5 Thuốc trị chàm khô tốt nhất, được người bệnh tin dùng

Sử dụng thuốc trị chàm khô có tác dụng làm giảm ngứa ngáy, cải thiện tình trạng da bong tróc, nứt nẻ và dày sừng. Tham khảo bài viết để tìm hiểu về 5 nhóm thuốc được sử dụng phổ biến và một số vấn đề quan trọng cần lưu ý khi dùng. 

thuốc trị chàm khô
Thuốc điều trị chàm khô được sử dụng để giảm ngứa ngáy, cải thiện tình trạng da dày sừng và bong tróc

5 Loại thuốc trị chàm khô được đánh giá tốt

Chàm khô là bệnh da liễu mãn tính đặc trưng bởi tình trạng da khô ráp, đỏ, bong tróc và ngứa ngáy. Bệnh có thể xảy ra do tiếp xúc thường xuyên với xà phòng, chất tẩy rửa hoặc sinh sống trong điều kiện thời tiết khô hanh, độ ẩm thấp. Chàm khô thường xuất hiện ở những vùng da không được che phủ và có tần suất tiếp xúc cao như da mặt, da tay và bàn chân.

Để giảm tổn thương da và cải thiện triệu chứng ngứa ngáy, bệnh nhân có thể sử dụng một số loại thuốc uống và thuốc bôi. Bên cạnh tác dụng giảm triệu chứng, sử dụng thuốc còn giúp dưỡng ẩm, phục hồi hàng rào bảo vệ da và giảm thiểu nguy cơ bệnh tái phát.

Dưới đây là 5 loại thuốc trị chàm khô được nhiều bệnh nhân đánh giá tốt:

1. Các loại kem bôi dưỡng ẩm, phục hồi da

Bệnh chàm khô thường chỉ ảnh hưởng đến những người bị thiếu hụt filaggrin – một loại protein có chức năng duy trì hàng rào bảo vệ da. Khi thiếu hụt filaggrin, khả năng đề kháng của da sẽ suy giảm đáng kể.

Tình trạng này khiến cho chất dị ứng và kích ứng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, kích thích phản ứng miễn dịch và gây tổn thương da có màu đỏ, khô ráp, bong tróc và ngứa ngáy. Điều này lý giải vì sao chàm khô chỉ ảnh hưởng đến một số cá thể nhất định mặc dù cùng chung sống trong điều kiện khí hậu và có chế độ sinh hoạt tương tự.

Chính vì vậy, điều trị ưu tiên đối với bệnh chàm khô là sử dụng các loại kem bôi có khả năng dưỡng ẩm và phục hồi da. Khi da được dưỡng ẩm đầy đủ, hàng rào bảo vệ sẽ dần được tái tạo và hồi phục. Ngoài ra, sử dụng kem dưỡng còn giúp da mềm mịn, cải thiện tình trạng khô ráp, bong tróc và ngứa ngáy đáng kể.

Kem dưỡng ẩm được dùng cho bệnh nhân chàm khô đều có công thức lành tính, an toàn và có thể sử dụng lâu dài. Ngay khi bệnh thuyên giảm, bệnh nhân vẫn nên duy trì dùng kem dưỡng để cải thiện hàng rào bảo vệ da và ngăn ngừa bệnh tái phát.

thuốc trị bệnh chàm khô
Kem dưỡng ẩm và phục hồi được khuyến khích sử dụng thường xuyên để giảm ngứa và khô ráp da

Các loại kem dưỡng ẩm dùng cho bệnh chàm khô thường chứa các thành phần sau:

  • Glycerin: Glycerin là thành phần dưỡng ẩm “kinh điển” với khả năng cung cấp độ ẩm sâu cho da, hỗ trợ giảm nhanh tình trạng khô ráp và bong tróc. Ngoài ra, thành phần này còn giúp tạo lớp màng mỏng trên bề mặt nhằm ngăn ngừa tình trạng thoát hơi nước. Bên cạnh đó, Glycerin còn bảo vệ vùng da bị chàm khô khỏi nứt nẻ và chảy máu.
  • Mineral Oil (dầu khoáng): Dầu khoáng là thành phần khóa ẩm hiệu quả được sử dụng khi chàm khô gây nứt nẻ, chảy máu và ngứa ngáy nhiều. Thành phần này còn giúp phục hồi hàng rào bảo vệ da, ngăn chặn tình trạng mất nước và hạn chế sự xâm nhập của dị nguyên vào bên trong cấu trúc da.
  • Zinc oxide (kẽm): Kẽm oxide là thành phần quen thuộc trong các sản phẩm dưỡng ẩm dành cho bệnh nhân bị chàm khô, viêm da tiếp xúc, mề đay,… Thành phần này có tác dụng giảm kích ứng, làm dịu da và sát trùng nhẹ.
  • Các thành phần khác: Bên cạnh đó, các sản phẩm dưỡng ẩm và phục hồi dành cho bệnh nhân bị chàm khô còn chứa một số thành phần như sáp ong, vitamin B3, B5, vitamin E, nước khoáng tự nhiên, chiết xuất yến mạch, rau má, đồng sulfate, Acid hyaluronic,…

Một số sản phẩm kem dưỡng ẩm thích hợp cho người bị chàm khô được ưa chuộng trên thị trường:

  • Kem trị chàm khô, chàm sữa Dexeryl
  • Kem dưỡng phục hồi da A-Derma Dermalibour +
  • Kem dưỡng Cicabio của Bioderma
  • Kem dưỡng Cicaflate của Avène
  • Kem phục hồi da Cicaplast Baume B5 của La Roche-Posay

2. Thuốc bôi corticoid trị chàm khô

Thuốc bôi corticoid được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý da liễu – đặc biệt là các bệnh viêm da mãn tính có những biểu hiện như da ngứa ngáy, đỏ rát, bong tróc và khô ráp. Do đó trong trường hợp cần thiết, bệnh nhân cũng có thể sử dụng một số loại thuốc bôi chứa corticoid để giảm ngứa ngáy và kiểm soát tổn thương da.

Corticoid dạng bôi có tác dụng chống viêm và kháng dị ứng. Do đó, thuốc có thể giảm ngứa ngáy do hiện tượng phóng thích histamine của da. Đồng thời cải thiện tình trạng da khô ráp, đỏ, nứt nẻ và bong tróc. Đây là nhóm thuốc cho hiệu quả nhanh và được sử dụng phổ biến nhất trong quá trình điều trị bệnh chàm khô. Tuy nhiên, lạm dụng thuốc bôi corticoid có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

  • Viêm nang lông
  • Rạn da
  • Giảm sắc tố (da có màu sáng hơn các vùng da xung quanh)
  • Rậm lông
  • Nổi mụn trứng cá ồ ạt
  • Giãn mao mạch

Trường hợp nặng có thể bị đục thủy tinh thể, nhiễm nấm và nhiễm khuẩn do khả năng miễn dịch của da bị suy giảm. Do đó, bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc bôi corticoid khi có chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn sử dụng, liều lượng và thời gian dùng thuốc.

thuốc điều trị bệnh chàm khô
Corticoid là nhóm thuốc điều trị chàm khô được sử dụng phổ biến nhất

Một số loại thuốc bôi chứa corticoid trị chàm khô thông dụng:

  • Thuốc bôi Fucicort
  • Thuốc bôi Gentrisone
  • Thuốc bôi Beprosone
  • Eumovate cream

Khi sử dụng thuốc bôi corticoid, cần tránh dùng lên vùng da xung quanh mắt, các vùng da mỏng, có vết thương hở và tuyệt đối không băng kín vùng da dùng thuốc. Các tình trạng này đều làm tăng lượng thuốc được hấp thu vào tuần hoàn máu và có thể gây ra các triệu chứng toàn thân.

3. Sử dụng thuốc bôi chứa axit salicylic

Axit salicylic là một loại BHA (beta hydroxy acid) có tác dụng sát khuẩn nhẹ, làm sạch lớp da bong tróc và giảm tình trạng dày sừng ở bệnh nhân bị chàm khô. Khi thoa lên da, axit salicylic nhanh chóng làm mềm và phá hủy các tế bào thượng bì. Sau đó, các tế bào này nhanh chóng bong tróc và rơi ra khỏi cấu trúc da.

Thuốc bôi chứa axit salicylic được sử dụng để làm giảm hiện tượng dày sừng, nứt nẻ và bong tróc ở bệnh nhân chàm khô. Ngoài ra với cơ chế loại bỏ tế bào sừng, thuốc còn giúp da hấp thu tốt thành phần từ các loại kem dưỡng và phục hồi.

Hiện nay, axit salicylic hiếm khi được sử dụng đơn lẻ trong điều trị chàm khô và các bệnh viêm da mãn tính. Thành phần này được phối hợp với corticoid + kháng sinh (thường là hoạt chất kháng khuẩn hoặc kháng nấm). Việc kết hợp cả 3 thành phần này giúp loại bỏ lớp da dày sừng, tạo điều kiện cho corticoid thẩm thấu, từ đó giảm ngứa ngáy, viêm đỏ và làm sạch tổn thương da. Đồng thời giúp ngăn ngừa và điều trị bội nhiễm (nếu có).

thuốc điều trị bệnh chàm khô
Tác dụng chính của thuốc bôi chứa Axit salicylic là giảm dày sừng và sát khuẩn nhẹ

Một số loại thuốc bôi chứa axit salicylic được sử dụng trong điều trị chàm khô, bao gồm:

  • Thuốc mỡ bôi da Benzosali
  • Thuốc mỡ Axit salicylic 5%
  • Thuốc mỡ Lotusalic
  • Thuốc bôi Beprosalic
  • Diprosalic ointment
  • Kem bôi da Betacyclic

Tránh sử dụng thuốc bôi chứa axit salicylic trong trường hợp có tiền sử quá mẫn với các chế phẩm chứa BHA hoặc thuốc uống chứa Aspirin. Ngoài ra, thuốc không được dùng trong trường hợp bị nứt nẻ nặng và tổn thương da xảy ra trên diện rộng. Những điều kiện này đều làm tăng hấp thu axit salicylic vào máu và có nguy cơ gây ra các phản ứng toàn thân.

4. Thuốc ức chế calcineurin

Thuốc ức chế calcineurin là một trong những loại thuốc trị chàm khô được sử dụng phổ biến. Nhóm thuốc này có tác dụng tương tự như corticoid nhưng không gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như da mỏng, giãn mao mạch, rậm lông và nổi mụn trứng cá ồ ạt. Do đó, thuốc ức chế calcineurin thường được dùng xen kẽ với thuốc bôi corticoid để giảm các tác dụng không mong muốn.

thuốc bôi trị bệnh chàm khô
Thuốc ức chế calcineurin thường được sử dụng xen kẽ với thuốc bôi chứa corticoid

Như tên gọi, nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ức chế chất hóa học calcineurin – thành phần hoạt hóa hiện tượng viêm ở da, dẫn đến tình trạng da đỏ, phù nề, bong tróc và ngứa ngáy. Hiện tại, thuốc ức chế calcineurin ở dạng bôi có 2 loại chính, bao gồm:

  • Tacrolimus: Tacrolimus được tạo ra từ vi khuẩn Streptomyces Tsukubaensis. Thuốc thường được sử dụng với hàm lượng 0.03% và 0.1%.
  • Pimecrolimus: Dẫn xuất của Ascomycin – có cấu tạo tương tự như Tacrolimus nhưng được bào chế từ vi khuẩn Streptomyces. Thuốc được sử dụng với hàm lượng 1%.

Thuốc ức chế calcineurin được chứng minh không gây teo da như corticoid. Tuy nhiên, vì thuốc có giá thành khá cao nên thường được khuyến khích dùng xen kẽ thay vì sử dụng dài hạn. Tác dụng phụ thường gặp thuốc là nổi ban đỏ, đau, dị cảm, nóng rát, ngứa ngáy,…

5. Thuốc kháng histamine H1 giảm ngứa do chàm khô

Histamine là chất trung gian gây ra phản ứng viêm và ngứa ngáy. Ở bệnh nhân bị chàm khô, cơ thể có xu hướng phóng thích histamine vào da gây ra tình trạng ngứa ngáy âm ỉ đến dữ dội. Trong trường hợp ngứa nhiều, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc kháng histamine H1 để cải thiện.

Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế đặc hiệu histamine ở thụ thể H1, từ đó giúp giảm ngứa ngáy ở vùng da tổn thương. Thuốc có 2 nhóm chính là thuốc thế hệ 1 (Promethazin, Clorpheniramin, Diphenhydramin,…) và thuốc thế hệ 2 (Fexofenadin, Cetirizin, Loratadin,…). Trong đó, thuốc kháng histamine H1 thế hệ 2 ít gây buồn ngủ hơn so với các loại thuốc thế hệ 1.

Thuốc kháng histamine H1 chỉ giúp giảm tình trạng ngứa ngáy, không hỗ trợ giảm tổn thương da và một số triệu chứng đi kèm. Do đó, nhóm thuốc này chỉ được dùng trong thời gian ngắn (khoảng 3 – 5 ngày).

Một số lưu ý khi dùng thuốc trị chàm khô

Thuốc trị chàm khô được sử dụng để giảm khô ráp, ngứa ngáy, bong tróc và phục hồi vùng da tổn thương. Tuy nhiên, sử dụng thuốc không đúng cách hoặc lạm dụng quá mức có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Do đó trước khi dùng thuốc, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:

thuốc bôi trị bệnh chàm khô
Nên tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy các dấu hiệu bội nhiễm như da nóng đỏ, đau nhức và xuất hiện mụn mủ
  • Ngoài trừ kem dưỡng ẩm, các loại thuốc trị chàm khô đều chỉ được sử dụng trong một thời gian nhất định. Lạm dụng hoặc dùng thuốc quá liều đều gây ra các rủi ro và tác dụng không mong muốn.
  • Chàm khô và các bệnh viêm da mãn tính đều không thể điều trị hoàn toàn do căn nguyên chưa được làm rõ. Nếu chỉ sử dụng thuốc điều trị, tổn thương da có thể tái phát nhiều lần và dẫn đến tình trạng lạm dụng, phụ thuộc thuốc. Vì vậy, bệnh nhân cần dùng kem dưỡng ẩm thường xuyên, điều chỉnh lối sống và loại trừ/ cách ly với các yếu tố kích ứng, dị ứng.
  • Thông báo với bác sĩ khi gặp phải các triệu chứng bất thường trong thời gian sử dụng thuốc trị chàm khô.
  • Ngoài thuốc tây, bệnh nhân cũng có thể điều trị bệnh chàm khô bằng các bài thuốc Đông y và thuốc Nam. Tuy nhiên để tránh những rủi ro đáng tiếc, nên lựa chọn phòng khám uy tín và đáng tin cậy.
  • Tổn thương do chàm khô gây ra có thể bị bội nhiễm nếu chăm sóc – điều trị không đúng cách. Trong trường hợp da nóng rát, đau nhức và ứ mủ, nên tìm gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất để được thăm khám và xử lý kịp thời. Nếu chủ quan, bội nhiễm da có thể tiến triển nặng thành viêm mô tế bào hoặc thậm chí là nhiễm trùng máu.

Bài viết đã tổng hợp các loại thuốc trị chàm khô được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Trước khi dùng thuốc, bệnh nhân nên đọc kỹ hướng dẫn in trên bao bì hoặc trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể về liều lượng, cách dùng và thời gian sử dụng.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Hơn 4000 bệnh nhân bị chàm, chàm sữa đã được điều trị thành công bằng bài thuốc Thanh bì dưỡng can thang của Trung tâm Thuốc dân tộc.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *