Viêm da dị ứng là gì? Dấu hiệu và cách điều trị
Nội dung bài viết
Viêm da dị ứng trở nên phổ biến hơn bởi hệ miễn dịch của con người ngày càng suy yếu. Ngoài ra, thời tiết, môi trường, hóa chất cũng là tác nhân gây bệnh. Điều đáng nói, viêm da dị ứng có thể tiến triển thành nhiễm trùng da gây lở loét rất nguy hiểm nếu không chữa trị kịp thời.
Viêm da dị ứng là gì? Có nguy hiểm không?
Viêm da dị ứng là thuật ngữ chỉ các bệnh da liễu có xuất hiện phản ứng viêm trên da, xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với một dị nguyên gây dị ứng. Người bệnh bị phát ban, sưng đỏ, nổi mẩn ngứa tại một vùng da hoặc lan rộng khắp người.
Viêm da dị ứng được chia thành nhiều dạng, trong đó thường gặp nhất là:
- Viêm da tiếp xúc dị ứng: Khi người bệnh tiếp xúc với một hóa chất mạnh hoặc bị côn trùng cắn thì vùng da sẽ bị tổn thương một cách đột ngột. Sau khi loại bỏ căn nguyên gây kích ứng, làn da sẽ trở lại bình thường.
- Viêm da cơ địa: Bệnh thường xuất hiện từ thời thơ ấu, phần lớn do yếu tố di truyền từ gia đình. Nếu người thân có tiền sử mắc các bệnh về dị ứng, trẻ nhỏ khi sinh ra cũng thường bị quá mẫn với các dị nguyên gây dị ứng. Viêm da cơ địa là căn bệnh có xu hướng diễn tiến mãn tính.
- Viêm dạ dị ứng thời tiết: Đây là tình trạng cơ thể xuất hiện phản ứng dị ứng khi có sự thay đổi thất thường của nhiệt độ, không khí như thời tiết nóng, lạnh, độ ẩm cao,….
- Viêm da dị ứng bội nhiễm: Đây là giai đoạn trở nặng của viêm da dị ứng. Do bệnh lý không được chữa trị kịp thời hoặc tác động chà xát, gãi mạnh lên da gây ra hiện tượng nhiễm trùng, bội nhiễm.
Viêm da dị ứng là căn bệnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, từ trẻ sơ sinh cho đến người cao tuổi. Bệnh gây ra nhiều khó chịu và bất tiện trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Vùng da bị tổn thương mất thẩm mỹ, có thể khiến người bệnh trở nên tự ti trong giao tiếp.
Vậy viêm da dị ứng có nguy hiểm không? – Căn bệnh này KHÔNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN TÍNH MẠNG, nhưng gây mất thẩm mỹ khi vùng da bị dị ứng lan rộng, khiến người bệnh tự ti, mặc cảm.
Thêm vào đó, viêm da dị ứng có thể tiến triển thành bội nhiễm nếu bệnh tái phát nhiều lần khiến hệ miễn dịch ngày càng suy yếu. Đây là điều kiện thuận lợi giúp các vi khuẩn từ môi trường xâm nhập và gây nhiễm trùng, bội nhiễm ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.
Lúc này, nếu bệnh không được xử lý đúng cách, người bệnh có thể phải đối mặt với những di chứng vĩnh viễn trên da như sẹo lồi, sẹo lõm,… Do đó, bệnh nhân bị viêm da dị ứng cần chủ động thăm khám chuyên khoa để được xử lý kịp thời.
Nguyên nhân gây viêm da dị ứng
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác dẫn đến các bệnh lý viêm da dị ứng. Tuy nhiên, họ tin rằng, cơ chế gây bệnh do sự sản xuất quá mức histamin trong cơ thể gây ra hiện tượng phản ứng và xuất hiện các triệu chứng ở ngoài da.
Các histamin thường được chứa ở trong tế bào mast và một trong những mô, cơ quan có nhiều tế bào mast nhất chính là da.
Khi cơ thể bị mẫn cảm với một số dị nguyên nhất định, kháng thể IgE sẽ kích thích tế bào mast giải phóng histamin. Nếu histamin vượt quá mức cho phép, chúng sẽ khiến da xuất hiện một loạt các triệu chứng dị ứng.
Các yếu tố có thể gây ra hiện tượng dị ứng như:
- Dị nguyên từ môi trường: Nấm mốc, mạt bụi, lông động vật, phấn hoa, hóa chất… là những tác nhân thường gây viêm da dị ứng nhất.
- Thời tiết biến đổi thất thường: Khi thời tiết thay đổi đột ngột và cơ thể chưa kịp thích ứng thì làn da sẽ bị mẫn cảm và nổi dị ứng.
- Dị ứng thuốc điều trị: Tất cả các loại thuốc tây y đều có chứa protein kích hoạt dị ứng. Viêm da dị ứng chính là tác dụng phụ thường thấy khi sử dụng thuốc tây y chữa bệnh.
- Ăn thực phẩm gây dị ứng: Các thực phẩm như trứng và các chế phẩm, hải sản, sữa (sữa bò, sữa dê…)…thường chứa các protein gây dị ứng ở cơ địa mẫn cảm.
- Di truyền: Viêm da dị ứng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Nhưng ở những người có yếu tố di truyền thì dạng bệnh dễ mắc phải nhất là viêm da cơ địa. Nếu trong gia đình có người từng bị hen suyễn, dị ứng thì khả năng con sinh ra bị viêm da cơ địa rất cao.
- Nghề nghiệp: Nếu người bệnh thường xuyên làm việc ở trong môi trường phải tiếp xúc nhiều với kim loại, dung môi hoặc chất tẩy rửa sẽ có nguy cơ bị viêm da tiếp xúc dị ứng.
Dấu hiệu nhận biết bị viêm da dị ứng
Cơ chế gây viêm da dị ứng là sự sản sinh quá mức histamin trên da. Do đó, người bệnh thường gặp các triệu chứng điển hình như:
- Da sưng đỏ, phù nề gây ngứa ngáy: Các histamin có tác dụng làm giãn mao mạch nên làn da thường bị phù nề, nổi lên các nốt nhỏ li ti hoặc sần thành từng mảng, gây ngứa ngáy. Cảm giác ngứa có thể tăng vào ban đêm.
- Có các nốt mẩn ngứa: Các nốt sần trên da có màu đỏ hoặc màu nhợt hơn vùng da bình thường. Các nốt mẩn ngứa thường xuất hiện ở tay và chân. Cũng có những trường hợp lan rộng khắp người.
- Da bị khô, bong vảy: Làn da của người bệnh có thể bị mất nước nghiêm trọng dẫn đến tình trạng da khô, kết vảy trắng và bong tróc.
- Chảy dịch trên da: Tình trạng ngứa ngáy khiến người bệnh muốn gãi ngứa, chà xát mạnh. Vùng da bị tổn thương, xước rách và các nốt sần/mụn nước bị phá vỡ nên chảy dịch ra ngoài.
Các bệnh viêm da dị ứng đều có biểu hiện lâm sàng tương đồng nhau. Để chẩn đoán bệnh chính xác nhất, người bệnh nên đến các cơ sở y tế, phòng khám chuyên khoa để thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Chẩn đoán, điều trị viêm da dị ứng như thế nào?
Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh lý bản thân và gia đình, từ đó xem xét yếu tố di truyền có quyết định đến bệnh hay không. Các triệu chứng lâm sàng là căn cứ để bác sĩ phân loại viêm da dị ứng với các bệnh lý da liễu khác.
Để chẩn đoán phân biệt chính xác hơn, bác sĩ sẽ đề nghị người bệnh thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Kiểm tra độ mẫn cảm với các dị nguyên gây dị ứng bằng test lẩy và test áp. Các phương pháp này thường được dùng để xác định dị nguyên gây viêm da dị ứng.
- Soi tươi KOH để lấy mẫu mô xem xét có xuất hiện nấm hay không. Xét nghiệm này thường được áp dụng trong chẩn đoán phân biệt viêm da dị ứng và nấm da.
Bất cứ loại viêm da dị ứng nào cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của người bệnh. Bệnh cũng rất khó để điều trị dứt điểm và dễ bị tái phát nhiều lần. Do đó, bạn đọc nên đến bệnh viện khám ngay nếu phát hiện bị ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ bất thường…
Người bệnh muốn lựa chọn phương hướng điều trị phù hợp thì cần căn cứ vào tình trạng sức khỏe và dạng bệnh viêm da dị ứng:
Mẹo dân gian trị viêm da dị ứng tại nhà
Các bài thuốc dân gian thường sử dụng cây thuốc nam dân dã, quen thuộc trong đời sống hàng ngày để điều trị bệnh viêm da. Chẳng hạn như lá trầu không, diếp cá, lá lốt, lá khế, đinh hương, tràm trà…
Bởi các vị thuốc thảo dược này sở hữu nhiều hoạt tính sinh học quý giá, nhất là tính kháng khuẩn, kháng viêm giúp cải thiện các triệu chứng phù nề, sưng viêm, nổi mẩn trên da tốt.
Người bệnh có thể trị viêm da dị ứng bằng một số thảo dược như:
- Lá trầu không: Lấy một nắm trầu không rửa thật sạch, sau đó đun cùng với nước sôi để tắm hoặc thấm nước lau vào vùng da bị viêm.
- Lá trà xanh: Lấy một nắm lá trà xanh rửa thật sạch, sau đó vò nát và đun sôi với nước. Cho thêm một ít muối trắng vào và chờ nước trà xanh chuyển ấm thì đem dùng. Trong quá trình ngâm rửa da với lá trà xanh thì nên dùng xác lá để chà xát nhẹ lên vùng da.
- Hành hoa: Đun sôi một nồi nước, thả hành hoa và ít muối trắng vào đun cùng khoảng 2-3 phút. Sau đó rửa vùng da bị tổn thương bằng nước ấm trước. Ngâm tay vào hỗn hợp nước muối hành hoa ấm, khi nào nước nguội thì ngừng.
Bài thuốc dân gian thường sử dụng cây thuốc đơn lẻ nên chỉ tác động tạm thời trên triệu chứng. Hầu hết mẹo dân gian đều không điều trị được gốc bệnh. Hiệu quả của thuốc cũng phụ thuộc phần lớn vào cơ địa người bệnh. Nếu người bệnh có cơ địa khó hấp thụ hoặc quá mẫn với dược tính của cây thuốc thì hiệu quả sẽ không cao.
Người bệnh chỉ nên dùng thuốc dân gian trong trường hợp viêm da tiếp xúc hoặc viêm da tiết bã nhẹ, da ít bị tổn thương. Tuyệt đối không dùng mẹo dân gian để trị viêm da có bội nhiễm. Điều này có thể khiến da bị nhiễm trùng nặng và gây nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh.
Cách chữa viêm da dị ứng theo Tây y
Đối với bệnh viêm da dị ứng, Tây y thường tập trung điều trị triệu chứng, sử dụng các loại thuốc giúp giảm phản ứng viêm trên da. Trong phác đồ điều trị thường sử dụng các loại thuốc có khả năng ức chế phản ứng dị ứng.
Trong phác đồ điều trị của bác sĩ thường xuất hiện một số loại thuốc như:
- Kem bôi chứa corticosteroid: Các loại kem bôi chứa corticosteroid vừa có tác dụng kháng viêm, chống nhiễm trùng như diprolene, clobetasol propionate, betamethasone valerate nồng độ 0,01%, 0,1% .
- Thuốc Glucocorticoid đường uống hoặc truyền tĩnh mạch: Các nhóm thuốc chứa prednisolone, prednisone, methylprednisolone sẽ có tác dụng chống viêm toàn thân. Nếu điều trị viêm da cơ địa, bác sĩ có thể phối hợp thêm nhóm thuốc ức chế miễn dịch.
- Kem dưỡng ẩm: Người bệnh có tình trạng khô da, bong tróc vảy trắng thường được chỉ định dùng các loại kem bôi chứa vitamin E, lô hội để tăng cường độ ẩm cho da.
Các loại thuốc điều trị viêm da thường gây ảnh hưởng đến huyết áp, xương, máu, dạ dày, gan, thận… Do vậy, người bệnh cần theo dõi sức khỏe sát sao trong suốt quá trình điều trị. Đặc biệt, người bệnh không được lạm dụng kem bôi chứa corticosteroid.
Việc dùng quá liều sẽ gây phản tác dụng, tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, giòn xương và đục thủy tinh thể… Người bệnh chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ và tuyệt đối tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị.
Liệu pháp trị bệnh theo Đông y
Theo đông y, viêm da dị ứng là tình trạng cơ thể bị tích tụ nhiệt độc hoặc vệ khí không đủ mạnh nên các tà độc từ môi trường xâm nhập vào cơ thể và khiến da bị tổn thương. Vì vậy, đông y chủ trị thông qua phép sơ phong, thanh nhiệt, chỉ, lương huyết, giải độc.
Một số bài thuốc trị viêm da dị ứng như:
- Ngân kiều tán: Kim ngân hoa, liên kiều, cam thảo, ngưu bàng, bạc hà, kinh giới.
- Thanh ôn bại độc ẩm: Huyền sâm, tri mẫu, liên kiều, sinh địa, hoàng liên, hoàng cầm, cát cánh, sơn chi.
Tỷ lệ của bài thuốc sẽ được gia giảm khác nhau tùy theo độ tuổi, mức độ viêm da và cơ địa người bệnh. Cho nên người bệnh cần trực tiếp đến các phòng khám, trung tâm đông y để chẩn mạch và bốc thuốc điều trị, đảm bảo bài thuốc phù hợp với tình trạng sức khỏe nhất.
Biện pháp chăm sóc, phòng ngừa bệnh hiệu quả
Trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, người bệnh cần lưu ý xây dựng chế độ ăn dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học để giúp hỗ trợ điều trị và phòng bệnh tái phát trở lại.
Bị dị ứng nên ăn gì, kiêng gì?
- Người bệnh nên ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin B1, B2, B6, B12, E vì để giúp làn da giữ ẩm tốt.
- Các thực phẩm chứa vitamin A giúp làn da tái tạo sau tổn thương.
- Tăng cường bổ sung vitamin C để hệ miễn dịch khỏe mạnh, chống nhiễm trùng và phòng ngừa dị ứng.
- Người bệnh nên hạn chế ăn thực phẩm gây dị ứng trong suốt quá trình điều trị bệnh.
- Đồ ăn nhanh, đổ ủ chua và thức ăn đóng hộp cũng nên loại bỏ khỏi bữa ăn vì chúng tích tụ nhiệt độc trong cơ thể.
- Tuyệt đối không uống rượu, bia, thuốc lá… Đây là những thức uống có khả năng phá hủy hệ miễn dịch, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da và kích hoạt phản ứng dị ứng dễ dàng hơn.
Cách sinh hoạt phòng ngừa dị ứng
- Tránh tiếp xúc với các dị nguyên từ môi trường cũng như các thực phẩm gây dị ứng. Đặc biệt là ở những người có người thân từng bị hen suyễn hoặc dị ứng.
- Tránh sử dụng các hóa chất mạnh trong vệ sinh thân thể khiến da bị khô. Đối với da mặt thì nên chọn các loại sữa rửa mặt dịu nhẹ.
- Không nên tắm nước quá nóng khiến da mất nước, bị suy yếu và dễ nhiễm bệnh.
- Giữ ẩm cho làn da bằng cách thường xuyên sử dụng kem dưỡng ẩm. Người bệnh hãy chọn loại kem lành tính, không có nhiều hương liệu để tránh da bị kích ứng.
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, sử dụng các thiết bị cải thiện không khí như máy lọc và máy tạo ẩm.
- Thường xuyên uống nước để cơ thể giải độc tốt và làn da được cấp ẩm.
Viêm da dị ứng là bệnh lý cần được điều trị trong quá trình lâu dài và có sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh tuyệt đối không tự chữa bệnh tại nhà nếu da bị tổn thương trên diện rộng. Quá trình điều trị cũng phải kết hợp tốt với chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh để làn da được phục hồi nhanh chóng, hệ miễn dịch được tăng cường.
Tìm hiểu ngay:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!