Viêm thanh quản ở trẻ sơ sinh và những điều cần lưu ý
Nội dung bài viết
Viêm thanh quản ở trẻ sơ sinh là vấn đề được rất nhiều bậc phụ huynh băn khoăn và lo lắng bởi đây là một bệnh lý về đường hô hấp rất dễ tái phát. Bài viết này chúng tôi sẽ gửi tới bạn đọc những thông tin hữu ích về bệnh viêm thanh quản ở trẻ sơ sinh, cũng như biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.
Bệnh viêm thanh quản ở trẻ sơ sinh là gì?
Viêm thanh quản là tình trạng dây thanh quản và hộp thoại bị vi khuẩn, virus xâm nhập gây tổn thương và hình thành viêm nhiễm. Cấu tạo của bên trong thanh quản bao gồm các dây thanh có nhiệm vụ đóng mở âm, qua những chuyển động tạo rung chúng có thể phát ra âm thanh và tạo thành tiếng nói.
Tuy nhiên, khi dây thanh quản bị viêm nhiễm, chúng sẽ bị sưng lên bất thường, hình dạng dây thanh quản bị biến đổi dẫn tới thay đổi về âm thanh. Giọng nói có thể khó khăn khi phát ra, nghe khàn hơn hoặc thậm chí là mất tiếng.
Ở trẻ sơ sinh, viêm thanh quản được chia thành nhiều mức độ khác nhau. Khi bệnh khởi phát và ở giai đoạn nhẹ, những triệu chứng thường không rõ ràng. Nếu bệnh trở nặng, bé sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp đến giọng nói và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Theo mức độ bệnh lý, bệnh được chia thành 2 dạng:
- Viêm thanh quản cấp tính ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng bệnh thường không kéo dài quá 3 tuần.
- Viêm thanh quản mãn tính ở trẻ sơ sinh: Biểu hiện bệnh kéo dài trên 3 tuần kèm theo tình trạng tái phát nhiều lần.
Viêm thanh quản ở đối tượng trẻ sơ sinh hoàn toàn có thể khỏi sau khoảng 1 tuần nếu được điều trị sớm. Nếu để viêm nhiễm kéo dài và lan rộng lên nắp thanh quản có thể gây tử vong.
Nguyên nhân viêm thanh quản ở trẻ sơ sinh
Thông thường, viêm thanh quản ở trẻ sơ sinh do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Với những nguyên nhân gây bệnh lại có biểu hiện lâm sàng khác nhau. Bố mẹ nên chú ý quan sát một số dấu hiệu của trẻ và tìm hiểu kỹ nguyên nhân gây bệnh nhằm định hướng phương án điều trị hợp lý.
Bệnh viêm thanh quản ở trẻ sơ sinh thường hình thành bởi các nguyên nhân chính như sau:
- Do trẻ la hét quấy khóc quá nhiều gây tổn thương dây thanh quản.
- Do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện khiến vi khuẩn và virus dễ dàng xâm nhập.
- Do trẻ bị tiếp xúc với những yếu tố gây kích ứng, khói thuốc lá thụ động hay hóa chất có hại.
- Do trẻ thường xuyên bị trào ngược dạ dày – thực quản, nôn trớ
- Do một số bệnh lý liên quan đến hô hấp như viêm phế quản, viêm xoang, nhiễm nấm do sử dụng ống thở hỗ trợ hen suyễn lâu ngày.
Dấu hiệu viêm thanh quản ở trẻ sơ sinh
Bệnh viêm thanh quản xảy ra phổ biến nhất ở đối tượng trẻ nhỏ từ 3 tháng tuổi – 3 tuổi, hầu hết là do vi khuẩn, virus tấn công vào cơ quan hô hấp gây bệnh. Viêm thanh quản thường xảy ra sau khi trẻ mắc một số bệnh về hô hấp trên như ho, khản tiếng, đau họng,…
Ở trẻ sơ sinh, viêm thanh quản có thể phát hiện thông qua những biểu hiện bệnh như sau:
- Trẻ nhỏ ho khan, ho dai dẳng lâu ngày, khản tiếng.
- Có thể kèm sốt cao khoảng 38 độ C, cơ thể mệt mỏi.
- Một số dấu hiệu khác như quấy khóc, lười ăn, khó ngủ, chảy nước mũi.
- Cảm nhận trẻ khó thở ở thanh quản trong một tuần đầu mắc bệnh.
Biểu hiện khó thở ở thanh quản có thể chia làm 3 cấp độ như sau:
- Cấp độ 1: Trẻ bị ho, khàn tiếng, khó thở và thở rít lên mỗi khi quấy khóc.
- Cấp độ 2: Trẻ hít thở khó khăn ngay cả khi nằm, thở gấp, cơ ngực co lõm.
- Cấp độ 3: Tình trạng khó thở nặng nề, trẻ thở rít, người tím tái và có thể co giật bởi thiếu oxy hô hấp.
Khi viêm thanh quản trở nên nặng nề, trẻ nhỏ thường xuất hiện những cơn sốt cao trên 39 độ C, môi khô nứt, lưỡi trắng bẩn. Khi quan sát thông qua nội soi thanh quản có thể nhìn thấy nhiều dịch nhầy, dây thanh quản bị phù nề, gây khó thở nghiêm trọng.
Viêm thanh quản nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển trí tuệ của trẻ. Vì thế, ngay khi trẻ có biểu hiện bị viêm thanh quản, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.
Lưu ý chăm sóc, phòng ngừa viêm thanh quản ở trẻ sơ sinh
Viêm thanh quản ở trẻ sơ sinh là một bệnh lý phổ biến hiện nay bởi lúc này sức đề kháng của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện, dễ dàng bị tác động bởi những yếu tố bất lợi từ bên ngoài môi trường. Tuy nhiên, viêm thanh quản nếu được điều trị sớm sẽ không gây nhiều đáng ngại cho sức khỏe của trẻ nhỏ.
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm thanh quản
Bố mẹ cần hết sức lưu ý những thay đổi trong sức khỏe của bé để sớm kiểm soát và điều trị kịp thời bệnh viêm thanh quản. Khi bé bị viêm thanh quản, những điều mà phụ huynh nên làm cho con trẻ đó là:
- Tạo không gian nghỉ ngơi hợp lý
Khi bị bệnh, trẻ nhỏ cần nhiều hơn không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi. Việc bố mẹ cần làm là chuẩn bị cho bé một phòng nhỏ, yên tĩnh, sạch sẽ và tránh xa tiếng ồn để tâm trạng bé được thư thái, tạo ra giấc ngủ sâu và giảm bớt quấy khóc.
- Uống đủ nước ấm
Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày giúp duy trì tốt những hoạt động sống và trao đổi chất của cơ thể, các cơ quan hoạt động phối hợp trơn tru hơn. Ngoài ra uống nhiều nước đặc biệt là nước ấm còn giúp làm sạch đường thở, duy trì độ ẩm tại niêm mạc và ngăn ngừa cổ họng khô rát. Không nên cho trẻ nhỏ uống nước lạnh hay nước đá bởi chúng càng làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.
- Hạ sốt cho trẻ
Khi viêm thanh quản gây sốt cao ở trẻ, bố mẹ nên chú ý hạ sốt cho trẻ càng sớm càng tốt tránh những biến chứng do sốt cao ảnh hưởng đến não bộ. Có thể sử dụng khăn nhúng qua nước ấm để nguội bớt rồi chườm lên những vùng như trán, nách, bẹn của bé để giảm sốt.
Ngoài ra sử dụng thuốc hạ sốt cũng được áp dụng trong một số trường hợp cần hạ sốt ngay hoặc chườm khăn không có tác dụng. Tuy nhiên cần lưu ý rằng biện pháp này cần có sự tham vấn của bác sĩ chuyên khoa. Không được tự ý mua thuốc để sử dụng bởi việc sử dụng quá liều hay không đúng cách hoàn toàn có thể gây biến chứng nguy hiểm.
- Xây dựng chế độ ăn dinh dưỡng
Việc bổ sung chất dinh dưỡng trong thực đơn ăn uống của trẻ nhỏ là một điều vô cùng cần thiết bở chúng giúp nâng cao sức đề kháng cơ thể và hỗ trợ bệnh mau khỏi. Một số thực phẩm tốt cho sức khỏe như rau xanh, trái cây,.. bổ sung chất xơ và vitamin cần thiết cho sự phát triển, ngoài ra còn có thịt, cá, trứng, sữa đều là những món ăn tốt cho sức khỏe.
Bố mẹ nên chế biến dạng cháo, súp hoặc canh để thay đổi khẩu vị cho trẻ không bị chán đồng thời món ăn mềm sẽ dễ nuốt hơn.
- Tránh xa đồ ăn có tính nóng
Khi trẻ bị viêm thanh quản, bố mẹ lưu ý không được cho trẻ ăn những đồ cay nóng hoặc chứa gia vị tiêu, ớt,… Những đồ ăn này khiến niêm mạc họng bị kích ứng gây tổn thương và kéo dài thời gian điều trị bệnh.
Phòng ngừa viêm thanh quản cho trẻ sơ sinh
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ dàng mắc viêm thanh quản, bởi vậy việc lưu ý trong phòng ngừa sẽ rất tốt cho việc ngăn chặn viêm thanh quản hay các bệnh về đường hô hấp khác. Bố mẹ nên thực hiện những biện pháp phòng chống viêm thanh quản cho trẻ như sau:
- Giữ ấm đường thở cho trẻ đặc biệt khi thời tiết thay đổi.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm, nên đeo khẩu trang và che chắn kỹ càng khi đi ra đường.
- Thực hiện tiêm phòng đầy đủ đặc biệt là phòng tránh những bệnh liên quan đến hô hấp như cảm cúm.
- Vệ sinh răng miệng cho bé hàng ngày, súc miệng và họng với nước muối sinh lý nếu bé lớn.
- Giữ trẻ tránh xa những tác nhân có hại như khói thuốc lá, chất kích ứng,…
Bệnh viêm thanh quản ở trẻ sơ sinh có thể điều trị dứt điểm nếu được phát hiện sớm và tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị bệnh. Bố mẹ nên cho trẻ đi thăm khám định kỳ để theo dõi sức khỏe cũng như kịp thời phát hiện và điều trị bệnh.
Thông tin bổ ích:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!