Viêm Phần Phụ Là Gì? Dấu Hiệu, Chẩn Đoán Và Điều Trị

Viêm phần phụ là bệnh lý phụ khoa trong đó tình trạng nhiễm trùng ảnh hưởng đến buồng trứng, ống dẫn trứng và cả dây chằng rộng. Phụ nữ mắc bệnh thường có biểu hiện sốt, đau bụng, rối loạn kinh nguyệt và ra máu âm đạo bất thường. Để điều trị viêm phần phụ, bệnh nhân có thể được kê đơn thuốc kháng sinh hoặc phẫu thuật.

Viêm phần phụ là gì?

Viêm phần phụ là một trong những bệnh lý viêm nhiễm đường sinh dục xảy ra phổ biến ở nữ giới, đặc biệt là những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh ảnh hưởng đến nhiều bộ phận như dây chằng rộng, buồng trứng và hai bên vòi trứng.

viêm phần phụ là gì
Viêm phần phụ là bệnh lý gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho nữ giới

Tình trạng nhiễm trùng phần phụ thường bắt đầu xảy ra ở vòi trứng. Do không được phát hiện và điều trị sớm, tổn thương bắt đầu lang rộng ra ống dẫn trứng, dây chằng. Khi tiến triển mạnh, nhiễm trùng có thể ảnh hưởng cả đến phúc mạc đáy chậu và phát sinh nhiều biến chứng khác nguy hiểm cho sức khỏe.

Nguyên nhân gây viêm phần phụ

Các nguyên nhân gây viêm phần phụ ở nữ giới bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn: Bệnh nhân có thể bị viêm phần phụ do nhiễm vi khuẩn lậu cầu hoặc Chlamydia trachomatis. Đây là những loại vi khuẩn có khả năng lây lan qua quan hệ tình dục. Chúng tấn công vào trong phần phụ và dẫn đến nhiễm trùng. Ngoài ra, một số loại vi khuẩn thuộc nhóm ái khí hoặc kỵ khí cũng có thể là thủ phạm gây viêm phần phụ.
  • Quan hệ tình dục bừa bãi, không an toàn: Một số người trẻ tuổi có quan hệ tình dục phóng túng, bừa bãi, không mang bao cao su khi quan hệ nên bị lây nhiễm các căn bệnh xã hội. Vi khuẩn từ ngoài âm đạo có thể xâm nhập vào trong tử cung và tấn công đến phần phụ.
  • Vệ sinh vùng kín không đúng cách: Vùng kín không được vệ sinh sạch sẽ và đúng cách, đặc biệt là trong những ngày đèn đỏ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển dẫn đến viêm phần phụ.
  • Rối loạn nội tiết: Rối loạn nội tiết khiến sức đề kháng suy giảm. Chính vì vậy mà phần phụ của chị em dễ bị nhiễm trùng hơn.
  • Thực hiện các thủ thuật ngoại khoa: Nguy cơ bị viêm phần phụ xảy ra cao hơn ở những người phụ nữ từng nạo phá thai, đặt dụng cụ ngừa thai hoặc từng phẫu thuật phụ khoa nhưng dụng cụ y tế không được tiệt trùng đúng cách.
  • Các nguyên nhân khác: Mặc quần bó sát, có tiền sử mắc bệnh viêm âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung hay viêm tử cung nhưng không được điều trị triệt để.

Triệu chứng viêm phần phụ

Bệnh viêm phần phụ được chia thành 3 thể gồm cấp tính, bán cấp tính và mãn tính. Ở mỗi giai đoạn, người bệnh có thể gặp các triệu chứng không giống nhau. Cụ thể:

Thuốc Đông y với nguồn gốc thảo dược, trị bệnh từ gốc sẽ giúp chị em sớm lấy lại sức khỏe phụ khoa và bảo vệ sức khỏe sinh sản tốt nhất.

Dấu hiệu viêm phần phụ cấp tính

Bệnh viêm phần phụ cấp tính thường khởi phát ở phụ nữ sau sinh đẻ, người mới sẩy thai, nạo hút thai, tháo hay đặt vòng tránh thai. Một số trường hợp mắc bệnh sau đợt viêm âm đạo cấp do nhiễm khuẩn lậu cầu. Các triệu chứng viêm phần phụ cấp tính bao gồm:

  • Vùng bụng dưới xuất hiện cơn đau đột ngột. Hơn 90% bệnh nhân bị đau cả hai bên. Cảm giác đau có thể tăng lên khi đi lại.
  • Rối loạn kinh nguyệt
  • Sốt, cơn sốt có thể lên đến hơn 39 độ
  • Một số trường hợp có cảm giác buồn nôn, nôn ói
  • Các bất thường trong tiểu tiện: Đi ngoài phân lỏng, hay mót rặn, tiểu khó, tiểu rắt.
  • Ra nhiều khí hư có lẫn mủ

Biểu hiện viêm phần phụ bán cấp

Khoảng 30% các trường hợp mắc viêm phần phụ ở dạng này. Các triệu chứng lâm sàng trong giai đoạn bán cấp thường nhẹ hơn so với giai đoạn cấp tính. Bao gồm:

  • Vùng hạ vị hoặc khu vực thắt lưng xuất hiện cơn đau âm ỉ hoặc đau nhói
  • Rong kinh
  • Nóng sốt nhẹ, nhiệt độ dao động từ 37.5 – 38 độ
dấu hiệu viêm phần phụ
Đau bụng là triệu chứng hầu hết phụ nữ gặp phải khi bị viêm phần phụ

Triệu chứng viêm phần phụ mãn tính:

Bệnh viêm phần phụ ở giai đoạn cấp tính và bán cấp không được điều trị đúng cách hoặc chữa trị chậm trễ có thể tiến triển sang giai đoạn mãn tính. Các dấu hiệu thường gặp gồm:

  • Đau ở khu vực hạ vị hoặc hai bên hố chậu. Một bên có khuynh hướng đau trội hơn. Bệnh nhân có thể bị đau từng cơn hoặc liên tục. Đau tăng lên khi đi lại nhiều, lao động nặng nhọc và giảm khi nghỉ ngơi.
  • Có thể ra khí hư nhưng không nhiều
  • Ra máu âm đạo bất thường không trong kỳ kinh
  • Rong kinh

Bệnh viêm phần phụ có nguy hiểm không?

Nếu không được kiểm soát tốt, tình trạng nhiễm trùng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến voi trứng, buồng trứng và gây tổn thương cho các cơ quan lân cận. Người bệnh có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm phúc mạc đáy chậu
  • Áp xe phần phụ
  • Mang thai ngoài tử cung
  • Áp xe buồng trứng
  • Viêm tấy lan toả đáy chậu
  • Viêm phúc mạc toàn thể
  • Tắc vòi tử cung hai bên
  • Đau vùng chậu kinh niên
  • Vô sinh

Chẩn đoán viêm phần phụ

Để chẩn đoán viêm phần phụ, bác sĩ cần dựa trên các triệu chứng lâm sàng bệnh nhân đang gặp phải kết hợp với các kỹ thuật sau:

  • Khám bằng tay và mỏ vịt:

Khi dùng tay khám trên bụng và trong âm đạo, bệnh nhân bị viêm phần phụ cấp có dấu hiệu tử cung mềm, đau khi lay động, hai phần phụ có hiện tượng sưng nề, đau. Một số trường hợp có khối cạnh tử cung và không di động. Đặt mỏ vịt quan sát bên trong thấy nhiều khí hư, có thể có mủ.

Ở hình thái bán cấp, khám vùng bụng thấy mềm, khi nắn vùng bụng dưới thấy có đề kháng cục bộ. Khám âm đạo có cảm giác đau 1 hoặc cả 2 bên phần phụ, lay động cổ tử cung thấy đau, xuất hiện khối nề ranh giới không rõ ràng với tử cung. Khám trực tràng rất đau.

Đối với những bệnh nhân bị viêm phần phụ mãn tính, lay động tử cung thấy đau và ít di động. Có thể xuất hiện một khối đau cạnh tử cung ranh giới không rõ ràng.

chẩn đoán bệnh viêm phần phụ
Bác sĩ thăm khám chẩn đoán bệnh viêm phần phụ cho bệnh nhân
  • Siêu âm:

Siêu âm qua ngã âm đạo có thể giúp phát hiện những tổn thương bên trong phần phụ cũng như các khối áp xe nếu có.

  • Xét nghiệm dịch cổ tử cung: 

Trong quá trình khám âm đạo bằng mỏ vịt, bác sĩ có thể lấy mẫu dịch ở cổ tử cung của người bệnh để làm xét nghiệm giúp phát hiện ra sự hiện diện của vi khuẩn lậu và Chlamydia.

  • Xét nghiệm công thức máu:

Sự gia tăng tế bào bạch cầu trong máu cho thấy cơ thể đang bị nhiễm trùng. Bác sĩ cũng có thể cấy máu để xác định vi khuẩn gây bệnh.

  • Chẩn đoán phân biệt bệnh:

Bệnh viêm phần phụ có nhiều triệu chứng tương đồng với các bệnh lý khác, đặc biệt là tình trạng đau bụng. Vì vậy, cần chẩn đoán phân biệt triệu chứng đau do viêm phần phụ với đau do gặp các vấn đề như:

  • Bệnh viêm ruột thừa cấp
  • Nhiễm trùng đại tràng
  • Viêm mủ bể thận
  • Mang thai ngoài tử cung
  • Chậm kinh
  • Viêm vòi tử cung do lao

Cách điều trị viêm phần phụ

Để chữa viêm phần phụ, bác sĩ có thể xây dựng phác đồ điều trị với thuốc tân dược dựa trên hình thái lâm sàng cùng nguyên nhân gây bệnh. Một số bài thuốc Đông y cũng được nhiều bệnh nhân sử dụng để đẩy nhanh hiệu quả, giúp bảo đảm an toàn cho sức khỏe.

1. Cách trị viêm phần phụ bằng Tây y

Tùy theo mức độ nghiêm trọng của viêm phần phụ, bệnh nhân có thể được điều trị nội trú bằng thuốc hoặc nhập viện để bác sĩ theo dõi trong các trường hợp bệnh nặng.

– Điều trị viêm phần phụ cấp tính do nhiễm khuẩn lậu và Chlamydia

Các trường hợp bị nhiễm trùng phần phụ có liên quan đến vi khuẩn lậu và Chlamydia cần được điều trị bằng phác đồ chứa một trong các thuốc kháng sinh dưới đây:

  • Ofloxacin (400mg): Sử dụng thuốc theo đường uống. Liệu trình dùng thuốc kéo dài khoảng 14 ngày.
  • Levofloxacin (500mg): Uống thuốc trong 14 ngày

Bên cạnh các thuốc trên, bác sĩ có thể phối hợp thêm thuốc Metronidazole 500mg hoặc Doxycyclin 100mg ( uống 2 lần/ngày) trong 2 tuần liên tục.

Nếu sau khi điều trị ngoại trú theo phác đồ trên trong 24 – 48 giờ mà triệu chứng viêm phần phụ vẫn không cải thiện thì người bệnh có thể được yêu cầu nhập viện điều trị nội trú. Vi khuẩn lậu và Chlamydia đều có thể lây nhiễm qua quan hệ tình dục. Vì vậy, việc chữa trị bệnh nên được tiến hành song song cho cả bạn tình để ngăn chặn nguy cơ tái phát bệnh trở lại.

Tại bệnh viện, các trường hợp mắc viêm phần phụ được điều trị nội trú theo phác đồ sau:

  • Cephalosporin III 2g: Thuốc được sử dụng theo đường tiêm tĩnh mạch sau mỗi 12 tiếng
  • Và Doxycycline 100mg: Tiêm thuốc theo đường tĩnh mạch mỗi ngày 2 lần đến khi các triệu chứng bệnh thuyên giảm.

Sau đó thay thế bằng thuốc Doxycycline 100mg theo đường uống, mỗi ngày dùng 2 viên trong 14 ngày

– Điều trị viêm phần phụ có áp xe hoặc viêm phúc mạc đáy chậu

Bệnh nhân được sử dụng thuốc kháng sinh theo đường uống có tác dụng toàn thân phối hợp giữa các hoạt chất kháng sinh gồm Ceftriazone, Aminozide và Metroni-dazone.

Sau một thời gian dùng thuốc, bệnh nhân được chỉ định nội soi để gỡ dính giải phóng các sợi, tháo mũ, chọc dò túi mủ kết hợp rửa ổ áp xe và dẫn lưu ổ bụng nếu cần thiết.

thuốc điều trị viêm phần phụ
Bệnh nhân bị viêm phần phụ thường được điều trị bằng phác đồ kháng sinh

– Chữa viêm phúc mạc bán cấp:

Trường hợp bị viêm phúc mạc dính, bệnh nhần cần được ưu tiên điều trị nhiễm trùng Chlamydia trachomatis. Các thuốc kháng sinh nhóm cycline có thể được chỉ định phối hợp cùng với Metronidazole hay Gentamycine. Thời gian sử dụng các thuốc trên có thể kéo dài trong khoảng 21 ngày. Cần điều trị song song cho cả bạn tình để ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm chéo mầm bệnh khiến chứng viêm phần phụ ở nữ giới tái phát trở lại.

– Điều trị viêm phúc mạc toàn thể:

Bệnh nhân bị viêm phúc mạc toàn thể thường được điều trị bằng các phương pháp nội khoa như bù nước và chất điện giải, sử dụng thuốc kháng sinh.

Khi nhiễm trùng lan ra khỏi ổ chậu, phẫu thuật sẽ được thực hiện nhằm mục đích khắc phục nguyên nhân gây bệnh, làm sạch khu vực tổn thương kết hợp dẫn lưu ổ bụng. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ cũng tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm vi khuẩn. Bệnh nhân cũng có thể được dùng thuốc kháng sinh sau phẫu thuật để dự phòng nhiễm trùng.

Khi điều trị viêm phần phụ bằng thuốc tây, đặc biệt là thuốc kháng sinh, bệnh nhân nên kiên trì uống thuốc đều đặn, đúng liều lượng và đủ thời gian quy định để không bị lờn thuốc, đồng thời giảm thiểu nguy cơ gặp tác dụng phụ ngoài ý muốn.

2. Cách chữa viêm phần phụ bằng Đông y

Bên cạnh các phương pháp điều trị trong Tây y, các bài thuốc y học cổ truyền cũng được tận dụng để chữa viêm phần phụ. Tùy theo giai đoạn bệnh mà Đông y có các bài thuốc điều trị phù hợp.

Thuốc điều trị viêm phần phụ cấp tính

– Bài 1:

  • Thần phần: 12 gram hoàng bá, 16 gram tùy giải, 4 gram đại hoàng, 8 gram uất kim, 12 gram hoàng liên, 8 gram tam lăng, 16 gram liên kiều và 12 gram sa tiền.
  • Cách sử dụng: Bỏ hết thuốc vào trong ấm, đổ ngập nước, đun sôi sắc đến khi cạn còn 2 bát. Chia thuốc làm 2 lần dùng trong ngày. Sử dụng liên tục từ 10 – 15 thang để điều trị bệnh dứt điểm.

– Bài 2: 

  • Thành phần: 10 gram huyền hồ, 12 gram kim ngân hoa, 10 gram xuyên luyện tử, 12 gram đan bì, 12 gram ý dĩ, 12 gram liên kiều, 12 gram xích thược, 12 gram chi tử.
  • Cách sử dụng: Mỗi ngày sắc uống 1 thang trong 10 – 15 ngày liên tục.

– Bài 3:

  • Thành phần: 12 gram ý dĩ, 10 gram đào nhân, 12 gram đan bì, 12 gram tam lăng, 12 gram nga truật, 12 gram đan sâm, 10 gram huyền hồ.
  • Cách dùng thuốc: Sắc thuốc uống với liệu trình từ 10 – 15 ngày, mỗi ngày 1 thang.
cách chữa viêm phần phụ bằng thuốc Đông y
Một số bài thuốc Đông y có thể giúp cải thiện triệu chứng bệnh viêm phần phụ

Bài thuốc chữa viêm phần phụ mãn tính

Bài 1: 

  • Thành phần: 8 gram nga truật, 12 gram đan sâm, 8 gram hương phụ, 12 gram ngưu tất, 8 gram xuyên tử luyện, 8 gram hạt vải, 8 gram hạt quýt.
  • Cách dùng thuốc: Sắc tất cả với 5 bát nước cho cạn còn 2 bát. Chia làm 2 – 3 phần uống hết trong ngày. Thời gian điều trị có thể kéo dài từ 10 – 15 ngày.

Bài 2: 

  • Thành phần: 10 gram xuyên khung, 8 gram trần bì, 12 gram kê huyết đằng, 12 gram đảng sâm, 8 gram chỉ xác, 12 gram ý dĩ, 6 gram hương phụ, 12 gram xích thược.
  • Cách sử dụng: Tất cả gộp thành 1 thang sắc kỹ lấy nước đặc uống hết trong ngày. Sử dụng 10 – 15 thang liên tục để thấy được hiệu quả.

Bài 3: 

  • Thành phần: 4 gram bào khương, 6 gram mộc dược, 4 gram quế tâm, 6 gram ngũ linh chi, 12 gram đương quy, 4 gram tiểu hồi, 6 gram bồ hoàng, 10 gram tiền hồi.
  • Cách sử dụng: Sắc uống tương tự như các bài trên trong 10 – 15 ngày liên tục.

Cách phòng ngừa bệnh viêm phần phụ

Để ngăn ngừa viêm phần phụ, chị em có thể áp dụng một số giải pháp đơn giản dưới đây:

  • Điều trị triệt để các bệnh lý nhiễm trùng ở cơ quan sinh dục dưới nếu có, tránh để mầm bệnh lây lan lên trên phần phụ.
  • Quan hệ tình dục an toàn, không quan hệ bừa bãi với nhiều đối tượng cùng lúc
  • Mang bao cao su khi quan hệ để tránh nhiễm phải các loại vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
  • Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ
  • Không nạo hút thai bừa bãi
  • Tập thể dục hàng ngày và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao sức đề kháng của cơ thể
  • Thăm khám phụ khoa định kỳ để phát hiện và điều trị sớm bệnh viêm phần phụ cũng như các bệnh lý phụ khoa khác.

Có thể bạn quan tâm

Đánh giá bài viết

Chỉ vì viêm âm đạo mà Nhung bị chồng xa lánh, quan hệ ngoài luồng. Nhưng may mắn nhờ bài thuốc này mà chị đã khỏi viêm âm đạo, có cuộc sống hạnh phúc.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *