Thuốc Bắc Trị Viêm Xoang: Những Ưu Nhược Điểm Cần Biết
Nội dung bài viết
Thuốc Bắc trị viêm xoang có hiệu quả không? Điều trị viêm xoang bằng thuốc Bắc cần lưu ý những gì? Những thắc mắc này sẽ được giải đáp một cách tường tận trong bài viết dưới đây.
Viêm xoang dưới góc nhìn Đông y
Theo Đông y, viêm xoang có thể do các nguyên nhân bên ngoài (ngoại nhân) hoặc bên trong (nội nhân), cũng như chế độ ăn uống và mức độ căng thẳng. Có 6 thứ khí ngoại nhân gây ra bệnh tật, được gọi là lục dâm, lục tà, bao gồm: Phong (gió), hàn (lạnh), thử (nắng), thấp (ẩm), táo (khô) và hoả (nhiệt).
Các khí này hoạt động riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau để tác động tới sức khỏe con người. Theo lý thuyết này, viêm xoang thường được gây ra bởi hai sự kết hợp: Phong hàn và phong nhiệt. Đây cũng là thủ phạm chính trong các trường hợp cảm lạnh và cảm cúm.
Xét về nội nhân, viêm xoang có thể do sự xáo trộn của phế (phổi), tỳ (lá lách), đởm (mật) và thận. Phổi hư có thể dẫn tới nghẹt mũi, hít thở khó và mũi chảy mủ. Mật có liên quan trực tiếp tới gan, nếu cơ quan này bị nóng (nhiệt), có thể gây ùn tắc ở đầu, trán và xoang mũi, khiến nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, niêm mạc mũi bị sưng đỏ.
Trong khi đó, lá lách bị suy yếu làm cơ thể tích tụ đờm gây nghẹt mũi, chảy nước mũi và váng đầu.
Đặc biệt, Đông y quan niệm rằng “thận chủ cốt”, nghĩa là thận làm chủ và quản lý về xương, mà xoang là ruột xương. Bởi vậy, thận bị suy giảm chức năng quản lý và bảo vệ, thì các cơ quan bộ phận trực thuộc nó cũng sẽ bị suy thoái theo, từ đó khiến vi trùng dễ dàng xâm nhập gây bệnh tật.
Điều này có thể giải thích vì sao các bài thuốc Đông y trị viêm xoang thường bắt nguồn từ việc bổ thận, tiêu viêm, bài nùng và sinh cơ (đùn hết dịch mủ ra ngoài để làm sạch xoang).
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống không hợp lý, nhiều đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ và căng thẳng cũng có thể dẫn đến thấp nhiệt và viêm xoang.
Viêm xoang cấp tính thường được kích hoạt bởi phong nhiệt hoặc phong hàn và mất khoảng 4 tuần để thuyên giảm. Trong khi đó, hầu hết các trường hợp bị viêm xoang mãn tính phát triển là do các phát triển bất thường của cấu trúc khoang mũi hoặc xuất hiện polyp mũi. Các triệu chứng viêm xoang kiểu này kéo dài hơn 8 tuần.
Viêm xoang mãn tính cũng có thể là kết quả của các yếu tố nội nhân khi chúng không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Thuốc Bắc trị viêm xoang có tốt không?
Điều trị viêm xoang như thế nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, có thể khác nhau tùy theo nguyên nhân gây bệnh, thể trạng và độ tuổi của bệnh nhân. Đông y có thể điều trị viêm xoang bằng nhiều phương pháp khác nhau, như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt hoặc uống thuốc.
Trong đó, thuốc Bắc khai thác các vị thuốc hoặc thảo dược giúp giải quyết viêm xoang hiệu quả theo từng nguyên nhân gây ra bệnh này.
Theo Đông y, hoàng cầm giúp tiêu nhiệt ở đường hô hấp trên và phong thấp từ hệ thống tiêu hóa. Các nghiên cứu khoa học đã phát hiện thêm rằng hoàng cầm có tác dụng ức chế vi khuẩn staphylococcus aureus, pseudomonas aeruginosa và streptococcus pneumoniae, ngay cả khi các vi khuẩn này đã trở nên kháng thuốc penicillin.
Hoa mộc lan (tân di hoa, búp non của nụ hoa mộc lan) có vị cay, tính ấm, đi vào kinh phế. Một nghiên cứu lâm sàng cho thấy sử dụng thảo dược này có thể làm loãng dịch nhầy trong khoang mũi, từ đó giúp giảm nghẹt mũi.
Bài thuốc Bắc trị viêm xoang thông dụng
Dưới đây là một số bài thuốc Bắc có tác dụng chữa viêm xoang an toàn, lành tính:
Kim ngân hoa
Bài thuốc này giúp thanh phế, tiết nhiệt giải độc, giảm các triệu chứng viêm xoang cấp tính.
Nguyên liệu: 16gr kim ngân hoa, 12gr mạch môn, 12gr hoàng cầm, 16gr hạ khô thảo, 40gr thạch cao, 16gr ké đầu ngựa, 12gr tân di hoa, 8gr chi tử, 12gr hoàng cầm. Nếu bệnh nhân có triệu chứng nhức đầu, sốt và sợ lạnh, có thể thay thế hoàng cầm và mạch môn bằng 12gr ngưu bàng tử, 12gr bạc hà.
Cách làm: Cho các vị thuốc vào ấm, sắc lên với nước để uống. Mỗi ngày dùng một thang thuốc này, uống thường xuyên.
Sinh địa
Bài thuốc này giúp dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận táo, giảm các triệu chứng viêm xoang mãn tính.
Nguyên liệu: 12gr sinh địa, 16gr kim ngân hoa, 20gr hà thủ ô, 12gr hoàng cầm, 12gr mạch môn, 16gr ké đầu ngựa, 12gr huyền sâm, 12gr đan bì, 8gr tân di hoa.
Cách làm: Cho các vị thuốc vào ấm, sắc lên với nước để uống. Mỗi ngày dùng một thang trong thời gian dài.
Quế chi
Bài thuốc này giúp bổ khí cổ biếu, khu phong tán hàn, giảm các triệu chứng viêm xoang dị ứng.
Nguyên liệu: 8gr quế chi, 10gr tang bì, 16gr xuyên khung, 8gr bán hạ chế, 16gr đẳng sâm, 12gr bạch thược, 6gr phòng phong, 16gr hoàng kỳ, 6gr ma hoàng, 4gr sinh khương, 16gr ké đầu ngựa, 12gr bạch truật, 20gr hà thủ ô, 6gr táo, 4gr ngũ vị, 6gr tế tân, 12gr bạch chỉ, 4gr cam thảo, sâm giới.
Cách làm: Cho các vị thuốc vào ấm, sắc lên với khoảng 750ml nước. Đun sôi cho đến khi lượng nước trong ấm còn lại khoảng 1/3 thì tắt bếp. Chia nước thuốc thành 3 phần, uống hết trong ngày.
Cửu vị khương
Bài thuốc này giúp trị viêm xoang cấp do nhiễm lạnh, giảm đau đầu, nghẹt mũi, ớn lạnh, sốt…
Nguyên liệu: 14gr xuyên khung, 14gr bạch chỉ, 20gr sinh địa, 12gr hoàng cầm, 8gr phòng phong, 12gr thương truật, 20gr thông bạch, 14gr tân di hoa, 12gr thương nhĩ tử, 12gr cam thảo, 6gr tế tân, 12gr đại táo.
Cách làm: Cho các vị thuốc vào ấm, sắc lên với nước để uống. Có thể tán bột, viên hoàn uống.
Lưu ý: Bài thuốc này không dùng cho chứng âm hư, người gầy gò.
Bài thuốc Bát vị hoàn gia giảm
Bài thuốc trị viêm mũi, viêm xoang và viêm mũi dị ứng mũi lâu ngày do hư chứng.
Nguyên liệu: 20gr thục địa, 16gr hoài sơn, 12gr sơn thù, 12gr đơn bì, 14gr phục linh, 12gr quế chi, 12gr câu kỷ tử, 12gr đẳng sâm, 12gr bạch truật, 12gr táo nhân, 10gr viễn chí, 8gr trạch tả, 8gr mạch môn, 6gr phụ tử, 10gr nhục thung dung, 12gr ngưu tất.
Cách làm: Cho các vị thuốc vào ấm, sắc lên với nước, uống khi còn ấm. Uống 1 thang mỗi ngày.
Ngân kiều tán gia giảm
Bài thuốc trị viêm xoang do phong nhiệt.
Nguyên liệu: 20gr kim ngân hoa, 20gr liên kiều, 10gr cát cánh, 12gr bạc hà, 12gr kinh giới, 20gr đạm đậu xị, 20gr ngưu bàng tử, 14gr cát căn, 12gr tân di hoa, 4gr cam thảo.
Cách làm: Cho các vị thuốc vào ấm, sắc lên với nước để uống. Có thể tán bột, viên hoàn uống.
Thương nhĩ tán phối hợp với bài Tứ vật gia giảm
Bài thuốc trị viêm xoang và viêm mũi lâu ngày do hư chứng.
Nguyên liệu: 16gr thương nhĩ tử, 16gr tân di hoa, 20gr bạch chỉ, 10gr bạc hà, 14gr xuyên khung, 14gr đương quy, 16gr hạ khô thảo, 14gr bồ công anh, 16gr kim ngân hoa.
Cách làm: Cho các vị thuốc vào ấm, sắc lên với nước để uống. Có thể tán bột, viên hoàn uống.
Ké đầu ngựa
Bài thuốc này giúp giảm nhức đầu và nghẹt mũi do viêm xoang hiệu quả.
Nguyên liệu: 20gr ké đầu ngựa, 6gr bạch chỉ, 30gr hoàng kỳ, 10gr kinh giới, 4gr tế tân, 60gr gạo tẻ, đường trắng (vừa đủ).
Cách làm: Cho các vị thuốc (trè gạo tẻ) vào ấm, sắc lên với nước. Dùng nước thuốc này để nấu với gạo tẻ thành cháo. Ăn cháo này 1 lần mỗi ngày, ăn trong 7 – 10 ngày.
Lưu ý khi uống thuốc Bắc trị viêm xoang
Để nhận được nhiều lợi ích nhất trong trị viêm xoang bằng thuốc Bắc, người bệnh nên lưu ý những điều sau:
Chuẩn bị
- Ấm sắc thuốc: Chất liệu ấm sắc thuốc nên là đất nung hoặc sứ. Bạn có thể tìm mua ấm sắc thuốc cắm điện tiện lợi và dễ sử dụng. Không nên sử dụng ấm sắc thuốc bằng kim loại, vì điều này có thể gây biến đổi chất lượng thuốc, dẫn đến giảm hiệu quả. Trong các vị thuốc Bắc có chứa rất nhiều các chất axit, kiềm và muối. Các hoạt chất này sẽ có phản ứng tương tác với kim loại, làm mất hoặc thay đổi dược tính của thuốc.
- Nước sắc thuốc: Luôn dùng nước sạch để sắc thuốc, như nước mưa, nước giếng, nước máy. Tùy thuộc vào lượng thuốc để cho lượng nước phù hợp. Lần đầu sắc thuốc, bạn có thể đổ nước ngập thuốc khoảng 2 đốt tay. Đổ ít nước hơn một chút trong lần sắc sau.
- Sắp xếp: Nên xếp những vị thuốc lớn và dày xuống dưới, những loại bé xếp lên trên cùng. Sau đó mới cho nước, ngâm khoảng 30 – 60 phút rồi mới đun. Một số vị thuốc khác nhau sẽ có cách sắc khoogn giống nhau. Ví dụ, thuốc dạng khoáng vật cần sắc trước, vị thuốc chứa nhiều tinh dầu (gừng, bạc hà, tía tô) nên cho sau khi thuốc đã sắc gần xong. Các thuốc quý như nhân sâm, linh chi, sừng tê giác… cần sắc riêng từng thứ rồi phối hợp vào nước thuốc đã sắc. Đối với các loại cao thuốc, a giao, mật ong… sau khi chắt nước thuốc hòa với các vị trên uống khi còn ấm nóng.
Cách sắc thuốc
- Cần sắc thuốc theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc, lương y. Ví dụ, các bài thuốc Bắc trị viêm xoang có tính phát tán, công hạ dùng chữa bệnh ngoại cảm, phong tà, nên sắc 2 lần. Khi sắc phải dùng lửa lớn và nấu nhanh trong khoảng 10 – 20 phút.
- Sau khi tắt bếp, nên ủ nước thuốc trong nồi khoảng 5 – 10 phút rồi mới rót ra bát.
- Nước thuốc chỉ nên uống trong ngày để đảm bảo hiệu quả lớn nhất. Tuy nhiên, nếu không có thời gian, bạn có thể bảo quản nước thuốc trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần.
Thời điểm uống thuốc
- Nên uống vào đầu giờ sáng, trưa và chiều trong ngày. Uống lúc nửa đói, nửa no. Không nên ăn gì trước và sau khi uống thuốc khoảng 30 phút.
- Ngoài ra, tùy vào bài thuốc sẽ có những chỉ dẫn cụ thể về thời điểm uống thuốc để đạt được hiệu quả tốt nhất. Bởi vậy, bạn nên ghi nhớ những hướng dẫn về cách sắc và uống thuốc Bắc của lang y.
Điều cần tránh khi uống thuốc Bắc
Thong thời gian điều trị viêm xoang bằng thuốc Bắc, người bệnh nên tránh ăn một số thực phẩm có tính khắc với chiều hướng của thuốc.
- Đối với thuốc thanh nhiệt, giải độc: Nên tránh các thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao, như hải sản (tôm, cua, cá biển, mực, bạch tuộc, sò), sữa bò và các thực phẩm từ sữa, các loại hạt, lúa mì, đậu phộng…
- Đối với thuốc thanh nhiệt, an thần: Kiêng ăn thực phẩm cay nóng, như hạt tiêu, thịt chó, ớt, thức uống có cồn…
- Các thuốc giải cảm: Hạn chế ăn thực phẩm có vị chua và mặn.
- Đối với thuốc ôn lý trừ hàn, tân ôn giải biểu: Tránh thức ăn tanh và lạnh, như cua, ốc, thịt trâu, rau sống, mồng tơi…
- Đối với thuốc thanh phế trừ đàm: Không nên ăn chuối tiêu, vì điều này dễ gây rối loạn tiêu hóa.
Các bài thuốc Bắc trị viêm xoang bao gồm các vị thuốc là thảo dược thiên nhiên nên tương đối an toàn cho bệnh nhân. So với thuốc Tây, thuốc Bắc có ưu điểm cực kỳ lớn là ít khi gây ra các tác dụng không mong muốn, có thể dùng trong thời gian dài. Ngoài mục đích chữa bệnh nhất định, hầu hết các bài thuốc Bắc đều mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể và phòng ngừa bệnh tái phát hiệu quả.
Tuy vậy, hạn chế của việc điều trị viêm xoang bằng thuốc Bắc là thường không mang đến tác dụng tức thời hay nhanh chóng. Nên nhớ rằng “dục tốc bất đạt”, người bệnh nên kiên trì khi tin dùng thuốc Bắc trị viêm xoang. Tùy vào cơ địa và mức độ bệnh tình của mỗi người mà bài thuốc Bắc sẽ phát huy công dụng khác nhau.
Nhiều người niệm rằng thuốc Bắc lành, không thể gây dị ứng. Trên thực tế, tuy hiếm gặp, nhưng vẫn có trường hợp cơ thể không tương thích với bài thuốc hoặc vị thuốc nào đó. Điều này có thể dẫn tới phản ứng dị ứng, như buồn nôn hoặc mẩn ngứa. Nếu gặp những triệu chứng bất thường sau khi uống thuốc Bắc, hãy ngưng uống thuốc này ngay.
Có thể móc họng để nôn thuốc ra hoặc uống nước đậu xanh nấu chín để giải thuốc. Sau đó, hãy đi khám ngay để đề phòng các tình huống xấu. Phần lớn những trường hợp dị ứng thuốc Bắc là do uống thuốc Bắc tùy tiện, tự bốc thuốc, bốc thuốc ở cơ sở không uy tín hoặc do nguồn dược liệu không đảm bảo.
Quan trọng nhất là lựa chọn những địa chỉ kê đơn bốc thuốc uy tín và sử dụng đúng theo hướng dẫn của lang y. Nếu cảm thấy uống thuốc Bắc không có tác dụng khả quan với bản thân, bệnh nhân nên đi khám để được tư vấn cách điều trị hiệu quả hơn.
Xem thêm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!