Vì sao bị hói đầu khi còn trẻ? Có cải thiện được không?

Hói đầu không còn là dấu hiệu tuổi già thường xảy ra ở những người trung niên nữa. Tỷ lệ người trẻ bị hói đầu tăng cao. Tuy không gây nguy hiểm tới tính mạng, nhưng hói đầu chắc chắn làm người trẻ cảm thấy mặc cảm tự ti về ngoại hình. Bài viết này sẽ làm rõ nguyên nhân bị hói đầu khi còn trẻ và gợi ý cho bạn cách khắc phục.

Bị hói đầu khi còn trẻ do đâu?

Ngày nay độ tuổi bị hói đầu đang trẻ hóa. Nghĩa là không chờ tới trung niên người ta mới phải lo lắng tới hói đầu nữa. Người trẻ đang có nguy cơ cao bị hói đầu bởi những nguyên nhân sau:

Nguyên nhân bị hói đầu ở người lớn

Hói đầu ở người trung niên thường do nguyên nhân chính là rối loạn nội tiết tố, quá trình lão hóa trong cơ thể. Tuy nhiên với những người trẻ tuổi thì có nhiều nguyên nhân tác động gây rụng tóc.

  • Yếu tố gen di truyền

Nếu trong nhà có ông bà hoặc bố mẹ bị hói đầu thì con sinh ra có nguy cơ bị hói. Nam giới thường có nguy cơ bị hói do gen di truyền cao hơn nữ giới.

Hiện nay có nhiều người bị hói đầu khi còn trẻ chứ không còn đến tuổi trung niên mới bị nữa
Hiện nay có nhiều người bị hói đầu khi còn trẻ chứ không còn đến tuổi trung niên mới bị nữa
  • Rối loạn nội tiết tố

Rối loạn nội tiết tố là nguyên nhân chính gây ra chứng rụng tóc ở cả hai giới. Đối với nam giới là do sự suy giảm hormone testosterone, làm cho hormone dihydrotestosterone (DHT) tăng lên. DHT làm cho vùng nang tóc bị teo lại, không nhận được chất dinh dưỡng từ máu.

Do vậy, tóc cũ bị rụng đi nhưng tóc mới thì mọc rất chậm, thậm chí là không mọc. Hormone testosterone cũng có tác động gây rụng tóc ở nữ giới. Tuy nhiên vì lượng hormone này trong cơ thể nữ giới không nhiều như nam giới nên không phải là nguyên nhân chính gây ra rụng tóc.

Đối với nữ giới, rụng tóc chủ yếu liên quan tới hormone estrogen. Sự thiếu hụt hormone này khiến cho nữ giới bị rụng tóc nhiều. Đó là lý do mà các bà mẹ sau sinh hoặc phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh thường bị rụng tóc.

  • Thiếu sắt gây thiếu máu

Thiếu máu do thiếu sắt cũng là một nguyên nhân gây rụng tóc. Bởi vì sắt có liên quan tới ribonucleotide reductase – đây là một loại enzyme có liên quan tới sự phát triển của nang tóc. Ngoài ra, sắt liên quan tới việc vận chuyển oxy trong máu đi nuôi cơ thể, nuôi tóc.

Do vậy, khi bị thiếu máu, vùng da đầu và tóc không nhận đủ lượng dinh dưỡng cho các giai đoạn mọc tóc và duy trì sự sống cho tóc. Vì vậy mà ở những người hay bị thiếu máu thường bị tóc bạc và hói đầu sớm.

  • Thường xuyên bị stress

Khi bị stress thường xuyên, cơ thể tiết ra hormone cortisol. Hormone này có khả năng ức chế nang lông khiến cho tóc rụng nhiều hơn. Cortisol còn có tác động tới các tế bào sắc tố gây tóc bạc. Đó là lý do mà bạn sẽ thấy tóc mình rụng mình nhiều, xuất hiện tóc bạc trong khoảng thời gian bị stress.

  • Sử dụng hóa chất tạo kiểu tóc

Các hóa chất từ các sản phẩm làm tóc cùng các tác động mạnh từ hoạt động uốn, ép, làm phồng, nhuộm… ảnh hưởng tới vùng da đầu và nang tóc, gây ra tình trạng gãy rụng. Những người thay đổi kiểu tóc thường xuyên sẽ gặp tình trạng này.

Thay đổi kiểu tóc thường xuyên, sử dụng nhiều loại hóa chất lên đầu là một nguyên nhân dẫn tới rụng tóc ở người trẻ
Thay đổi kiểu tóc thường xuyên, sử dụng nhiều loại hóa chất lên đầu là một nguyên nhân dẫn tới rụng tóc ở người trẻ
  • Chế độ ăn thiếu chất dinh dưỡng cần thiết

Chế độ ăn thiếu các chất cần cho sự phát triển của tóc là protein, các vitamin nhóm B, vitamin E, kẽm, sắt… Khi cơ thể không được cung cấp nhiều loại vitamin và dưỡng chất cần thiết để nuôi tóc từ bên trong qua đường ăn uống, thì tóc sẽ yếu và rụng đi.

Vì vậy, những người có chế độ ăn kiêng khem quá mức là những đối tượng dễ bị rụng tóc. Kể cả những người hay ăn nhiều các loại thức ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ động vật…

  • Chế độ sinh hoạt không lành mạnh

Thức khuya, lạm dụng quan hệ tình dục, không tập thể dục thể thao… khiến cho cơ thể mệt mỏi, hoạt động của nội tiết tố bị rối loạn là nguyên nhân khiến nhiều người bị hói đầu khi còn trẻ.

  • Sử dụng thuốc điều trị ung thư

Các loại thuốc điều trị ung thư có tác dụng phụ là gây rụng tóc. Vì thế mà các bệnh nhân ung thư sử dụng các phương pháp hóa trị, xạ trị bị rụng tóc rất nhiều.

Nguyên nhân bị hói đầu ở trẻ nhỏ

Rụng tóc ở trẻ nhỏ thường xảy ra trong 6 tháng đầu đời. Nguyên nhân chủ yếu là do bị thiếu hormone. Khi ở trong bụng mẹ, thai nhi được nuôi dưỡng nhờ hormone từ người mẹ.

Sau khi sinh ra thì trong cơ thể bị thiếu hụt hormone dẫn tới rụng nhiều tóc như vành khăn. Do vậy mà rụng tóc nhiều ở trẻ con gọi là rụng tóc vành khăn.

Trẻ trong giai đoạn từ 3- 6 tháng đầu đời thường bị rụng tóc vành khăn
Trẻ trong giai đoạn từ 3- 6 tháng đầu đời thường bị rụng tóc vành khăn

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác khiến trẻ bị rụng tóc như nằm nhiều, bị “cứt trâu”, thiếu vitamin D… Ở một số trẻ bị rụng tóc là do bệnh tự miễn Alopecia.

Dấu hiệu hói đầu sớm

Đối với người lớn khi bị hói đầu thường có các dấu hiệu như:

  • Tóc bị bết dầu thường xuyên, gàu nhiều.
  • Tóc khô và dễ gãy rụng.
  • Số lượng tóc rụng nhiều hơn 100 sợi ngày.

Hói đầu sớm ở nam giới có triệu chứng:

  • Tóc rụng nhiều từ 2 bên thái dương rồi đi dần vào trán làm lộ ra mảng da đầu. Kiểu rụng tóc này trông giống hình chữ M, nên người ta gọi là rụng tóc kiểu chữ M.
  • Ở một số người thì tóc rụng phần trán tới đỉnh đầu, gọi là rụng tóc kiểu chữ U.
  • Một kiểu phổ biến là rụng tóc kiểu chữ O – tóc rụng ở quanh vùng đỉnh đầu.
Rụng tóc kiểu chữ M ở nam giới
Rụng tóc kiểu chữ M ở nam giới

Hói đầu ở nữ giới có triệu chứng:

  • Tóc rụng nhiều, tóc bị mỏng đi, một số vùng da đầu bị lộ ra.
  • Ở một số người để tóc chẻ ngôi giữa, phần da đầu ở ngôi tóc sẽ được nhìn rõ hơn.

Đối với trẻ nhỏ, các dấu hiệu rụng tóc thường là:

  • Rụng tóc thành từng mảng ở sau gáy như hình vành khăn.
  • Ngoài ra trẻ còn có dấu hiệu hay quấy khóc, khó ngủ vào ban đêm, ra mồ hôi trộm,…

Phương pháp điều trị hói đầu ở người trẻ

Đối với trẻ nhỏ, tình trạng hói đầu thường chỉ xảy ra vào giai đoạn đầu đời. Sau một thời gian thích nghi với môi trường, được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và vệ sinh da đầu sạch sẽ, thì tóc mới sẽ bắt đầu mọc dày lên.

Do vậy, các mẹ không nên quá lo lắng khi em bé bị hói đầu và cũng không cần dùng đến thuốc chữa trị.

Đối với người lớn, nên thực hiện các phương pháp điều trị hói đầu sớm để không bị tự ti về ngoại hình gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

Dùng thuốc Tây

Điều trị hói đầu đối với người trẻ tuổi thì các bác sĩ thường sử dụng:

  • Thuốc tránh thai

Loại thuốc này để điều trị rụng tóc ở phụ nữ do rối loạn nội tiết tố. Thuốc tránh thai giúp cân bằng lại hormone trong cơ thể, kích thích mọc tóc. Phụ nữ có thai và đang cho con bú thì không được uống thuốc tránh thai.

  • Thuốc bôi Minoxidil

Minoxidil ở dạng dung dịch để thoa lên vùng da đầu bị rụng tóc. Cơ chế hoạt động của thuốc là làm giãn các mạch máu ở dưới da đầu, giúp máu vận chuyển oxy và dinh dưỡng lên nang và chân tóc tốt hơn. Nhờ đó mà tóc được kích thích mọc lên. Thuốc Minoxidil dùng được cho cả nam và nữ.

Thuốc bôi Minoxidil thường được nhiều người sử dụng để trị hói đầu
Thuốc bôi Minoxidil thường được nhiều người sử dụng để trị hói đầu
  • Thuốc uống Finasteride

Đây thực chất là thuốc chữa phì đại tuyến tiền liệt. Vì thuốc có khả năng ức chế emzyme 5-alpha reductase loại II – loại enzyme có khả năng chuyển hóa testosterone thành DHT gây rụng tóc.

Nhờ vậy, mà quá trình rụng tóc bị làm chậm lại. Thuốc chỉ dành cho nam giới. Tuy nhiên loại thuốc này có một số tác dụng phụ như chóng mặt, mệt mỏi, xuất tinh bất thường…

Bổ sung dưỡng chất

Bạn có thể sử dụng các viên uống thực phẩm chức năng hỗ trợ mọc tóc như Maxxhair, Kaminomoto (dạng uống), Biotin… Các loại này chứa nhiều loại vitamin và dưỡng chất có tác dụng bổ sung thêm cho cơ thể, giúp cơ thể có thêm dinh dưỡng để nuôi tóc.

Ví dụ:

  • Viên uống Maxxhair có các thành phần như kẽm, biotin, vitamin B5…
  • Viên uống Biotin có thành phần Biotin, canxi, vitamin B7…

Lưu ý: Đây là thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ, không phải là thuốc chữa bệnh. Do vậy, bạn không nên quá kỳ vọng hay chỉ sử dụng một loại. Bạn nên kết hợp với các biện pháp khác để tăng hiệu quả điều trị bệnh hói đầu.

Áp dụng Đông y

Các bài thuốc Đông y có tác dụng bổ sung dưỡng chất để nuôi tóc. Đồng thời thuốc có tác dụng cân bằng nội tiết tố, phục hồi các cơ quan tạng phế bị hư khiến tóc rụng.

Một số bài thuốc Đông y trị rụng tóc như:

Bài thuốc uống:

  • Chuẩn bị: Hà thủ ô, đương quy, thục địa, đơn bì, hoài sơn, bạch linh, kỷ tử…
  • Đem sắc các loại trên thành 2 lần. Sau đó lấy nước sắc lần 1 hòa với nước sắc lần 2.
  • Uống 2 lần/ngày.
Thuốc Đông y có tác dụng trị rụng tóc an toàn nhưng hiệu quả chậm
Thuốc Đông y có tác dụng trị rụng tóc an toàn nhưng hiệu quả chậm

Nước gội đầu:

  • Chuẩn bị hoa cúc, bạch chỉ, màn kinh tử, xuyên khung, tế tân, liên thảo, bách diệp khô.
  • Đem xay nhuyễn các thảo dược này thành bột mịn.
  • Bạn lấy bột này nấu cùng với nước vo gạo đã để qua đêm. Bạn chỉ lấy phần nước bên trên, không lấy cặn bên dưới.
  • Mỗi lần sử dụng 50 – 60gr bột với 3l nước vo gạo đem đun sôi. Sau đó lấy nước này gội đầu. Bạn nên kiên trì thực hiện 2 lần/tuần cho đến khi thấy kết quả.

Các phương pháp khác

  • Cấy tóc

Phương pháp này thường được sử dụng cho những người bị hói đầu ở mức độ nặng. Cơ chế của phương pháp này là đưa những vùng nang lông khỏe mạnh thay thế cho vùng nang lông đã bị thoái hóa, không có khả năng hồi phục.

Hiện nay có 2 cách cấy tóc. Một là cấy tóc tự thân – dùng nang tóc của chính người đó cấy lên vùng nang bị bị lão hóa. Hai là cấy tóc sinh học – sử dụng tóc sinh học được cấu tạo một cách đặc biệt có khả năng tự sống và mọc trên vùng da đầu bị hói.

  • Điều trị bằng laser

Phương pháp này phù hợp với những người mới bị hói đầu hoặc bị hói đầu ở mức độ nhẹ. Các tia laser ở mức độ nhẹ chiếu vào da đầu để phục hồi các nang tóc bị yếu, tổng hợp collage để nuôi tóc, kích thích quá trình mọc tóc diễn ra.

Bí quyết chăm sóc tóc cho người bị hói đầu khi còn trẻ

Đối với những người bị hói đầu, việc chăm sóc tóc cần được quan tâm đặc biệt. Để giảm thiểu tóc rụng, bảo vệ vùng da đầu và kích thích tóc mọc, bạn nên tham khảo các bí quyết sau:

  • Gội đầu nhiều nhất 2 – 3 lần/tuần. Nam giới đặc biệt lưu ý điều này. Vì thói quen gội đầu khi tắm hàng ngày sẽ khiến cho tóc bị yếu và rụng nhiều hơn.
  • Nên sử dụng dầu gội có tính nhẹ dịu, độ pH trung tính.
  • Nên sử dụng mũ, ô khi đi ra ngoài đường. Bởi khi bị hói, phần đầu và da đầu không có tóc bảo vệ. Các tia cực tím sẽ dễ dàng tiếp xúc và gây tác động xấu tới sức khỏe, làm lão hóa da đầu khiến các nang lông bị thoái hóa.
Đội mũ không chỉ giúp che đi khuyết điểm mà còn có tác dụng bảo vệ đầu
Đội mũ không chỉ giúp che đi khuyết điểm mà còn có tác dụng bảo vệ đầu
  • Bổ sung vitamin A, B, C, D, E, kẽm và các khoáng chất để cơ thể có đủ dinh dưỡng nuôi tóc.
  • Hạn chế uống rượu bia, các thực phẩm công nghiệp được chế biến sẵn, thức ăn nhanh.
  • Tránh bị căng thẳng lo âu trong một thời gian dài.
  • Không nên hút thuốc.
  • Tập thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng, giúp cơ thể trao đổi chất tốt.

Cuộc sống hiện đại khiến nhiều người trẻ có nguy cơ cao bị hói đầu. Do vậy, bạn không nên chủ quan. Hãy thực hiện lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất, biết cách chăm sóc tóc là cách giúp bạn tránh bị hói đầu khi còn trẻ.

Đừng bỏ lỡ:

5/5 - (4 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *