn uống khoa học giúp kiểm soát và phòng ngừa đau bụng bên phải/ bên trái trên rốn tái phát

Lối sống khoa học giúp kiểm soát và phòng ngừa đau vùng bụng trên rốn:

  • Không nên ăn quá no hoặc để bụng quá đói. Các thói quen này đều ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của hệ tiêu hóa và gây ra tình trạng đau bụng, buồn nôn.
  • Ăn đủ bữa, tuyệt đối không nhịn ăn hoặc ăn không đúng giờ. Người bị vấn đề về dạ dày và thực quản nên chia nhỏ bữa ăn để tránh đau thượng vị và nôn mửa sau bữa ăn.
  • Nên tăng cường bổ sung các nhóm thực phẩm có lợi như rau xanh, ngũ cốc, trái cây, sữa chua, các loại hạt,… Hạn chế dùng rượu bia, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, món ăn chứa nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng, muối,…
  • Không nên nằm hoặc vận động mạnh ngay sau khi ăn. Thay vào đó, nên ngồi nghỉ ngơi trong ít nhất 20 phút sau khi dùng bữa.
  • Thay đổi các thói quen xấu như hút thuốc lá, dùng chất kích thích, thức khuya, lười vận động,… Các thói quen này có thể làm tăng áp lực lên hệ tiêu hóa và khiến triệu chứng đau vùng bụng trên rốn trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Tuyệt đối không nhịn tiểu, nên đi tiểu tiện và đại tiện ngay khi có nhu cầu. Đồng thời cần đảm bảo uống đủ 2 – 2.5 lít nước/ ngày.
  • Thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần để kiểm tra tình trạng sức khỏe và kịp thời điều trị các bệnh lý tiềm ẩn.

Đau vùng bụng trên rốn – Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đau vùng bụng trên rốn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc xác định bệnh lý qua triệu chứng lâm sàng có thể gây sai lệch và dẫn đến áp dụng các phương pháp điều trị không phù hợp. Vì vậy, nếu nhận thấy triệu chứng đau bụng trên rốn không thuyên giảm sau vài ngày hoặc đi kèm với những dấu hiệu bất thường, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị y tế.

đau bụng bên trái trên rốn
Trong trường hợp cần thiết, nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị y tế

Nên tìm gặp bác sĩ khi nhận thấy các triệu chứng sau:

  • Đau bụng trên rốn có mức độ dữ dội, cơn đau lan ra sau lưng, xung quanh rốn và bụng dưới
  • Đi kèm với hiện tượng nôn mửa liên tục
  • Người sốt cao, mệt mỏi, mất nước
  • Hoặc bất cứ triệu chứng nào có mức độ nghiêm trọng

Bài viết đã tổng hợp một số nguyên nhân có thể gây đau bụng trên rốn và hướng dẫn cách khắc phục tại nhà. Tuy nhiên nếu triệu chứng không thuyên giảm hoàn toàn sau vài ngày, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán và tiến hành điều trị trong thời gian sớm nhất.

Tham khảo thêm: Đau bụng: Chẩn đoán nguyên nhân qua vị trí đau & điều trị

5/5 - (6 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *