Kinh tế học (21/06/2010)

Kinh tế học là một bộ môn khoa học nghiên cứu hành vi của con người trong mối liên hệ giữa nhu cầu vô hạn với nguồn lực có hạn và nguồn lực đó có thể sử dụng theo nhiều cách và nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhu cầu của con người bao gồm nhu cầu sử dụng hàng hoá, dịch vụ và những điều kiện mà con người muốn có. Nguồn lực là những thứ được sử dụng để sản xuất hàng hoá và dịch vụ nhằm thoả mãn nhu cầu của con người.

 

Định nghĩa trên chỉ ra hai vấn đề chính mà kinh tế học quan tâm. Một là, nó khẳng định cái mà chúng ta muốn có là vô hạn. Hai là, những cái mà chúng ta có là hữu hạn và có thể sử dụng vào những mục đích khác nhau. Ví dụ, tất cả chúng ta đều muốn có một toà nhà lớn nhưng đất đai luôn khan hiếm và đất đai này  không những có thể sử dụng để xây dựng nhà, mà  còn có thể sử dụng để xây dựng nhà máy. Ngoài không khí, ánh sáng mặt trời là những thứ chúng ta có thể dùng tự do, còn lại có rất ít vật chất có thể sử dụng tự do. Phần lớn những thứ xung quanh ta là hàng hoá kinh tế, tức là hàng hoá có nhiều cách sử dụng. Do vậy sự lựa chọn là cần thiết. Lựa chọn những gì? Thứ nhất, vì không thể có mọi thứ nên chúng ta phải lựa chọn CÁI GÌ lựa chọn cách LÀM THẾ NÀO để có cái mà chúng ta muốn. Thứ hai, vì không phải bất cứ ai cũng có thể có được mọi thứ mà xã hội  sản xuất ra, nên chúng ta phải lựa chọn AI là người là  được hưởng những cái mà xã hội sản xuất ra.

Khái niệm hữu ích nhất được sử dụng trong lý thuyết lựa chọn là khái niệm chi phí cơ hội. Đây là một ý tưởng đơn giản, nhưng được vận dụng hết sức rộng rãi trong cuộc sống.  Nếu chúng ta hiểu rõ khái niệm này, thì ta có  công cụ để xử  lý một loạt vấn đề kinh tế khác nhau, một loạt tình huống khác nhau xảy ra trong hoạt động kinh tế. Nguồn lực là có giới hạn, nên nếu chúng được phân bố cho mục đích này thì không thể phân bố cho mục đích khác. Đối với một người nông dân, đất đai có hạn, đã sử dụng để trồng loại cây này rồi thì không thể sử dụng để trồng loại cây khác. Một doanh nghiệp, chỉ có một số vốn nhất định, nếu  đã đầu tư cho hoạt động này thì không đầu tư cho hoạt động khác. Lợi ích mang lại từ hàng hoá không được sản xuất  là chi phí cơ hội của hàng hoá được sản xuất ra.

Đôi khi có một yếu tố sản xuất khan hiếm. Khi lựa chọn, người ta phải tập trung vào nguồn lực khan hiếm đó – Nó là giới hạn ràng buộc, hạn chế khả năng lựa chọn. Đối với một nhà triệu phú, tiền có không thể là giới hạn ràng buộc khi tiến hành lựa chọn các mặt hàng tiêu dùng, mà thời gian lại quan trọng hơn. Ngược lại đối với người thất nghiệp, thời gian có thể là thứ rất sẵn nhưng tiền lại rất khan hiếm.

Minh họa CHI PHÍ CƠ HỘI

* 1 phi cơ chiến đấu hiện đại =  40 triệu Đô la

=  Chi phí để sửa chữa 240.000 chiếc cầu ở Mỹ

* 1 phi cơ ném bom B52         =  352 triệu Đô la

=  Chi phí để mua 1 toà nhà cho 8.000 gia đỡnh

* 1 xe tăng M – 1                     =  2,6 triệu Đô la

=  Chi phí cho 50 sinh viên tu nghiệp trong 4 năm

* 1 tên lửa Phượng hoàng không đối không = 1 triệu Đô la

=  Chi phí 1 trạm an dưỡng cho 35 người già

 

Chú ý, khái niệm “chi phí cơ hội” không bao hàm sự chi trả tiền. Nó chỉ đơn giản là sự thể hiện lợi ích (có thể quy ra tiền) của những cơ hội bị bỏ  qua.

Kinh tế học thực chứng và kinh tế học chuẩn tắc

Kinh tế học thực chứng (positive) giải thích sự hoạt động của nền kinh tế một cách khách, khoa học. Mục tiêu của kinh tế học thực chứng là giải thích xã hội quyết định như về sản xuất, trao đổi và tiêu thụ hàng hoá. Sự khảo sát nhằm hai mục đích: (1) giải thích nguyên nhân vì sao nền kinh tế lại hoạt động như nó đang hoạt động và (2) có cơ sở cho việc dự đoán xem nền kinh tế sẽ phản ứng như thế nào với những thay đổi của hoàn cảnh.

Kinh tế học chuẩn tắc (normative) đưa ra các chỉ dẫn hoặc các khuyến nghị dựa trên những đánh giá theo tiêu chuẩn của cá nhân.

Trong kinh tế học thực chứng, chúng ta hy vọng sẽ hành động như những nhà khoa học không thiên vị. Dù chính kiến của chúng ta có thể thế này hay thế khác, dù quan điểm của chúng ta về những điều mà chúng ta muốn nó xảy ra hoặc những cái chúng ta cho là tốt, có thể khác nhau, thì trước tiên chúng ta phải quan tâm đến là thực tế thế giới này hoạt động như thế nào. Chúng ta quan tâm đến những giả thuyết có dạng: Nếu cái này bị thay đổi thì cái gì sẽ xảy ra. Về khía cạnh này kinh tế học thực chứng tương tự như các môn khoa học tự nhiên như vật lý học, địa chất học hoặc thiên văn học.

Kinh tế học chuẩn tắc dựa trên cơ sở những ý kiến đánh giá chủ quan chứ không dựa vào sự tìm  tòi thực tế khách quan nào cả. Thí dụ, trong câu “Người già phải chi tiêu cho bệnh tật nhiều hơn so với người trẻ. Vì thế nhà nước nên trợ cấp cho các đơn thuốc của người già”. Phần đầu của giả thiết – câu khẳng định rằng người già  phải chi tiêu cho sức khoẻ nhiều hơn người trẻ – là một phát biểu trong kinh tế học thực chứng. Đó là phát biểu về thế giới này hoạt động như thế nào và chúng ta có thể tưởng tượng một nghiên cứu có thể xác định phát biểu này đúng hay sai. Nói chung phát biểu này là đúng. Phần thứ hai của giả thiết khuyến khích nhà nước nên làm gì – không chứng minh được đúng hay sai bằng công trình nghiên cứu khoa học. Vì đây là một ý kiến đánh giá chủ quan dựa vào cảm xúc của người phát biểu. Có thể có nhiều người tán thành ý kiến này, một số người không tán thành mà vẫn có lý. Số người này có thể cho rằng vấn đề quan trọng hơn là nên dành các nguồn lực khan hiếm của xã hội để cải thiện môi trường.

Trong kinh tế học, không có cách nào để chứng minh rằng ý kiến chuẩn tắc này là đúng, ý kiến chuẩn tắc kia là sai. Tất cả đều phụ thuộc vào ý thích, mức độ ưu tiên của cá nhân hoặc xã hội khi phải thực hiện sự lựa chọn đó. Nhưng chúng ta  có thể sử dụng kinh tế học thực chứng để giải thích chi tiết về sự lựa chọn này hay sự lựa chọn khác. Chẳng hạn, chúng ta có thể chứng minh rằng nếu không có trợ cấp đơn thuốc cho người già thì những người trung niên có thể sẽ đi khám bệnh nhiều một cách không cần thiết trước khi việc chữa bệnh trở nên quá đắt đỏ. Xã hội có thể sẽ phải tăng nguồn lực để trang bị cho việc khám chữa bệnh và do đó nguồn lực dành cho việc cải thiện môi trường sẽ bị giảm đi so với dự định. Có thể sử dụng kinh tế học thực chứng làm rõ các phương án mà trong số đó xã hội phải tiến hành sự lựa chọn cuối cùng mang tính chuẩn tắc.

Kinh tế học vi mô và kinh tế học vĩ mô:

 Kinh tế học vĩ mô

Định nghĩa: Kinh tế học vĩ mô là môn khoa học kinh tế tổng quát, nghiên cứu các quy luật hoạt động kinh tế và khoa học hành vi – ứng xử trong quản lý kinh tế ở phạm vi quốc gia, quốc tế.

Các quyết định ở tầm kinh tế vĩ mô xử lý các vấn đề liên quan đến nền kinh tế quốc dân, các biến động kinh tế tổng quát như chính sách quốc gia về định hướng đầu tư vào sản xuất, cung ứng tiền tệ, chi tiêu của chính phủ, chính sách thuế, lạm phát, thất nghiệp…

Trên phạm vi toàn xã hội, hàng loạt quyết định liên quan tới việc lựa chọn các nguồn lực hiếm hoi được tạo ra từ sự quan sát nền kinh tế trên phạm vi tổng thể.

Những nhóm người như các thành viên chính phủ, đại biểu quốc hội là những người xây dựng chính sách (policy – maker). Họ chịu trách nhiệm ra quyết định về các chính sách điều hành một bộ phận của nền kinh tế quốc gia và chính  sách sử dụng các nguồn lực quốc gia. Thông thường họ hy vọng phân phối các nguồn lực nhằm mục tiêu mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Sự lựa chọn vĩ mô này đại loại như sau:

– Lựa chọn giữa việc tăng thuế để cung cấp tiền cho những công trình công cộng như xây dựng đường xá, nhà máy thuỷ điện; hoặc giảm thuế để khuyến khích  sản xuất hàng tiêu dùng như ô tô, ti vi.

– Lựa chọn giữa việc sử dụng nguồn lực để sản xuất tên lửa, máy bay hoặc xây dựng nhà ở rẻ tiền cho dân chúng.

– Lựa chọn giữa việc giảm biên chế hành chính và quân lực để cắt giảm chi tiêu ngân sách hoặc tiếp tục lạm phát để bù đắp thâm thủng ngân sách.

Những câu hỏi về phương pháp ra quyết định lựa chọn không phải chỉ dành riêng cho các “policy-maker”. Kiến thức về kinh tế vĩ mô giúp các nhà hoạch định chính sách ra các quyết định lựa chọn. Còn những người dân thì biểu thị sự lựa chọn của họ thông qua lá phiếu bầu, để chọn người sẽ ủng hộ quan điểm của cử tri về phúc lợi xã hội, thuế thu nhập, chi phí quốc phòng và trợ giúp cho giáo dục. Kiến thức về kinh tế vĩ mô càng phổ cập trong các tầng lớp xã hội thì các  quyết định về sự lựa chọn nêu trên càng chính xác.

          Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP – Gross Domestic Products) là chỉ số đo lường kết quả hoạt động của nền kinh tế, đó là giá trị tính bằng tiền của tất cả các sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trên phạm vi lãnh thổ của 1 nước trong một thời kỳ, (thường là 1 năm).

Tổng sản phẩm quốc dân (GNP – Gross national Products) cũng là một chỉ tiêu đo lường kết quả sản xuất của nền kinh tế. Sự khác nhau của GDP và GNP là:

 

GNP = GDP +thu nhập yếu tố từ nước ngoài chuyển vào trong nước.

– Thu nhập yếu tố từ trong nước chuyển  ra nước ngoài

 

Tuỳ từng nơi, từng lúc, người ta sử dụng khái niệm GDP hay GNP. Nhưng cả hai chỉ số này này đều mang tính vĩ mô của một nền kinh tế, chúng ảnh hưởng đến một khía cạnh trong bất kể một xã hội nào. Thí dụ, để so sánh nền y tế hay hệ thống y tế giữa các nước, người ta không chỉ đưa ra các chỉ số về tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi, hay tỷ lệ chết mẹ,… mà con số này thường được so sánh kèm với GNP hay GDP.

 Kinh tế học vi mô.

          Định nghĩa:  Kinh tế học  vi mô nghiên cứu chi tiết các quyết định cá nhân về các hàng hoá cụ thể.

Ví dụ chúng ta có thể nghiên cứu tại sao các gia đình lại thích xe máy hơn xe đạp và người sửa chữa quyết định như thế nào trong việc lựa chọn sản xuất xe máy hay xe đạp. Sau đó chúng ta tổng hợp quyết định của tất cả các  gia đình và của tất cả các công ty để biết được tổng sức mua và tổng  sản lượng xe máy. Trong nền kinh tế thị trường chúng ta có thể bàn về thị trường xe máy và thị trường xe đạp. Bằng cách so sánh thị trường xe máy với thị trường xe đạp, chúng ta có thể giải thích được giá tương đối của xe máy, xe đạp và sản lượng tương đối của hai mặt hàng này.

Thị trường

 Khái niệm.

          Thị trường là sự biểu hiện phân công lao động xã hội, ở đâu sản xuất hàng hoá thì ở đó có thị trường. Thị trường là tổng hợp các quan hệ kinh tế hình thành trong hoạt động mua và bán. Theo nghĩa hẹp nhất, thị trường là nơi diễn ra các hoạt động mua, bán hàng hoá, dịch vụ.

Thị trường có thể được tổ chức dưới các dạng:

Chợ: Người mua – người bán trực tiếp đàm phán về giá cả và trao đổi sản phẩm

Siêu thị: Người mua tự chọn hàng hoá, thanh toán khi qua cửa. Ở đây số lượng người bán ít

Đấu giá: Người bán đặt giá sàn, những người mua ai trả giá cao nhất thì mua được hàng

Thị trường chứng khoán:  Người mua người bán giao tiếp gián tiếp qua Fax, điện thoại,…

Tóm lại, thị trường là một quá trình, trong đó người mua và người bán một thứ hàng hoá, dịch vụ nào đó, tác động  qua lại với nhau để xác định giá cả, số lượng hàng hoá, dịch vụ và trao đổi sản phẩm

Điều chung nhất đối với các thành viên tham gia vào thị trường là tìm cách tối ưu sự lựa chọn của mình.

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *