Hắc Lào Ở Mông (Lác) Bôi Thuốc Gì Nhanh Khỏi & Lưu Ý Những Gì?
Nội dung bài viết
Là một bệnh da liễu do nấm cực kỳ phổ biến, hắc lào có thể xuất hiện tại mọi vị trí trên cơ thể. Hắc lào ở mông là một trong những dạng hắc lào khó chịu và khó điều trị nhất.
Hắc là ở mông là bệnh gì?
Hắc lào là bệnh da liễu được gây ra bởi nấm thuộc nhóm dermatophytes. Loại nấm sermatophytes này là những sinh vật vô cùng nhỏ ăn các mô chết trên da, móng và tóc.
Giống như các loại nấm có thể mọc trên thân cây, dermatophytes cũng có thể sinh trưởng tốt trên da người, các bề mặt (như sàn nhà tắm) và các vật dụng sử dụng trong gia đình (như quần áo, khăn tắm, drap giường).
Có nhiều dạng hắc lào khác nhau, phụ thuộc vào vị trí mà hắc lào xuất hiện, như:
- Hắc lào ở da thân
- Hắc lào ở da đầu
- Hắc lào ở bàn chân, bàn tay
- Hắc lào ở háng
- Hắc lào ở mông
- Hắc lào ở móng
- Hắc lào ở mặt
- …
Cũng giống như hắc lào ở các vị trí khác, hắc lào ở mông là tình trạng da liễu phổ biến, xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là thanh thiếu niên và trung niên. Hắc lào ở mông thường gặp ở nam giới hơn nữ giới.
Vì xuất hiện ở vị trí khó nói và khó quan sát, hắc lào ở mông thường bị bỏ qua, dẫn tới việc điều trị không kịp thời. Điều này cũng tăng nguy cơ lây nhiễm hắc lào sang các khu vực lân cận, như háng, đùi hoặc lưng.
Nguyên nhân hắc lào ở mông
Hắc lào ở mông nói riêng và hắc lào nói chung là bệnh có thể lây lan. Bệnh có thể được lan truyền theo những cách sau:
- Con người với con người: Hắc lào có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp, da kề da với người bị nhiễm bệnh.
- Động vật cho con người: Bạn có thể nhiễm hắc lào bằng cách chạm vào động vật bị nhiễm nấm. Hắc lào có thể lây lan trong khi vuốt ve hoặc vui chơi với thú cưng (như chó hoặc mèo). Hắc lào cũng khá phổ biến ở bò.
- Đồ vật với con người: Hắc lào có thể lây lan qua tiếp xúc với các vật hoặc bề mặt mà người hoặc động vật bị nhiễm bệnh gần đây đã chạm hoặc cọ xát, chẳng hạn như quần áo, khăn tay, drap trải giường, lược và bàn chải đánh răng.
- Đất với con người: Trong một số ít trường hợp, hắc lào có thể lây sang người khi tiếp xúc với đất bị nhiễm nấm. Nhiễm trùng rất có thể chỉ xảy ra khi con người tiếp xúc kéo dài với đất bị nhiễm nấm.
Nguyên nhân dẫn tới hắc lào ở mông có thể do lây nhiễm từ một hoặc nhiều nguồn kể trên. Bên cạnh đó, một số yếu tố riêng dưới đây cũng có thể khiến nhiều người dễ mắc hắc lào ở mông:
- Mặc quần áo chật: Điều này có thể khiến da mông bị thít chặt, thường xuyên bị cọ xát, dễ tổn thương. Đồng thời, đồ lót chật và làm bằng chất liệu không thấm hút mồ hôi tốt sẽ khiến vùng mông không được “hít thở”, dễ tích tụ mồ hôi, tạo môi trường thuận lợi cho nấm và vi khuẩn phát triển mạnh.
- Đặc trưng vùng kín: Hắc lào ở mông cũng thường gặp ở những người ngồi nhiều. Việc tì, đè nén nhiều sẽ khiến vùng da mông bị bí, tích tụ mồ hôi. Hắc lào ở mông cũng thường gặp vào mùa Hè, vì thời tiết nóng ẩm khiến cơ thể tiết nhiều mồ hôi hơn.
- Vệ sinh thân thể kém: Lười tắm hoặc không tắm ngay sau khi ra nhiều mồ hôi (sau tập gym hay chơi thể thao), cũng có thể góp phần làm nấm phát triển mạnh mẽ ở vùng da mông.
- Dùng chung đồ dùng cá nhân: Mặc chung quần áo hoặc sử dụng chung khăn tắm có thể khiến bạn dễ bị lây nấm da.
Khắc phục được những điều trên có thể giúp bạn tránh xa căn bệnh hắc lào cũng như nhiều tình trạng da liễu khác.
Dấu hiệu hắc lào ở mông
Triệu chứng đặc trưng của hắc lào mông là cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, da khô thành mảng và xuất hiện các mụn nước li ti nhỏ như đầu tăm.
Mụn nước thường mọc xung quanh lõm tròn giống hình đồng xu, có ranh giới rõ ràng.
Các mụn nước sẽ vỡ do một trong hai nguyên nhân sau:
- Mụn nước vỡ khi đến giai đoạn chín, do cơ thể người bệnh dần có sức đề kháng và miễn dịch tốt. Lúc này, nên vệ sinh vùng da hắc lào kỹ lưỡng để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng và giảm sẹo.
- Mụn nước vỡ do tác động từ bên ngoài, do người bệnh gãi, cọ xát… Điều này có thể làm tăng nguy cơ hắc lào tái phát, lan rộng và khó điều trị.
Ở một số người bệnh có đề kháng kém, vùng hắc lào nhỏ có thể bị lan rộng và mở rộng thành hình vòng cung, tăng ngứa, đặc biệt khi da mông bị ra nhiều mồ hôi. Trong trường hợp bội nhiễm, da sẽ bị viêm đỏ, hình thành mủ trắng.
Cách trị hắc lào ở mông nên biết
Điều trị hắc lào ở mông cần phải tiến hành càng sớm càng tốt với những phương pháp điều trị thích hợp. Tránh để bệnh lâu ngày, lây lan sang các vùng cơ thể khác.
Thuốc trị hắc lào ở mông
Đối với hầu hết các trường hợp hắc lào ảnh hưởng tới vùng mông, người bệnh thường được khuyến nghị dùng thuốc chống nấm không kê đơn. Thuốc này có sẵn ở dạng kem bôi, thuốc mỡ, dạng bột rắc lên da hoặc xịt.
Dưới đây là một số thuốc trị hắc lào dạng bôi ngoài da hoặc thuốc bột thường gặp:
- Thuốc trị hắc lào Ketoconazol hay thuốc trị hắc lào Nizoral bôi ngoài da
- Thuốc trị hắc lào ASA
- Thuốc chống nấm Lamisil
- Thuốc trị nấm Terbinafine
- Thuốc kháng nấm Butenafine
- Thuốc đặc trị trị hắc lào LAX
- Kem bôi ngoài da Axcel Miconazole
- Thuốc kháng nấm Clotrimazole dạng kem bôi và bột rắc
Trước khi bôi thuốc, người bệnh nên rửa sạch da và lau khô. Nên thoa vào buổi sáng hoặc tối trước khi đi ngủ. Đừng chia sẻ thuốc bôi ngoài da với người khác, điều này có thể tăng nguy cơ lây nhiễm hắc lào.
Thuốc kháng nấm bôi tại chỗ thường có tác dụng nhanh chóng, khoảng từ 1 – 3 tuần hoặc lâu hơn tùy vào tình trạng bệnh.
Tuy nhiên, nếu tình trạng hắc lào mông quá nặng, bôi thuốc mãi không khỏi, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc kháng nấm dạng uống, như Itraxcop hoặc Griseofulvin.
Các loại thuốc uống có thể cần áp dụng trong 1 – 3 tháng. Liều dùng khác nhau tùy vào từng bệnh nhân và loại thuốc.
Bà bầu bị hắc lào mông thường được khuyến nghị dùng thuốc dạng bôi, như Miconazole. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị hắc lào nhẹ, thường được chỉ định dùng Miconazole và Clotrimazole bôi da.
Nếu trẻ bị hắc lào nặng, trẻ có thể cần dùng thuốc kháng nấm đường uống trong 1 – 2 tháng, hoặc lâu hơn.
Có một số nghiên cứu về việc sử dụng các phương thuốc thảo dược trong điều trị bệnh hắc lào, tuy nhiên điều này mới chỉ thử nghiệm trên động vật.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 5/2013 trên Tạp chí Mycoses cho thấy một công thức thảo dược có chứa tinh dầu áp dụng tại chỗ có thể kìm hãm sự phát triển của nấm trên cừu bị hắc lào.
Hãy đọc kỹ hướng dẫn hoặc làm theo chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.
Nếu đã thực hiện đúng liệu trình thuốc của bác sĩ chỉ định mà bệnh không khỏi, nên đi khám để có hướng điều trị khác.
Cách trị hắc lào ở mông tại nhà
Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh nên có một chế độ chăm sóc da và kiêng khem đúng cách nhằm tăng tốc độ phục hồi:
Chăm sóc da:
- Làm sạch vùng da nhẹ nhàng và lau khô bằng khăn mềm, nhưng không chà xát. Bạn nên có riêng một chiếc khăn chỉ để lau vùng mông, nhằm tránh lây lan hắc lào sang vùng da khác.
- Hãy chắc chắn rằng khu vực giữa hai mông được làm khô hoàn toàn.
- Mặc đồ lót sạch, rộng rãi, làm từ chất liệu vải bông thấm hút mồ hôi tốt. Nếu có thể, hãy bỏ quần lót, đặc biệt khi đi ngủ.
- Luôn luôn điều trị hắc lào ở mông và háng cùng một lúc, vì nấm thường lây lan từ khu vực này sang khu vực khác.
- Để giảm ngứa, có thể chườm khăn mát lên da mông trong 20 đến 30 phút mỗi lần khi cần thiết.
- Luôn luôn tắm sau mỗi hoạt động khiến bạn ra nhiều mồ hôi.
- Thay quần áo sạch ít nhất 1 lần trong ngày.
- Không nên dùng băng gạc để che vùng da bị hắc lào.
Vệ sinh chung:
- Luôn rửa tay kỹ sau khi chạm vào vùng da bị hắc lào.
- Không mặc chung trang phục (đặc biệt là đồ lót) với người khác.
- Giặt tất cả chăn, drap giường , quần áo tiếp xúc với người bệnh.
- Nếu bạn nghi ngờ thú cưng bị nhiễm nấm, hãy đưa chúng đi khám thú y ngay lập tức.
Chế độ ăn uống:
- Thực phẩm nên ăn khi bị hắc lào: Thực phẩm giàu beta-carotene (như cà rốt, ớt chuông, rau lá xanh đậm), thực phẩm giàu vitamin A (cá, thịt bò, gan, trứng), thực phẩm giàu vitamin E (dầu olive, hạt hướng dương, trứng, hạnh nhân, ngũ cốc nguyên hạt), tỏi, đinh hương…
- Thực phẩm nên tránh khi bị hắc lào: Đồ tanh (thủy, hải sản), thực phẩm gây dị ứng, đồ nếp, thực phẩm nhiều đường và giàu tinh bột, các chất kích thích…
Trị hắc lào ở mông theo Đông y
Do e ngại nhiều tác dụng phụ của thuốc Tây, nhiều người bệnh đã tìm về y học cổ truyền để điều trị hắc lào.
Theo Đông y, hắc lào hay lác là do phong tà xâm kích, cùng với khí huyết hư tổn, gan thận âm hư, khí đới ứ trệ…
Đông y điều trị hắc lào nói chung, hắc lào ở mông nói riêng, theo hướng thanh nhiệt, cân bằng nội tiết tố, giải độc và giảm các triệu chứng khó chịu.
Dưới đây là một số bài thuốc Đông y chữa hắc lào mà người bệnh có thể tham khảo:
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị 10 lá trầu, 100gr hạt muồng và 2 quả khế. Rửa sạch nguyên liệu rồi giã nhuyễn. Bọc hỗn hợp vào vải xô và chườm lên vùng da hắc lào vài lần trong ngày.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị 100gr rễ cây bạch hoa xà và 20ml cồn 90 độ. Bỏ lõi rễ cây bạch hoa xà, rửa sạch rồi ngâm vào cồn trong 7 ngày. Sau đó, bôi rượu ngâm lên vùng da hắc lào, 1 – 2 lần/ngày.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị 50gr vỏ cây đại tươi, 50gr củ chút chít và 100ml cồn 70 độ. Rửa sạch và giã nát vỏ cây đại tươi lẫn củ chút chít rồi ngâm với cồn trong 7 ngày. Sau đó, bôi rượu ngâm lên vùng da hắc lào, 1 – 2 lần/ngày.
- Bài thuốc 4: Trộn đều ngọc hoàng cao với bột hồng phấn tạo thành cao. Sát khuẩn vùng da bị hắc lào bằng lá bạc hà rồi đắp thuốc lên.
- Bài thuốc thảo mộc bôi ngoài da: Với các vị thuốc xuyên khung, hoàng kỳ, bạch truật, đương quy, phục linh…
- Bài thuốc Giải độc hoàn: Với các vị thuốc bồ công anh, hồng hoa, kim ngân cành, đơn đỏ, tang bạch bì, ké đầu ngựa…
- Bài thuốc Bình can hoàn: Với các vị thuốc xuyên khung, phòng phong, cúc tần, bách bộ, ngải cứu, diệp hạ châu, hồng hoa, xích đồng…
Ngoài ra, người bệnh có thể áp dụng một số mẹo dân gian khác để điều trị hắc lào trên mông:
- Dùng chuối xanh: Xắt quả chuối xanh còn nguyên nhựa thành từng lát chéo rồi nhẹ nhàng chà lên vùng da bị hắc lào để khử trùng. Áp dụng 2 lần/ngày.
- Phèn chua và bồ kết: Cho 12gr bồ kết và 20gr phèn chua vào 1 lít nước lọc rồi đun sôi. Chờ nước nguội rồi dùng để tắm hoặc lau rửa mông thường xuyên. Không cần rửa vùng da này lại bằng nước sạch.
- Riềng tươi: Rửa sạch một củ riềng rồi giã nát. Đắp bã riềng lên da bị hắc lào.
- Rau răm: Rửa sạch một nắm rau răm rồi ngâm trong nước muối loãng khoảng 20 phút. Sau đó vớt rau răm ra ngoài, để ráo nước và giã nát rau răm. Đắp bã rau răm lên vùng da mông bị hắc lào. Nằm sấp để bã thuốc không bị rơi ra. Rửa sạch bằng nước thường sau 1 tiếng. Thực hiện 1 – 2 lần/ngày.
Ngăn ngừa hắc lào ở mông tái phát
Không dễ để phòng ngừa hắc lào nói chung. Loại nấm gây ra hắc lào rất phổ biến và bệnh hắc lào có khả năng lây lan nhanh ngay cả trước khi các triệu chứng hắc lào xuất hiện.
Tuy vậy, bạn vẫn có thể thực hiện các bước sau để giảm nguy cơ bị nhiễm nấm và hắc lào tái phát:
- Tìm hiểu thông tin về hắc nào và tuyên truyền cho người khác. Nắm được những nguy cơ lây nhiễm hắc lào từ người – người hoặc vật nuôi – người. Nói cho trẻ về hắc lào là gì và làm thế nào để tránh nhiễm nấm.
- Rửa tay thường xuyên. Vệ sinh nơi ở sạch sẽ.
- Nếu bạn tham gia các môn thể thao tiếp xúc, hãy tắm ngay sau khi luyện tập hoặc thi đấu.
- Tránh đổ mồ hôi quá nhiều. Mặc quần áo thoáng mát, lựa chọn quần áo từ chất liệu thấm hút mồ hôi tốt.
- Tránh tiếp xúc với vật nuôi, thú cưng bị nhiễm bệnh. Cho thú cưng đi khám thú y định kỳ.
- Không dùng chung đồ đạc, vật dụng cá nhân với người khác.
- Tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch bằng cách vận động điều độ, tránh stress, ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh…
- Ở trẻ độ tuổi đi học mầm non, hãy chuẩn bị chăn và gối riêng cho trẻ.
Có thể thấy rằng điều trị hắc lào ở mông cần sự kiên trì và lưu tâm. Người bệnh nên đi khám chuyên khoa da liễu để có được hướng điều trị phù hợp.
Thông tin bổ ích:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!