Viêm Vùng Chậu Là Gì? Dấu Hiệu, Chẩn Đoán, Điều Trị

Viêm vùng chậu là bệnh lý nhiễm trùng các cơ quan trong hệ thống sinh sản của phụ nữ. Các đặc trưng bao gồm đau âm ỉ ở bụng dưới, dịch tiết âm đạo bất thường và kinh nguyệt không đều. Nếu không được điều trị và chăm sóc phù hợp, viêm vùng chậu có thể dẫn đến nhiều rủi ro nghiêm trọng, bao gồm vô sinh nữ.

Viêm vùng chậu
Viêm vùng chậu là bệnh lý nhiễm trùng cơ quan sinh dục nữ thường do nhiễm trùng lây qua đường tình dục gây ra

Bệnh viêm vùng chậu là gì?

Bệnh viêm vùng chậu (Pelvic inflammatory disease – PID) là bệnh lý nhiễm trùng cơ quan sinh dục nữ. Vùng chậu là khu vực nằm ở bụng dưới và gồm các cơ quan như ống dẫn trứng, buồng trứng, cổ tử cung và tử cung.

Có nhiều loại vi khuẩn khác nhau có thể dẫn đến viêm vùng chậu. Tuy nhiên, tình trạng này thường phát triển sau các nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI), chẳng hạn như nhiễm trùng chlamydia hoặc bệnh lậu và được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Viêm vùng chậu có thể trở nên cực kỳ nguy hiểm, làm hỏng tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng và các bộ phận khác của hệ thống sinh sản nữ. Tình trạng này cũng có thể dẫn đến đau bụng dữ dội và gây khó mang thai. Trong một số trường hợp, nhiễm trùng có thể lây lan sang máu, gây nhiễm trùng máu và đe dọa đến tính mạng. Do đó, người có dấu hiệu nhiễm trùng vùng chậu nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết viêm vùng chậu

Các triệu chứng và dấu hiệu viêm vùng chậu có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng, phụ thuộc vào mức độ viêm. Một số phụ nữ có thể không có dấu hiệu nhận biết, hoặc các triệu chứng rất nhẹ và khó nhận biết.

dấu hiệu nhận biết bị viêm vùng chậu
Nhiễm trùng vùng chậu có thể gây đau bụng dưới dữ dội

Hầu hết phụ nữ có các triệu chứng nhiễm trùng vùng chậu không đặc hiệu, chẳng hạn như:

  • Đau xung quanh xương chậu hoặc vùng bụng dưới
  • Đau khi đi tiểu và đi tiểu thường xuyên hoặc khó khăn hơn
  • Khó chịu hoặc đau sâu bên trong xương chậu khi quan hệ tình dục
  • Ra máu bất thường giữa chu kỳ kinh nguyệt hoặc ngay sau khi quan hệ tình dục
  • Rong kinh hoặc kinh nguyệt ra nhiều hơn
  • Đau bụng kinh dữ dội
  • Tiết dịch âm đạo bất thường, chẳng hạn như khí hư có màu xanh lá cây hoặc màu vàng và có mùi hôi khó chịu
  • Sốt, đôi khi là ớn lạnh

Bên cạnh đó, một số phụ nữ có thể gặp các triệu chứng khác, chẳng hạn như:

  • Đau dữ dội ở bụng dưới
  • Sốt cao
  • Cảm thấy mệt mỏi mãn tính

Các triệu chứng này có thể là là dấu hiệu của u nang buồng trứng, viêm ruột thừa, lạc nội mạc tử cung hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu này, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Viêm vùng chậu có thể là cấp tính, kéo dài đến 30 ngày hoặc mãn tính, kéo dài hơn 30 ngày. Tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý liên quan. Do đó, nếu nhận thấy các triệu chứng hoặc đã tiếp xúc với STI hoặc các nguyên lây nhiễm khác nên đến bệnh viện ngay lập tức.

Nguyên nhân gây viêm vùng chậu

Viêm vùng chậu xảy ra khi khung chậu nhiễm trùng vi khuẩn. Có nhiều loại vi khuẩn khác nhau có thể gây viêm vùng chậu, tuy nhiên nhiễm trùng bệnh lậu hoặc chlamydia được xem là nguyên nhân phổ biến nhất có thể dẫn đến nhiễm trùng vùng chậu. Những vi khuẩn này thường lây lan vào âm đạo, đến vùng chậu thông qua các hoạt động tình dục không an toàn.

Đôi khi vi khuẩn có thể xâm nhập vào hệ thống sinh sản khi hàng rào bảo vệ ở cổ tử cung bị rối loạn. Điều này thường xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt và thời kỳ sau khi sinh con, phá thai hoặc sẩy thai. Ngoài ra, vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào hệ thống sinh sản thông qua các dụng cụ đặt tử cung, chẳng hạn như vòng tránh thai, hoặc các thủ thuật y tế liên quan đến việc đưa vật dụng vào tử cung.

Sinh thiết tử cung là hoạt động lấy một mẫu mô ở tử cung để phân tích và kiểm tra ở phòng thí nghiệm. Thủ thuật này cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và viêm vùng chậu. Ngoài ra, đôi khi viêm ruột thừa có thể làm tăng nhẹ nguy cơ viêm vùng chậu nếu vi khuẩn lây nhiễm đến khung chậu.

nguyên nhân gây viêm vùng chậu
Quan hệ tình dục không an toàn là nguyên nhân chính dẫn đến viêm vùng chậu

Các yếu tố rủi ro gây nhiễm trùng vùng chậu:

  • Là phụ nữ dưới 25 tuổi và có các hoạt động tình dục
  • Có nhiều bạn tình
  • Quan hệ tình dục với một người có nhiều bạn tình
  • Quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như bao cao su
  • Vệ sinh âm đạo quá sạch, thụt rửa sâu bên trong âm đạo, điều này có thể gây mất cân bằng hệ thống vi sinh vật có hại và có lợi, tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa
  • Có tiền sử bệnh lý vùng chậu hoặc nhiễm trùng lây qua đường tình dục

Bệnh viêm vùng chậu có nguy hiểm không?

Viêm vùng chậu là bệnh lý có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng sức khỏe lâu dài. Do đó, người bệnh có dấu hiệu hoặc nghi ngờ viêm vùng chậu nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Nếu không được điều trị, viêm vùng chậu có thể dẫn đến các mô sẹo và các túi chất lỏng bị nhiễm trùng (áp xe) phát triển ở hệ thống sinh sản. Điều này có thể dẫn đến các tổn thương có quan sinh sản vĩnh viễn và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người bệnh.

viêm vùng chậu có nguy hiểm không
Viêm vùng chậu không được điều trị có thể gây đau đớn dữ dội ở vùng chậu

Cụ thể, các biến chứng và rủi ro liên quan bao gồm:

  • Đau vùng chậu mãn tính: Nhiễm trùng vùng chậu có thể dẫn đến các cơn đau kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm. Trong trường hợp dẫn đến sẹo hệ thống sinh sản, chẳng hạn như ống dẫn trứng và các cơ quan vùng chậu khác có thể gây đau khi giao hợp hoặc đau trong thời kỳ rụng trứng.
  • Áp xe vòi trứng: Nhiễm trùng vùng chậu có thể gây áp xe, tụ mủ ở hệ thống sinh sản. Thông thường áp xe thường ảnh hưởng đến ống dẫn trứng và buồng trứng, tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể ảnh hưởng đến tử cung và các cơ quan vùng chậu khác. Nếu áp xe không được điều trị, nhiễm trùng có thể gây đe dọa đến tính mạng.
  • Thai ngoài tử cung: Theo thống kê, viêm vùng chậu là nguyên nhân chính dẫn đến thai ngoài tử cung. Tình trạng này thường xảy ra khi thai ngoài tử cung không được điều trị, dẫn đến hình thành sẹo ở ống dẫn trứng. Các mô sẹo có thể ngăn trứng đã thụ tinh đi qua ống dẫn trứng và làm tổ ở tử cung. Do đó trứng đã thụ tinh sẽ làm tổ ở ống dẫn trứng, dẫn đến mang thai ngoài tử cung. Mang thai ngoài tử cung có thể dẫn đến chảy máu nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
  • Vô sinh: Các tổn thương ở cơ quan sinh sản có thể dẫn đến vô sinh khiến phụ nữ không có khả năng mang thai. Viêm vùng chậu càng nghiêm trọng hoặc viêm càng nhiều lần, nguy cơ vô sinh càng cao. Ngoài ra, trì hoãn điều trị cũng có thể tăng nguy cơ vô sinh.

Đôi khi viêm vùng chậu có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể và dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng khác. Ngoài ra, nếu viêm vùng chậu lây nhiễm vào máu có thể dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Làm thế nào để biết bị viêm vùng chậu?

Đối với hầu hết phụ nữ bệnh viêm vùng chậu chỉ được chẩn đoán thông qua kiểm tra sức khỏe phụ khoa định kỳ. Bác sĩ có thể trao đổi với lịch sử quan hệ tình dục và tiền sử sức khỏe để hỗ trợ chẩn đoán các triệu chứng. Không có chẩn đoán đặc hiệu nào dành riêng cho bệnh viêm vùng chậu. Do đó, bệnh thường được phát hiện thông qua:

  • Tiền sử bệnh lý: Bác sĩ có thể trao đổi về các thói quen tình dục, tiền sử mắc các bệnh lây qua đường tình dục và phương pháp tránh thai.
  • Các dấu hiệu và triệu chứng: Trao đổi với bác sĩ về các dấu hiệu và triệu chứng bất thường liên quan đến khu vực sinh dục, âm đạo, ngay cả khi các triệu chứng không đáng kể.
  • Khám phụ khoa định kỳ: Trong quá trình khám phụ khoa, bác sĩ có thể kiểm tra vùng xương chậu và các dấu hiệu bệnh lý, chẳng hạn như đau đớn hoặc sưng. Bác sĩ có thể sử dụng tăm bông để lấy các mẫu chất lỏng từ âm đạo và cổ tử cung để kiểm tra ở phòng thí nghiệm và xác định các nguyên nhân liên quan, chẳng hạn như bệnh lậu và chlamydia.
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu: Các xét nghiệm này được thực hiện để kiểm tra HIV, dấu hiệu thai kỳ hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Ngoài ra, xét nghiệm cũng được đề nghị để kiểm tra số lượng bạch cầu hoặc các dấu hiệu viêm nhiễm khác.
  • Siêu âm: Xét nghiệm này sử dụng sóng siêu âm tạo ra hình ảnh và cơ quan sinh sản để kiểm tra các dấu hiệu bệnh lý.

Nếu các chẩn đoán không rõ ràng, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm bổ sung, chẳng hạn như:

  • Nội soi ổ bụng: Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ chèn một dụng cụ dạng ống, mỏng, có đèn và camera thông qua một vết rạch nhỏ ở bụng để quan sát các cơ quan nội tạng.
  • Sinh thiết nội mạc tử cung: Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng vào tử cung và lấy một lượng tế bào nhỏ ở nội mạc tử cung và xét nghiệm các dấu hiệu nhiễm trùng.

Biện pháp điều trị bệnh viêm vùng chậu

Bệnh viêm vùng chậu cần được điều trị càng sớm càng tốt để tránh các rủi ro liên quan. Nếu được chẩn đoán giai đoạn đầu, bệnh có thể được điều trị dễ dàng và hiệu quả bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên các trường hợp nghiêm trọng hơn có thể cần điều phẫu thuật.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và giai đoạn bệnh, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị chẳng hạn như:

1. Thuốc kháng sinh

Nhiễm trùng vùng chậu cần được điều trị nhanh chóng bằng kháng sinh. Nhiều loại vi khuẩn khác nhau có thể dẫn đến nhiễm trùng, bao gồm cả vi khuẩn gây bệnh lậu và chlamydia, do đó bác sĩ có thể đề nghị một hỗn hợp kháng sinh để điều trị các bệnh lý nhiễm trùng đang có.

thuốc điều trị viêm vùng chậu
Nhiễm trùng vùng chậu thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh

Hãy cho bác sĩ biết nếu người bệnh có dấu hiệu mang thai hoặc đang mang thai khi điều trị kháng sinh. Một số loại kháng sinh có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi và không được đề nghị trong thai kỳ.

Thông thường, người bệnh cần sử dụng thuốc kháng sinh liên tục trong 14 ngày để cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa nguy có tái phát. Trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần nhập viện để truyền kháng sinh thông qua tĩnh mạch.

Các loại kháng sinh phổ biến thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng vùng chậu bao gồm:

  • Metronidazole
  • Doxycycline
  • Cefoxitin
  • Ceftriaxone

Trong trường hợp đau xương chậu dữ dội hoặc đau bụng dưới, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kết hợp kháng sinh và thuốc giảm đau, chẳng hạn như paracetamol hoặc ibuprofen để cải thiện các triệu chứng.

Nếu thuốc kháng sinh không mang lại hiệu quả cải thiện các triệu chứng trong 3 ngày, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể hoặc thay đổi loại thuốc phù hợp hơn.

2. Điều trị kết hợp cho bạn tình

Tất cả bạn tình của người bệnh viêm vùng chậu trong vòng 6 tháng cần được kiểm tra các triệu chứng nhiễm trùng và điều trị để tránh các nguy cơ lây lan, ngay cả khi người bệnh không có triệu chứng hoặc khi không xác định được nguyên nhân gây viêm vùng chậu.

Viêm vùng chậu cũng có thể xảy ra ngay khi cả hai người quan hệ tình dục chung thủy trong một thời gian dài. Ngoài ra, bệnh có thể tái phát nếu một trong hai hoặc cả hai không điều trị nhiễm trùng cùng lúc.

Bên cạnh đó, để hạn chế nguy cơ lây lan nhiễm trùng, người bệnh nên tránh quan hệ tình dục cho đến khi nhiễm trùng được làm sạch.

3. Phẫu thuật

Trong trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc khi áp xe vỡ (hoặc có nguy cơ vỡ), bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để dẫn lưu. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể cần phẫu thuật nếu không đáp ứng kháng sinh hoặc khi có nhiều dấu hiệu bệnh lý nghiêm trọng.

phẫu thuật viêm vùng chậu
Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật điều trị viêm vùng chậu

Phẫu thuật hiếm khi cần thiết, tuy nhiên đôi khi bác sĩ có thể cần cắt bỏ một hoặc cả hai ống dẫn trứng để điều trị nhiễm trùng vùng chậu. Điều này khiến người phụ nữ không thể mang thai tự nhiên và cần thụ tinh nhân tạo để mang thai và làm mẹ.

Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm vùng chậu

Để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm vùng chậu, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như:

  • Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, hạn chế số lượng bạn tình và trao đổi về lịch sử tình dục của bạn tình để tránh các rủi ro liên quan.
  • Nếu nghi ngờ nhiễm trùng hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được xét nghiệm và có biện pháp điều trị phù hợp.
  • Đề nghị bạn tình thực hiện kiểm tra bệnh lây qua đường tình dục và các vấn đề nhiễm trùng khác để được điều trị phù hợp. Điều này có thể ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh lây qua đường tình dục và hạn chế khả năng tái phát viêm vùng chậu.
  • Không thụt rửa sâu bên trong âm đạo, điều này có thể làm xáo trộn sự cân bằng hệ thống vi sinh vật ở âm đạo và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Bệnh viêm vùng chậu là một tình trạng rất có thể điều trị được và hầu hết phụ nữ sẽ hồi phục hoàn toàn. Điều quan trọng là cần nhận biết các triệu chứng và có biện pháp xử lý phù hợp. Do đó, người bệnh có dấu hiệu hoặc nghi ngờ viêm vùng chậu nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.

Thông tin thêm: Đau khi quan hệ do đâu? Bình thường hay bệnh?

5/5 - (3 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *