Đào tạo nhân lực y tế: nhìn từ kết quả đào tạo một dự án (12/07/2013)
Cho tới năm 2005 toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ có 16 Tiến sỹ, 115 Thạc sỹ, 38 CKII và 1.558 CKI. Với lực lượng cán bộ như vậy ở một địa phương rộng lớn với gần 20 triệu dân là một điều bất cập. Được sự đồng tình của WB, dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thiết lập thành phần Phát triển nguồn nhân lực tập trung vào hỗ trợ 3 nhóm hoạt động chủ yếu là Đào tạo dài hạn, Tập huấn ngắn hạn và Đầu tư mua sắm nâng cao năng lực giảng dạy cho các trường y, dược trên địa bàn.
ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ: NHÌN TỪ KẾT QUẢ ĐÀO TẠO MỘT DỰ ÁN
Ths. Dương Đức Thiện
Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ Y tế
Trước năm 2005, việc đào tạo nhân lực y tế hầu hết là do Ngân sách Nhà nước đài thọ và học viên phải tự lo kinh phí ăn ở, đi lại. Đối với các cơ sở đào tạo, do được phân bổ nguồn kinh phí có hạn nên chỉ tiêu đào tạo rất hạn chế. Đối với học viên, với thu nhập đồng lương ít ỏi và hầu như không có thu nhập thêm tại đơn vị nên các Bác sỹ, Dược sỹ công tác ở tuyến huyện khi đi học nâng cao trình độ gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, do thu nhập thấp ở đơn vị nên nhiều thầy thuốc phải tự bươn trải để có thêm thu nhập nuôi sống gia đình, phổ biến là mở phòng mạch tư nên các thầy thuốc lại càng ngại khi phải lên thành phố học thêm. Vì những lý do trên, cho tới năm 2005 toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ có 16 Tiến sỹ, 115 Thạc sỹ, 38 CKII và 1.558 CKI. Với lực lượng cán bộ như vậy ở một địa phương rộng lớn với gần 20 triệu dân quả là bất cập. Do vậy, đào tạo cán bộ được xác định là một trong những hoạt động trọng tâm của dự án.
Nắm bắt được những khó khăn của học viên và các cơ sở đào tạo, Bộ Y tế đã chủ trương sử dụng nguồn vốn vay của các dự án do WB và ADB tài trợ để đào tạo cán bộ. Được sự đồng tình của WB, dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thiết lập thành phần D: Phát triển nguồn nhân lực. Đây là một trong 5 thành phần của dự án với số vốn hỗ trợ từ WB là 75 triệu USD. Thành phần D của dự án tập trung vào hỗ trợ 3 nhóm hoạt động chủ yếu là Đào tạo dài hạn, Tập huấn ngắn hạn và Đầu tư mua sắm nâng cao năng lực giảng dạy cho các trường y, dược trên địa bàn. Trong đó dự án đặc biệt chú trọng đào tạo BS CK cấp I, BS CK cấp II cho bệnh viện các tỉnh, huyện trong khu vực nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Dự án đã hỗ trợ một phần kinh phí cho các cơ sở đào tạo để nhà trường có thể mở rộng chỉ tiêu đào tạo. Dự án cũng hỗ trợ các học viên kinh phí ăn ở, đi lại. Đây là phần hỗ trợ rất quan trọng và vô cùng cần thiết, là liều thuốc mạnh động viên cán bộ y tế có thể tham gia đầy đủ khóa học ở Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh hoặc ĐH Y dược Cần Thơ.
Sau đây là một số kết quả chủ yếu:
Đào tào dài hạn:
Về đào tạo dài hạn, Dự án đã hỗ trợ các hình thức đào tạo CBYT dài hạn, bao gồm đào tạo Bác sỹ, Dược sỹ chuyên tu, BS chuyên khoa cấp I, cấp II, Thạc sỹ và Tiến sỹ. Sau hơn 5 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ đào tạo được:
– 1.794 Bác sỹ, Dược sỹ, Cử nhân kỹ thuật y học hệ 4 năm, vượt 2,2 lần so với kế hoạch đề ra.
– 1.592 Bác sỹ chuyên khoa cấp I, gấp 3,2 lần so với kế hoạch đề ra cho Dự án và nhiều hơn với số lượng BS chuyên khoa cấp I tất cả các tỉnh có khi bắt đầu triển khai dự án.
– 361 Bác sỹ chuyên khoa cấp II, gấn 1,6 lần so với kế hoạch đặt ra, nâng số lượng chuyên khoa cấp II của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long lên gấp 10 lần, từ 38 người trước triển khai Dự án lên 399 người sau dự án.
– 230 Thạc sỹ, vượt gấp 6,7 lần so với kế hoạch đặt ra cho Dự án và gấp 2 lần so với số lượng Thạc sỹ của tất cả 13 tỉnh đã có khi bắt đầu thực hiện dự án.
– 23 Tiến sỹ, gấp 1,2 lần so với kế hoạch của Dự án và nhiều hơn số Tiến sỹ đã được đào tạo trong nhiều năm tại khu vực.
Biểu đồ 1: Kết quả đào tạo cán bộ y tế dài hạn của Dự án
Trong tổng số 2.206 học viên trên đại học được dự án hỗ trợ có:
+ Quản lý: 225 học viên
+ Y tế dự phòng: 324 học viên
+ Khám, chữa bệnh: 1.657 học viên
Số học viên đào tạo trên đại học được dự án hỗ trợ bằng 287,2% so với kế hoạch ban đầu và bằng 110% so với kế hoạch điều chỉnh ngày 24/3/2011.
Biểu đồ 2: Chuyên ngành của học viên đào tạo sau đại học
Tập huấn ngắn hạn
Tổng số học viên đào tạo ngắn hạn là 8.008 cán bộ bằng 195% kế hoạch giao theo báo cáo khả thi (8.008/4.106), trong đó có 7.546 cán bộ được đào tạo ngắn hạn về các nội dung liên quan đến khám chữa bệnh và 444 cán bộ được đào tạo về YTDP và quản lý.
Về điều trị, Dự án tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn cho các lĩnh vực mũi nhọn trong bệnh viện, đồng thời phù hợp với các trang thiết bị y tế do Dự án cung cấp, như về cấp cứu, nội, ngoại, sản, nhi, phụ sản, các chuyên khoa răng hàm mặt, tai mũi họng, mắt, các chuyên khoa cận lâm sàng và kỹ năng xét nghiệm…v.v.
Về phòng bệnh, Dự án tập trung nâng cao kỹ năng xét nghiệm tại các TTYTDP tuyến tỉnh và huyện, phù hợp với các trang thiết bị được cung cấp. Ngoài ra, còn có một số cán bộ được đào tạo về quản lý y tế, bảo dưỡng trang thiết bị y tế…Các hoạt động đào tạo, tập huấn đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng trang thiết bị được Dự án cung cấp.
Đầu tư mua trang thiết bị và mô hình phục vụ giảng dạy
Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ y tế trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Dự án đã hỗ trợ Trường Đại học Y dược Cần Thơ và 12 trường Cao đẳng, Trung cấp y tế của các tỉnh Dự án về trang thiết bị và phương tiện giảng dạy. Các trang thiết bị do Dự án cung cấp đã đóng góp tích cực để nâng cao chất lượng dạy và học của trường. Tại trường ĐH Y dược Cần Thơ, nhiều máy móc thiết bị đào tạo giảng dạy được mua sắm đặc biệt là một số labo kỹ thuật cao đã được đưa vào hoạt động.
Những kết quả trên đây thật ấn tượng. Trong Hội nghị tổng kết dự án ngày 20/6/2012, đại diện WB đã phát biểu và hết lời ca ngợi những kết quả mà dự án đã đạt được trong đó có thành phần về đào tạo. Nhưng những lời khen ngợi có ý nghĩa hơn nhiều đó chính là những người bệnh đã được những thầy thuốc giỏi hơn trước chăm sóc, chữa bệnh ngay tại quê nhà. Có được những kết quả đó phần quan trọng nhất là sự cố gắng của học viên, tạm thời xa gia đình, xa phòng mạch, xa cơ quan để theo học 2 năm, 4 năm (CKI, CKII và bác sỹ hệ 4 năm). Đồng thời là sự cố gắng, nỗ lực của các ban quản lý dự án TW, các tỉnh đã tổ chức, triển khai tốt hoạt động của dự án. Đặc biệt là rất nhạy bén trong công tác lập kế hoạch hoạt động hàng năm, khi nhận thấy nhu cầu đào tạo tăng lên Ban quản lý dự án đã chủ động đề xuất điều chỉnh kế hoạch. Do vậy, số lượng BS CK cấp I, BS CK cấp II được đào tạo cao hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu. Cuối cùng là chủ trương đúng đắn, đầy tính nhân văn của Bộ Y tế và WB.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!