Viêm da dị ứng ở bà bầu và cách trị an toàn
Nội dung bài viết
Viêm da dị ứng ở bà bầu dẫn đến cảm giác khó chịu, ngứa ngáy và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do đó, bà bầu có thể tìm hiểu một số thông tin cơ bản trong bài viết để có kế hoạch điều trị và chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Nguyên nhân gây viêm da dị ứng ở bà bầu
Theo một số thống kê, ngứa kèm theo phát ban hoặc không có phát ban là một triệu chứng phổ biến ở phụ nữ mang thai. Tình trạng này có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm bệnh viêm da dị ứng và các bệnh lý ngoài da khác.
Có khoảng 30 – 50% phụ nữ mang thai phát triển các triệu chứng viêm da dị ứng. Tình trạng này có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên các nguyên nhân chính thường bao gồm:
- Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ, đặc biệt là sự gia tăng hormone estrogen.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu, hàng hàng rào bảo vệ da suy giảm dẫn đến việc bùng phát các triệu chứng viêm da dị ứng.
- Có tiền sử mắc bệnh chàm, viêm da dị ứng hoặc các bệnh lý khác về da. Theo thống kê, có khoảng 20 – 40% phụ nữ mang thai bị viêm da dị ứng có tiền sử da mẫn cảm, dị ứng.
- Di truyền là một trong những nguyên nhân phổ biến có thể dẫn đến viêm da dị ứng ở bà bầu.
- Cơ địa mẫn cảm, dễ bị dị ứng, kích ứng từ môi trường sống, thời tiết và các yếu tố bên ngoài cơ thể.
- Thói quen sinh hoạt thường tiếp xúc với các chất gây kích ứng như nuôi thú cưng, sống trong môi trường ô nhiễm, khói bụi, nhiều phấn hoa, hạt kim loại, bụi mụn và một số yếu tố khác.
Đôi khi viêm da dị ứng ở phụ nữ có thai có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý và tình trạng sức khỏe tiềm ẩn khác. Do đó, nếu nhận thấy các triệu chứng, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
Dấu hiệu và triệu chứng viêm da dị ứng ở bà bầu
Các triệu chứng của tình trạng viêm da dị ứng ở bà bầu tương tự như các bệnh lý ngoài da khác. Cụ thể các triệu chứng bao gồm:
1. Phát ban ngứa
Ngứa và nổi mề đay là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của viêm da dị ứng. Ở phụ nữ mang thai, tình trạng ngứa da có thể là do da căng hơn bình thường, đặc biệt là ở những phụ nữ mang thai lần đầu. Tuy nhiên, đôi khi ngứa da có thể là dấu hiệu của các tình trạng dị ứng da.
Một số phụ nữ cũng có thể xuất hiện các nốt phát ban tại một số vị trí nhất định trên cơ thể. Nếu gãi ngứa hoặc gây tổn thương da, tình trạng ngứa ngáy có thể trở nên nghiêm trọng hơn và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng trùng.
2. Khô da
Khô da là một tình trạng phổ biến của hầu hết các bệnh lý ngoài da, bao gồm viêm da dị ứng ở bà bầu. Da phụ nữ mang thai thường rất nhạy cảm, dễ bị khô, bong tróc, ngứa ngáy và khó chịu.
Tình trạng ngứa da ở phụ nữ mang thai cũng có thể liên quan đến sự suy giảm hệ thống miễn dịch và sự mất độ ẩm tự nhiên.
3. Da nứt nẻ
Nứt nẻ hoặc bong tróc da là một trong những dấu hiệu nghiêm trọng ở phụ nữ mang thai bị viêm da dị ứng. So với các trường hợp viêm da dị ứng khác, tình trạng nứt nẻ da ở phụ nữ mang thai có thể nghiêm trọng hơn, do cấu trúc da bị tổn thương trong quá trình mang thai.
Bên cạnh đó, tăng cân trong thai kỳ cũng là một trong những nguyên nhân có thể gây nứt nẻ da khi mang thai.
Các triệu chứng và dấu hiệu viêm da dị ứng ở phụ nữ mang thai thường xuất hiện thành nhóm, có thể đóng vảy và đôi khi có thể hình thành mụn mủ. Nếu bà bầu có tiền sử bệnh chàm trước khi mang thai, các triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên có khoảng 1/4 các trường hợp, các triệu chứng bệnh chàm được cải thiện khi mang thai.
Chẩn đoán bệnh viêm da dị ứng ở bà bầu
Thông thường bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng viêm da dị ứng bằng cách kiểm tra các triệu chứng. Tuy nhiên dị ứng là một tình trạng khó chẩn đoán, do đó, bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết da để hỗ trợ chẩn đoán.
Thông báo cho bác sĩ điều trị về bất cứ thay đổi nào trong thai kỳ, thay đổi về lối sống hoặc chế độ ăn uống. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể cần biết một số vấn đề như:
- Khi nào da bắt đầu thay đổi
- Các thay đổi về thói quen sống, chế độ ăn uống
- Các triệu chứng và ảnh hưởng đến cuộc sống
Thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm thuốc theo toa, không theo toa, thực phẩm chức năng và các loại sản phẩm bổ sung khác.
Cách điều trị viêm da dị ứng ở bà bầu an toàn
Điều trị viêm da dị ứng ở bà bầu có thể gặp nhiều khó khăn, vì một số loại thuốc có thể gây hại cho thai nhi đang phát triển. Tuy nhiên, có một số biện pháp điều trị an toàn bao gồm:
1. Tự chăm sóc tại nhà
Các biện pháp chăm sóc tại nhà thường được áp dụng cho các trường hợp viêm da dị ứng nhẹ, ít gây khó chịu và không có nguy cơ dẫn đến các rủi ro nghiêm trọng. Cụ thể, các biện pháp bao gồm:
- Dưỡng ẩm da: Thường xuyên dưỡng ẩm và sử dụng chất làm ẩm da là điều rất quan trọng khi điều trị bệnh viêm da dị ứng, bệnh chàm và các bệnh lý dị ứng khác. Sử dụng kem dưỡng ẩm nhẹ nhàng, không có mùi hương, không chứa các thành phần có thể gây dị ứng da.
- Tắm nước ấm: Tắm nước nóng có thể làm khô da. Thay vào đó, người bệnh nên tắm nước ấm và dưỡng ẩm da ngay sau khi tắm để khóa ẩm và ngăn ngừa khô da.
- Mặc quần áo rộng rãi: Tránh mặc quần áo quá chật hoặc bó sát người, điều này có thể gây kích ứng và ngứa da. Bên cạnh đó người bệnh nên chọn quần áo với chất liệu tự nhiên, chẳng hạn như sợi cotton để tránh gây giữ nhiệt và kích ứng da.
- Tránh sử dụng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa mạnh: Các sản phẩm này có thể gây kích ứng da và khiến tình trạng viêm da dị ứng trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, bà bầu nên chuyển sang các loại xà phòng hữu cơ, dịu nhẹ, không gây dị ứng và có thể hỗ trợ dưỡng da. Ngoài xà phòng và sữa tắm, người bệnh viêm da dị ứng cũng nên thay đổi các chất tẩy rửa nhẹ nhàng, sản phẩm trang điểm, nước hoa không chứa các chất gây kích ứng da.
- Uống đủ nước: Uống nhiều nước rất tốt cho sức khỏe của da và hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của thai nhi. Do đó, bà bầu nên uống nhiều nước để làm mềm da và cải thiện các triệu chứng viêm da dị ứng.
2. Áp dụng các biện pháp tự nhiên
Một số phụ nữ mang thai chọn áp dụng các biện pháp tại nhà để điều trị các triệu chứng viêm da dị ứng. Cụ thể các biện pháp bao gồm:
- Dầu dừa: Dầu dừa là một chất làm ẩm da tự nhiên và có tác dụng hỗ trợ giảm viêm. Dầu dừa có thể được sử dụng như một loại kem dưỡng da và bôi trực tiếp lên da để cải thiện các triệu chứng kích ứng và ngứa da.
- Thay đổi chế ăn uống: Một số loại thực phẩm có thể làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể, bao gồm cả da. Do đó, phụ nữ mang thai có thể thay đổi chế độ ăn uống để cải thiện các triệu chứng. Loại bỏ sữa và gluten ra khỏi chế độ ăn uống, tăng cường các loại thực phẩm nguyên hạt, chưa qua chế biến có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng viêm da dị ứng và hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.
- Bổ sung Probiotics: Probiotics là các chủng vi khuẩn lành mạnh trên khắp cơ thể, bao gồm cả da và ruột. Uống men vi sinh có thể hỗ trợ ngăn ngừa bệnh chàm, viêm da dị ứng ở một số phụ nữ mang thai.
3. Điều trị y tế
Các biện pháp điều trị y tế ở phụ nữ mang thai thường gặp nhiều khó khăn, do một số loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị tình trạng viêm da dị ứng ở bà bầu bao gồm:
- Steroid tại chỗ nhẹ đến trung bình: Các loại kem steroid từ nhẹ đến trung bình an toàn để sử dụng trong thai kỳ. Khi bôi lên vùng da bị ảnh hưởng, thuốc có thể giúp giảm ngứa và các triệu chứng khác.
- Tia cực tím B: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tia UVB đã giúp giảm các triệu chứng của viêm da dị ứng, đặc biệt là khi steroid không hiệu quả. Tương tự như steroid tại chỗ, ánh sáng UVB an toàn cho phụ nữ mang thai.
Khi các biện pháp này không mang lại hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị khác như:
- Steroid tại chỗ mạnh
- Steroid đường uống
- Cyclosporine và các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch
Trước khi bắt đầu sử dụng thuốc, bà bầu cần trao đổi vơi bác sĩ về các rủi ro và lợi ích trong thai kỳ.
Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cần tránh hoàn toàn các loại thuốc như Phenylephrine, phenylpropanolamine và Pseudoephedrine (Sudafed). Mặc dù một số nghiên cứu cho biết các loại thuốc này có thể an toàn trong thai kỳ, tuy nhiên tốt nhất bà bầu nên trao đổi với bác sĩ về các rủi ro tiềm ẩn khi sử dụng thuốc.
Lưu ý cho bà bầu viêm da dị ứng
Trong hầu hết các trường hợp viêm da dị ứng khi mang thai có thể được kiểm soát bằng kèm dưỡng ẩm và thuốc mỡ ngoài da. Bên cạnh đó, bà bầu cũng có thể tham khảo một số biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như:
- Tắm nước ấm vừa phải thay vì tắm nước nóng để tránh gây kích ứng da
- Giữ da luôn ngậm nước bằng cách thoa kem dưỡng ẩm, đặc biệt là sau khi tắm
- Mặc quần áo rộng rãi để tránh gây kích ứng da, chọn quần áo làm từ các chất liệu tự nhiên, chẳng hạn như cotton tránh các chất liệu như lên, sợi gai
- Nếu sống ở nơi có khí hậu khô, bà bầu nên cân nhắc sử dụng máy tạo độ ẩm không khí trong nhà
- Uống đủ nước để tăng cường sức khỏe, hạn chế gây kích ứng da và hỗ trợ sự phát triển của thai nhi
- Tránh sử dụng các loại xà phòng hoặc chất tẩy rửa chứa các hoạt chất gây kích ứng da
Viêm da dị ứng khi mang thai không nguy hiểm cho mẹ và bé. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng có thể được cải thiện sau khi áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, bà bầu nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Ngoài ra, viêm da dị ứng không gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và không dẫn đến bất cứ biến chứng lâu dài nào cho mẹ và bé. Trao đổi với bác sĩ nếu có bất cứ thắc mắc hoặc câu hỏi nào có liên quan.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!