Dấu hiệu viêm thanh quản cấp tính và cách điều trị sớm
Nội dung bài viết
Bất cứ ai cũng có thể bị viêm thanh quản cấp tính với triệu chứng điển hình là khàn tiếng, giọng nói biến đổi. Nguyên nhân gây viêm thanh quản là gì? Điều trị bệnh ra sao? Ngăn ngừa bệnh thế nào? Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Viêm thanh quản cấp tính là gì? Có nguy hiểm không?
Viêm thanh quản là tình trạng thanh quản bị viêm do sử dụng quá mức, kích thích hoặc nhiễm trùng. Thanh quản có tác dụng như một chiếc hộp âm thanh, có cấu tạo phần giữa thắt lại như một cổ chai. Đây chính là các dây thanh âm của bạn. Thông thường, dây thanh âm có thể mở và đóng trơn tru, chuyển động và rung động để tạo thành âm thanh.
Nhưng khi bị viêm thanh quản, dây thanh âm bị sưng lên, gây ra sự biến dạng của âm thanh. Kết quả là giọng nói bị khàn, khó nghe. Trong một số trường hợp, người bệnh thậm chí còn có thể bị mất tiếng.
Hầu hết các trường hợp viêm thanh quản cấp tính chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và dần được cải thiện sau khi các nguyên nhân cơ bản được xử lý.
Vậy viêm thanh quản cấp có nguy hiểm không? – Theo các bác sĩ chuyên khoa về tai mũi họng, viêm thanh quản cấp không quá nguy hiểm, có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, viêm thanh quản do nhiễm vi khuẩn bạch hầu lại khác. Vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae lây lan qua đường hô hấp với tốc độ rất nhanh. Khi lây nhiễm vào thanh quản, giả mạc bạch hầu có thể gây tắc đường thở, làm bệnh nhân bị suy hô hấp và nguy cơ tử vong nhanh chóng.
Viêm thanh quản cấp tính có lây không?
Thực tế, mức độ lây nhiễm tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm thanh quản (do vi khuẩn/nấm, virus hay do một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào khác). Hầu hết các trường hợp viêm thanh quản là do virus.
Một số nghiên cứu cho thấy thời điểm mà các virus viêm thanh quản có nguy cơ lây nhiễm cho người khác nhiều nhất là khi người bệnh bị sốt. Nếu bạn chỉ bị khàn tiếng, đau họng và ho, bạn ít có khả năng lây viêm thanh quản cho người khác.
Đối với trường hợp viêm thanh quản do vi khuẩn và nấm (hiếm gặp), lây nhiễm có thể xảy ra. Bởi vậy, rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi ho và tránh dùng chung đồ ăn hoặc đồ dùng cá nhân với người khác… là những biện pháp phòng ngừa quan trọng để tránh lây truyền viêm thanh quản.
Nguyên nhân viêm thanh quản cấp tính thường gặp
Nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp thường được phân loại thành nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng, bao gồm:
- Nhiễm trùng do virus, như Rhinovirus, virus Parainfluenza, virus hợp bào hô hấp, Coronavirus, Adenovirus, virus cúm…
- Nhiễm trùng do vi khuẩn, chẳng hạn như Streptococcus pneumoniae, H.influenzae và Moraxella catarrhalis.
- Căng dây thanh do nói nhiều, la hét, hát nhiều…
- Dị ứng.
- Trào nược dạ dày thực quản.
- Ô nhiễm môi trường.
- Bỏng đường hô hấp do nhiệt hoặc hóa chất.
Sởi, thủy đậu và ho gà cũng liên quan đến viêm thanh quản cấp.
Viêm thanh quản do nhiễm nấm cũng rất phổ biến nhưng thường không được chẩn đoán. Bởi lẽ, tình trạng này thường xảy ra thứ phát ở những người sử dụng thuốc Corticosteroid dạng hít hoặc sử dụng kháng sinh. Các loại nấm thường gặp trong trường hợp này là Histoplasma, Blastomyces, Candida, Cryptococcus và Coccidioides.
Bên cạnh đó, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm thanh quản cấp, bao gồm:
- Bị nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh, viêm phế quản hoặc viêm xoang.
- Tiếp xúc với các chất kích thích, chẳng hạn như khói thuốc lá, uống quá nhiều rượu hoặc phơi nhiễm hóa chất tại nơi làm việc.
- Làm công việc dùng nhiều tới giọng nói, như ca sĩ, phát thanh viên, hoạt náo viên, giáo viên…
- Tuổi tác càng cao, nguy cơ viêm thanh quản càng lớn.
Dấu hiệu viêm thanh quản cấp tính ở trẻ em, người lớn
Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng viêm thanh quản kéo dài ít hơn 1 – 2 tuần, nguyên nhân chủ yếu là do virus.
Triệu chứng viêm thanh quản cấp ở người lớn
Viêm thanh quản cấp có thể gây ra một loạt các triệu chứng ở người lớn, bao gồm:
- Khàn tiếng
- Khó nói chuyện
- Đau họng
- Sốt nhẹ
- Ho dai dẳng
- Hắng giọng thường xuyên
Những triệu chứng này bắt đầu đột ngột và thường trở nên nghiêm trọng hơn trong 2 – 3 ngày sau đó. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 3 tuần, có khả năng viêm thanh quản cấp đã trở thành mãn tính. Điều này có thể cảnh báo một nguyên nhân nghiêm trọng nào đó khiến bệnh trở nên nặng hơn.
Viêm thanh quản cấp thường có mối liên quan mật thiết đến các bệnh khác. Viêm amidan, viêm họng, cảm lạnh hoặc cúm có thể xảy ra cùng lúc với viêm thanh quản, vì vậy ngoài các triệu chứng nêu trên, bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số triệu chứng khác:
- Đau đầu
- Sưng ở các tuyến
- Sổ mũi
- Đau khi nuốt
- Mệt mỏi và khó chịu
Các triệu chứng viêm thanh quản cấp ở người lớn có thể thuyên giảm và biến mất sau 1 tuần mà không cần điều trị. Nên đi khám nếu các triệu chứng kéo dài hoặc trở nặng hơn.
Triệu chứng viêm thanh quản cấp ở trẻ em
Các triệu chứng viêm thanh quản cấp ở trẻ em có thể khác với các triệu chứng ở người lớn. Trẻ thường bị ho khan, tiếng ho ông ổng, sốt và cũng có thể xuất hiện dưới dạng viêm tắc thanh quản.
Viêm tắc thanh quản là tình trạng nhiễm trùng làm phù nề thanh quản và khí quản. Điều này làm thu hẹp đường dẫn khí dưới dây thanh âm (vùng hạ thanh môn), khiến trẻ khó thở. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng tới trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi. Điều trị bệnh không khó nhưng nếu trẻ gặp phải bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy đưa trẻ đi khám ngay:
- Khó thở hoặc khó nuốt
- Sốt trên 39,4°C
- Chảy nhiều nước dãi
- Thở nhanh, lỗ mũi phập phồng
- Ngực và cơ bụng rút vào mỗi khi thở
Những triệu chứng này cũng có thể cảnh báo trẻ bị mắc viêm thanh thiệt. Đây là tình trạng viêm ở vùng nắp thanh môn hoặc thượng thanh môn. Nó có thể làm tắc nghẽn khí quản, gây ngạt thở và thậm chí tử vong.
Các cách điều trị viêm thanh quản cấp tính
Khàn giọng là triệu chứng điển hình của viêm thanh quản cấp. Bác sĩ có thể chỉ cần lắng nghe giọng nói của bệnh nhân và hỏi thêm một số thông tin về các triệu chứng khác, chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt… Nhưng đôi khi, để xác định rõ mức độ bệnh và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm khác, bao gồm:
- Nội soi thanh quản: Giúp xem chuyển động của dây thanh âm khi bệnh nhân nói và những dấu hiệu khác ở thanh quản.
- Sinh thiết: Xét nghiệm này giúp loại trừ nguy cơ ung thư vòm họng.
Chữa viêm thanh quản như thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nguyên nhân, độ tuổi, nhu cầu về sử dụng giọng nói và đặc điểm lâm sàng của từng cá nhân.
Điều trị viêm thanh quản cấp tính bằng thuốc Tây
Nếu virus là nguyên nhân gây viêm thanh quản, các triệu chứng thường biến mất mà không cần điều trị trong vòng 7 ngày. Bạn không cần dùng thuốc trong trường hợp này.
Thuốc kháng sinh ít khi được sử dụng, kể cả khi bạn bị viêm thanh quản do vi khuẩn. Vì loại viêm thanh quản cấp do vi khuẩn rất ít gặp. Với các triệu chứng viêm thanh quản nặng do vi khuẩn, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng kháng sinh phổ hẹp.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thuốc kháng sinh có thể cải thiện một số triệu chứng viêm thanh quản, chẳng hạn như ho và khàn giọng. Nhưng, những lợi ích này là quá nhỏ, không thể bù đắp cho chi phí mua thuốc và các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc kháng sinh.
Bệnh nhân viêm thanh quản cấp có thể được chỉ định dùng thuốc Corticosteroid để giảm viêm dây thanh âm trong trường hợp nặng hoặc khẩn cấp. Thuốc thường được chỉ định cho những người sử dụng giọng nói chuyên nghiệp, chẳng hạn như ca sĩ hoặc diễn giả. Trẻ sơ sinh có các triệu chứng viêm thanh quản nghiêm trọng cũng có thể dùng Corticosteroid.
Lưu ý: Cần cẩn trọng với tác dụng phụ của Corticosteroid, bao gồm tăng huyết áp, đau đầu và yếu cơ.
Viêm thanh quản do nấm có thể được điều trị bằng cách sử dụng thuốc chống nấm đường uống. Thời gian dùng thuốc thường kéo dài trong 3 tuần và có thể lặp lại nếu cần thiết.
Thuốc long đờm Guaifenesin cũng có thể được sử dụng để làm sạch dịch tiết.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia y tế cũng khuyến nghị bệnh nhân sử dụng thêm thuốc xịt họng và miệng để giảm đau họng.
Các thuốc ức chế sản xuất axit như thuốc kháng axit, thuốc chẹn H2 và thuốc ức chế bơm proton cũng giúp ích đối với các trường hợp viêm thanh quản do trào ngược axit.
Ngoài ra, đối với viêm thanh quản do vi khuẩn bạch hầu hoặc xuất hiện những triệu chứng nặng như sau, nên đi khám để được điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) ngay khi xuất hiện dấu hiệu:
- Khó thở, khó nuốt
- Ho ra máu
- Sốt không giảm sau khi dùng thuốc
- Cơn đau họng ngày càng tăng
Trị viêm thanh quản cấp tính bằng Đông y
Theo Đông y, thanh quản là phần trên của phế nên dễ bị ngoại tà xâm nhập. Nguyên nhân chủ yếu gây viêm thanh quản là do phong hàn hoặc phong nhiệt. Muốn điều trị viêm thanh quản hiệu quả cần sử dụng các bài thuốc có tác dụng bổ phế, giải phong hàn, thanh nhiệt, giải độc.
Đối với viêm thanh quản do phong hàn, bệnh nhân sẽ có cá triệu chứng: Ho, ho nhiều, đau họng, khó thở, khàn tiếng… Các bài thuốc trị chứng này có thể kể đến như:
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị các vị thuốc hoàng kỳ, tía tô, cát căn, kinh giới, lá xương sông, cây ngũ sắc, thiên niên kiện, tục đoạn, cam thảo, quế lâm, bạch chỉ, xuyên khung. Sắc với nước. Chia nước thuốc thành 3 phần, uống hết trong ngày.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị các vị thuốc huyền sâm, cát cánh, phòng sâm, ngũ vị, đương quy, mơ muối, kinh giới, thiên niên kiện, ba kích, ngải diệp, sinh khương, rễ xương sông, cam thảo. Sắc với nước. Chia nước thuốc thành 3 phần, uống hết trong ngày.
Đối với viêm thanh quản do phong nhiệt, bệnh nhân thường bị khô họng, ho khan, tiểu ít, nước tiểu sẫm màu, hơi thở nóng, táo bón, mệt mỏi… Nên áp dụng bài thuốc:
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị các vị thuốc mạch môn, bồ công anh, khởi tử, cát căn, ngân hoa, liên kiều, thạch hộc, rau má, ngũ vị, nam tục đoạn, thổ phục linh, tang diệp, sơn thù, cam thảo. Sắc với nước. Chia nước thuốc thành 3 phần, uống hết trong ngày.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị các vị thuốc húng chanh, sinh khương, cát cánh, hoàng kỳ, xa tiền thảo, huyền sâm, ngân hoa, thiên môn, bán hạ, mạch môn, cúc hoa, đại táo, xạ can, cam thảo. Sắc với nước. Chia nước thuốc thành 3 phần, uống hết trong ngày.
Những bài thuốc Đông y nêu trên có ưu điểm là an toàn, ít gây tác dụng phụ. Thuốc có thể điều trị cho nhiều đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng đối với những người mắc viêm thanh quản cấp, triệu chứng mới xuất hiện và mức độ nhẹ.
Mẹo chữa viêm thanh quản cấp tính tại nhà
Bên cạnh đó, các kinh nghiệm dân gian cũng có thể giúp chữa viêm thanh quản cấp mà không cần thuốc. Độc giả có thể tham khảo một số bài thuốc dân gian trị viêm thanh quản cấp dưới đây:
- Lá xương sông: Súc miệng bằng nước muối pha loãng. Đập dập 5 – 10 lá xương sông rồi nhúng vào giấm. Ngậm hỗn hợp này rồi nuốt từ từ. Thực hiện 2 – 3 lần/ngày, liên tục 5 – 7 ngày.
- Chanh đào: Ngậm vài lát chanh đào ngay khi xuất hiện triệu chứng viêm thanh quản.
- Khế chua: Rửa sạch 2 – 3 quả khế chua, thái thành lát nhỏ. Cho khế chua vào bát, rải đường lên trên, đậy kín trong 3 – 4 tiếng. Sau đó, gạn lấy nước, ngậm và nuốt từ từ. Thực hiện liên tục trong 5 – 7 ngày.
- Giá đỗ: Ăn giá đỗ sống hoặc xay giá đỗ để lấy nước uống mỗi ngày cũng có thể giúp giảm viêm thanh họng hiệu quả.
- Cây rẻ quạt: Rửa sạch cây rẻ quạt, chần qua nước sôi rồi cho muối vào cùng và giã nát. Chắt lấy nước cốt, ngậm và nuốt từ từ.
Cách phòng ngừa viêm thanh quản cấp tính
Để ngăn ngừa khô hoặc kích thích dây thanh âm, từ đó phòng ngừa viêm thanh quản cấp hiệu quả, bạn nên thực hiện các điều sau:
- Không hút thuốc và tránh hút thuốc thụ động (hít khói thuốc lá): Khói thuốc lá làm khô cổ họng và kích thích dây thanh âm.
- Hạn chế rượu và cafein: Rượu và cafein có thể gây mất nước.
- Uống nhiều nước: Nạp đầy đủ chất lỏng cho cơ thể giúp giữ cho chất nhầy trong cổ họng của bạn ở trạng thái tốt nhất.
- Tránh ăn thức ăn cay: Thực phẩm cay có thể gây kích ứng cổ họng hoặc gây ợ nóng, trào ngược axit từ dạ dày lên cổ họng.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau lá xanh đậm.
- Những thực phẩm này chứa vitamin A, C, E và giúp giữ cho niêm mạc cổ họng khỏe mạnh.
- Tránh hắng giọng: Hắng giọng gây ra sự rung động bất thường của dây thanh âm, làm tăng sưng.
- Tránh nhiễm trùng đường hô hấp trên: Rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên (cảm lạnh, cảm cúm)…
- Tiêm vắc xin: Nên tiêm phòng cúm và bệnh bạch hầu đầy đủ.
Tóm lại, khi phát hiện các dấu hiệu viêm thanh quản, bạn nên hạn chế sử dụng giọng nói, nghỉ ngơi hợp lý và có một chế độ ăn lành mạnh. Không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, thầy thuốc.
Click đọc ngay:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!