Lác Đồng Tiền Ở Trẻ Em: Dấu Hiệu Và Cách Điều Trị
Nội dung bài viết
Lác đồng tiền ở trẻ em là căn bệnh nhiễm nấm da khiến mọi ông bố bà mẹ đều đau đầu, do còn nhỏ bé cũng không thể có ý thức chữa bệnh được như người lớn. Hãy cùng VHEA Việt Nam tìm hiểu kĩ căn bệnh này ở trẻ và cách chữa trị nhanh nhất cũng như cách phòng chống hiệu quả để giúp bố mẹ bớt đi một nỗi lo!
Lác đồng tiền ở trẻ em là gì? Có nguy hiểm không?
Lác đồng tiền ở trẻ em cũng giống như lác đồng tiền ở người lớn do các loại vi nấm da gây ra. Lác đồng tiền có tên gọi phổ thông hơn bệnh hắc lào.
Khi phát bệnh, trên da trẻ sẽ xuất hiện những đốm gây ngứa rất đặc trưng, rõ ràng tròn như đồng tiền, bên trong có màu sáng hơn so với viền. Vết đốm tròn này sẽ to dần ra biểu thị sự lan rộng của nấm.
Thông thường bé sẽ bị từ 1 – 5 nốt như vậy, nếu nhiều hơn thì rất có thể bé đang ở thể bệnh nặng.
Bé có thể bị ở các vị trí dễ nhìn như chân tay bụng hoặc các khe kẽ như nách, khe ngón tay, ngón chân, bẹn hoặc ở móng tay, móng chân, da đầu. Ở các vùng khe kẽ thì các đốm này càng gây ngứa dữ dội hơn.
Lác đồng tiền khiến cho trẻ rất bứt rứt, khó chịu, đối với trẻ sơ sinh bị lác đồng tiền thì còn rất hay khóc gắt vì bệnh.
Nếu bố mẹ không tìm cách điều trị sớm và điều trị tận gốc bệnh, hắc lào có thể trở nặng gây ra bội nhiễm hoặc trở thành bệnh mãn tính ở trẻ.
Nguyên nhân lác đồng tiền ở trẻ em
Có nhiều nguyên nhân điển hình dẫn tới bệnh lác đồng tiền ở trẻ nhỏ mà bố mẹ thường sơ ý bỏ qua:
Sự lây lan
Bệnh lác đồng tiền có thể lây từ người lớn sang trẻ nhỏ, từ động vật nuôi sang trẻ nhỏ và từ các đồ vật có tế bào nấm sinh sống trên đó.
Điều này đồng nghĩa với việc môi trường bé đang sống và tiếp xúc có mầm bệnh hoặc bé bị lây từ chính bố mẹ, anh chị em trong gia đình hay các bạn trên lớp.
Khả năng lây lan của bệnh rất lớn và trẻ em chính là đối tượng hàng đầu do hệ miễn dịch của các bé vẫn chưa phát triển hoàn thiện, yếu hơn người lớn rất nhiều.
Không chỉ vậy, ngay cả các vật dụng như chăn, ga, đệm bé thường hay tiếp xúc hay sân, sàn nhà, bàn, ghế, đồ chơi hàng ngày cũng có thể tiềm tàng những mầm bệnh.
Bởi nấm có thể tồn tại trên các đồ vật trong khoảng 20 tháng trời nếu không được vệ sinh, tiêu hủy.
Ngoài ra có ý kiến cho rằng lác đồng tiền di truyền theo thế hệ vì trẻ sơ sinh cũng mắc bệnh, điều này không đúng vì nấm gây bệnh thuộc loại nấm cạn chỉ tồn tại trên da hoặc bề mặt đồ vật, quần áo,…
Lác đồng tiền ở trẻ sơ sinh có thể là do mẹ bị hắc lào sơ ý lây cho bé khi cho bé bú, ẵm bé. Hoặc do những người thân đến chơi với mẹ và bé lây truyền căn bệnh này.
Vấn đề vệ sinh thân thể
Vệ sinh kém hoặc vệ sinh sai cách có thể khiến da trẻ bị tổn thương từ đó biểu bì da rất dễ trở thành đối tượng để nấm, vi khuẩn tấn công. Trước hết, trẻ em rất hiếu động và cũng thường ra rất nhiều mồ hôi.
Trên biểu bì da thì có rất nhiều vi khuẩn, nấm trú ngụ, khi không được tắm rửa sạch sẽ thì nhờ mồ hôi chúng sẽ dễ dàng tấn công vào da của bé nhất là những vùng gấp, khe kẽ. Quần áo bẩn không thường xuyên giặt cũng là môi trường lý tưởng của nấm.
Đối với trường hợp vệ sinh sai cách đó là khi bố mẹ đôi cho bé sử dụng các loại xà phòng dành cho người lớn, sát khuẩn quá mạnh, ăn mòn quá mạnh trong khi da trẻ em rất mỏng, nhạy cảm.
Chính vì vậy khi tắm và sử dụng nhiều hóa chất không phù hợp da bé bị tổn thương, mỏng manh hơn.
Không gian sinh hoạt
Không gian sinh hoạt của bé quá bẩn, quá nhiều bụi bặm hoặc thiếu ánh sáng, thiếu không khí gây ẩm thấp, bí cũng có thể khiến bé dễ bị lác đồng tiền vì đây chính là môi trường tồn tại hoàn hảo của nấm.
Sống trong không gian có môi trường nóng ẩm, thiếu ánh nắng mặt trời vừa khiến bé ra nhiều mồ hôi và da đào thải nhiều tế bào chết vừa khiến hệ miễn dịch của bé yếu đi.
Ngoài ra do thể trạng cơ địa hoặc thời tiết diễn biến thất thường cũng có thể là gây hắc lào, nấm đồng xu ở trẻ. Như vậy ta đã tìm ra các nguyên nhân chính dẫn tới lác đồng tiền ở trẻ em, đây là căn bệnh vô cùng phiền toái dù không nguy hiểm tới tính mạng.
Trẻ em bị lác đồng tiền dù có thể phục hồi sớm song quá trình chữa trị lại cần chú ý vì các bé không thể ý thức như người lớn.
Dấu hiệu nhận biết lác đồng tiền ở trẻ nhỏ
Chỉ cần để ý một chút ta có thể nhận biết ngay trẻ có bị lác đồng tiền không qua một số dấu hiệu. Về cơ bản lác đồng tiền ở trẻ nhỏ cũng không quá khác so với người lớn.
- Cơ thể trẻ xuất hiện lờ mờ một hoặc một số đốm đỏ có hình tròn, bầu dục với viền đỏ rõ ràng, bên trong màu da nhạt hơn. Ở viền ngoài có thể có cả bọng nước nhỏ, li ti mọc ken nhau. Những đốm này có dấu hiệu phát triển bằng cách tăng diện tích vòng tròn và đậm nét hơn.
- Trẻ luôn trong tình trạng ngứa, khó chịu, trẻ sơ sinh có thể trở nên cáu gắt, chán ăn, khóc nhiều đặc biệt khi những vết đỏ này gặp mồ hôi hay khi trẻ mặc quần áo bó sát không thấm nước.
- Trẻ luôn gãi sột soạt các vùng da nổi phát ban và khiến những vết này lây lan theo diện rộng. Những vết đỏ này còn có thể lây lan sang cả anh chị em, bố mẹ, các em bé khác nếu tiếp xúc thường xuyên với trẻ.
Đối với trẻ sơ sinh, mẹ nên kiểm tra cơ thể bé hàng ngày đặc biệt là ở các khe kẽ, nếp gấp, móng tay, móng chân, da đầu, gáy,… do bé còn rất nhỏ, chỉ có thể biểu hiện như cáu gắt, chán ăn là chủ yếu.
Cách chữa trị bệnh lác đồng tiền, hắc lào ở trẻ em
Để chữa hắc lào ở trẻ em bố mẹ cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ trong suốt quá trình điều trị, nên nhớ bác sĩ sẽ cho sử dụng thuốc ngay cả khi trên da bé đã hết nấm, việc này giúp ngăn ngừa khả năng tái phát bệnh.
Các phương pháp truyền tai chỉ nên tham khảo và hỏi ý kiến bác sĩ thật kĩ trước khi áp dụng. Có thể áp dụng các phương pháp tây y, đông y kết hợp cùng chăm sóc tại nhà.
Chữa lác đồng tiền ở trẻ nhỏ với tây y
Các loại thuốc phổ biến dùng cho trẻ trong trị lác đồng tiền thường ở dạng bôi như tolnaftate, clotrimazole hay miconazole với liều lượng nhỏ tùy theo độ tuổi và tình trạng bệnh của bé.
Các loại thuốc này phải được bôi đúng liều, đúng thời gian theo đúng yêu cầu của bác sĩ.
Bên cạnh đó, mẹ có thể sử dụng các loại sữa tắm dành cho da bé nhạy cảm đang gặp các vấn đề về nấm da, mẩn ngứa, lác đồng tiền.
Có thể kể đến sữa tắm Dr. Eddie, Sulfur 8 kids,v.v… Đọc kĩ thành phần trước khi sử dụng và nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Ở trẻ có thể xảy ra nhiều hiện tượng như ốm, sốt, bỏ ăn, trớ, đi ngoài, ủ rũ, mệt mỏi hoặc những dấu hiệu khác do thuốc trị nấm có tác dụng rất mạnh khi sử dụng dạng viên, các mẹ nên theo dõi sát sao.
Trong trường hợp tác dụng phụ của thuốc kéo dài, trẻ lên dị ứng phát ban, bệnh trở nặng hơn thì cần báo gấp với bác sĩ và tạm ngưng sử dụng thuốc.
Chữa lác đồng tiền ở trẻ nhỏ bằng đông y
Nếu mẹ muốn sử dụng các phương pháp y học cổ truyền bằng các loại thảo dược thiên nhiên, mẹ cần tới các bệnh viện lớn uy tín. Không nên tự ý chữa theo các cách truyền tai, các ý kiến trên mạng,…
Dù đông y rất lành tính nhưng phải cần người có chuyên môn cao mới có thể giúp mẹ chữa bệnh tận gốc cho bé.
Những bài thuốc Đông y là sự kết hợp của nhiều loại dược liệu tự nhiên cộng lại, được gia giảm theo một công thức nhất định và phụ thuộc vào cơ địa cũng như mức độ bệnh của từng người.
Do đó, nếu muốn áp dụng phương pháp điều trị Đông y hiệu quả, mẹ nên cho bé đến thăm khám và được thầy thuốc trực tiếp kê đơn và bốc thuốc.
Cách trị lác đồng tiền tại nhà
Trước khi bôi thuốc cần vệ sinh sạch sẽ, khô ráo và mặc quần áo mỏng, thấm hút bên ngoài. Tránh không cho bé gãi vào các vết ngứa vì có khả năng lan rộng lác đồng tiền.
Trong thời gian này, mẹ cố gắng giữ bé ở trong môi trường mát mẻ, có điều hòa và hạn chế nô đùa để cơ thể giảm tiết ra mồ hôi.
Thường xuyên tắm rửa và cho bé mặc quần áo mới, đã được phơi khô dưới ánh mặt trời mỗi ngày, trước khi giặt thì ngâm quần áo cũ với nước sôi khoảng 5 – 10 phút. Thực hiện việc này từ khi bé bị bệnh đến khoảng 2 – 3 tháng sau khi khỏi hoàn toàn.
Mẹ có thể tham khảo bài thuốc với cây so đũa hoặc chuối xanh như sau, nên nhớ chỉ thực hiện dưới sự giám sát hoặc trao đổi với bác sĩ. Bài thuốc này chỉ thực hiện cho trẻ trên 2 tuổi, đối với trẻ nhỏ hơn, bắt buộc sử dụng các phương pháp tây y.
Chuẩn bị: 1 chút cây so đũa (đậu đũa) hoặc một quả chuối xanh mới hái.
Sơ chế: Rửa sạch và để ráo nước nguyên liệu.
Thực hiện: Đối với cây so đũa, giã nát hoặc xay nát cây rồi lọc lấy nước cốt. Sau đó bôi nước cốt này lên phần da bị lác đồng tiền để trong khoảng 1 giờ rồi lau sạch với nước ấm.
Đối với chuối xanh, thái lát mỏng rồi đắp lên vùng da bệnh trong khoảng 30 phút rồi bỏ ra sau đó lau sạch và vệ sinh lại da.
Tần suất: Mỗi ngày thực hiện khoảng 2-3 lần sau khi tắm cho bé sạch sẽ và làm tới khi nào bé khỏi bệnh hẳn.
Đối với các phương pháp điều trị tại nhà, trẻ sẽ không bị biến chứng tiêu chảy, chán ăn như tây y nhưng vẫn có khả năng dị ứng rất cao.
Khi phát hiện trẻ xuất hiện nhiều thêm những vết hắc lào hay nổi ban mẩn ngứa mẹ nên ngưng áp dụng phương pháp bôi đắp này ngay và cho trẻ đi khám.
Ngoài ra mẹ nên để ý tới không gian sinh hoạt của bé, hãy loại bỏ những đồ vật, quần áo quá cũ, chỉ giữ lại những đồ vật cần thiết trong thời gian này.
Các đồ vật bé sử dụng cũng cần trụng nước sôi và nếu được thì nên bỏ đi sau khi bé hết bệnh. Đặc biệt nên cho bé nằm riêng chăn gối, không chung đụng với người lớn, anh chị em để tránh lây nhiễm cho mọi người.
Phòng chống hắc lào trẻ em hiệu quả
Hắc lào – lác đồng tiền là bệnh có khả năng tái nhiễm, lây nhiễm rất cao. Đối với trẻ em việc chữa bệnh lác đồng tiền còn khó khăn hơn gấp bội.
Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, bố mẹ hãy luôn bảo vệ con em mình bằng cách thực hiện những phương pháp phòng chống hắc lào cho trẻ:
- Luôn giáo dục về vấn đề vệ sinh cá nhân cẩn thận, sạch sẽ cho bé từ khi còn nhỏ, cảnh báo những căn bệnh bé có thể mắc phải nếu hay nghịch bẩn. Thường xuyên cắt gọn móng tay, móng chân.
- Nhắc nhở bé rửa tay xà phòng sau khi đi chơi, sau khi ra ngoài. Lưu ý, nên sử dụng loại xà phòng lành tính, không sát khuẩn quá cao.
- Vệ sinh vật dụng cá nhân, vật dụng xung quanh bé.
- Luôn để ánh nắng mặt trời tiếp cận tới khu vực sinh hoạt của bé, luôn để không khí lưu thông trong phòng.
- Khi bé đùa nghịch ra nhiều mồ hôi nên lau người cho bé bằng khăn ẩm sạch rồi lau thật khô lại người và thay quần áo mới cho bé. Vào mùa nóng bật quạt, bật điều hòa thoáng mát cho bé, nên cho bé vui chơi trong nhà khi nắng nóng.
- Nhắc nhở bé thường xuyên đi giày dép và hạn chế đụng chạm vào các đồ vật công cộng hay nền đất, những nơi quy tụ nhiều vi khuẩn, virus, nấm.
- Chuẩn bị cho bé chăn gối riêng, túi ngủ nếu bé đi chơi dã ngoại hay ăn bán trú trên lớp. Thường xuyên giặt giũ chúng theo tuần.
- Giáo dục bé không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác.
- Không để bé tiếp xúc với người bị bệnh.
- Bổ sung nhiều vitamin cho bé từ dinh dưỡng, thuốc uống tăng cường (có tham khảo ý kiến bác sĩ) để tăng sức đề kháng của con. Cho bé uống nhiều nước lọc, nước trái cây, ăn nhiều rau, hoa quả mỗi ngày.
Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh lác đồng tiền ở trẻ em. Theo đó da của trẻ em rất nhạy cảm và cần được chăm sóc cẩn thận.
Bố mẹ nên lưu ý để bé tránh xa các mầm bệnh và không tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn, virus sinh sôi trong môi trường sống của bé.
Khi bé bị bệnh, không nên tự chữa trị mà phải nhờ cậy bác sĩ có chuyên môn. Quá trình điều trị bố mẹ phối hợp chặt chẽ với bác sĩ và thực hiện đúng theo những chỉ dẫn.
Lưu ý tới việc lây truyền chéo giữa gia đình vì có thể khiến bệnh tái đi tái lại nhiều lần, ảnh hưởng nhiều tới da của bé.
Đừng bỏ lỡ:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!