Viêm Ống Dẫn Trứng Là Gì? Dấu Hiệu Và Cách Điều Trị

Viêm ống dẫn trứng (viêm vòi trứng) là tình trạng một hoặc cả hai vòi trứng bị viêm nhiễm do vi khuẩn. Bệnh chủ yếu xảy ra do thói quen tình dục không an toàn, thường xuyên nạo phá thai và không điều trị triệt để các bệnh phụ khoa như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung,…

Viêm ống dẫn trứng
Viêm ống dẫn trứng là gì? Có nguy hiểm không?

Viêm ống dẫn trứng là gì?

Viêm ống dẫn trứng (viêm vòi trứng) là tình trạng một hoặc cả hai vòi trứng bị viêm nhiễm. Thông thường, tình trạng viêm nhiễm bắt nguồn từ âm đạo, sau đó lây lan đến cổ tử cung và tiến triển dẫn đến viêm nhiễm vòi trứng. Tương tự như các bệnh phụ khoa thường gặp, viêm ống dẫn trứng thường xảy ra ở nữ giới có đời sống tình dục không lành mạnh, vệ sinh vùng kín kém, thường xuyên nạo phá thai,…

Viêm vòi trứng là bệnh lý có mức độ nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp sức khỏe và khả năng sinh sản của nữ giới. Nếu không xử lý kịp thời, nữ giới có thể phải đối mặt với các biến chứng nặng nề. Tuy nhiên trong trường hợp phát hiện sớm và tích cực điều trị, bệnh thường có đáp ứng tốt và có thể chữa trị hoàn toàn chỉ sau một thời gian ngắn.

Bệnh được chia thành 2 loại là viêm ống dẫn trứng cấp và viêm ống dẫn trứng mãn tính:

  • Viêm ống dẫn trứng cấp tính: Viêm ống dẫn trứng cấp là tình trạng nhiễm trùng xảy ra đột ngột, bùng phát mạnh và dễ nhận biết. Mặc dù triệu chứng có mức độ nặng nhưng bệnh ở giai đoạn cấp thường dễ điều trị và đa phần đều đáp ứng tốt với các phương pháp bảo tồn.
  • Viêm ống dẫn trứng mãn tính: Tình trạng này xảy ra khi vòi trứng bị viêm nhiễm kéo dài. Khác với giai đoạn cấp, bệnh ở giai đoạn mãn tính thường không có triệu chứng điển hình và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa thường gặp. Tuy nhiên, viêm ống dẫn trứng mãn tính khó điều trị dứt điểm và rất dễ phát sinh biến chứng.

Biểu hiện nhận biết viêm ống dẫn trứng

Ống dẫn trứng là cơ quan đón nhận trứng rụng, đồng thời là nơi gặp gỡ của tinh trùng và trứng. Nếu xảy ra hiện tượng thụ thai, vòi trứng sẽ vận chuyển phôi thai vào buồng tử cung để làm tổ. Do đó, tình trạng viêm nhiễm vòi trứng có thể ảnh hưởng đến kinh nguyệt, thời điểm rụng trứng và khả năng thụ thai ở nữ giới.

Nếu bùng phát cấp tính, nữ giới cũng có thể dễ dàng nhận biết bệnh thông qua các triệu chứng nhiễm trùng điển hình. Trong khi đó, triệu chứng của bệnh ở giai đoạn mãn tính tương đối mờ nhạt nên rất dễ bị bỏ qua. Để dễ dàng nhận biết bệnh lý này, nữ giới có thể dựa vào các biểu hiện sau:

1. Dấu hiệu của viêm ống dẫn trứng cấp tính

Viêm ống dẫn trứng cấp gây ra nhiều triệu chứng dễ nhận biết. Một số biểu hiện thường gặp, bao gồm:

viêm ống dẫn trứng có nguy hiểm không
Kinh nguyệt không đều là một trong những triệu chứng thường gặp của viêm ống dẫn trứng cấp tính
  • Kinh nguyệt không đều: Kinh nguyệt không đều là một trong những biểu hiện thường gặp của bệnh viêm ống dẫn trứng. Nguyên nhân là do không gian trong ống dẫn trứng bị hẹp, ảnh hưởng đến hoạt động rụng trứng và dẫn đến vòng kinh mau hoặc thưa.
  • Thống kinh: Viêm ống dẫn trứng làm tăng mức độ đau bụng trong thời gian hành kinh. Nguyên nhân là do ở thời điểm này, tử cung co bóp mạnh để tống khứ máu kinh ra bên ngoài. Tuy nhiên, tình trạng vô tình kích thích vòi trứng bị viêm nhiễm và làm tăng mức độ đau nhức.
  • Đau bụng: Không chỉ gây đau bụng trong những ngày hành kinh, viêm ống dẫn trứng còn gây đau bụng dưới âm ỉ đến dữ dội tùy theo mức độ viêm nhiễm. Một số trường hợp cơn đau có thể lan ra phía sau lưng và xương cùng chậu.
  • Ngứa vùng kín: Viêm ống dẫn trứng thường bắt nguồn từ viêm nhiễm âm đạo, cổ tử cung không được điều trị dứt điểm. Do đó, bệnh còn có thể biểu hiện qua triệu chứng ngứa ngáy vùng kín, vùng kín tiết khí hư có màu vàng, mùi hôi, tanh.
  • Một số triệu chứng khác: Ngoài ra, viêm ống dẫn trứng cấp tính còn có thể gây ra một số triệu chứng khác như đau khi quan hệ, máu kinh có màu nâu đen, vón cục, mùi hôi, mót tiểu, tiểu buốt, sốt, mệt mỏi, chóng mặt,…

2. Biểu hiện của viêm ống dẫn trứng mãn tính

Viêm vòi trứng mãn tính thường có triệu chứng mờ nhạt và khó nhận biết. Ở giai đoạn này, bệnh hầu như không có các biểu hiện viêm nhiễm điển hình như nóng sốt, mệt mỏi, buồn nôn và chóng mặt.

viêm ống dẫn trứng có nguy hiểm không
Ở giai đoạn mãn tính, bệnh còn có thể gây đau mỏi lưng và xương cùng chậu

Viêm ống dẫn trứng mãn tính có thể gây ra một số triệu chứng sau:

  • Kinh nguyệt không đều, vòng kinh thưa hoặc mau, mất kinh trong nhiều tháng,…
  • Vùng chậu và bụng dưới đau âm ỉ, kéo dài
  • Đau mỏi vùng lưng và xương cùng chậu

Vì có triệu chứng khó nhận biết nên rất ít trường hợp phát hiện sớm viêm ống dẫn trứng mãn tính. Nếu chậm trễ trong việc thăm khám và điều trị, ống dẫn trứng có thể bị hẹp, hình thành sẹo, tắc nghẽn và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của nữ giới.

Nguyên nhân gây viêm ống dẫn trứng

Có thể thấy, ống dẫn trứng nằm sâu bên trong nên ít có nguy cơ bị viêm nhiễm như âm đạo và cổ tử cung. Tuy nhiên do một số nguyên nhân khác nhau, vi khuẩn có thể phát triển mạnh và tấn công vào 1 hoặc cả 2 ống dẫn trứng, dẫn đến tình trạng viêm ống dẫn trứng cấp và mãn tính.

Thống kê cho thấy, viêm vòi trứng chủ yếu xảy ra do vi khuẩn lậu và Chlamydia (hai loại vi khuẩn này đều lây nhiễm qua đường tình dục). Ngoài ra, hiện tượng viêm nhiễm vòi trứng cũng có thể xảy ra do một số loại vi khuẩn khác như vi khuẩn Streptococus, Staphylococcus và Mycoplasma.

viêm ống dẫn trứng có nguy hiểm không
Nạo phá thai nhiều lần là một trong những nguyên nhân gây viêm ống dẫn trứng

Tuy nhiên, vi khuẩn chỉ có thể tấn công và gây tổn thương vòi trứng khi có những yếu tố sau:

  • Vệ sinh vùng kín kém: Vùng kín của nữ giới rất nhạy cảm và dễ bị viêm nhiễm nếu không vệ sinh, chăm sóc đúng cách – đặc biệt là trong thời gian hành kinh. Vào ngày “đèn đỏ”, nội mạc tử cung bong ra và được bài tiết thông qua âm đạo. Do đó nếu vệ sinh không đúng cách, vi khuẩn rất dễ xâm nhập vào bên trong và gây tổn thương tử cung, ống dẫn trứng.
  • Không điều trị dứt điểm các bệnh phụ khoa khác: Viêm ống dẫn trứng thường là hệ quả do viêm nhiễm âm đạo và viêm cổ tử cung không được điều trị triệt để. Theo thời gian, vi khuẩn gây nhiễm trùng tiếp tục phát triển và tấn công vào các cơ quan bên trong như tử cung, buồng trứng và vòi trứng.
  • Nạo phá thai nhiều lần: Nạo phá thai nhiều lần là yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ viêm ống dẫn trứng. Nguyên nhân có thể do quá trình nạo phá thai không được đảm bảo vô trùng tuyệt đối. Ngoài ra, phá thai nhiều lần còn khiến niêm mạc tử cung mỏng dần và trở nên nhạy cảm hơn với vi khuẩn.
  • Quan hệ tình dục không an toàn: Hai trong số các tác nhân thường gây viêm ống dẫn trứng (vi khuẩn lậu, Chlamydia) đều có khả năng lây nhiễm qua đường tình dục. Do đó, nữ giới có đời sống tình dục không an toàn có nguy cơ bị viêm ống dẫn trứng và các bệnh phụ khoa cao hơn so với người có lối sống lành mạnh và khoa học.
  • Tác dụng phụ khi thực hiện các thủ thuật phụ khoa: Viêm ống dẫn trứng cũng có thể xảy ra sau khi thực hiện các thủ thuật phụ khoa như nạo sinh thiết, cắt polyp lòng tử cung, đặt vòng tránh thai, sảy thai,… Không đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối khi thực hiện các thủ thuật này chính là nguyên nhân gây viêm ống dẫn trứng và một số vấn đề phụ khoa khác.

Viêm ống dẫn trứng có nguy hiểm không?

Như đã đề cập, ống dẫn trứng là cơ quan có vai trò đón bắt trứng rụng, đồng thời là nơi “gặp gỡ” của trứng và tinh trùng. Do đó, tình trạng vòi trứng bị tổn thương gây ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng sinh sản và sức khỏe của nữ giới. Hơn nữa, vòi trứng nằm liền kề với nhiều cơ quan khác. Nếu không kiểm soát triệt để tình trạng nhiễm trùng, vi khuẩn có thể phát triển và lây lan sang các cơ quan lân cận.

viêm ống dẫn trứng biểu hiện
Vòi trứng bị viêm nhiễm khiến phôi thai phát triển ngay trong ống dẫn trứng

Một số biến chứng do viêm ống dẫn trứng gây ra:

  • Nhiễm trùng lây lan: Viêm vòi trứng có thể gây viêm nhiễm buồng trứng và tử cung nếu không kiểm soát kịp thời. Đây đều là những cơ quan quan trọng đối với chức năng sinh lý và sinh sản của nữ giới. Do đó, hiện tượng viêm nhiễm ở các cơ quan này có thể gây ra hàng loạt các biến chứng nặng nề.
  • Áp xe phần phụ: Phần phụ là thuật ngữ đề cập đến vòi trứng, hệ thống dây chằng rộng và buồng trứng. Áp xe phần phụ là tình trạng nhiễm trùng nặng với sự hình thành tổ chức ổ mủ. Đây là một trong những biển chứng thường gặp nhất của viêm ống dẫn trứng (chiếm từ 10 – 20%). Áp xe phần phụ có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề như viêm phúc mạc toàn thể, viêm phúc mạc chậu, nhiễm trùng máu hoặc thậm chí là tử vong nếu không kiểm soát kịp thời.
  • Thai ngoài tử cung: Viêm ống dẫn trứng làm thu hẹp không gian trong lòng vòi trứng khiến trứng và tinh trùng sau khi thụ tinh không thể di chuyển xuống buồng tử cung. Kết quả là thai phát triển bên trong vòi trứng và dẫn đến tình trạng thai ngoài tử cung. Đa phần các trường hợp thai ngoài tử cung đều phải đình chỉ thai kỳ để đảm bảo tính mạng cho người mẹ. Trong trường hợp thai đã phát triển lớn, bác sĩ có thể phải thực hiện cắt toàn bộ vòi trứng để dự phòng biến chứng.
  • Vô sinh: Vô sinh là biến chứng nặng nề nhất của bệnh viêm nhiễm vòi trứng. Khi vòi trứng bị thu hẹp, tinh trùng rất khó “tiếp cận” với trứng dẫn đến giảm tỷ lệ thụ thai. Đối với những trường hợp vòi trứng tắc hoàn toàn, trứng rụng gần như không còn có khả năng “gặp gỡ” tinh trùng và kết quả là tăng nguy cơ vô sinh – hiếm muộn. Thống kê cho thấy, nguy cơ vô sinh tăng lên khoảng 15% sau mỗi đợt viêm vòi trứng và có thể tăng lên 50% nếu bệnh tái phát đến lần thứ 3.

Có thể thấy, viêm ống dẫn trứng là bệnh phụ khoa nghiêm trọng gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và chức năng sinh sản của nữ giới. Do đó nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường, nữ giới cần chủ động thăm khám để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Thực tế cũng cho thấy, những trường hợp phát hiện bệnh sớm và tích cực điều trị thường có đáp ứng tốt, ít gặp phải biến chứng và di chứng nặng nề.

Chẩn đoán viêm ống dẫn trứng

Viêm ống dẫn trứng thường không có các biểu hiện điển hình. Triệu chứng của bệnh rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác như viêm vùng chậu, viêm buồng trứng, viêm cổ tử cung,… Do đó trước khi điều trị, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán sau:

  • Thăm khám vùng chậu
  • Soi cấy bệnh phẩm
  • Xét nghiệm công thức máu
  • Siêu âm vùng chậu
  • Phân tích nước tiểu

Các phương pháp điều trị viêm ống dẫn trứng hiệu quả

Viêm ống dẫn trứng chủ yếu được điều trị bằng cách sử dụng kháng sinh và thuốc làm giảm triệu chứng. Tuy nhiên với trường hợp đã xuất hiện ổ áp xe, sẹo vòi trứng,… bác sĩ có thể cân nhắc điều trị ngoại khoa khi cần thiết.

1. Điều trị bằng thuốc

Sử dụng thuốc là lựa chọn ưu tiên trong điều trị viêm ống dẫn trứng. Trong đó, kháng sinh là thuốc đặc hiệu có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và kiểm soát hiện tượng viêm nhiễm ở vòi trứng. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê toa một số loại thuốc giảm đau, chống viêm để giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.

viêm ống dẫn trứng là bị gì
Viêm ống dẫn trứng được điều trị chủ yếu bằng kháng sinh và thuốc giảm đau, chống viêm
  • Kháng sinh: Điều trị viêm ống dẫn trứng chủ yếu là sử dụng kháng sinh phổ rộng trong 7 – 10 ngày hoặc hơn. Sau đó, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ đáp ứng với thuốc và điều chỉnh nếu cần thiết. Ở một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết bệnh phẩm để tìm vi khuẩn và đánh giá mức độ nhạy cảm với kháng sinh trước khi làm kháng sinh đồ.
  • Thuốc giảm đau, chống viêm: Ngoài kháng sinh, bác sĩ có thể chỉ định dùng các loại thuốc giảm đau, chống viêm như Paracetamol, Ibuprofen, Diclofenac,… để hạ sốt và cải thiện tình trạng đau bụng, đau nhức lưng, vùng chậu do viêm vòi trứng gây ra.

Trong thời gian dùng thuốc, nên ăn uống, nghỉ ngơi điều độ để nâng đỡ thể trạng và hỗ trợ kiểm soát một số triệu chứng đi kèm. Với trường hợp nhiễm trùng nặng và bệnh nhân có sức khỏe yếu, bác sĩ có thể kê toa các viên uống bổ sung để hỗ trợ quá trình điều trị.

Đa phần các trường hợp viêm ống dẫn trứng cấp đều có đáp ứng tốt với sử dụng thuốc. Sau khoảng 7 – 10 ngày dùng kháng sinh đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ, hiện tượng viêm nhiễm ở ống dẫn trứng sẽ được kiểm soát hoàn toàn.

2. Vật lý trị liệu

Đối với trường hợp viêm ống dẫn trứng mãn tính, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp sử dụng thuốc cùng với các phương pháp vật lý trị liệu như:

  • Liệu pháp chiếu nhiệt
  • Tia hồng ngoại
  • Chiếu sóng ngắn

Các kỹ thuật vật lý trị liệu có khả năng thúc đẩy tuần hoàn máu và hỗ trợ giảm hiện tượng viêm ở vòi trứng rõ rệt. Ngoài ra, phương pháp này còn hỗ trợ tăng đào thải mủ, vi khuẩn qua âm đạo. Tuy nhiên cần lưu ý, vật lý trị liệu chỉ là phương pháp hỗ trợ. Do đó, cần sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát hiện tượng viêm vòi trứng triệt để.

3. Can thiệp ngoại khoa

Đối với viêm ống dẫn trứng đã phát sinh biến chứng, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các thủ thuật ngoại khoa như:

điều trị viêm ống dẫn trứng
Can thiệp ngoại khoa được chỉ định khi viêm ống dẫn trứng đã xuất hiện biến chứng
  • Phẫu thuật phá các ổ áp xe: Trong trường hợp đã xuất hiện biến chứng áp xe phần phụ (khối áp xe nhỏ >8cm) và không có đáp ứng sau 48 – 72 giờ điều trị bằng kháng sinh, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để phá ổ áp xe và dẫn lưu mủ ra bên ngoài. Sau đó, tiến hành cắt phần phụ và tai vòi có khối áp xe để ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát.
  • Thông tắc vòi trứng: Viêm ống dẫn trứng tái phát nhiều lần có thể gây sẹo vòi trứng và khiến vòi trứng bị tắc nghẽn hoàn toàn. Thông tắc vòi trứng được thực hiện thông qua kỹ thuật nội soi nhằm loại bỏ mẫu mô vụn, chất dính ở bên trong lòng ống dẫn trứng. Phương pháp này có tác dụng gỡ dính vòi trứng và đảm bảo khả năng sinh sản của nữ giới.

Mục đích chính là các phương pháp ngoại khoa là đảm bảo chức năng sinh lý của vòi trứng. Qua đó giúp nữ giới bảo tồn chức năng sinh sản và giảm thiểu nguy cơ vô sinh – hiếm muộn. Trong trường hợp khó thụ thai do viêm vòi trứng tái phát nhiều lần, nên cân nhắc thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo,…

Phòng ngừa viêm ống dẫn trứng

Viêm ống dẫn trứng ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng sinh sản và sức khỏe của nữ giới. Do đó sau khi kiểm soát bệnh, nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe.

điều trị viêm ống dẫn trứng
Quan hệ tình dục an toàn là biện pháp giúp phòng ngừa viêm vòi trứng và các bệnh phụ khoa khác

Các biện pháp phòng ngừa viêm ống dẫn trứng:

  • Vệ sinh vùng kín 2 lần/ ngày với nước sạch hoặc các dung dịch vệ sinh phụ nữ có công thức lành tính, an toàn. Tuy nhiên, chỉ vệ sinh bên ngoài, không thụt rửa vào bên trong âm đạo.
  • Vào những ngày hành kinh, nên chú ý vệ sinh đều đặn 2 – 3 lần/ ngày và thay băng vệ sinh 4 giờ/ lần. Ngoài ra trong thời điểm này, tuyệt đối không được quan hệ tình dục.
  • Quan hệ tình dục an toàn là biện pháp phòng ngừa viêm ống dẫn trứng hiệu quả. Nên sử dụng bao cao su để bảo vệ sức khỏe của bản thân trước các bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục. Ngoài ra, nên tránh quan hệ với những đối tượng có lịch sử tình dục phức tạp.
  • Lựa chọn bệnh viện uy tín khi thực hiện các thủ thuật như phá thai, đặt vòng tránh thai, cắt polyp tử cung,… Tuyệt đối không thực hiện các thủ thuật này tại phòng khám nhỏ lẻ, bác sĩ có không có đủ chuyên môn và không đảm bảo vô khuẩn trong quá trình thực hiện.
  • Nên mặc quần lót có chất liệu thấm hút để giữ vùng kín khô thoáng và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa.
  • Viêm ống dẫn trứng có thể không gây ra các triệu chứng dễ nhận biết. Do đó, nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/ lần để kịp thời phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
  • Xây dựng lối sống khoa học để cải thiện sức khỏe và hệ miễn dịch.

Viêm ống dẫn trứng là bệnh phụ khoa khá phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh lý này là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ vô sinh – hiếm muộn ở nữ giới. Do đó ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, nên tìm gặp bác sĩ Sản phụ khoa để được thăm khám và tư vấn hướng điều trị thích hợp.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *