Cách nhổ lông mọc ngược an toàn, hiệu quả nhất
Nội dung bài viết
Lông mọc ngược có thể gây đau đớn, khó chịu và có thể bị nhiễm trùng nếu không được điều trị. Do đó, người bệnh nên tìm hiểu cách nhổ lông mọc ngược và các biện pháp xử lý khác để tránh các rủi ro liên quan.
Lông mọc ngược là gì?
Lông mọc ngược là tình trạng lông phát triển ngược vào da thay vì mọc lên trên bề mặt da. Tình trạng này phổ biến ở những người có tóc dày, thô hoặc xoăn. Về mặt y học, lông mọc ngược được còn được gọi là viêm nang lông do lông mọc ngược.
Lông mọc ngược có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Tuy nhiên tình trạng này thường phát triển ở những khu vực da bị cao hoặc ma sát nhiều, chẳng hạn như:
- Cằm (râu)
- Chân
- Nách
- Vùng lông mu
Lông mọc ngược có thể dẫn đến một số triệu chứng, chẳng hạn như:
- Ngứa da hoặc kích ứng xung quanh nang lông
- Phát ban
- Nổi mụn mủ nhỏ như mụn trứng cá
Tại vị trí lông mọc ngược thường hình thành một vết lồi trên da, có thể bắt đầu như mụn nhọt. Sau một thời gian, vết sưng sẽ chuyển thành màu đỏ, trở nên nhạy cảm, kích ứng và chứa đầy mủ.
Có nên nhổ lông mọc ngược không?
Nhổ lông là một thói quen phổ biến với mong muốn loại bỏ lông không mong muốn hoặc cải thiện các vấn đề rậm lông. Rậm lông có thể dẫn đến khó chịu về mặt tinh thần và gây mất thẩm mỹ. Ngoài ra, quá nhiều lông ở một số vị trí khác nhau có thể làm tăng nguy cơ ngứa ngáy hoặc tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Việc nhổ lông bằng nhíp, cạo hoặc wax lông không đúng cách có thể dẫn đến nhiều rủi ro không mong muốn, bao gồm lông mọc ngược.
Mặc dù nhổ lông rất phổ biến, tuy nhiên người bệnh có nên nhổ lông mọc ngược hay không? Theo các chuyên gia, trước khi nhổ lông, người bệnh cần cân nhắc không nhổ lông ở các vị trí đặc biệt, chẳng hạn như:
- Bên trong mũi
- Lông trên nốt ruồi
- Lông mọc ngược
Do đó các chuyên gia cho biết, nhổ lông mọc ngược có thể dẫn đến nhiễm trùng và để lại sẹo. Đặc biệt, người bệnh không nên nhổ lông mọc ngược ở các vị trí nhạy cảm, chẳng hạn như núm vú hoặc mạch. Da ở các khu vực này thường rất nhạy cảm, do đó nhổ lông sẽ gây đau đớn, kích ứng da và có thể dẫn đến hình thành sẹo.
Cách nhổ lông mọc ngược tại nhà an toàn và hiệu quả
Mặc dù mọi người không nên nhổ lông mọc ngược, tuy nhiên có một số biện pháp có thể hỗ trợ và loại bỏ lông mọc ngược hiệu quả. Cụ thể, người bệnh có thể tham khảo các cách nhổ lông mọc ngược như sau:
1. Không cố gắng nhổ lông mọc ngược
Khi nhổ lông, mục đích là để kéo các sợi lông ra khỏi da tận gốc rễ. Tuy nhiên, lông mọc ngược nằm sâu bên dưới da, do đó người bệnh không nên làm rách da để lấy sợi lông mọc ngược ra bên ngoài. Điều này có thể khiến lông bị đứt và phát triển ngược lại vào nang lông.
2. Làm mềm nang lông
Người bệnh có thể sử dụng khăn ấm hoặc bàn chải lông mềm để làm mềm các nang lông. Sử dụng một chiếc khăn mỏng, nhúng vào nước ấm, đắp lên vùng lông mọc ngược để làm ấm và thư giãn các lỗ chân lông và nang lông. Xoa khăn theo các chuyển động tròn nhẹ nhàng để làm sạch và làm mềm các nang lông.
Nếu chườm khăn không mang lại hiệu quả, người bệnh có thể chà bàn chải đánh răng thật mềm theo chuyển động tròn lên khu vực lông mọc ngược để làm thông thoáng các nang lông và làm bật lông mọc ngược.
3. Sử dụng nhíp nhổ lông mọc ngược
Sau khi sợi lông mọc ngược đã nhô lên bề mặt da, người bệnh có thể sử dụng nhíp đã tiệt trùng để nhổ lông mọc ngược.
Chỉ nhổ lông mọc ngược khi lông đã nhô lên khỏi bề mặt da. Không cố gắng ấn sâu dưới da để nhổ lông, điều này có thể gây tổn thương da và nhiễm trùng.
Khi nhổ lông mọc ngược cần nhẹ nhàng để tránh gây đứt sợi lông. Nếu lông không được nhổ bỏ hoàn toàn, lông có thể mọc ngược trở lại và gây viêm nang lông. Luôn luôn nhổ lông theo chiều lông mọc thay vì ngược lại. Điều này có thể tránh tình trạng gãy, đứt lông và hạn chế khả năng lông mọc ngược cũng như tránh gây tổn thương các nang lông.
Trong một số trường hợp, lông mọc ngược có thể xuất hiện dưới dạng một vòng móc vào da, ngọn lông đậm ngược xuống thay vì phát triển lên cao. Lúc này, người bệnh có thể xỏ kim bên dưới vòng móc, sau đó giật nhẹ. Dùng nhíp nhổ lông mọc ngược nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương da.
Ngoài ra, nếu sau khi chườm ấm mà lông mọc ngược không nhô lên khỏi bề mặt da, người bệnh nên để lông có thời gian tự khỏi. Người bệnh không nên cố gắng chọc vào da để nhổ lông mọc ngược. Điều này có thể gây tổn thương da, gây chảy máu và nhiễm trùng.
Biện pháp khác để loại bỏ lông mọc ngược
Trong một số trường hợp lông mọc ngược có thể tái phát thường xuyên, gây khó chịu và đau đớn. Nếu lông mọc ngược tái phát thường xuyên, người bệnh có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về các biện pháp triệt lông khác. Các biện pháp này có thể bao gồm triệt lông bằng kem theo toa hoặc triệt lông bằng laser.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, người bệnh có thể tham khảo cách nhổ lông mọc ngược tại nhà, chẳng hạn như:
1. Sử dụng sản phẩm không kê đơn
Một số sản phẩm không kê đơn có thể điều trị và ngăn ngừa tình trạng lông mọc ngược. Các sản phẩm này thường có chứa axit salicylic với tác dụng mở các lỗ chân lông và nang lông, ngăn ngừa các lỗ chân lông bị tắc nghẽn.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể thoa tinh dầu tràm trà pha loãng lên lông mọc ngược để hỗ trợ loại bỏ lông. Ngoài ra, tinh dầu tràm trà cũng có thể mang lại một số lợi ích, chẳng hạn như:
- Tiêu diệt vi khuẩn
- Giảm mẩn đỏ
- Giảm sưng
2. Tẩy tế bào da chết
Tẩy da chết có thể loại bỏ lớp da trên bề mặt của lông mọc ngược. Người bệnh có thể thường xuyên tẩy tế bào chết để làm thiểu nguy cơ lông mọc ngược. Một số thành phần thường được sử dụng để ngăn ngừa lông mọc ngược bao gồm:
- Đường
- Bột cà phê
- Muối
- Baking soda
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể tham khảo một số hóa chất tẩy tế bào chết, chẳng hạn như:
- Axit alpha hydroxy (AHA): AHA hoạt động bằng cách phá vỡ các liên kết tế bào da chết trên bề mặt da và loại bỏ các hạt da chết một cách tự nhiên.
- Axit beta hydroxy (BHA): BHA có thể áp dụng trực tiếp lên da để loại bỏ các tế bào da chết và hỗ trợ loại bỏ lông mọc ngược.
3. Tẩy lông đúng cách
Trước khi tẩy hoặc wax lông, người bệnh cần vệ sinh khu vực bị ảnh hưởng bằng xà phòng nhẹ nhàng và nước ấm. Sử dụng kem hoặc gel cạo râu dưỡng ẩm để giảm ma sát và ngăn ngừa tổn thương da.
Khi cạo râu, hãy sử dụng dao cạo mới, sắc bén để tránh gây tổn thương, kích ứng và lông mọc ngược. Các lưỡi dao cùn có thể để lại những vết cắt nhỏ, không thể nhìn thấy bằng mắt thường, điều này có thể tăng nguy cơ mọc ngược. Ngoài ra, tránh cạo lông quá sát để hạn chế các rủi ro liên quan.
Các biện pháp phòng ngừa lông mọc ngược
Cách tốt nhất để phòng ngừa lông mọc ngược là không cạo lông, nhổ lông hoặc tẩy lông. Tuy nhiên điều này thường khó thực hiện. Do đó, người bệnh có thể ngăn ngừa tình trạng lông mọc ngược với một số lưu ý, chẳng hạn như:
- Vệ sinh da sạch sẽ trước khi cạo lông có thể giảm nguy cơ nhiễm trùng và ngăn ngừa lông mọc ngược. Người bệnh cần rửa da sạch bằng xà phòng nhẹ và nước ấm, sau đó thoa các chất bôi trơn, kem cạo râu hoặc gel cạo râu để ngăn ngừa các tổn thương liên quan.
- Sử dụng dao cạo được thiết kế để giảm nguy cơ lông mọc ngược. Ngoài ra, nếu dao cạo đã sử dụng nhiều lần, hãy thay dao mới để tránh nguy cơ lông mọc ngược.
- Tẩy lông bằng laser có thể loại bỏ lông ở mức độ sâu hơn và làm tổn thương các nang lông, điều này có thể ngăn ngừa lông mọc trở lại.
- Tẩy lông bằng hóa chất có thể ngăn ngừa tình trạng lông mọc ngược nhưng có thể gây kích ứng da. Do đó, trước khi tẩy lông hóa chất, người bệnh nên thử thuốc tẩy lông trên một vùng da nhỏ trước khi sử dụng trên diện rộng.
- Điện phân triệt lông là phương pháp triệt lông vĩnh viễn có thể phá hủy các nang lông, ngăn ngừa lông mọc trở lại.
Nhổ lông mọc ngược cần được nhổ đúng cách để tránh gây kích ứng da và dẫn đến nhiễm trùng. Người bệnh không nên nhổ lông bên dưới da hoặc lông chưa nhô lên khỏi bề mặt da để tránh các rủi ro liên quan.
Nếu các triệu chứng lông mọc ngược không được cải thiện, người bệnh nên đến bệnh viện và trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.
Có thể bạn quan tâm: 10 cách làm thông thoáng lỗ chân lông đơn giản tại nhà
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!