Nội Soi Dạ Dày Gây Mê Là Gì? Ưu Nhược Điểm Và Lưu ý

Nội soi dạ dày gây mê là phương pháp nội soi được thực hiện khi người bệnh được gây mê ở trạng thái kiểm soát. Biện pháp này thường được chỉ định ở người bệnh trên 60 tuổi, người có chỉ số ASA cao (tình trạng sức khỏe không tốt) hoặc người bệnh có nhu cầu.

Nội soi dạ dày gây mê
Nội soi dạ dày gây mê có thể cải thiện tình trạng căng thẳng và hạn chế các cơn đau sau nội soi

Nội soi dạ dày gây mê là gì?

Nội soi dạ dày là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu được chỉ định để kiểm tra niêm mạc thực quản, dạ dày và tá tràng. Thủ thuật này được tiến hành để chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hóa, tiến hành lấy mẫu mô sinh thiết và phẫu thuật.

Để tiến hành nội soi, bác sĩ sử dụng một ống dài, mỏng có camera quan sát để xâm nhập vào miệng, qua thực quản, đến dạ dày và tá tràng. Bên trong dạ dày, các sợi quang và camera có nhiệm vụ truyền hình ảnh hoặc video đến màn hình để hỗ trợ bác sĩ quan sát, chẩn đoán các bệnh lý.

Ngày nay, trong một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định nội soi dạ dày gây mê. Gây mê trong nội soi dạ dày có thể giảm đau, giải tỏa áp lực tâm lý cũng như ngăn ngừa kích ứng dạ dày, giúp quá trình nội soi diễn ra thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, nội soi dạ dày gây mê có thể mang lại tính chính xác cao hơn đối với các thủ thuật cắt polyp, cắt hớt niêm mạc dạ dày, chẩn đoán ung thư sớm, tiêm xơ tĩnh mạch phình vị, tiêm thuốc cầm máu trong xuất huyết dạ dày hoặc thắt tĩnh mạch thực quản.

Hiện nay việc gây mê trong nội soi tiêu hóa ngày càng phổ biến, chi phí hợp lý, thời gian thực hiện ngắn và người bệnh cũng hồi tỉnh nhanh chóng hơn. Ngoài ra, gây mê được cho là có thể đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trên 60 tuổi, người rối loạn tâm lý, rối loạn lo âu hoặc bệnh nhân có chỉ số ASA cao (theo tiêu chuẩn xếp loại sức khỏe bệnh nhân, chỉ số ASA cao tỷ lệ thuận với các yếu tố rủi ro).

Quy trình nội soi dạ dày gây mê

Nội soi dạ dày gây mê được thực hiện khi người bệnh có tình trạng khó chịu ở bụng, đau thượng vị, đầy hơi, ợ hơi có tính axit cao, có cảm giác no căng bụng, ho hoặc nôn ra máu.

Quá trình nội soi được thực hiện theo quy trình sau:

1. Trước khi nội soi

Trước khi nội soi gây mê, người bệnh sẽ được yêu cầu cung cấp cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế về tiền sử bệnh án, bao gồm lý do thực hiện nội soi gây mê. Các bệnh lý đặc biệt nghiêm trọng khi gây mê người bệnh cần thông báo cho bác sĩ bao gồm:

  • Bệnh tim hoặc phổi như hen suyễn, đau thắt ngực hoặc suy tim
  • Bệnh gan hoặc thận
  • Bệnh lý về dạ dày như xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu hoặc các vấn đề xuất huyết khác
Nội soi dạ dày gây tê bao nhiêu tiền
Trước khi nội soi người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể

Bên cạnh đó, người bệnh cùng cần thực hiện các chuẩn bị như nội soi dạ dày thông thường như:

  • Nhịn ăn trong vòng 6 – 8 giờ trước khi nội soi.
  • Đối với trẻ em, trẻ có thể uống sữa mẹ trước khi nội soi 4 giờ và 6 giờ đối với sữa công thức. Tất cả các chất lỏng, bán lỏng và thực phẩm rắn khác phải được dừng trước khi nội soi 8 giờ.
  • Không nhai kẹo cao su, sử dụng thuốc ho và các loại kẹo cứng trước khi nội soi. Nếu người bệnh đã sử dụng các loại kẹo cao su, thủ thuật có thể bị hoãn lại 2 giờ kể từ lúc ngừng sử dụng kẹo. Nếu người bệnh sử dụng kẹo cứng, quy trình sẽ được hoãn lại 6 giờ.
  • Người bệnh không nên sử dụng aspirin, ibuprofen hoặc naproxen trong vòng 1 tuần trước khi thực hiện thủ thuật nội soi gây mê và 3 ngày sau khi thực hiện thủ thuật. Acetaminophen có thể được cho phép, tuy nhiên người bệnh cần trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện thủ thuật.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thực hiện một cuộc kiểm tra thể chất ngắn để đảm bảo người bệnh đủ điều kiện thực hiện thủ thuật nội soi gây mê. Ngoài ra, người bệnh cũng nên thông báo cho bác sĩ về tình trạng dị ứng thuốc hoặc các bệnh dị ứng khác trong cơ thể.

2. Quá trình nội soi dạ dày gây mê

Người bệnh được đưa vào phòng nội soi, kết nối với thiết bị giám sát để đảm bảo an toàn trong quá trình nội soi. Bác sĩ gây mê tiến hành tiêm thuốc gây mê hoặc thuốc an thần thông qua tĩnh mạch ở mu bàn tay hoặc cẳng tay.

Người bệnh cũng có thể được cung cấp mặt nạ thở để tăng nồng độ oxy trong không khí khi hít thở. Điều này đảm bảo oxy được lưu thông trong suốt quá trình nội soi và đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Triệu chứng sau khi nội soi dạ dày
Trong quá trình nội soi người bệnh sẽ được theo dõi các dấu hiệu sinh tồn để đảm bảo tính an toàn của thủ thuật

Bác sĩ tiến hành nội soi thông qua các bước cơ bản như:

  • Người bệnh được gây mê toàn thân và rơi vào trạng thái ngủ.
  • Bác sĩ đặt ống nội soi thông qua miệng, đi vào thực quản, dạ dày và tá tràng.
  • Bác sĩ quan sát dạ dày và đưa ra kết luận chẩn đoán. Trong quá trình nội soi, bác sĩ cũng có thể lấy các mẫu mô rất nhỏ ở niêm mạc thực quản, dạ dày và tá tràng để kiểm tra ở phòng thí nghiệm.

Các bước thực hiện nội soi dạ dày gây mê mất khoảng 20 phút.

Trong suốt quá trình nội soi, người bệnh sẽ được theo dõi chức năng phổi, tim, kiểm tra màu da, nhịp tim và nhịp thở. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng đo nhịp tim, theo dõi huyết áp để đảm bảo an toàn và có biện pháp xử lý nếu xuất hiện các rủi ro không mong muốn.

3. Sau khi nội soi

Sau quá trình nội soi dạ dày gây mê, người bệnh có thể được đưa vào vào phục hồi. Người bệnh có thể được theo dõi bằng các thiết bị theo dõi, điều dưỡng hoặc các nhân viên y tế có kinh nghiệm.

Nội soi đại tràng gây mê giá bao nhiêu
Sau khi nội soi gây mê người bệnh sẽ được theo dõi ở phòng hồi sức

Người bệnh sẽ được kiểm tra huyết áp và các dấu hiệu sinh tồn thường xuyên trong thời gian thư giãn và hồi phục ý thức.

Sau khi hội tỉnh người bệnh có thể uống nước hoặc sử dụng một bữa ăn nhẹ trong vòng 1 giờ sau khi thực hiện nội soi. Thông thường người bệnh chỉ nên ăn nhẹ và giữ nước trong phần còn lại của ngày thực hiện nội soi.

Nội soi dạ dày gây mê là thủ tục xâm lấn tối thiểu ngoại trú. Điều này có nghĩa là người bệnh có thể ra về ngay trong ngày. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người bệnh không được lái xe, đi xe đạp, chơi thể thao hoặc thực hiện các hoạt động phối hợp hoặc đàm phán khác trong ngày.

Bên cạnh đó, nếu sau vài ngày thực hiện nội soi gây mê, người bệnh vẫn cảm thấy mệt mỏi, không ổn định, hãy thông báo cho bác sĩ để có biện pháp xử lý phù hợp.

Các loại thuốc được sử dụng trong nội soi dạ dày gây mê

Các loại thuốc gây mê và an thần thường được chỉ định trong nội soi tiêu hóa thường bao gồm:

  • Anxiolytic có tác dụng giảm lo lắng
  • Amnests có thể giảm ý thức và trí nhớ của người bệnh
  • Thuốc giảm đau gốc diazepam hoặc Midazolam

Các loại thuốc được sử dụng trong nội soi dạ dày gây mê có thể dẫn đến một số tác dụng phụ và tương tác thuốc nhất định. Do đó, người bệnh cần thông báo với bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng, kể cả thuốc không kê đơn, thực phẩm bổ sinh để tránh các rủi ro không mong muốn.

Ưu và nhược điểm khi nội soi dạ dày gây mê

Nội soi dạ dày gây mê là thủ thuật gây mê toàn thân được sử dụng để xác định và điều trị một số bệnh lý dạ dày. Bệnh nhân được gây mê ở trạng thái có kiểm soát, đảm bảo an toàn và tránh các rủi ro không mong muốn.

Nội soi dạ dày là một thủ tục xâm lấn tối thiểu và an toàn. Tuy nhiên, tương tự như các biện pháp chẩn đoán và điều trị khác, nội soi dạ dày gây mê cũng có nhiều ưu điểm và nhược điểm.

1. Ưu điểm

Nội soi dạ dày gây mê sử dụng phương pháp gây mê toàn thân có thể giúp bệnh nhân chịu đựng các bước trong quy trình nội soi mà không cảm thấy đau đớn hoặc kích thích sinh lý.

Gây mê toàn thân có thể làm giảm nhận thức và hồi tưởng của bệnh nhân về thủ thuật. Điều này có thể ngăn ngừa cảm giác lo lắng, hồi hộp và căng thẳng trong quá trình thực hiện nội soi. Bên cạnh đó, nội soi giúp người bệnh thư giãn trong một thời gian dài, tạo điều kiện phục hồi hệ thống hô hấp và tuần hoàn.

Ngoài ra, gây mê toàn thân có thể giúp người bệnh dễ dàng thích nghi với các thủ tục nội soi. Điều này giúp quá trình nội soi diễn ra nhanh chóng và thuận lợi. Người bệnh không bị căng thẳng quá mức trong suốt quá trình và bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra các triệu chứng, sinh thiết hoặc thực hiện phẫu thuật cùng một lúc.

Có nên nội soi dạ dày gây mê không
Gây mê khi nội soi có thể giúp quá trình nội soi diễn ra thuận lợi hơn

2. Nhược điểm khi nội soi dạ dày gây mê

Nội soi gây mê là thủ thuật đòi hỏi sự phức tạp trong việc theo dõi và chăm sóc người bệnh, do đó chi phí thường cao. Thông thường, chi phí nội soi dạ dày gây mê cơ bản khoảng 1.000.000 – 1.200.000 đồng cho một lần nội soi. Tuy nhiên, chi phi có thể thay đổi phụ thuộc vào điều kiện cơ bản, loại thuốc sử dụng, các thiết bị nội soi và trình độ của đội ngũ y bác sĩ.

Bên cạnh đó người bệnh cần tiến hành kiểm tra lịch sử bệnh án cũng như dẫn đến nhiều rủi ro sau nội soi như buồn nôn, đau đầu, run rẩy và chậm phục hồi ý thức bình thường.

Một số loại thuốc gây mê toàn thân có thể gây đau họng hoặc cảm giác mệt mỏi hàng giờ sau khi phẫu thuật. Ngoài ra, một số người bệnh có thể gặp các vấn đề như chóng mặt, suy giảm thị lực hoặc đau răng và viêm lợi.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, đặc biệt là đối với bệnh nhân có chỉ số ASA cao, nội soi dạ dày có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng như tăng kali máu, đột quỵ, đau tim, tổn thương não và tử vong. Các rủi ro này rất hiếm khi xảy ra, tuy nhiên các đối tượng nguy cơ và bệnh nhân cao tuổi cần trao đổi với bác sĩ về lợi ích và rủi ro trước khi thực hiện thủ thuật để tránh các rủi ro không mong muốn.

Nội soi dạ dày gây mê có nguy hiểm không?

Thủ tục nội soi dạ dày gây mê được xem là an toàn đối với hầu hết các đối tượng bệnh. Tuy nhiên, thủ thuật này cần được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn để tránh cả rủi ro không mong muốn.

Nội soi dạ dày gây mê là gì
Hầu hết các trường hợp nội soi dạ dày gây mê được xem là an toàn

Mặc dù tương đối an toàn, tuy nhiên đôi khi nội soi dạ dày gây mê có thể gây ra một số rủi ro và biến chứng, bao gồm:

  • Chảy một lượng máu nhỏ ở vị trí sinh thiết dẫn đến tình trạng nôn hoặc nhổ ra nước bọt có chứa máu. Tuy nhiên tình trạng này rất hiếm khi xảy ra, trừ khi người bệnh có các vấn đề chảy máu như bệnh máu khó đông hoặc số lượng tiểu cầu thấp. Tình trạng này thường có thể tự cải thiện, không dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng và hiếm khi cần điều trị y tế.
  • Viêm phổi hít (là tình trạng hít thức ăn hoặc nước bọt vào phổi) có thể xảy ra trong quá trình nội soi. Tình trạng này thường phổ biến ở bệnh nhân ăn hoặc uống thứ gì đó trước khi nội soi hoặc do người bệnh có quá nhiều máu trong dạ dày. Do đó, thực hiện hướng dẫn ăn và uống trước khi thực hiện thủ thuật nội soi là điều rất quan trọng. Trong trường hợp viêm phổi hít xảy ra, người bệnh có thể cần nhập viện để theo dõi và điều trị.
  • Thủng dạ dày, thực quản hoặc tá tràng. Tình trạng này rất hiếm khi xảy ra trừ khi các mô ở niêm mạc của người bệnh rất mỏng hoặc có vết viêm loét dạ dày nghiêm trọng. Thủng niêm mạc là tình trạng nghiêm trọng cần phẫu thuật để ngăn ngừa các rủi ro có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
  • Tắc nghẽn tá tràng có thể xảy ra khi người bệnh có thể vết bầm tím hoặc sưng phù ở vị trí sinh thiết. Tình trạng này có thể xảy ra nếu người bệnh rối loạn chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu cao.

Lưu ý khi nội soi dạ dày gây mê

Để nội soi dạ dày gây mê diễn ra thuận lợi, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề bao gồm:

  • Không ăn bất cứ thứ gì trong ít nhất 6 giờ trước khi thực hiện thủ thuật nội soi.
  • Không uống các loại nước có gas, chất kích thích hoặc rượu, bia.
  • Không sử dụng các loại thuốc có tác dụng tráng niêm mạc dạ dày. Người bệnh cũng nên thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, các bệnh lý mãn tính hoặc tình trạng sức khỏe tiềm ẩn.
  • Trẻ em có thể uống một lượng sữa nhất định, tuy nhiên người chăm sóc cần thông báo cho bác sĩ để có biện pháp phòng ngừa trào ngược dạ dày và tràn chất lỏng vào phổi.
  • Bệnh nhân dưới 10 tuổi nên hạn chế nội soi dạ dày gây mê, trừ các trường hợp cần thiết và được chỉ định bởi bác sĩ chuyên môn.
  • Khi đi nội soi dạ dày gây mê, người bệnh nên đi cùng vì người thân để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó không nên tự lái xe về nhà sau khi nội soi.

Sau khi nội soi tiêu hóa gây mê, người bệnh được đưa đến phòng hồi sức và theo dõi tình trạng. Nếu có bất cứ biến chứng, cảm giác khó chịu hoặc dấu hiệu nghiêm trọng nào, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ. Bên cạnh đó, gọi cho bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng như:

  • Khó thở hoặc tỉnh dậy trong trạng thái mơ hồ.
  • Xuất hiện một cơn đau nhói ở bụng.
  • Ho, đau họng hoặc khàn giọng kéo dài hơn 24 giờ.
  • Sốt trên 38 độ.
  • Nôn.
5/5 - (11 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *