Thuốc ho bổ phế Nam Hà Chỉ Khái Lộ – Điều cần biết
Nội dung bài viết
Thuốc ho bổ phế Nam Hà Chỉ Khái Lộ được bào chế từ các loại dược liệu Y học cổ truyền, dưới dạng siro. Thuốc được chỉ định để điều trị ho cảm, ho gió, ho khan, tiêu đờm và các triệu chứng viêm phế quản.
- Tên thuốc: Thuốc ho bổ phế Nam Hà Chỉ Khái Lộ
- Phân nhóm thuốc: Thuốc ho, long đờm, Thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên
- Nhà sản xuất: Công ty Dược phẩm Nam Hà – Việt Nam
- Xuất xứ: Việt Nam
- Quy cách đóng gói: Lọ 125 ml
Thông tin cần biết về thuốc ho bổ phế Nam Hà Chỉ Khái Lộ
1. Thuốc ho bổ phế Nam Hà Chỉ Khái Lộ là gì?
Thuốc bổ phế Nam Hà Chỉ Khái Lộ là thuốc có nguồn gốc từ thảo dược thiên nhiên, được sử dụng để điều trị các loại ho và viêm phế quản. Thuốc được bào chế dưới 2 dạng chính là siro và viên ngậm. Trong đó, thuốc dạng siro được phân thành hai loại nhỏ bao gồm:
- Dạng siro có đường (Bổ Phế Nam Hà Chỉ Khái Lộ)
- Dạng siro không đường (Bổ Phế Nam Hà Chỉ Khái Lộ KĐ)
Thuốc được sản xuất từ công thức điều trị ho “Bổ phế chỉ khái lộ” bởi Công ty Dược phẩm Nam Hà.
2. Thành phần
Thuốc ho Nam Hà Chỉ Khái Lộ được bào chế từ các loại thảo dược Y học cổ truyền, chẳng hạn như:
- Cam thảo (Radix glycyrrhizae): Dược liệu có tác dụng sát khuẩn, kháng viêm, tiêu đờm và hỗ trợ ngăn ngừa các phản ứng dị ứng với các đặc điểm chẳng hạn như ngứa họng, ho, đau rát cổ họng.
- Tỳ bà diệp (Folium Eriobotriae japonicae): Dược liệu chứa vitamin B, saponin và một số loại axit có tác dụng tiêu đờm, hỗ trợ điều trị ho, làm mát phổi và tiêu đờm.
- Bạch linh (Poria): Dược liệu có tác dụng sinh tân, bổ tỳ, hỗ trợ tăng cường hệ thống miễn dịch, ức chế các loại vi khuẩn gây bệnh, chẳng hạn như trực khuẩn hoặc tụ cầu vàng.
- Mơ muối (Fructus Mume praepratus): Dược liệu hỗ trợ kích thích tiết nước bọt, hỗ trợ chống khô họng, giảm ho và sát khuẩn khu vực cổ họng. Bên cạnh đó, dược liệu cũng hỗ trợ cải thiện sức đề kháng của cơ thể và chống ho hiệu quả.
- Rễ thiên môn (RadixAsparagi): Dược liệu có vị đắng, tính bình, thường được sử dụng để kháng khuẩn, thông tiểu, hỗ trợ giảm ho và ngăn ngừa sự phát triển của các khối u ở cổ họng.
- Bán hạ (Rhizoma Pinelliae): Dược liệu hỗ trợ tiêu đờm, cải thiện tình trạng ho và ngăn ngừa các cơn nôn ói.
- Cát cánh (Radix platycodigrandiflori): Dược liệu có tác dụng kháng viêm, long đờm, giảm đau và cải thiện các căng thẳng ở thần kinh.
- Tang bạch bì (Cortex mori albae radicis): Dược liệu có tác dụng lợi tiểu, tiểu phù, tả phế bình suyễn, thường được sử dụng điều trị chứng ho suyễn, ho ra máu, nhiệt khát, thủy thũng đầy bụng.
- Ma hoàng (Herba Ephedrae): Dược liệu thường được sử dụng để điều trị cảm mạo, hen suyễn, viêm phế quản, cảm ho do phòng hàn, các chứng ho gà hoặc ho sưng phổi do biến chứng sởi.
- Bạc hà diệp (Herba Menthae arvensis): Dược liệu có tác dụng trừ phong, làm ra mô hôi, hỗ trợ chỉ tả, tăng tiết mật, kích thích tiêu hóa, điều trị các bệnh lý như ho, sốt cao, cảm mạo phong nhiệt, đau đầu, mũi tắc.
- Bán hạ (Rhizoma Pinelliae): Dược liệu có tác dụng, long đờm, táo thấp, thường được sử dụng để điều trị hen suyễn, khí nghịch do hàn thấp tủy âm, nôn mửa, sưng tấy hoặc nổi đinh nhọt.
- Bách bộ (RadixStemonae tuberosae): Dược liệu thường được sử dụng để điều trị lao phổi, ho gà và một số loại ho khác, bao gồm ho do viêm họng, viêm phế quản.
- Phèn chua (Alumen): Dược liệu có vị chua, được sử dụng để giải độc, sát trùng và điều trị các chứng ho ra máu và các chứng chảy máu khác.
- Tinh dầu bạc hà (Oleum menthae): Dược liệu có thể làm giãn các cơ ở hệ thống hô hấp, long đờm, chống viêm, làm thông đường mũi họng và điều trị các loại ho hiệu quả.
Bên cạnh đó, thuốc cũng chứa một số tá dược, chẳng hạn như đường trắng, gừng tươi, Ethanol 96%, Acid Benzoic, nước tinh khiết vừa đủ.
3. Tác dụng
Thuốc ho bổ phế Nam Hà Chỉ Khái Lộ có thể mang lại một số công dụng, chẳng hạn như:
- Bổ phổi, tiêu đờm, hỗ trợ sát trùng họng
- Điều trị các loại ho, chẳng hạn như ho cảm, ho gió, ho khan, ho lao, ho do viêm phế quản
- Cải thiện các tình trạng như khản tiếng, viêm họng, ngứa rát cổ họng
Bên cạnh đó, bổ phế Nam Hà Chỉ Khái Lộ không đường có thể sử dụng cho người bệnh đái tháo đường, bệnh nhân béo phì và trẻ em.
4. Chỉ định và chống chỉ định
Thuốc ho bổ phế Nam Hà Chỉ Khái Lộ thường được chỉ định cho các trường hợp như:
- Điều trị các loại ho
- Điều trị thay đổi thời tiết gây ho
- Chữa ho khan, ho có đờm ho gió
- Cải thiện các bệnh lý và điều kiện sức khỏe gây ho, chẳng hạn như viêm phổi, viêm phế quản hoặc tiêm tiểu phế quản
Chống chỉ định:
- Người mẫn cảm hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc
- Trẻ em dưới 1 tuổi
5. Hướng dẫn sử dụng
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất trước khi sử dụng thuốc hoặc sử dụng thuốc theo liều lượng chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
Cách sử dụng thuốc như sau:
- Đối với thuốc dạng Siro: Tránh uống siro trước bữa ăn bởi vì thuốc có hàm lượng đường, khi sử dụng chung với thức ăn có thể làm tăng lượng đường trong máu, ức chế dạ dày và gây no. Đánh răng sau khi sử dụng thuốc, đặc biệt là trước khi đi ngủ để tránh nguy cơ sâu răng.
- Đối với viên ngậm: Ngậm thuốc trong miệng để thuốc tan từ từ và làm dịu cổ họng. Hạn chế cắn hoặc nhai thuốc, ngoài ra, nuốt viên thuốc có thể gây nghẹn hoặc tổn thương cổ họng.
Sử dụng thuốc theo liều lượng được chỉ định, không tự ý thay đổi liều lượng để tránh tăng nguy cơ tác dụng phụ.
Liều lượng sử dụng:
Thuốc dạng siro:
- Người lớn và trẻ em trên 10 tuổi: Dùng uống 15 ml / lần, 3 lần / ngày
- Trẻ từ 7 – 10 tuổi: Dùng uống 10 ml / lần, 3 lần/ngày
- Trẻ từ 1 – 6 tuổi: Dùng uống 5 ml / lần, 3 lần /ngày
Viên ngậm ho:
- Người lớn: Ngậm từ 4 – 6 viên / ngày tùy thuộc vào tình trạng bệnh
- Trẻ em: Ngậm 2 – 3 viên / ngày, tùy theo tình trạng bệnh
Lưu ý khi sử dụng thuốc ho bổ phế Nam Hà Chỉ Khái Lộ
1. Thận trọng khi sử dụng
Không sử dụng thuốc cho người mẫn cảm hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc. Thận trọng khi sử dụng thuốc cho trẻ em dưới 2 tuổi.
Hiện tại không có nghiên cứu về tác dụng phụ của thuốc đối với phụ nữ mang thai, dự định mang thai hoặc đang cho con bú. Tuy nhiên các đối tượng này nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.
Không sử dụng thuốc quá hạn sử dụng. Thông thường thuốc bổ phế Nam Hà Chỉ Khái Lộ có hạn sử dụng 36 tháng, tuy nhiên không sử dụng thuốc siro đã mở nắp hơn 1 tháng.
Không sử dụng thuốc có dấu hiệu hư hỏng, không đảm bảo chất lượng, chẳng hạn như bị đục, có cặn, có mùi vị hoặc màu sắc lạ.
Thuốc ho bổ phế Nam Hà Chỉ Khái Lộ có hàm lượng đường cao (105 g đường / 125 ml siro), do đó bệnh nhân tiểu đường nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.
2. Tác dụng phụ
Hiện tại không có báo cáo về tác dụng không mong muốn của thuốc ho Nam Hà Chỉ Khái Lộ. Tuy nhiên nếu trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh gặp các rủi ro không mong muốn, hãy trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
3. Tương tác thuốc
Tương tác thuốc có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc và tăng nguy cơ tác dụng phụ.
Hiện tại không có báo cáo về tương tác của thuốc ho bổ phế Nam Hà Chỉ Khái Lộ đối với các loại thuốc khác. Tuy nhiên người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng hoặc các loại thảo dược bổ sung.
Thuốc ho bổ phế Nam Hà giá bao nhiêu? Mua ở đâu?
Hiện tại thuốc ho bổ phế Nam Hà Chỉ Khái Lộ được phân phối tại các nhà thuốc và cơ sở phân phối thuốc Y học cổ truyền trên cả nước. Bên cạnh đó, người bệnh có thể tìm thuốc ở các trang thương mại điện tử uy tín.
Giá phân phối hiện tại như sau:
- Dạng Siro: 28.000 VNĐ /chai dung tích 125ml
- Viên ngậm: 19.000 VNĐ / hộp 24 viên
Thuốc ho bổ phế Nam Hà Chỉ Khái Lộ được khuyến điều trị các loại ho, bổ phổi, tiêu đàm và viêm phế quản. Mặc dù được sản xuất từ các loại thảo dược Y học cổ truyền, tuy nhiên người bệnh nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đạt hiệu quả tốt nhất và tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Có thể bạn quan tâm: Thuốc ho bổ phế Bảo Thanh (siro): Giá bán và cách dùng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!