Xuất hiện đốm nâu trên gò má là bị gì? Cách loại bỏ?
Nội dung bài viết
Đốm nâu xuất hiện trên gò má là biểu hiện thường gặp của tàn nhang, nám da và đồi mồi. Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tình trạng này tác động không nhỏ đến ngoại hình và tâm lý của phái nữ. Vì vậy ngay khi đốm nâu hình thành, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp khắc phục.
Xuất hiện đốm nâu trên gò má là bị gì?
Gò má là vùng da có tần suất tiếp xúc với ánh nắng cao hơn so với các vị trí khác. Chính vì vậy, đây thường là vị trí đầu tiên xuất hiện các đốm nâu có màu sắc từ nâu nhạt đến nâu đậm. Theo các bác sĩ da liễu, đốm nâu xuất hiện trên gò má là biểu hiện của một trong những vấn đề da liễu do tăng sinh sắc tố như:
1. Đốm nâu trên gò má – Biểu hiện của tàn nhang
Tàn nhang là một dạng tăng sinh sắc tố melanin lành tính. Tình trạng này đặc trưng bởi sự xuất hiện các đốm tròn có kích thước nhỏ ở gò má, cổ, lưng, tay,… Đốm tròn thường có màu vàng nâu, nâu nhạt đến nâu đậm. Tàn nhang có xu hướng nhạt màu vào mùa đông và đậm màu hơn vào mùa hè do tác động của tia UV trong ánh nắng mặt trời.
Tình trạng xuất hiện đốm nâu trên gò má có thể là biểu hiện của tàn nhang. Tàn nhang thường xuất hiện sớm từ giai đoạn 2 – 3 tuổi hoặc khi bắt đầu bước vào tuổi dậy thì. Vì vậy, bạn có thể xem xét thời điểm đốm nâu xuất hiện để xác định đúng vấn đề mà da gặp phải.
2. Nám da gây nổi đốm nâu ở gò má
Tương tự như tàn nhang, nám da cũng là vấn đề da liễu do tăng sinh sắc tố melanin lành tính. Tuy nhiên, tình trạng này có biểu hiện đa dạng hơn so với tàn nhang. Ngoài tổn thương ở dạng đốm có màu nâu, nám da còn làm xuất hiện các mảng có màu sắc đậm hơn vùng da lành. Nám chủ yếu xuất hiện ở những vùng da có tần suất tiếp xúc với ánh nắng thường xuyên như gò má, trán,…
Khác với tàn nhang, nám da chỉ xuất hiện ở phụ nữ từ 30 tuổi trở lên – đặc biệt là phụ nữ sau sinh, nữ giới trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Ngoài tác động của tia UV từ ánh nắng, nám da còn là hệ quả do rối loạn nội tiết tố và căng thẳng. Chính vì vậy so với tàn nhang, nám da có chân nằm sâu dưới trung bì, hạ bì và khó điều trị hơn.
3. Đồi mồi
Đồi mồi là một trong những vấn đề da liễu có thể làm xuất hiện đốm nâu trên gò má. Tuy nhiên, đồi mồi thường chỉ xuất hiện ở nữ giới từ 40 tuổi trở lên. Khác với tàn nhang và nám da, đồi mồi là hệ quả do rối loạn tổng hợp melanin dẫn đến sự xuất hiện của các đốm nâu có màu nâu nhạt đến nâu đậm. Đốm nâu do đồi mồi có thể xuất hiện ở gò má hoặc những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng như cổ, cánh tay, mu bàn tay,…
Ngoài ra, tình trạng xuất hiện đốm nâu trên gò má còn có thể là biểu hiện của các bệnh da liễu ác tính. Mặc dù tỷ lệ gặp rất hiếm nhưng nếu nghi ngờ, bạn nên tìm gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn điều trị.
Cách loại bỏ đốm nâu trên gò má đơn giản, an toàn
Đốm nâu xuất hiện trên gò má ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình và tâm lý của phái nữ. Hơn nữa nếu không xử lý sớm, đốm nâu có xu hướng lan rộng, đậm màu dần theo thời gian và đi sâu vào cấu trúc da. Vì vậy ngay khi xuất hiện các đốm nâu ở gò má, bạn nên thực hiện các biện pháp loại bỏ đơn giản sau:
1. Chống nắng cho da
Tàn nhang, nám da và đồi mồi đều là những vấn đề da liễu do tăng sinh sắc tố melanin (sắc tố gây đen sạm). Mặc dù có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng ánh nắng là yếu tố khiến đốm nâu dễ đậm màu và lan rộng. Do đó, chống nắng là biện pháp quan trọng nhất khi điều trị đốm nâu trên gò má.
Cách chống nắng cho da giúp cải thiện đốm nâu trên gò má:
- Tia UVB và UVA trong ánh nắng là nguyên nhân trực tiếp kích thích melanin tăng sinh quá mức, dẫn đến sự hình thành các đốm nâu trên bề mặt da. Do đó, bạn nên dùng kem chống nắng hằng ngày trước khi ra ngoài khoảng 15 – 20 phút để bảo vệ da khỏi tác động của tia cực tím.
- Khi di chuyển và hoạt động dưới ánh nắng có cường độ cao (10:00 – 16:000), nên che chắn da bằng mũ, dù, khẩu trang, áo khoác,… Bởi thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng chính là nguyên nhân khiến đốm nâu xuất hiện ở gò má và có xu hướng lan rộng hơn.
Chống nắng cho da có thể làm mờ các đốm nâu và ngăn ngừa hình thành các đốm nâu mới, đồng thời hạn chế tình trạng nám da, tàn nhang và đồi mồi lan rộng. Ngoài ra, chống nắng đúng cách còn giúp da duy trì được vẻ rạng rỡ, trắng sáng và làm chậm quá trình lão hóa.
2. Làm mờ đốm nâu trên gò má bằng nguyên liệu tự nhiên
Đối với những trường hợp chỉ xuất hiện đốm nâu nhạt ở gò má, bạn có thể tận dụng một số nguyên liệu tự nhiên để dưỡng trắng da và làm mờ đốm nâu. Nếu áp dụng đều đặn, các đốm nâu ở gò má sẽ mờ đi trông thấy.
Một số công thức làm mờ đốm nâu trên gò má bằng nguyên liệu tự nhiên:
- Mặt nạ sữa chua và chanh: Cả sữa chua và chanh đều chứa hàm lượng axit tự nhiên, có tác dụng thanh tẩy làn da và giúp da hấp thu tốt các dưỡng chất. Bên cạnh đó, chanh còn chứa vitamin C có khả năng đánh bật tế bào melanin và làm mờ các đốm nâu trên khuôn mặt. Công thức này có cách thực hiện đơn giản, chỉ cần trộn đều 2 thìa sữa chua với 1 ít nước cốt chanh và đắp trực tiếp lên da. Khi áp dụng, nên thực hiện đều đặn 3 lần/ tuần để nhận thấy cải thiện rõ rệt.
- Sử dụng dầu dừa làm mờ đốm nâu: Ngoài tác dụng dưỡng ẩm, dầu dừa còn chứa nhiều axit béo và chất chống oxy hóa. Các thành phần trong nguyên liệu này giúp làm mờ các đốm nâu do tàn nhang, nám sạm và đồi mồi, đồng thời giúp da đàn hồi và làm chậm quá trình lão hóa. Bạn có thể sử dụng 1 ít dầu dừa massage nhẹ nhàng lên da hoặc kết hợp với một số nguyên liệu khác để làm mặt nạ dưỡng da.
- Dùng giấm táo: Axit acetic trong giấm táo có khả năng tẩy tế bào chết và làm mờ các đốm nâu trên bề mặt. Vì vậy, bạn có thể tận dụng nguyên liệu này để cải thiện tình trạng tàn nhang, nám da và đồi mồi. Giấm táo chứa hàm lượng axit khá cao. Do đó, khi sử dụng nên trộn với nước theo tỷ lệ 1:1. Sau đó, dùng tăm bông thấm hỗn dịch và thoa trực tiếp lên các đốm nâu, tránh thoa trên diện rộng.
- Mặt nạ nghệ làm mờ đốm nâu: Từ lâu, nghệ đã được sử dụng để giảm thâm và ngừa sẹo nhờ vào hàm lượng curcumin dồi dào. Để làm mờ các đốm nâu ở gò má, bạn có thể thoa nghệ trực tiếp lên da hoặc kết hợp nghệ cùng với sữa tươi/ sữa chua. Nên áp dụng các công thức từ nghệ đều đặn 3 – 4 lần/ tuần để nhanh chóng làm mờ đốm nâu và cân bằng sắc tố da.
- Sử dụng hành tây: Chiết xuất từ hành tây chứa nhiều vitamin C, phytonutrients và quercetin. Các thành phần này đều có khả năng làm mờ nếp nhăn, chống lão hóa và cải thiện các đốm nâu trên da. Khi sử dụng hành tây, bạn nên ép lấy nước cốt và hòa với nước sôi để nguội theo tỷ lệ 1:1. Sau đó, dùng tăm bông để chấm hỗn dịch trực tiếp lên đốm nâu. Cách này giúp da hấp thu tốt thành phần trong hành tây, đồng thời hạn chế tình trạng nóng rát da và cay mắt.
Mặc dù là nguyên liệu tự nhiên nhưng các công thức trên có thể mang lại cải thiện rõ rệt nếu thực hiện đều đặn. Trong thời gian áp dụng, nên chú ý chống nắng cho da kỹ để tránh tình trạng đốm nâu đậm màu và lan rộng.
3. Sử dụng thuốc/ kem bôi làm mờ đốm nâu
Bên cạnh các công thức làm mờ đốm nâu bằng nguyên liệu tự nhiên, bạn nên sử dụng thêm một số loại thuốc và kem bôi có khả năng ức chế tế bào melanin như:
- Sản phẩm chứa vitamin C: Vitamin C (Ascorbic acid) là thành phần có nhiều lợi ích đối với làn da. Thành phần này tham gia vào quá trình chống oxy hóa, thúc đẩy da sản sinh collagen và ức chế tổng hợp tế bào melanin. Bên cạnh đó, vitamin C còn giúp da đàn hồi, căng bóng và khỏe mạnh hơn. Vì vậy, bạn có thể sử dụng kem bôi, serum chứa vitamin C để làm mờ đốm nâu do tàn nhang, nám da và đồi mồi gây ra.
- Thuốc bôi chứa Hydroquinone: Hydroquinone là hợp chất có công thức cần giống với tiền chất melanin. Do đó, hợp chất này có khả năng ức chế chuyển đổi enzyme DOPA thành tế bào melanin. Hydroquinone được đánh giá là hoạt chất có tác dụng làm mờ đốm nâu hiệu quả. Các chế phẩm chứa hoạt chất này chỉ được sử dụng tối đa 3 tháng, sau đó cần ngưng 3 tháng mới có thể sử dụng tiếp tục. Tình trạng lạm dụng Hydroquinone có thể làm đổi màu da vĩnh viễn.
- Sản phẩm chứa Acid azelaic: Acid azelaic là thành phần được chiết xuất từ các loại lúa mạch và lúa mì. Thành phần này có khả năng ức chế tyrosinase, từ đó hạn chế sự tăng sinh quá mức của tế bào melanin và làm mờ đốm nâu ở gò má. Mặc dù cho hiệu quả chậm nhưng các chế phẩm chứa Acid azelaic được đánh giá có độ an toàn cao, phù hợp với mọi loại da và có thể sử dụng lâu dài.
- Thuốc bôi chứ Tretinoin: Tretinoin là dẫn xuất dạng bôi ngoài của vitamin A. Không giống với các hoạt chất trên, Tretinoin không tác động trực tiếp đến quá trình tổng hợp melanin. Thành phần đẩy nhanh quá trình tái tạo tế bào, loại bỏ các mô da già cỗi và giúp trẻ hóa làn da. Vì vậy, Tretinoin có khả năng làm mờ các đốm nâu trên gò má, cải thiện nếp nhăn và ngăn ngừa lão hóa.
- Một số loại thuốc bôi khác: Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các loại thuốc bôi chứa vitamin PP, Arbutin, Acid kojic,… Những hoạt chất này đều đã được chứng minh có hiệu quả trong việc làm mờ đốm nâu do tăng sinh sắc tố melanin.
Các loại thuốc/ kem bôi điều trị đốm nâu thường mất nhiều thời gian để phát huy tác dụng. Vì vậy, bạn nên kiên trì sử dụng đều đặn trong ít nhất 2 – 3 tháng. Bên cạnh đó, cần chú ý chống nắng và chăm sóc da đúng cách để đảm bảo hiệu quả điều trị.
4. Các phương pháp thẩm mỹ khác
Trên thực tế, đốm nâu ở gò má rất hiếm khi thuyên giảm hoàn toàn khi sử dụng kem bôi và các nguyên liệu tự nhiên. Vì vậy nếu muốn điều trị triệt để, bạn nên áp dụng đồng thời với một số phương pháp thẩm mỹ khác như:
- Laser: Sử dụng laser có thể làm mờ đốm nâu do tàn nhang, đồi mồi và nám da. Tia laser có khả năng tác động đến hạ bì, trung bì và thượng bì da. Tác động của phương pháp này giúp phá hủy tế bào melanin và làm mờ nhanh chóng các đốm nâu trên bề mặt da. Ngoài tác dụng phá vỡ tế bào melanin, tia laser còn kích thích da tăng sinh collagen và elastin nhằm giúp da đàn hồi, căng bóng và mịn màng.
- Đốt điện: Đốt điện là phương pháp thẩm mỹ khá lâu đời. Hiện nay, phương pháp này ít khi được áp dụng vì có nguy cơ để lại sẹo lõm. Tuy nhiên trong trường hợp đốm nâu có màu sắc đậm, chân sâu, bác sĩ có thể đề nghị đốt điện nếu cần thiết. Năng lượng từ tia điện sẽ phá hủy toàn bộ tế bào, từ đó giúp loại bỏ các đốm nâu đậm màu. Tuy nhiên sau khi đốt điện, bạn cần chăm sóc kỹ lưỡng để phòng ngừa sẹo lồi, sẹo lõm.
- Chemical peeling: Chemical peeling (tẩy da hóa học) thường được áp dụng trong trường hợp đốm nâu trên gò má có chân nông và màu sắc tương đối nhạt. Phương pháp này sử dụng axit có nồng độ cao thoa trực tiếp lên da nhằm đào thải tế bào chết và kích thích da tăng sinh tế bào mới. Sau khi thực hiện chemical peeling, bác sĩ thường chỉ định dùng kèm thêm một số loại thuốc ức chế melanin để tăng hiệu quả điều trị.
- Dùng nito lỏng: Với những người có cơ địa dễ hình thành sẹo, bác sĩ có thay thế phương pháp đốt điện bằng cách dùng nito lỏng. Nito lỏng được thoa trực tiếp lên các đốm nâu đậm màu giúp phá hủy toàn bộ tế bào melanin. Sau khoảng vài ngày, da có xu hướng khô lại và bong tróc. Chỉ sau 7 – 10 ngày, đốm nâu sẽ mờ đi trông thấy và da mặt trở nên đều màu hơn. Mặc dù không gây sẹo nhưng vùng da tiếp xúc với nito lỏng có thể có màu sáng hơn so với các vùng da lành.
Các phương pháp thẩm mỹ trên được đánh giá mang lại hiệu quả cao hơn so với sử dụng thuốc/ kem bôi. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả, bạn nên thực hiện các phương pháp này tại bệnh viện và trung tâm thẩm mỹ uy tín. Thực tế đã có không ít trường hợp bị viêm nhiễm, hình thành sẹo lồi, sẹo lõm nặng do thực hiện các dịch vụ làm đẹp ở những thẩm mỹ viện, spa nhỏ lẻ.
5. Kết hợp với lối sống khoa học
Ngoài những yếu tố bên ngoài, đốm nâu trên gò má còn chịu sự chi phối từ nhiều yếu tố nội sinh như căng thẳng, rối loạn nội tiết tố,… Vì vậy bên cạnh các phương pháp trên, bạn nên kết hợp với lối sống khoa học để tăng tốc độ tái tạo, phục hồi da và làm mờ đốm nâu một cách triệt để.
Lối sống khoa học giúp cải thiện tình trạng đốm nâu xuất hiện trên gò má:
- Hạn chế tối đa tình trạng căng thẳng thần kinh. Stress có thể khiến quá trình trao đổi chất của làn da bị gián đoạn khiến da xỉn màu, nhanh lão hóa và làm đậm màu các đốm nâu ở gò má.
- Nữ giới bị rối loạn nội tiết tố có thể cân nhắc sử dụng các viên uống bổ sung để cân bằng hormone estrogen và progesterone. Kiểm soát rối loạn nội tiết giúp làm mờ đốm nâu trên gò má nhanh chóng và ngăn ngừa nám da, đồi mồi lan rộng.
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa,… để nuôi dưỡng làn da từ sâu bên trong. Không chỉ tốt cho sức khỏe tổng thể, các nhóm thực phẩm lành mạnh còn hỗ trợ ức chế tế bào melanin, làm mờ đốm nâu trên da và giúp giảm thiểu dấu vết tuổi tác trên khuôn mặt.
- Hương liệu, chất bảo quản, chì,… trong các sản phẩm trang điểm có thể khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng. Do đó khi bị nổi đốm nâu trên gò má, bạn nên hạn chế make up và tránh dùng các sản phẩm chăm sóc có thành phần lột tẩy.
- Hạn chế để da tiếp xúc với bụi bẩn, kim loại nặng, chất dị ứng,… Các yếu tố này có thể khiến hàng rào da suy giảm và kích thích tế bào melanin sản sinh với tốc độ nhanh chóng.
- Trên thực tế, nám da, tàn nhang và đồi mồi là các vấn đề da liễu có tính chất di truyền. Vì vậy ở một số trường hợp, đốm nâu trên da có thể tái phát nhiều lần ngay cả khi đã điều trị dứt điểm. Trong trường hợp này, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể hơn.
Đốm nâu xuất hiện trên gò má là biểu hiện của tàn nhang, nám da và đồi mồi. Tuy nhiên để được xác định rõ vấn đề của da, bạn nên tìm gặp và trao đổi trực tiếp bác sĩ chuyên khoa. Tránh tình trạng tự ý sử dụng các sản phẩm điều trị không rõ nguồn gốc – xuất xứ trên thị trường.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!