Răng Sâu Nặng Nguy Hiểm Thế Nào? Cách Điều Trị
Nội dung bài viết
Răng sâu nặng dẫn đến các tổn thương vĩnh viễn trên bề mặt răng, phát triển thành các khe hở hoặc lỗ sâu lớn. Nếu không được điều trị, sâu răng có thể ảnh hưởng đến các lớp sâu hơn của răng, gây nhiêm trùng và mất răng.
Thế nào là sâu răng nặng?
Sâu răng là các tổn thương xảy ra trên răng, có thể dẫn đến áp xe răng, viêm nướu hoặc thậm chí là mất răng. Nguyên nhân chính dẫn đến sâu răng là hoạt động của một số loại vi khuẩn có thể sống trong các mảng bám của răng.
Vi khuẩn trong các mảng bám có thể chuyển đổi đường trong thức ăn thành axit. Các mảng bám này có thể tích tụ theo thời gian, axit có thể bắt đầu gây hỏng men răng và gây sâu răng.
Sâu răng có thể xảy ra theo nhiều giai đoạn khác nhau, từ nhẹ đến nghiêm trọng. Cụ thể, các giai đoạn của sâu răng bao gồm:
1. Giai đoạn 1: Sâu men răng
Men răng là lớp ngoài cùng của răng được tạo bởi thành từ các khoáng chất. Men răng là mô cứng nhất trong cơ thể và có nhiệm vụ bảo vệ răng.
Mặc dù men răng rất cứng và khỏe, tuy nhiên khi răng tiếp xúc với axit do vi khuẩn và mảng bám gây ra, men răng sẽ bắt đầu mất các khoáng chất dần dần. Khi điều này xả ra, răng có thể xuất hiện các đốm trắng. Đây là các vùng mất khoáng chất của răng và là dấu hiệu ban đầu của bệnh sâu răng.
Sâu men răng được xem là tình trạng nhẹ nhất của sâu răng.
2. Giai đoạn hai: Phá hủy men răng
Nếu quá trình sâu răng tiếp tục và không được điều trị, men răng sẽ bị phá hủy dần. Điều này có thể khiến các đốm trắng trên răng sẫm lại thành màu nâu.
Khi men răng bị suy yếu, các lỗ nhỏ trên răng được hình thành và được gọi là lỗ sâu răng. Các lỗ này cần được trám lại để tránh tình trạng sâu răng nghiêm trọng hơn.
3. Giai đoạn 3: Sâu ngà răng
Ngà răng là mô nằm bên dưới của men răng, mềm hơn men răng và nhạy cảm hơn với các tác động của axit. Do đó, sâu răng ảnh hưởng đến ngà răng là sự tiến triển với tốc độ nhanh. Trong giai đoạn này, sâu răng được cho là nặng và cần được điều trị phù hợp.
Ngà răng cũng có chứa các dây thần kinh răng. Do đó, nếu ngà răng bị tổn thương bởi vi khuẩn sâu răng, người bệnh có thể cảm thấy ê buốt và đau đớn. Tình trạng này phổ biến hơn người người bệnh ăn thức ăn hoặc sử dụng đồ uống nóng, lạnh.
4. Giai đoạn bốn: Viêm tủy răng
Tủy răng là lớp trong cùng của răng, chứa các dây thần kinh và mạch máu giữ cho răng khỏe mạnh. Các dây thần kinh này cung cấp cảm giác cho răng.
Sâu răng đến tủy là tình trạng sâu răng nặng, có thể gây kích thích răng, nướu và khiến nướu răng bị sưng lên. Bởi vì các mô xưng quanh và bên trong răng không thể giãn nở để thích ứng với sự sưng tây, do đó áp lực sẽ đè lên các dây thần kinh. Điều này có thể dẫn đến đau đớn.
5. Giai đoạn 5: Áp xe răng
Khi sâu răng tiến triển vào tủy răng, vi khuẩn có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng răng. Điều này dẫn đến nghiêm trọng nghiêm trọng và ngày càng tăng ở răng, dẫn đến hình thành các túi mủ ở chân răng, được gọi là áp xe răng.
Áp xe răng là tình trạng sâu răng nặng, gây đau đớn dữ dội, có thể lan xuống xương hàm. Các triệu chứng khác có thể bao gồm sưng lợi, mặt, hàm, gây sốt hoặc sưng hạch bạch huyết ở cổ.
Áp xe răng cần được điều trị kịp thời để tránh tình trạng nhiễm trùng có thể lan vào xương hàm cũng như các vùng khác trên đầu và cổ. Trong các trường hợp nghiêm trọng, áp xe răng có thể cần loại bỏ răng bị tổn thương để tránh gây ảnh hưởng đến các răng lân cận.
Trẻ em có nhiều nguy cơ bị sâu răng nặng hơn người lớn. Điều này là do men răng ở trẻ em thường mỏng và nhạy cảm. Sâu răng nặng ở trẻ em cần được điều trị để tránh mất răng. Mặc dù răng sữa sẽ được thay thế sau một thời gian, tuy nhiên răng sữa cần thiết để trẻ học nhai, nói và phát âm. Ngoài ra, răng sữa cũng đóng vai trò giữ chỗ cho răng trưởng thành mọc đúng cách.
Sâu răng nặng nguy hiểm như thế nào?
Sâu răng và sâu răng nặng rất phổ biến trên thế giới. Tình trạng này cần được điều trị phù hợp để tránh các rủi ro nghiêm trọng và lâu dài. Cụ thể, một số biến chứng nguy hiểm của bệnh sâu răng nặng bao gồm:
1. Gây ra các bệnh về nướu
Sâu răng nặng có thể dẫn đến các bệnh về nướu răng, chẳng hạn như viêm nha chu hoặc viêm nướu. Tình trạng này thường xảy ra do sự tích tụ các mảng bám trên răng.
Viêm nha chu là một dạng viêm nướu răng nghiêm trọng có thể gây ảnh hưởng đến các mô kết nối răng với ổ răng và xương ổ răng.
Viêm nha chu cũng có thể tạo ra một khoảng trống phát triển giữa răng và nướu. Điều này làm cho răng sâu bị lung lay và có thể bị rụng. Trong các trường hợp nhẹ, các bệnh nướu răng có thể được điều trị bằng cách vệ sinh răng miệng phù hợp.
2. Áp xe răng
Sâu răng nặng tiến triển có thể dẫn đến áp xe răng. Đây là tình trạng vi khuẩn gây sưng tấy, có mủ trong miệng, dẫn đến các cơn đau đớn và khiến hơi thở có mùi hôi.
Áp xe răng có thể dẫn đến đau đớn dữ dội và một số dấu hiệu nhiễm trùng khác, chẳng hạn như sốt cao.
3. Mất răng
Vi khuẩn sâu răng có thể dẫn đến yếu chân răng và khiến răng rụng tự nhiên.
Ngoài ra, sâu răng nặng có thể khiến vi khuẩn gây ảnh hưởng sâu đến bệnh dưới chân răng, gây viêm nướu, chảy máu chân răng, khiến răng bị lung lay. Trong trường hợp không thể cứu răng, nha sĩ có thể đề nghị nhổ răng để tránh nguy cơ lây lan sang các răng lân cận.
4. Vi khuẩn lây lan sang các bộ phận cơ thể
Nếu một chiếc răng sâu nặng không được điều trị, nhiễm trùng có thể lây lan sang các bộ phận khác trong cơ và có thể đe dọa đến tính mạng. Các dấu hiệu và triệu chứng cho thấy sâu răng đã lây lan bao gồm:
- Cảm thấy không khỏe nói chung chẳng hạn như đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt
- Phát sốt với các triệu chứng, chẳng hạn như da đỏ bừng, đổ mồ hôi hoặc ớn lạnh.
- Mặt sưng lên khiến việc mở miệng trở nên khó khăn, gây cản trở việc nuốt hoặc gây ảnh hưởng đến khả năng hô hấp.
- Có dấu hiệu mất nước, chẳng hạn như giảm số lần đi tiêu, nước tiểu sẫm màu hoặc mất khả năng tập trung.
- Nhịp tim tăng lên, tim đập nhanh hoặc cảm thấy lâng lâng.
- Nhịp thở tăng lên, có thể lên đến 25 nhịp mỗi phút.
- Đau dạ dày, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn mửa.
Sâu răng nặng lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể là một tình trạng nghiêm trọng và có thể gây đe dọa đến tính mạng. Do đó, người bệnh có dấu hiệu nhiễm trùng răng nghiêm trọng, nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
5. Viêm nội tâm mạc
Viêm nội tâm mạc xảy ra do nhiễm trùng do vi khuẩn. Đây là một tình trạng viêm nghiêm trọng, hiếm gặp và có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị phù hợp.
Viêm nội tâm mạc có thể xảy ra ở bất kỳ ai, tuy nhiên tình trạng này thường phổ biến ở những người mắc các loại bệnh tim. Bên cạnh đó, một số loại bệnh nha khoa, đặc biệt là sâu răng nặng cần điều trị bằng kháng sinh thường có nguy cơ viêm nội tâm mạc cơ hơn. Ngoài ra, các bệnh nướu răng nhiễm trùng cần điều trị bằng kháng sinh cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm nội tâm mạc.
Trong một số trường hợp, vi khuẩn gây sâu răng trong miệng, cụ thể là vi khuẩn gây mảng bám răng, cũng có thể gây viêm nội tâm mạc. Ngoài ra, khi nướu răng bị chảy máu, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu và lây nhiễm sang các bộ phận cơ thể khác. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến màng trong của tim và bề mặt các van tim, cuối cùng là dẫn đến viêm nội tâm mạc.
Viêm nội tâm mạc do sâu răng nặng thường không phổ biến. Tuy nhiên đây là tình trạng nghiêm trọng, cần được điều trị y tế để tránh các rủi ro gây ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, người bệnh có dấu hiệu nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có biện pháp xử lý phù hợp.
Bên cạnh đó, sâu răng nặng có thể dẫn đến một số rủi ro, chẳng hạn như:
- Đau đớn ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày
- Giảm cân hoặc có các vấn đề dinh dưỡng do khó nhai, nuốt
- Mất răng, gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, ngoại hình, sự tự tin và lòng tự trọng của người bệnh
- Áp xe răng có thể gây hình thành túi mủ do nhiễm khuẩn, gây nhiễm trùng nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng
Cách điều trị tình trạng sâu răng nặng
Các phương pháp điều trị tình trạng sâu răng nặng phụ thuộc vào các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nếu răng có thể hồi phục, nha sĩ có thể đề nghị các biện pháp giảm đau, loại bỏ khu vực sâu răng, trám răng để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.
Cụ thể sâu răng nặng có thể được điều trị theo các biện pháp như sau:
1. Cải thiện cơn đau
Nha sĩ có thể đề nghị một số biện pháp kiểm soát các cơn đau trước, trong và sau khi điều trị. Các loại thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID) có thể hỗ trợ giảm viêm, giảm đau và giúp người bệnh cải thiện các triệu chứng sâu răng hiệu quả.
Trao đổi với nha sĩ để được hướng dẫn cụ thể về các loại thuốc và liều lượng phù hợp. Tuy nhiên trong trường hợp cần nhổ răng hoặc lây tủy răng, nha sĩ có thể đề nghị các loại thuốc giảm đau kê đơn có tác dụng mạnh hơn.
2. Trám răng
Trám răng được chỉ định để điều trị các loại sâu răng, bao gồm sâu răng nghiêm trọng. Để trám răng, nha sĩ sẽ loại bỏ phần răng bị sâu, sau đó lắp đầy khu vực răng sâu bằng các vật liệu trám răng. Trám răng cũng được sử dụng để sửa chữa răng bị nứt, vỡ hoặc răng bị mòn do sử dụng sai cách (chẳng hạn như cắn móng tay hoặc nghiến răng).
Trám răng được làm bằng nhiều vật liệu khác nhau, chẳng hạn như nhựa composite tổng hợp có màu tương tự như màu răng, sứ hoặc hỗn hống nha khoa là sự kết hợp của một số vật liệu.
3. Làm mão răng
Sâu răng nặng, sâu nhiều răng hoặc răng yếu, người bệnh có thể cần làm mão răng để điều chỉnh hoặc thay toàn bộ răng tự nhiên. Nha sĩ sẽ khoan và loại bỏ toàn bộ khu vực răng sâu và đủ để đảm bảo sự vừa khít của mão răng.
Mão răng có thể được làm bằng vàng, sứ có độ bền cao, nhựa thông, sứ kết hợp với kim loại hoặc các vật liệu khác.
4. Lấy tủy răng
Lấy tủy răng là một phương pháp điều trị được sử dụng để sửa chữa và cứu một chiếc răng sâu nặng hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng.
Trong thủ thuật lấy tủy răng, dây thần kinh và tủy răng được loại bỏ, bên trong răng được làm sạch và trám bít lại. Bên cạnh đó, nếu không được điều trị, các mô xung quanh răng sẽ bị nhiễm trùng và có thể hình thành áp xe.
Thủ tục lấy tủy răng có thể gây nhiều đau đớn. Tuy nhiên nha sĩ sẽ sử dụng thuốc tê và kê các loại thuốc giảm đau để cải thiện các triệu chứng.
Hầu hết các trường hợp, lấy tủy răng là thủ tục đơn giản, có hơn 95% tỷ lệ điều trị thành công. Các răng sau khi được điều trị bằng cách lấy tủy răng có thể tồn tại đến suốt đời.
5. Nhổ răng
Một số răng bị sâu nặng đến mức không thể phục hồi và phải được nhổ bỏ. Việc nhổ một chiếc răng có thể để lại một khoảng trống cho phép các răng khác dịch chuyển vị trí. Nếu có thể, hãy cân nhắc làm cầu răng hoặc cấy ghép răng giả để thay thế chiếc răng đã mất.
Nhổ răng sâu là một thủ tục đơn giản và thường không dẫn đến các rủi ro nghiêm trọng. Tuy nhiên đôi khi nhổ răng có thể dẫn đến một số biến chứng, chẳng hạn như:
- Chảy máu kéo dài hơn 12 giờ
- Răng nhạy cảm
- Sốt, ớn lạnh, là dấu hiệu nhiễm trùng
- Buồn nôn hoặc nôn
- Ho
- Đau ngực
- Sưng hoặc đỏ ở vị trí nhổ răng
Liên hệ với nha sĩ chuyên môn để được hướng dẫn các biện pháp xử lý phù hợp.
Biện pháp phòng ngừa sâu răng nặng
Vệ sinh răng miệng tốt có thể tránh được sâu răng và sâu răng nặng. Người bệnh có thể trao đổi với nha sĩ về một số biện pháp phòng ngừa sâu răng hiệu quả, chẳng hạn như:
- Đánh răng ít nhất hai lần một ngày với kem đánh răng có chứa florua. Tốt nhất là chải sau mỗi bữa ăn và đặc biệt là trước khi đi ngủ.
- Súc miệng hàng ngày bằng nước súc miệng có chứa florua. Một số loại nước súc miệng khác cũng có thành phần khử trùng có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn gây ra mảng bám.
- Làm sạch kẽ răng hàng ngày bằng chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ răng.
- Chế độ ăn uống cân bằng các chất dinh dưỡng và hạn chế ăn vặt. Tránh các loại carbohydrate như kẹo, bánh quy và khoai tây chiên, những chất này có thể tồn đọng trên bề mặt răng. Nếu ăn thức ăn dính, hãy đánh răng ngay sau đó.
- Uống nước có chất fluoride để bảo vệ trẻ khỏi bị sâu răng.
- Thường xuyên đến gặp nha sĩ để được làm sạch chuyên nghiệp và kiểm tra sức khỏe răng miệng.
Sâu răng nặng cần được điều trị phù hợp để ngăn ngừa tình trạng viêm tủy răng và hạn chế nguy cơ mất răng. Trong trường hợp cần thiết, nha sĩ có thể đề nghị lấy tủy răng hoặc nhổ bỏ răng nếu răng không thể hồi phục. Trao đổi với nha sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Thông tin thêm: Sâu răng vào tủy đau nhức, viêm nhiễm, cần điều trị sớm
BẢNG GIÁ - DỊCH VỤ NHA KHOA
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!