Hướng dẫn cách khạc đờm ra khỏi cổ đơn giản, hiệu quả

Tưởng rằng đơn giản, nhưng không phải ai cũng nắm được cách khạc đờm ra khỏi cổ an toàn, hiệu quả. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đầy đủ cho độc giả những điều cần biết để có thể khạc đờm đúng cách.

Có nên khạc đờm không?

Thực chất, đờm là chất nhầy được tiết ra từ các tế bào ở đường hô hấp dưới. Với lượng vừa đủ, đờm có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn các vật lạ đi sâu xuống đường hô hấp dưới.

Với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, khó có thể áp dụng các cách khạc đờm ra khỏi cổ thông thường
Với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, khó có thể áp dụng các cách khạc đờm ra khỏi cổ thông thường

Đờm thường tự tiêu trong khoảng vài ngày. Tuy nhiên, tiết ra quá nhiều đờm hoặc đờm tích tụ nhiều có thể gây khó chịu cho khổ chủ, tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể là triệu chứng của một bệnh nào đó.

Quá nhiều đờm, đờm có màu sắc lạ (xanh, vàng, đỏ, nâu…) có thể là dấu hiệu của:

  • Cảm cúm, cảm lạnh
  • Dị ứng
  • Viêm phế quản
  • Viêm amidan
  • Viêm phổi
  • Viêm xoang

Trong những trường hợp này, khạc đờm có thể mang lại nhiều lợi ích.

Khạc là phản ứng tự nhiên giúp đẩy đờm tích tụ trong cổ họng ra ngoài, giúp thông thoáng đường thở, loại bỏ vi khuẩn, virus và các chất gây dị ứng ra khỏi cơ thể. Theo các chuyên gia y tế, khạc đờm nhiều tốt hơn nuốt đờm.

Đờm chứa nhiều mầm bệnh, nếu vô ý hoặc cố ý nuốt đờm xuống dạ dày, những mầm bệnh này có thể sống sót trong dạ dày và gây rắc rối.

Điển hình như nuốt đờm khi bị bệnh lao. Vi khuẩn lao tích tụ trong đờm khi bị nuốt xuống dạ dày, có thể thông qua đường tiêu hóa để gây ra lao ở các cơ quan khác, như: Lao thận, lao gan, lao mô não…

Tuy nhiên, khạc đờm quá nhiều cũng không tốt, đặc biệt trong trường hợp bạn hoàn toàn khỏe mạnh, không gặp bệnh lý nào.

Nhiều người có thói quen khạc đờm nơi công cộng, gây mất vệ sinh và mỹ quan. Thói quen xấu này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Khạc quá nhiều đờm có thể khiến mũi họng khô rát, dễ bị kích thích.

Những người hay khạc đờm có nguy cơ bị khô miệng, viêm họng, chảy máu cam hơn những người không có thói quen này. Trong trường hợp đờm có chứa mầm bệnh, việc khạc nhổ bừa bãi sẽ phát tán chúng ra bên ngoài, tăng nguy cơ lây nhiễm nhiều bệnh.

Tóm lại, tùy vào mức độ đờm trong cổ họng hoặc tình trạng bệnh, bạn không nên khạc quá 5 – 7 lần mỗi ngày. Nên nhớ rằng, điều trị bệnh từ căn nguyên mới là quan trọng nhất.

Cách khạc đờm ra khỏi cổ đơn giản cho người lớn

Trước khi tiến hành khạc đờm, bạn không nên ăn no. Vì điều này có thể gây nôn, trớ. Đồng thời, không nên ngậm bất cứ đồ vật hay thức ăn nào trong miệng, tránh nuốt nhầm.

Nên tiến hành khạc đờm vào bồn rửa. Rửa sạch tay và bồn rửa bằng xà phòng sau khi khạc. Nếu khạc vào khăn giấy, bạn nên vứt khăn giấy vào thùng rác và rửa tay sạch sẽ.

Dưới đây là một số cách khạc đờm ra khỏi cổ dành cho người lớn:

Khạc đờm tự nhiên

Để khạc đờm, bạn nên thực hiện theo những bước dưới đây:

  • Ngậm miệng lại, hít thở từ từ bằng mũi để kéo đờm từ mũi xuống họng. Không nên hít quá mạnh, vì điều này có thể khiến bạn nuốt đờm xuống.
  • Uốn cong lưỡi theo hình chữ U để đẩy dịch nhầy và không khí di chuyển về trước bằng cách dùng cơ mặt sau cổ họng.
  • Khi cảm thấy đờm trong cổ họng đã lên miệng, ban hãy cúi đầu xuống một chút và nhổ đờm ra ngoài.

Ho

Ngoài khạc đờm, ho cũng có thể kích thích cổ họng và loại bỏ đờm hiệu quả.

Ho cũng có thể tống đờm hiệu quả
Ho cũng có thể tống đờm hiệu quả

Cách thực hiện:

  • Hít thở sâu.
  • Giữ hơi thở trong 2 – 3 giây.
  • Sử dụng cơ bụng để đẩy mạnh không khí ra ngoài. Tránh ho mạnh, bạn chỉ nên ho ở mức độ nhẹ. Dạng ho tống đờm này giống như khi hắng giọng, nhưng mạnh hơn một chút.

Kiểu ho này ít gây mệt mỏi và không gây hại cho đường thở.

Kỹ thuật ho Huff

Kỹ thuật ho Huff (huff cough) thường được áp dụng cho các bệnh nhân bị viêm phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Bạn cũng có thể thực hành nó để tống đờm ra khỏi cổ họng.

Các bước thực hiện:

  • Ngồi thoải mái, đầu hơi nghiêng.
  • Hít vào một hơi thật sâu thông qua miệng.
  • Dùng cơ bụng để thổi không khí ra ngoài trong 3  hơi thở.
  • Lúc này âm thanh phát ra giống tiếng “ha, ha, ha”.
  • Tương tự như khi bạn đang hà hơi vào gương.
  • Bạn cũng có thể co cơ ở bụng và ho 3 tiếng nhỏ và ngắn.
  • Điều này sẽ giúp đẩy đờm lên cao hơn trong đường thở, giúp chúng dễ dàng bị khạc ra ngoài hơn trong lần ho cuối cùng.
  • Cuối cùng, cố ho một cái thật mạnh. Nếu làm đúng, đờm sẽ long ra.

Kỹ thuật ho Huff rất dễ thực hiện và không gây mệt mỏi như cách ho thông thường.

Kỹ thuật thở

Một số phương pháp thông khí có thể giúp loại bỏ đờm hiệu quả, đặc biệt đối với tình trạng đờm tích tụ quá nhiều và lâu ngày.

Bạn có thể áp dụng 2 kỹ thuật thở:

  • Thở chúm môi: Giúp cho đường thở không bị xẹp lại khi thở ra nên khí thoát ra ngoài dễ dàng hơn. Chỉ cần ngồi thoải mái, thả lỏng cổ và vai rồi hít thở bằng mũi, hít thở chậm. Môi chúm lại như huýt sáo, thở chậm bằng miệng. Thời gian thở ra gấp hơn 2 lần thời gian hít vào.
  • Thở cơ hoành: Giúp làm thông khí ở phổi kém, tăng cường hiệu quả hô hấp và tiết kiệm năng lượng. Để thực hiện kỹ thuật này, hãy nằm xuống, đặt tay lên bụng, hít vào chậm bằng mũi sao cho bụng phình lên, ngực không di chuyển. Hóp bụng của bạn lại và thở hết ra bằng miệng. Thời gian thở ra chậm gấp đôi thời gian hít vào. Tay đặt trên bụng có cảm giác bụng lõm xuống.

Một số mẹo giúp loại bỏ đờm

Để làm loãng đờm và giúp khạc đờm dễ dàng hơn, bạn cũng có thể áp dụng một số mẹo sau:

  • Uống nhiều nước ấm:  Ngoài nước lọc, bạn nên tăng cường nạp các loại chất lỏng bổ dưỡng khác, như nước hầm xương, soup gà, trà thảo dược, nước ép trái cây…
  • Hít thở không khí ấm, ẩm: Dùng máy tạo độ ẩm, máy phun sương, xông hơi bằng nước nóng hoặc tắm nước nóng… có thể cải thiện tình trạng tắc nghẽn đường thở.
  • Nước muối: Súc miệng, súc họng và rửa mũi bằng nước muối sinh lý mỗi ngày là chiến lược ngăn ngừa, điều trị các bệnh đường hô hấp hiệu quả.
  • Thực phẩm và thảo dược: Quả mọng, nhân sâm, ổi, cúc dại echinacea, cam thảo và lựu có thể giúp điều trị cúm và cảm lạnh, đây là 2 nguyên nhân phổ biến gây đờm.
  • Tinh dầu: Các loại tinh dầu, như húng quế, vỏ quế, khuynh diệp, bạc hà, tràm trà, xạ hương… đã được khoa học chứng minh là giúp tiêu đờm hiệu quả.
  • Thực phẩm chức năng: Bổ sung 600mg N-acetyl-L-cysteine (NAC) có khả năng làm loãng đờm, giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của ho.
  • Mật ong: Pha mật ong với nước ấm và uống mỗi sáng. Ngoài ra, có thể kết hợp mật ong với các gia vị, thảo dược khác để tiêu đờm nhanh, như gừng, tỏi, cam thảo,…
  • Tập thể dục điều độ: Hoạt động thể chất đều đặn mỗi ngày cũng có thể kích thích cơn ho để loại bỏ đờm. Tuy nhiên, nên lắng nghe cơ thể để điều chỉnh mức độ hoạt động cho phù hợp.
  • Gối cao khi ngủ: Điều này giúp giảm đờm tích tụ.

Cách khạc đờm ra khỏi cổ an toàn cho trẻ nhỏ

Những trẻ lớn có thể áp dụng các cách khạc đờm ra khỏi cổ như người lớn. Tuy nhiên, ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khạc đờm theo cách thông thường có thể quá khó hoặc không an toàn.

Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể hỗ trợ con loại bỏ đờm theo những cách dưới đây:

Vỗ rung long đờm

Vỗ rung long đờm dựa vào đặc tính vật lý của chất khí để làm thay đổi áp suất trong đường dẫn khí, theo nhịp thở để làm long đờm. Cha mẹ không nên tự ý vỗ rung long đờm tại nhà cho trẻ. Kỹ thuật này chỉ nên được thực hiện bởi bác sĩ và các kỹ thuật viên được đào tạo chuyên môn sâu.

Nên thận trọng khi vỗ rung long đờm cho trẻ
Nên thận trọng khi vỗ rung long đờm cho trẻ

Các bước thực hiện vỗ rung long đờm cho trẻ:

  • Thông mũi họng
  • Hỉ mũi
  • Chặn gốc lưỡi
  • Kỹ thuật tăng luồng khí thở ra AFE

Ngoài ra, cha mẹ có thể vỗ lưng nhẹ nhàng để giúp lưu thông tuần hoàn máu của phổi, hỗ trợ long đờm hiệu quả. Nên thực hiện vào buổi sáng, ngay sau khi trẻ ngủ dậy. Phương pháp này cũng áp dụng cho trẻ sau khi khí dung.

Cách làm:

  • Cho trẻ nằm nghiêng một bên hoặc ngồi, đầu hơi cúi về phía trước. Cha mẹ cũng có thể để bé ở tư thế bế vác, cho mặt trẻ úp vào vai và ngực mình.
  • Khum bàn tay lại, 5 ngón tay khép chặt để tạo thành một khoảng trống không khí.
  • Dùng lực cổ tay vỗ nhẹ nhàng vào lưng trẻ, tạo thành tiếp bộp, bộp. Vỗ từ dưới vỗ lên (từ ngang lưng trở lên).
  • Vỗ khoảng 10 – 15 phút.

Sau khi vỗ rung, trẻ có thể ho nhiều, nôn ra đờm. Cha mẹ nên chú ý màu sắc và độ loãng của đờm.

Hút mũi

Với những bé dưới 2 tuổi, không biết cách khạc đờm ra khỏi cổ, cha mẹ nên hút mũi cho bé.

Nên hút mũi cho bé trong các trường hợp sau:

  • Bé thở khò khè, khó thở, không có khả năng tự xì mũi hoặc khạc đờm.
  • Bé mắc các bệnh đường hô hấp gây khó khăn khi thở và ăn uống.
  • Bé ho có đờm màu vành, xanh lá cây, đờm đặc…

Trong bệnh viện, bệnh nhi bị viêm phổi hoặc hoặc viêm tiểu phế quản có thể được loại đờm bằng máy hút đờm. Tuy nhiên, máy này phải được thực hiện bởi nhân viên y tế có chuyên môn để ngăn ngừa tổn thương niêm mạc do lực hút quá mạnh. Cha mẹ không được tự ý sử dụng máy hút đờm.

Tuy vậy, cha mẹ có thể tự hút mũi cho con tại nhà bằng các dụng cụ hỗ trợ, như:

  • Dụng cụ hút mũi dạng chữ U: Giá thành phải chăng, điều chỉnh lực hút dễ dàng. Tuy nhiên, mất nhiều bước thực hiện và tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh đường hô hấp từ người hút sang trẻ.
  • Dụng cụ hút thủ công ống bầu cao su: Dễ sử dụng và giá thành phải chăng. Nhưng khó vệ sinh, dịch mũi có thể ứ đọng trong bóng hút khiến nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi.
  • Máy hút mũi chạy bằng pin hoặc điện: Tiện lợi, dễ vệ sinh. Tuy nhiên, giá thành khá cao và không điều chỉnh được lực hút.

Sau khi hút mũi cho bé, cha mẹ nên vệ sinh mũi và miệng của bé bằng nước muối sinh lý.

Không nên hút mũi cho trẻ quá 2 – 3 lần mỗi ngày. Sau 3 ngày hút mũi, nếu không thấy hiệu quả, nên cho bé đi khám chuyên khoa ngay.

Một số mẹo dân gian giúp loại bỏ đờm cho trẻ

Cha mẹ cũng có thể tận dụng những nguyên liệu tự nhiên để làm loãng đờm, tiêu đờm hoặc giúp con khạc đờm dễ hơn.

  • Rau cải cúc: Rửa sạch một nắm rau cải cúc, để ráo nước rồi xắt nhỏ. Cho rau vào bát, thêm đường phèn và đun cách thủy khoảng 15 phút. Cho bé uống nước cốt (có thể ăn cả cái đối với bé đã ăn thô tốt), ngày 2 – 3 lần. Cách này chỉ nên áp dụng cho bé trên 6 tháng tuổi.
  • Đường nâu: Cho 1 miếng đường nâu, 2 – 3 tép tỏi đập dập và vài lát gừng vào trong nồi. Thêm lượng nước vừa đủ vào nồi và đun cho tới sôi trên lửa nhỏ. Chắt lấy nước, để nguội và cho bé uống 1 lần mỗi ngày. Cách này chỉ nên áp dụng cho bé trên 6 tháng tuổi.
  • Quất xanh: Rửa sạch 2 – 3 quả quất xanh bằng nước muối loãng rồi cắt làm đôi. Cho mật ong và quất vào bát, chưng cách thủy trong 15 – 20 phút. Chắt lấy nước, cho trẻ uống 1 thìa cà phê nước cốt, 3 lần mỗi ngày. Cách này chỉ nên áp dụng cho bé trên 1 tuổi.
  • Húng chanh: Rửa sạch 1 nắm lá húng chanh bằng nước muối loãng rồi thái nhỏ. Cho đường phèn và lá húng chanh (hoặc mật ong) vào bát, chưng cách thủy trong 15 – 20 phút. Cho trẻ uống nước chắt từ hỗn hợp này 2 lần mỗi ngày. Cách này có thể áp dụng cho trẻ dưới 1 tuổi.
  • Củ cải và lê tươi: Ép củ cải trắng và lê tươi (tỷ lệ như nhau) để lấy nước ép. Đun nước ép cho tới khi sôi thì để lửa nhỏ, đun tiếp tới khi hỗn hợp quánh lại. Thêm đường phèn và vài nhánh gừng vào, khuấy đều, đun tiếp cho tới khi sôi. Cho bé uống 1 thìa cà phê nước cốt pha với nước ấm. Cách này có thể áp dụng cho trẻ dưới 1 tuổi.

Những mẹo trên đây tuy an toàn, nhưng không phải sẽ phát huy công hiệu đối với mọi bệnh nhi. Điều này còn phụ thuộc vào thể trạng, cơ địa, tình trạng bệnh lý và nhiều yếu tố khác. Tốt nhất, hãy tham vấn bác sĩ nhi khoa trước khi áp dụng bất cứ phương pháp loại đờm nào cho trẻ.

Nên khạc đờm một cách văn minh
Nên khạc đờm một cách văn minh

Có thể thấy rằng hiểu biết về cách khạc đờm ra khỏi cổ đúng đắn giúp mỗi người ứng phó tốt hơn khi bị đờm tích tụ. Hơn nữa, không phải cứ bị đờm là phải dùng thuốc. Tuy vậy, nếu thấy đờm quá nhiều, gây khó thở, kèm theo sốt cao, đau họng, ho dữ dội… nên đi khám ngay để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Thông tin bổ ích:

4.4/5 - (7 bình chọn)

Vậy đâu là cách chữa viêm họng, viêm amidan hiệu quả nhất hiện nay giúp mọi người thoát khỏi căn bệnh khó chịu này? Câu trả lời được tiết lộ trong chương trình “Khỏe thật đơn giản: Bệnh viêm họng hạt” – VTV2

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *