9 Loại Thuốc Chữa Viêm Xoang Tốt Nhất 2022 (Đặc Trị)

Thuốc co mạch, thuốc kháng histamine H1, corticoid, kháng sinh,… là một số loại thuốc chữa viêm xoang được sử dụng phổ biến. Các loại thuốc này có tác dụng kiểm soát nhiễm trùng, làm giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Trên thực tế, bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ triệu chứng, độ tuổi và khả năng đáp ứng của từng trường hợp để chỉ định loại thuốc phù hợp.

Các loại thuốc chữa viêm xoang
Tìm hiểu các loại thuốc đặc trị viêm xoang phổ biến hiện nay

9 Loại thuốc chữa bệnh viêm xoang được sử dụng phổ biến

Viêm xoang là một trong những bệnh hô hấp phổ biến – đặc biệt là ở người có cơ địa nhạy cảm. Bệnh xảy ra khi các mô xoang bị viêm sưng khiến quá trình dẫn lưu dịch bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng nghẹt mũi, mất khứu giác, đau nhức vùng xoang, chảy nước mũi liên tục,… Có khá nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý này, trong đó phổ biến nhất là do dị ứng, nhiễm vi khuẩn, virus và nấm men.

Sử dụng thuốc là một trong những phương pháp điều trị viêm xoang phổ biến. Mục tiêu chính của phương pháp này là giảm phù nề, tiêu diệt virus, nấm, vi khuẩn, đảm bảo quá trình dẫn lưu giữa các xoang – mũi, cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên để đạt hiệu quả cao khi điều trị, bác sĩ sẽ cân nhắc về nguyên nhân gây bệnh, mức độ triệu chứng, độ tuổi và khả năng đáp ứng của từng trường hợp để chỉ định loại thuốc phù hợp. Dưới đây là một số loại thuốc chữa bệnh xoang được sử dụng phổ biến, bao gồm:

1. Thuốc xịt, nhỏ mũi chứa NaCl 0.9% (nước rửa mũi)

Thuốc xịt, nhỏ mũi chứa NaCl 0.9% thường được sử dụng để làm dịu niêm mạc, loãng dịch tiết hô hấp và thúc đẩy quá trình dẫn lưu dịch ứ đọng ở bên trong khoang mũi. Loại thuốc này có thể dùng để vệ sinh mũi hằng ngày hoặc dùng để cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng, cảm lạnh và một số bệnh lý hô hấp trên khác.

thuốc chữa viêm xoang
Thuốc nhỏ, xịt mũi chứa NaCl 0.9% có tác dụng làm dịu niêm mạc và hỗ trợ dẫn lưu dịch tiết hô hấp

Ngoài tác dụng làm dịu niêm mạc hô hấp, thuốc xịt và nhỏ mũi chứa NaCl 0.9% còn giúp loại bỏ dị nguyên (tác nhân gây dị ứng) tích tụ trong niêm mạc hô hấp. Đồng thời cải thiện tình trạng khô mũi và niêm mạc mũi bị kích thích do hít phải phấn hoa, khói thuốc,…

Thuốc xịt, nhỏ mũi chứa NaCl 0.9% có độ an toàn cao và có thể sử dụng cho cả trẻ sơ sinh, trẻ em, người có cơ địa mẫn cảm, phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Tuy nhiên loại thuốc này chỉ có tác dụng hỗ trợ. Vì vậy để điều trị viêm xoang dứt điểm, nên phối hợp với một số loại thuốc khác.

2. Thuốc co mạch (dạng uống)

Thuốc co mạch (thuốc chống phù nề) là một trong những loại thuốc thường được sử dụng để điều trị viêm xoang. Nhóm thuốc này có tác dụng chính là thông mũi và đem lại hiệu quả khá nhanh chóng (chỉ sau 30 – 60 phút sử dụng). Cơ chế của thuốc chống phù nề là làm co mạch máu bị sung huyết nhằm làm thông khoang mũi, thúc đẩy quá trình dẫn lưu dịch và cải thiện tình trạng ứ dịch ở mô xoang bị viêm.

Với cơ chế này, thuốc co mạch có thể giảm tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau nhức vùng mũi xoang,… Tuy nhiên, nhóm thuốc này chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn vì dùng thuốc dài ngày có thể làm giảm hiệu quả và gây ra nhiều phản ứng bất lợi.

Các loại thuốc co mạch dạng uống (Phenylpropanolamine, Phenylephrine và Ephedrine) chỉ được dùng cho người trưởng thành, không có chỉ định cho trẻ nhỏ bị viêm xoang và viêm mũi dị ứng.

các loại thuốc điều trị viêm xoang mũi
Thuốc co mạch là một trong những loại thuốc được sử dụng phổ biến để điều trị viêm xoang

Chống chỉ định thuốc chống phù nề dạng uống với các đối tượng sau:

  • Tiểu đường
  • Cao huyết áp
  • Cường giáp
  • Mắc bệnh lý tim mạch
  • Hội chứng Raynaud
  • Phì đại tuyến tiền liệt
  • Bệnh glaucoma góc đóng

Tác dụng co mạch của nhóm thuốc này có thể gây ra một số phản ứng bất lợi như như đau thắt ngực, chán ăn, choáng váng, nhức đầu, chán ăn, rối loạn nhịp tim, buồn nôn, khó thở, bồn chồn, lo lắng, khô miệng, nhìn mờ,… Khi gặp phải các triệu chứng này, nên thông báo với bác sĩ để được cân nhắc về việc giảm liều và ngưng sử dụng thuốc trong trường hợp cần thiết.

3. Thuốc co mạch dạng xịt mũi

Thuốc co mạch dạng xịt mũi (Naphazolin, Xylometazolin, Pseudoephedrine,…) được sử dụng phổ biến hơn so với thuốc dạng uống. Thuốc đem lại hiệu quả chỉ sau 1 – 3 phút sử dụng và có thể cải thiện các triệu chứng do sung huyết mũi gây ra như chảy nước mũi, nghẹt mũi, khó thở, nặng vùng mặt do ứ đọng dịch ở trong mô xoang,…

Tuy nhiên, thuốc co mạch dạng xịt mũi có nguy cơ nhờn thuốc cao hơn thuốc dạng uống. Vì vậy, nhóm thuốc này chỉ được sử dụng tối đa trong 3 ngày. Sử dụng quá thời gian này có thể khiến thuốc giảm hiệu quả hoặc thậm chí gây ra phản ứng dội ngược (làm nghiêm trọng hơn hiện tượng sung huyết ở niêm mạc mũi).

các loại thuốc điều trị viêm xoang mũi
Thuốc co mạch dạng xịt mũi chỉ được sử dụng tối đa trong 3 ngày (trừ khi có chỉ định của bác sĩ)

Chống chỉ định:

  • Quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
  • Bệnh nhân tăng nhãn áp góc đóng
  • Trẻ dưới 6 tuổi

Thuốc co mạch dạng xịt có thể gây ra nhiều tác dụng phụ có mức độ nghiêm trọng như hoại tử niêm mạc mũi ở trẻ nhỏ, loét mũi, khô mũi, giãn đồng tử,… Vì vậy, chỉ sử dụng thuốc khi đã tham vấn y khoa và cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định về liều lượng, thời gian sử dụng.

4. Thuốc xịt mũi trị viêm xoang chứa corticoid

Thuốc xịt mũi chứa corticoid thường được sử dụng trong điều trị viêm xoang cấp và mãn tính. Các loại thuốc này thường chứa một số dẫn xuất của corticoid như Triamcinolone, Beclomethasone, Fluticasone, Mometasone,… Thuốc xịt mũi chứa corticoid có khả năng ức chế phản ứng viêm ở niêm mạc và giúp thông mũi chỉ trong một thời gian ngắn ngay sau khi sử dụng. Ngoài ra, corticoid còn có tác dụng kháng dị ứng dựa trên cơ chế ức chế hoạt động miễn dịch.

Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mũi, mũi phù nề gây khó thở,… Bên cạnh đó, thuốc cũng được sử dụng vào những thời điểm có nhiều dị nguyên (thời tiết thay đổi, mùa hoa,…) để dự phòng viêm xoang và viêm mũi dị ứng.

Thuốc chữa viêm xoang dị ứng
Thuốc xịt mũi chứa corticoid được sử dụng để phòng ngừa và điều trị viêm xoang, viêm mũi dị ứng

Chống chỉ định:

  • Niêm mạc mũi và các cơ quan lân cận bị nhiễm trùng
  • Dị ứng với bất cứ thành phần nào trong thuốc
  • Trẻ em dưới 6 tuổi

Tương tự thuốc xịt mũi co mạch, chỉ nên sử dụng thuốc xịt/ nhỏ mũi chứa corticoid trong thời gian ngắn. Lạm dụng loại thuốc này có thể làm suy giảm khả năng miễn dịch của niêm mạc hô hấp, tăng nguy cơ bội nhiễm và làm chậm quá trình phục hồi vết xước ở cơ quan này.

Sử dụng thuốc xịt mũi chứa corticoid chữa bệnh viêm xoang có thể gây ra các tác dụng phụ như nôn mửa, buồn nôn, kích ứng niêm mạc mũi, chảy máu cam, đau đầu,…

5. Thuốc kháng histamine H1 chữa viêm xoang dị ứng

Thuốc kháng histamine H1 là một trong những loại thuốc được sử dụng phổ biến để điều trị bệnh viêm xoang do dị ứng. Nhóm thuốc này có khả năng ức chế histamine ở thụ thể H1 nhằm làm giảm các triệu chứng do phản ứng dị ứng gây ra như phù nề mô xoang, nghẹt mũi, nặng vùng mặt do ứ đọng dịch ở xoang, ngứa mũi, sổ mũi, mề đay mẩn ngứa,…

Ngoài ra, thuốc kháng histamine H1 còn được dùng để điều trị các vấn đề sức khỏe do dị ứng như dị ứng phấn hoa, dị ứng hải sản, dị ứng thời tiết, dị ứng mỹ phẩm,… Nhóm thuốc này tương đối an toàn và có thể sử dụng cho trẻ nhỏ từ 5 tuổi trở lên.

Hiện nay các loại thuốc kháng histamine H1 thế hệ cũ như Diphenhydramine, Chlorpheniramine, Promethazin ít khi được sử dụng vì có tác dụng an thần (gây buồn ngủ), khô miệng và tăng độ đặc của đờm khiến việc tống đờm ra khỏi niêm mạc hô hấp trở nên khó khăn hơn.

Các loại thuốc kháng histamine H1 thế hệ mới như Loratadin, Desloratadine và Fexofenadine được sử dụng phổ biến vì không làm khô niêm mạc mũi và miệng. Hơn nữa, các loại thế hệ mới cũng không gây ra cảm giác buồn ngủ và thiếu tập trung như thuốc thế hệ cũ.

Thuốc chữa viêm xoang dị ứng
Thuốc kháng histamine H1 là được sử dụng để điều trị bệnh viêm xoang do dị ứng

Chống chỉ định:

  • Động kinh
  • Huyết áp cao
  • Viêm phế quản mãn tính
  • Hen suyễn
  • Tắc nghẽn ruột hoặc dạ dày
  • Dị ứng với thành phần trong thuốc hoặc có tiền căn dị ứng với hoạt chất kháng histamine H1

Sử dụng thuốc kháng histamine H1 đường uống có thể gây ra một số tác dụng phụ như khô miệng, buồn ngủ, khô mũi, đau đầu, buồn nôn, đau lưng,… Tuy nhiên, hầu hết các triệu chứng này đều có thể thuyên giảm sau khi ngưng thuốc và hiếm khi phải can thiệp điều trị y tế.

6. Thuốc nhỏ mũi chứa hoạt chất kháng histamine H1

Bên cạnh thuốc kháng histamine H1 dạng uống, bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc kháng histamine H1 dạng xịt hoặc nhỏ. Thuốc dạng xịt thường chứa hoạt chất Azelastin và được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng,… Nhóm thuốc này có thể sử dụng cho người trưởng thành và trẻ từ 5 – 6 tuổi trở lên.

Thuốc kháng histamine H1 dạng xịt có tác dụng giảm ngứa mũi, nghẹt mũi, phù nề mũi và thúc đẩy dẫn lưu mũi – xoang. Chống chỉ định thuốc cho những trường hợp viêm mũi không do dị ứng.

Thuốc Tây trị viêm xoang
Thuốc xịt mũi chứa hoạt chất kháng histamine H1 có tác dụng giảm ngứa mũi, nghẹt mũi,…

Mặc dù ít có khả năng đi vào tuần hoàn máu nhưng để đảm bảo an toàn, người bị cao huyết áp, tiểu đường, xơ cứng động mạch, phì đại tuyến tiền liệt, cường giáp,… nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

7. Thuốc giảm đau, chống viêm

Thuốc giảm đau, chống viêm được sử dụng trong quá trình điều trị bệnh viêm xoang cấp do nhiễm trùng. Ngoài các triệu chứng ở đường hô hấp, nhiễm trùng mô xoang còn có thể gây đau nhức cơ thể, nổi hạch và sốt cao. Các loại thuốc giảm đau và chống viêm như Paracetamol, Ibuprofen, Diclofenac,… được sử dụng nhằm cải thiện tình trạng đau họng, đau đầu, sốt cao, đau nhức cơ thể do viêm xoang cấp gây ra.

Thuốc giảm đau, chống viêm thường được dùng trong 3 – 5 ngày. Thuốc có thể được sử dụng ở dạng uống (viên nén, viên sủi, siro, thuốc bột) hoặc ở dạng viên đặt hậu môn (thích hợp với trẻ nhỏ thường xuyên bị nôn mửa sau khi dùng thuốc).

Thuốc chữa viêm xoang dị ứng
Thuốc giảm đau, chống viêm được sử dụng để điều trị bệnh viêm xoang cấp do nhiễm trùng

Thận trọng khi sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm nếu có các vấn đề sau:

  • Suy giảm chức năng gan, thận
  • Viêm loét dạ dày tiến triển
  • Thiếu hụt men G6PD
  • Tiền căn loét đường tiêu hóa
  • Tiền sử nghiện rượu
  • Thiếu máu nhiều lần

8. Thuốc kháng sinh chữa viêm xoang do vi khuẩn

Đối với bệnh viêm xoang do vi khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh kết hợp với các loại thuốc trên. Kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây viêm nhiễm mô xoang, từ đó làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng.

Loại kháng sinh được sử dụng phổ biến là penicillin tổng hợp (chủ yếu là Amoxicillin). Tuy nhiên nếu có tiền sử dị ứng với nhóm kháng sinh này, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh chứa sulfur như Trimethoprim, Bactrim và Sulfamethoxazole. Kháng sinh được sử dụng liên tục trong 14 – 21 ngày (tùy mức độ nhiễm trùng) để điều trị dứt điểm hiện tượng viêm nhiễm ở mô xoang.

Trong trường hợp viêm xoang mãn tính hoặc viêm xoang cấp tái phát nhiều lần, vi khuẩn có thể giảm mức độ nhạy cảm với kháng sinh nhóm penicillin và sulfur. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh nhóm cephalosporin hoặc kháng sinh penicillin tổng hợp mới.

Hầu hết các loại kháng sinh đều có thể gây dị ứng, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng và mệt mỏi. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng dị ứng (ngứa da, sưng họng, nổi mề đay, phát ban), nên thông báo với bác sĩ để được thay thế bằng loại kháng sinh khác.

9. Thuốc kháng nấm trị viêm xoang do nấm men

Thuốc kháng nấm (Voricanazol, Amphotericin B) được sử dụng trong trường hợp viêm xoang xảy ra do nhiễm nấm hoặc bội nhiễm nấm. Chống chỉ định nhóm thuốc này với người dị ứng với bất cứ thành phần nào trong thuốc và người bị hội chứng porphyrin niệu cấp tính.

các loại thuốc điều trị viêm xoang mũi
Thuốc kháng nấm được dùng khi viêm xoang xảy ra do nhiễm nấm hoặc có bội nhiễm nấm men

Tương tự như kháng sinh chống khuẩn, kháng sinh chống nấm được sử dụng liên tục trong 14 – 21 ngày để ngăn ngừa hiện tượng tái nhiễm. Nhóm thuốc này có thể ảnh hưởng đến thị giác, vì vậy cần tránh vận hành máy móc và điều khiển phương tiện giao thông vào buổi tối. Một số tác dụng phụ thường gặp của thuốc kháng nấm gồm có buồn nôn, phát ban, đau bụng, giảm thị lực, phát ban, nhìn mờ,…

Một số lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm xoang đặc hiệu

Thuốc chữa viêm xoang có khả năng cải thiện triệu chứng, đảm bảo quá trình lưu thông mũi – xoang và kiểm soát nhiễm trùng. Sử dụng thuốc đúng cách giúp làm giảm triệu chứng đáng kể và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngược lại, dùng thuốc sai cách hoặc lạm dụng quá mức có thể gây ra nhiều rủi ro và tác dụng không mong muốn.

các loại thuốc điều trị viêm xoang mũi
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, nên phối hợp với biện pháp rửa mũi, dùng máy tạo độ ẩm,…

Vì vậy khi sử dụng thuốc chữa viêm xoang, nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Để đảm bảo an toàn, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc điều trị viêm xoang (kể cả các loại thuốc không kê toa).
  • Tuân thủ tuyệt đối chỉ định về liều lượng, loại thuốc và thời gian sử dụng. Không tự ý kéo dài thời gian dùng thuốc hoặc tăng liều khi chưa có chỉ định.
  • Thông báo với bác sĩ nếu gặp phải tác dụng phụ khi sử dụng thuốc.
  • Phụ nữ mang thai, người đang cho con bú, trẻ nhỏ và người có các vấn đề sức khỏe đặc biệt bắt buộc phải thăm khám trước khi dùng thuốc.
  • Trong trường hợp viêm xoang do nấm và vi khuẩn, cần dùng kháng sinh đều đặn tại cùng một thời điểm trong ngày và nên duy trì dùng thuốc ngay cả khi triệu chứng đã thuyên giảm hẳn. Ngưng thuốc sớm hoặc sử dụng không đều có thể khiến nhiễm trùng tái phát trở lại.
  • Bên cạnh việc sử dụng thuốc, nên áp dụng một số biện pháp hỗ trợ như xông mũi, rửa mũi, dùng máy tạo độ ẩm, ăn uống điều độ và sử dụng một số thảo dược tự nhiên như gừng, sả, ngải cứu,… để kiểm soát triệu chứng và rút ngắn thời gian điều trị.
  • Thường xuyên tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng có thể làm nghiêm trọng các triệu chứng ở đường hô hấp, làm giảm hiệu quả của thuốc và tăng nguy cơ lạm dụng. Vì vậy, người bị viêm xoang do dị ứng nên chủ động cách ly với dị nguyên.
  • Trong trường hợp triệu chứng không có cải thiện khi sử dụng thuốc và chăm sóc tại nhà, nên tiến hành chụp CT để xác định các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như polyp mũi xoang, lệch vách ngăn mũi,… Nếu viêm xoang xảy ra do các bệnh lý này, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật để chỉnh hình cấu trúc cơ quan hô hấp nhằm điều trị viêm xoang dứt điểm.

Bài viết đã tổng hợp 9 loại thuốc chữa bệnh viêm xoang được sử dụng phổ biến. Sử dụng các loại thuốc này đúng cách có thể kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và cải thiện chất lượng rõ rệt. Tuy nhiên để điều trị và phòng ngừa viêm xoang tái phát, nên phối hợp với chế độ chăm sóc khoa học.

Tham khảo thêm:

5/5 - (6 bình chọn)

“Nhà thuốc nam Đỗ Minh đường chữa viêm xoang, viêm họng, viêm amidan, viêm mũi dị ứng có tốt không?”, “Dùng bài thuốc nam Đỗ Minh Đường liệu có gặp phải biến chứng gì không?”, “Viêm xoang khi mang thai có sử dụng được bài thuốc của Đỗ Minh Đường không?” Cách tốt nhất để trả lời các câu hỏi này và giúp bạn đọc tin tưởng là tìm hiểu qua những người bệnh đã trực tiếp dùng bài thuốc viêm xoang, viêm họng Đỗ Minh Đường.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *