Lông mọc ngược là gì? Dấu hiệu, cách xử lý, phòng ngừa
Nội dung bài viết
Lông mọc ngược có thể dẫn đến các vết sưng da, đau đớn và ngứa. Tình trạng này thường không nghiêm trọng, tuy nhiên đôi khi lông mọc ngược có thể gây nhiễm trùng và cần điều trị y tế để tránh các rủi ro không mong muốn.
Lông mọc ngược là gì?
Lông mọc ngược xảy ra khi lông mọc ngược trở vào da thay vì lên trên bề mặt. Tình trạng này thường xảy ra sau khi cạo lông hoặc sử dụng nhíp để loại bỏ lông. Các triệu chứng phổ biến có thể bao gồm gây viêm nang lông, đau và nổi mụn li ti ở khu vực bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, lông mọc ngược cũng phổ biến ở những người triệt lông, đặc biệt là ở nam giới. Tuy nhiên lông mọc ngược có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai loại bỏ lông bằng cách cạo, nhổ hoặc tẩy lông.
Thông thường lông mọc ngược không nguy hiểm và không cần điều trị. Tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể gây nhiễm trùng, đau đớn, nổi mụn đỏ hoặc gây viêm da nghiêm trọng. Trong trường hợp này, người bệnh nên có biện pháp xử lý và chăm sóc da phù hợp để tránh các rủi ro liên quan.
Các triệu chứng và dấu hiệu lông mọc ngược
Lông mọc ngược thường phổ biến ở vùng râu, bao gồm cằm, má và đặc biệt là cổ. Các khu vực khác có thể phát triển tình trạng này bao gồm nách, vùng mu và chân. Ngoài ra, những người cạo trọc đầu cũng có thể bị lông mọc ngược.
Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:
- Xuất hiện một vết sưng đỏ nổi lên hoặc một nhóm các vết sưng tương tự như các nốt mụn trứng cá
- Mụn có mủ hoặc chất dịch gây đau đớn
- Ngứa da
- Khó chịu
- Lông xoăn
- Sạm da (tăng sắc tố tại khu vực bị ảnh hưởng)
Trong một số trường hợp, lông mọc ngược có thể phát triển thành các khối u nang. Ban đầu khối u có thể giống như nốt mụn bọc nhỏ, màu đỏ có lông ở bề mặt. Theo thời gian nếu lông mọc ngược không được điều trị, tình trạng này có thể phát triển lớn hơn, có màu đỏ, trắng hoặc vàng và đau đớn khi chạm vào.
Mặc dù u nang lông mọc ngược có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trong cơ thể, tuy nhiên tình trạng này thường phát triển ở các khu vực, chẳng hạn như:
- Nách
- Khuôn mặt
- Đầu
- Cổ
- Chân
- Vùng mu
U nang lông mọc ngược có thể gây nhiễm trùng, đau đớn và cần được điều trị để tránh các rủi ro liên quan.
Nguyên nhân gây lông mọc ngược
Lông mọc ngược có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, tuy nhiên tình trạng này thường phổ biến ở người có tóc xoăn hoặc thô. Lông tóc xoăn thường có nhiều nguy cơ phát triển ngược vào da, đặc biệt là sau khi cạo hoặc cắt.
Một số người có nồng độ hormone giới tính cao có thể có nhiều lông, tóc hơn những người khác. Điều này có thể tăng nguy cơ phát triển lông mọc ngược.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể phát triển lông mọc ngược nếu:
- Kéo da căng trong quá trình cạo lông, điều này khiến lông bị cắt (nhổ) bị hút ngược vào da và không mọc ra được.
- Nhổ lông bằng nhíp cũng có thể để lại các mảnh lông vụn dưới bề mặt da và dẫn đến lông mọc ngược.
- Sau khi lông xâm nhập vào da, da sẽ phản ứng như phản ứng với dị vật, dẫn đến viêm nhiễm, đau đớn.
Lông mọc ngược có nguy hiểm không?
Trong hầu hết các trường hợp lông mọc ngược không nguy hiểm và có thể tự khỏi. Tuy nhiên đôi khi đôi khi tình trạng này có thể dẫn đến một số rủi ro, chẳng hạn như:
- Nhiễm trùng (do gãi)
- Sạm da (tăng sắc tố)
- Hình thành sẹo (thường là sẹo lồi)
- Nhiễm khuẩn Pseudofolliculitis barbae, còn được gọi là nổi mẩn đỏ nhiễm khuẩn do dao cạo
Trong một số trường hợp lông mọc ngược có thể gây u nang lông. Tình trạng này thường xảy ra khi lông và da vụn tích tụ ở gốc xương cụt, giữa mông. U nang lông có thể gây đau đớn dữ dội và sưng phù ở khu vực ảnh hưởng. Đôi khi người bệnh có thể cần phẫu thuật để điều trị.
Cách xử lý lông mọc ngược như thế nào?
Lông mọc ngược có thể không cần điều trị. Tuy nhiên cách tốt nhất để xử lý tình trạng này là ngừng cạo, nhổ hoặc tẩy lông cho đến khi các triệu chứng được cải thiện, thường mất từ 1 – 6 tháng.
Nếu không thể ngừng cạo, nhổ, tẩy lông, người bệnh nên cân nhắc triệt lông bằng laser hoặc các phương pháp triệt lông ở mức độ sâu và ức chế lông mọc lại hiệu quả. Tuy nhiên điều trị bằng laser có thể gây ra mụn nước, sẹo và sạm da, mặc dù điều này không phổ biến.
Ngoài ra, tùy theo mức độ nghiêm trọng và vị trí lông mọc ngược, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp xử lý như:
1. Ngừng cạo lông
Ngừng tẩy lông, cạo hoặc nhổ lông ở khu vực bị tổn thương cho đến khi lông mọc ngược biến mất.
Việc tiếp tục cạo hoặc tác động đến khu vực đó có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Gãi ngứa hoặc cố gắng loại bỏ lông mọc ngược có thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và đau đớn hơn. Trong một số trường hợp, việc cố gắng loại bỏ lông có thể gây nhiễm trùng da và để lại sẹo.
2. Chườm ấm
Chườm ấm lên khu vực bị tổn thương có thể hỗ trợ giảm đau, kích thích mụn nước tự vỡ và loại bỏ lông dễ dàng hơn.
Người bệnh cũng có thể chà khăn ướt hoặc bàn chải đánh răng mềm theo chuyển động tròn lên da để loại bỏ lông mọc ngược.
3. Tẩy da chết
Nhẹ nhàng vệ sinh và tẩy tế bào chết xung quanh phần lông mọc ngược có thể khiến lông mọc lên trên bề mặt da. Trong các trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể kê các loại thuốc tẩy tế bào da chết mạnh hơn để giúp lông bong ra nhanh hơn.
4. Kéo lông ra nhẹ nhàng
Khi lông mọc ngược đã nổi lên bề mặt da, người bệnh có thể sử dụng nhíp để kéo lông ra khỏi cơ thể nhẹ nhàng.
Tuy nhiên không cố gắng nhổ lông cho đến khi da lành lại để tránh trường hợp da lành lại trên lông. Điều này có thể khiến lông mọc sâu hơn vào da và gây nhiễm trùng.
5. Sử dụng kem chống viêm
Nếu lông mọc ngược dẫn đến nổi mẩn đỏ, viêm nhiễm, bác sĩ có thể kê các loại thuốc dạng kem bôi steroid. Thoa kem steroid có thể hỗ trợ giảm sưng tấy và kích ứng xung quanh khu vực lông mọc ngược.
6. Sử dụng retinoids
Retinoids chẳng hạn như tretinoin có thể tăng tốc độ tẩy tế bào da chết và hỗ trợ xóa các mảng da sẫm màu hình thành do lông mọc ngược. Một số loại Retinoids có sẵn không cần kê đơn, tuy nhiên các loại Retinoids mạnh hơn có thể gây khô da và cần được sử dụng dưới sự chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, không sử dụng sản phẩm Retinoids cho phụ nữ mang thai, dự định mang thai và cho con bú. Thuốc này được xem là có nguy cơ dẫn đến dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
7. Trị lông mọc ngược ở vùng kín
Trong trường hợp u nang lông mọc ngược ở vùng kín, gây viêm và đau đớn, người bệnh có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về các biện pháp điều trị, chẳng hạn như:
- Thuốc không kê đơn có chứa benzoyl peroxide hoặc retinoids có thể làm giảm màu và giảm kích thước của u nang.
- Không được làm vỡ u nang lông mọc ngược để tránh nguy cơ nhiễm trùng và hình thành sẹo. Người bệnh cũng không nên cố gắng dùng nhíp hoặc dụng cụ để nhổ lông mọc ngược. Tại thời điểm hình thành u nang, lông mọc ngược đã phát triển sâu dưới da và không thể loại bỏ thủ công.
- Chà nhẹ lên u nang bằng khăn ấm vài lần mỗi ngày để kích thích u nang tự vỡ.
Ngoài ra, nếu có dấu hiệu nhiễm trùng hãy đến gặp bác sĩ để được kê đơn thuốc kháng sinh tại chỗ hoặc kháng sinh đường uống. Thuốc kháng sinh có thể hỗ trợ giảm viêm, cải thiện cơn đau và ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan hoặc trở nên nghiêm trọng hơn.
Biện pháp khắc phục tại nhà cho lông mọc ngược
Trong hầu hết các trường hợp, lông mọc ngược có thể được điều trị bằng các phương pháp tại nhà. Cụ thể, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp chẳng hạn như:
- Tinh dầu tràm trà: Tinh dầu tràm trà có thể tiêu diệt vi khuẩn và giảm sưng tấy hiệu quả, thường được sử dụng để điều trị mụn trứng cá và lông mọc bên dưới da. Người bệnh có thể trộn tinh dầu tràm trà với nước để làm loãng tinh dầu và dùng bông gòn để thoa lên khu vực lông mọc ngược.
- Đường: Đường là một chất tẩy tế bào chết từ nhiên. Người bệnh có thể trộn đường với dầu ô liu hoặc mật ong để dưỡng ẩm da và diệt khuẩn. Thoa hỗn hợp này lên da theo chuyển động tròn, sau đó rửa lại với nước sạch để cải thiện tình trạng lông mọc ngược.
- Baking soda: Baking soda có thể tẩy tế bào chết và giảm viêm da. Người bệnh có thể trộn 1 thìa baking soda với 1 cốc nước, dùng tăm bông để thoa hỗn hợp lên da và rửa lại bằng nước sạch.
Phòng ngừa lông mọc ngược
Cách tốt nhất để ngăn ngừa lông mọc ngược là không cạo, nhổ hoặc tẩy lông. Tuy nhiên, nếu người bệnh cần tiếp tục các biện pháp cạo, nhổ hoặc tẩy lông, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như:
- Vệ sinh da với nước ấm và sữa rửa mặt hoặc sữa tắm nhẹ nhàng trước khi cạo lông.
- Thoa kem hoặc gel bôi trơn lên lông vài phút trước khi cạo lông để làm mềm lông và hạn chế các rủi ro. Ngoài ra, chườm ấm lên khu vực cần cạo lông trước khi cạo cũng có thể hỗ trợ ngăn ngừa lông mọc ngược.
- Sử dụng các loại dao cạo sắc bén mỗi khi cạo lông để tránh để sót lại các mảnh vụn lông ở dưới da.
- Cạo lông theo chiều lông mọc và hạn chế cạo sát bề mặt da.
- Hạn chế kéo căng da khi cạo lông.
- Rửa sạch da và thoa kem dưỡng ẩm sau khi cạo.
- Rửa sạch dao cạo để ráo nước theo chiều thẳng đứng sau mỗi lần cạo.
Ngoài ra, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp tẩy lông khác ngăn ngừa lông mọc ngược, chẳng hạn như:
- Sử dụng dao cạo điện: Với các loại dao cạo bằng điện, lông sẽ được cao với tốc độ và lực tác động tương tự nhau. Điều này có thể hạn chế tối đa các kích ứng và rủi ro liên quan. Khi sử dụng dao cạo điện, giữ chặt dao cạo cách xa da một chút để tránh cạo lông quá sát.
- Tẩy lông hóa chất: Một số loại hóa chất có thể tẩy lông sạch và hạn chế rủi ro lông mọc ngược. Tuy nhiên một số loại thuốc tẩy lông có thể gây kích ứng da, do đó người dùng cần thử mức độ kích ứng trên một vùng da nhỏ trước khi áp dụng trên diện rộng.
- Kem giảm sự phát triển lông: Một số sản phẩm được sản xuất để hạn chế sự phát triển của lông có thể ức chế quá trình hình thành lông. Các sản phẩm này có thể cần sử dụng dưới sự kê đơn của bác sĩ, do đó người dùng nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
- Tẩy lông bằng laser: Tẩy lông bằng laser là một giải pháp lâu dài đối với lông mọc ngược. Phương pháp này loại bỏ lông ở mức độ sâu hơn, làm tổn thương các nang lông và ngăn ngừa lông mọc trở lại. Tẩy lông bằng laser có thể cần vài tuần đến vài tháng để đạt hiệu quả tốt nhất, tuy nhiên kết quả thường là vĩnh viễn. Bên cạnh đó, tẩy lông bằng laser thường có chi phí cao.
Tham khảo thêm: 12+ cách trị viêm nang lông hiệu quả nhất tại nhà
Lông mọc ngược khi nào cần đến bệnh viện?
Trong hầu hết các trường hợp lông mọc ngược không nghiêm trọng và không cần được chăm sóc y tế chuyên nghiệp. Người bệnh có thể cải thiện các triệu chứng tại nhà và hạn chế tác động đến khu vực bị ảnh hưởng để cải thiện các triệu chứng.
Nếu tình trạng lông mọc ngược gây hình thành khối u nang, đau đớn, khó chịu hoặc khi các triệu chứng không được cải thiện, người bệnh có thể cần đến bệnh viện để được chăm sóc sức khỏe da liễu phù hợp. Bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp loại bỏ lông mọc ngược và làm tiêu u nang hiệu quả, an toàn.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên đến bệnh viện chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp nếu nghi ngờ nhiễm trùng. Các dấu hiệu nhiễm trùng có thể bao gồm:
- Có mủ chảy ra từ vị trí lông mọc ngược
- Khu vực bị ảnh hưởng trở nên đỏ, sưng
- Ngứa
- Đau nghiêm trọng nghiêm trọng theo thời gian
Lông mọc ngược là tình trạng phổ biến, không nghiêm trọng và không cần điều trị y tế. Tuy nhiên nếu người bệnh có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc khi các dấu hiệu không được cải thiện, người bệnh có thể cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị y tế phù hợp.
Có thể bạn quan tâm: 10 cách làm thông thoáng lỗ chân lông đơn giản tại nhà
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!