Cách Rửa Mũi Trị Viêm Xoang Bằng Nước Muối Hiệu Quả, Lành Tính
Nội dung bài viết
Nước muối có tác dụng tốt trong điều trị viêm xoang. Chẳng thế mà, cách rửa mũi trị viêm xoang bằng nước muối đã và đang được nhiều người bệnh áp dụng và thu về hiệu quả chữa bệnh tích cực.
Chữa viêm xoang bằng nước muối: Từ góc độ khoa học
Rửa mũi bằng nước muối là một phương pháp giảm nghẹt mũi và kích ứng xoang hiệu quả, đơn giản mà bất cứ ai cũng có thể làm tại nhà. Khi rửa qua đường mũi, nước muối hay dung dịch rửa mũi có thể rửa trôi các chất gây dị ứng, chất nhầy và các mảnh vụn khác. Phương pháp này giúp làm ẩm màng nhầy, giảm sưng và giảm viêm, từ đó hỗ trợ điều trị viêm xoang hiệu quả.
Phần lớn các bác sĩ tai mũi họng đều khuyến cáo bệnh nhân nên rửa mũi bằng nước muối sau phẫu thuật xoang để làm sạch dịch tiết, giảm nguy cơ dính niêm mạc sau phẫu thuật và thúc đẩy quá trình làm lành niêm mạc. Một số nghiên cứu khoa học đã chứng minh hiệu quả của việc rửa mũi trong điều trị và ngăn ngừa các tình trạng bệnh viêm xoang cũng như viêm mũi dị ứng diễn tiến nặng.
Năm 2007, Tổ chức kiểm định dược phẩm phi lợi nhuận toàn cầu Cochrane Collaboration đã xem xét bằng chứng về hiệu quả của rửa mũi bằng nước muối đối với giảm các các triệu chứng viêm mũi họng mãn tính. Kết quả rất khả quan. Theo đó, rửa mũi bằng nước mũi một mình hoặc hỗ trợ cho các phương pháp điều trị khác giúp giảm triệu chứng viêm mũi họng tốt.
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí American Family Physician (Mỹ), các bệnh nhân viêm xoang mạn tính đã có sự cải thiện 64% về mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống. Được biết, những bệnh nhân này đã rửa mũi bằng nước mũi một lần mỗi ngày, liên tục trong 6 tháng.
Một nghiên cứu năm 2015 cũng khẳng định rằng rửa mũi thường xuyên giúp giảm các triệu chứng tại mũi ở 35% trẻ em và người lớn. Điều này cũng giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của 30% người tham gia nghiên cứu.
Cách rửa mũi trị viêm xoang bằng nước muối chi tiết
Bạn nên sử dụng bình rửa mũi hoặc dụng cụ rửa mũi chuyên dụng để giúp đưa nước muối vào khoang mũi. Nên hạn chế sử dụng xilanh vì cách làm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Dưới đây là một số lựa chọn khi tiến hành rửa mũi trị viêm xoang bằng nước muối:
Bình neti pot
Bình neti pot làm từ chất liệu nhựa hoặc sứ, vòi dài, thân bình giống ấm trà. Với thiết kế đặc biệt này, người dùng có thể rót dung dịch nước muối vào mũi để rửa sạch các dịch nhầy và các mảnh vụn bất kỳ gây bít tắc đường thở.
Bạn có thể mua dung dịch nước muối bán sẵn hoặc tự pha chế tại nhà theo công thức: 1 cốc nước sạch + ¼ tới ½ thìa cà phê muối không chứa i ốt (muối biển, muối kosher hoặc muối nấu ăn). Nếu muốn, bạn có thể cho thêm 1 nhúm baking soda để tăng khả năng giảm viêm.
Lưu ý, luôn sử dụng nguồn nước sạch và hợp vệ sinh để rửa mũi. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chỉ chấp thuận những loại nước sau khi sử dụng bình neti pot:
- Nước cất hoặc nước vô trùng.
- Nước lọc đun sôi ít nhất 3 phút, để nguội và bảo quản trong chai được kín, chỉ sử dụng trong vòng 24 giờ.
- Nước được lọc trong các thiết bị lọc nước phải đạt chuẩn NSF 53 hoặc NSF 58.
Cách sửa dụng bình neti pot:
- Rót đầy dung dịch nước muối ở nhiệt độ phòng vào trong bình neti pot.
- Để một cái chậu hứng nước bên dưới hoặc đứng bên cạnh bồn rửa. Nghiêng đầu sang một bên (góc 45 độ).
- Đặt vòi bình neti pot vào lỗ mũi bên cao hơn. Hít thở bằng miệng rồi nghiêng nhẹ bình để rót dung dịch vào mũi. Nước muối sẽ chảy từ lỗ mũi này qua lỗ mũi bên còn lại.
- Đổi sang bên lỗ mũi còn lại và lặp lại các bước trên.
Bình rửa mũi hoặc bình xịt mũi
Bình rửa mũi có hoạt động tương tự như bình neti pot nhưng dễ sử dụng hơn.
Cách rửa mũi trị viêm xoang bằng nước muối với bình rửa mũi:
- Rót dung dịch nước muối vào bình rửa.
- Nghiêng người qua bồn rửa hoặc chậu hứng nước.
- Đặt bình vào lỗ mũi bên cao hơn.
- Bóp nhẹ bình cho dung dịch đi vào lỗ mũi này và ra bằng lỗ mũi bên thấp hơn. Thở nhẹ nhàng.
- Đổi sang bên lỗ mũi còn lại rồi lặp lại các bước trên.
Đối với các bậc cha mẹ, xịt mũi nước muối phổ biến hơn. Phương pháp này thường có hiệu quả ngắn hạn, nên bạn có thể áp dụng nhiều lần trong ngày.
Cách rửa mũi trị viêm xoang bằng nước muối với xịt mũi nước muối:
- Đặt vòi xịt của bình xịt mũi nước muối vào một bên lỗ mũi.
- Nghiêng người qua bồn rửa hoặc nằm nghiêng trên mặt phẳng.
- Ấn vòi xịt để dung dịch phun nhanh vào mỗi lỗ mũi.
Ống hút hoặc dụng cụ hút mũi
Đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, các phương pháp trên không thực sự khả thi và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Sử dụng nước muối dạng nhỏ giọt là một lựa chọn tốt hơn. Chúng sẽ giúp làm loãng dịch nhầy trong mũi, cho phép nó chảy ra và giúp bạn dễ dàng thực hiện phần thứ hai của phương pháp này: Hút dịch nhầy ra ngoài bằng ống hút hoặc dụng cụ hút mũi chuyên dụng.
Trên thực tế, nhỏ nước muối vào mũi của trẻ nhỏ và hút dịch nhầy ra ngoài là công việc không hề dễ dàng. Bạn có thể cần một hoặc nhiều người lớn khác hỗ trợ: Một người thực hiện thao tác hút rửa mũi, một người đánh lạc hướng trẻ hoặc giữ trẻ không quẫy đạp.
Các bước cần thiết để hút rửa mũi cho trẻ bao gồm:
- Đặt đầu trẻ nghiêng sang một bên rồi nhỏ từ từ vài giọt dung dịch nước muối vào mũi, cố gắng giữ chất lỏng trong mũi trẻ khoảng 10 – 15 giây.
- Đặt ống bơm khít vào lỗ mũi trẻ, bóp và thả nhẹ nhàng để tạo lực hút dịch nhầy ra ngoài. Nếu dùng ống hút bằng miệng (như dụng cụ hình chữ U), hãy cho đầu vòi lớn vào lỗ mũi trẻ, dùng miệng để hút đầu còn lại của dụng cụ. Nhờ thiết kế đặc biệt của dụng cụ này, dịch nhầy sẽ được hút ra ngoài, đựng trong hộp chứa và không bị trôi vào miệng của người hút.
Nếu không tự tin khi thực hiện các phương pháp hút rửa mũi trên, cha mẹ có thể tìm mua thiết bị bơm mũi theo nhịp chạy bằng pin. Thiết bị này phát ra xung động nhẹ đẩy dòng nước vào mũi, giúp rửa mũi đơn giản hơn.
Lưu ý “nằm lòng” khi rửa mũi trị viêm xoang bằng nước muối
Một số người khi mới rửa mũi bằng nước muối có thể gặp một số khó chịu như:
- Cảm giác châm chích trong mũi
- Hắt hơi
- Hơi ù tai
- Chảy máu cam (hiếm gặp)
Chữa viêm xoang bằng nước muối có thể tiềm ẩn nguy cơ bị nhiễm trùng và các tác dụng phụ không mong muốn khác. Ví dụ, không làm sạch dụng cụ rửa mũi đúng cách có thể dẫn đến nhiễm trùng. Ngoài ra, sử dụng nước không được khử trùng hoàn toàn có thể vô tình đưa vi sinh vật vào khoang mũi và gây ra viêm màng não do amip. Đây là tình trạng sức khỏe đáng ngại, có thể gây tử vong.
Các triệu chứng của viêm màng não do amip có thể bao gồm:
- Đau đầu dữ dội, đặc biệt là ở phía trước trán
- Buồn nôn, nôn
- Sốt
Vấn đề có thể trở nên phức tạp hơn khi bệnh nhân gặp phải các triệu chứng:
- Co giật
- Đau và khó chịu ở cổ khi cử động cổ hoặc quay đầu từ bên này sang bên kia
- Hôn mê
- Gặp ảo giác
Tuy nhiên, những rủi ro nêu trên có thể dễ dàng phòng tránh được bằng cách tuân theo một số quy tắc an toàn đơn giản dưới đây:
- Đừng quên rửa tay sạch sẽ trước khi tiến hành rửa mũi.
- Sử dụng nước sạch, như nước cất, nước lọc hoặc nước đã được đun sôi để nguội.
- Tuyệt đối không sử dụng nước máy để rửa mũi. Vì nước máy không được lọc hoặc xử lý đúng cách có thể chứa các vi sinh vật.
- Làm sạch các dụng cụ rửa mũi bằng nước nóng, xà phòng sau mỗi lần sử dụng, lau hoặc phơi khô sau khi rửa và bảo quản ở nơi khô ráo, sạch sẽ.
- Đối với trẻ nhỏ, hãy tham vấn bác sĩ nhi khoa để chắc chắn rằng dụng cụ rửa mũi bạn đang sử dụng phù hợp với trẻ.
- Tránh sử dụng nước lạnh để rửa mũi, đặc biệt nếu bạn vừa phẫu thuật xoang. Tránh sử dụng nước quá nóng. Nên sử dụng nước ở nhiệt độ phòng (khoảng 25°C).
- Vứt bỏ dung dịch nước muối nếu nó bị vẩn đục hoặc bẩn.
- Thời điểm tốt nhất để rửa mũi là vào buổi sáng và trước khi đi ngủ.
- Không nên rửa mũi bằng nước muối nếu bạn có vết thương chưa lành trên mặt.
- Không lạm dụng rửa mũi bằng nước muối. Tốt nhất, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng phương pháp này.
- Nếu các triệu chứng xoang của bạn không cải thiện sau 10 ngày hoặc trở nên nặng hơn, hãy đi khám tại cơ sở y tế ngay.
Bạn cũng nên đi khám ngay nếu gặp các vấn đề sau đây kèm theo các triệu chứng thông thường của viêm xoang: Sốt 38,9°C hoặc cao hơn, tiết nhiều dịch mũi màu xanh lá cây hoặc dịch mũi có lẫn máu, dịch mũi có mùi hăng, thở khò khè, thay đổi tầm nhìn…
Cách phòng tránh viêm xoang hiệu quả
Bên cạnh rửa mũi bằng nước muối, có rất nhiều cách bạn có thể thực hiện để giảm nguy cơ phát triển viêm xoang, đồng thời giảm các triệu chứng viêm xoang sớm. Dưới đây là một vài gợi ý:
- Uống nhiều nước: Giúp làm loãng dịch nhầy và nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Bạn nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, tùy thuộc vào thể trạng, tình trạng sức khỏe, mức độ hoạt động, thời tiết…
- Xông hơi: Đây là một cách cực kỳ đơn giản. Khi tắm nước nóng, hãy nán lại một chút trong phòng tắm để hít hơi ấm. Điều này giúp đường thở thông thoáng và dễ chịu hơn. Bạn cũng có thể tự chế dụng cụ xông bằng cách rót nước nóng (khoảng 40 – 45°C) vào một chiếc bát lớn. Chuẩn bị một chiếc khăn to để trùm lên đầu và bát, giữ khuôn mặt cách xa bát nước khoảng 30 – 40cm. Hít thở sâu.
- Đông y: Chữa viêm xoang bằng cây vòi voi và hoa ngũ sắc đã được dân gian lưu truyền từ bao đời nay. Hiệu quả của bài thuốc này đã được chứng minh trong thực tế và được nhiều người áp dụng.
- Tránh không khí khô: Hãy đầu tư một chiếc máy tạo độ ẩm trong nhà (đặc biệt là trong phòng ngủ) và nơi bạn làm việc để giúp ngăn ngừa mũi bị khô.
- Gối đầu cao khi ngủ: Dịch nhầy trong xoang có xu hướng tích tụ vào ban đêm. Do đó, nên gối đầu cao để dịch nhầy lưu thông tốt.
- Tạo thói quen tốt: Hạn chế xì mũi. Nếu buộc phải xì mũi, hãy làm nhẹ nhàng, từng bên lỗ mũi một. Xì mũi quá mạnh có thể làm tổn thương niêm mạc trong mũi và đẩy dịch nhầy đầy vi khuẩn chảy ngược vào xoang.
- Tránh dùng thuốc kháng histamine trừ khi được kê đơn: Thuốc kháng histamine làm cho dịch nhầy đặc và khó chảy ra. Nhưng nếu triệu chứng viêm xoang của bạn được kích hoạt bởi dị ứng, hãy tham vấn bác sĩ để biết rằng có nên dùng thuốc kháng histamine cùng với các loại thuốc khác hay không.
- Cẩn thận với thuốc thông mũi: Thuốc thông mũi dạng viên nén thường chứa pseudoephedrine giảm phù nề niêm mạc mũi và giúp thông thoáng đường thở. Thuốc xịt mũi có chứa phenylephrine hoặc oxymetazoline cũng hoạt động tốt và có tác dụng nhanh chóng. Nhưng sử dụng những thuốc này kéo dài có nguy cơ gây lệ thuộc vào thuốc. Hơn nữa, thuốc thông mũi có thể gây tăng huyết áp nguy hiểm. Vì vậy, nếu bạn bị tăng huyết áp, không nên sử dụng loại thuốc này mà chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
Trên đây là những thông tin cần thiết về cách rửa mũi trị viêm xoang bằng nước muối, cũng như những khuyến cáo để thực hành và điều trị viêm xoang an toàn. Nếu bạn hoặc người thân đang phải vật lộn với viêm xoang, hãy cân nhắc việc đi khám chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả. Đồng thời, bệnh nhân cũng sẽ được hướng dẫn các biện pháp khắc phục tại nhà và phương pháp điều trị tự nhiên để làm giảm bớt một số triệu chứng, giúp cuộc sống dễ chịu hơn ngay cả khi bị viêm xoang.
Thông tin bổ ích:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!