Các Loại Nám Tàn Nhang Thường Gặp Và Cách Xử Lý
Nội dung bài viết
Có nhiều dạng tăng sắc tố da lành tính ở vùng mặt và các bộ phận khác của cơ thể. Do đó, người bệnh nên tìm hiểu các loại nám tàn nhang hoặc các dạng tăng sắc tố khác để có kế hoạch chăm sóc phù hợp.
Nám tàn nhang là gì?
Nám da và tàn nhang là các dạng tăng sắc tố da lành tính trên mặt và các bộ phận cơ thể khác. Các tổn thương này thường không gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng nhưng có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý của người bệnh. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp, các loại nám tàn nhang đều có thể được cải thiện và điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Nám và tàn nhang là hai vấn đề rối loạn sắc tố da khác nhau. Cụ thể, các thông tin cơ bản như sau:
1. Nám da
Nám da là một vấn đề về da phổ biến. Tình trạng này dẫn đến các mảng tối màu trên da và thường gây ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai. Ngoài ra, tình trạng này cũng phổ biến ở nữ giới hơn nam giới.
Nám da dẫn đến các mảng da tối màu hơn màu da bình thường, thường xuất hiện trên mặt và đối xứng ở hai bên. Các vùng da khác trên cơ thể thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng có thể phát triển các triệu chứng nám da.
Các khu vực thường bị nám da, bao gồm:
- Má
- Trán
- Sống mũi
- Cằm
Đôi khi nám da cũng có thể xuất hiện ở cẳng tay và cổ. Hầu hết các trường hợp nám da không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng có thể gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ của người bệnh.
2. Tàn nhang
Tàn nhang là những đốm nâu nhỏ trên da, thường xuất hiện ở những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Trong hầu hết các trường hợp, tàn nhang không nghiêm trọng và được hình thành từ việc sản xuất quá nhiều hắc sắc tố melanin trên da. Nói chung, tàn nhang thường xuất phát từ tia cực tím (tia UV).
Tàn nhang có thể là tác động của môi trường tự nhiên hoặc di truyền gây ra. Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể làm tăng tỷ lệ tàn nhang.
Các loại nám tàn nhang nói chung thường lành tính, không phát triển thành ung thư. Tuy nhiên những tình trạng da này có thể gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ và khiến người bệnh thiếu tự tin. Do đó, nếu tình trạng nám tàn nhang gây khó khăn cho cuộc sống, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.
Các loại nám tàn nhang thường gặp
Có rất nhiều loại tăng sắc tố da lành tính trên cơ thể, trong đó nám và tàn nhang và tình trạng phổ biến nhất. Cụ thể, các loại nám tàn nhang thường gặp bao gồm:
1. Các loại nám da phổ biến
Nám da là tình trạng tổn thương da có thể được chẩn đoán bằng cách kiểm tra các triệu chứng. Nám da có thể được phân chia thành các loại biểu bì, trung bì và hỗn hợp, tùy thuộc vào mức độ tăng sắc tố melanin trên da. Cụ thể các loại nám da bao gồm:
Nám biểu bì (Epidermal):
Nám biểu bì là tình trạng hình thành các mảng da màu nâu sẫm, có đường viền rõ ràng và thường đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị.
- Một số đặc điểm của nám biểu bì bao gồm:
- Đường viền: Được xác định rõ ràng
- Màu sắc: Nâu đậm
- Khi soi dưới đèn Wood: Xuất hiện rõ ràng
- Soi da Dermoscopy: Xuất hiện dưới dạng mạng lưới màu nâu và các hạt mịn sẫm màu
- Điều trị: Thường đáp ứng tốt các phương pháp điều trị.
Nám trung bì (Dermal):
Nám da trung bì đặc trưng với các mảng da màu nâu nhạt hoặc hơi xanh và đường viên không xác định. Loại nám da này thường không đáp ứng tốt các phương pháp điều trị.
Các đặc điểm phổ biến của nám da trung bì bao gồm:
- Đường viền: Không rõ ràng
- Màu sắc: Màu nâu nhạt đến xám xanh
- Khi soi dưới đèn Wood: Không có dấu hiệu rõ ràng
- Khi soi da với Dermoscopy: Các mô da hình lưới, cấu trúc dạng khớp, giãn tuyến
- Điều trị: Thường không đáp ứng hoặc đáp ứng kém
Nám hỗn hợp (Mixed):
Nám hỗn hợp là loại nám phổ biến nhất được chẩn đoán, được đặc trưng bởi sự kết hợp các mảng da nâu nhạt đến nâu sẫm hoặc hơi xanh.
Các đặc điểm phổ biến của nám hỗn hợp:
- Màu sắc: Sự kết hợp giữa màu xanh xám, nâu nhạt và nâu đậm
- Khi soi dưới đèn Wood và Dermoscopy: Các mô da hỗn hợp được nhìn thấy rõ ràng
- Điều trị: Thường đáp ứng tương đối, một số người bệnh có thể điều trị thành công trong khi một số khác có thể không thể cải thiện các triệu chứng.
Bên cạnh ba loại nám da phổ biến, một số người có thể gặp tình trạng hiếm gặp hơn, chẳng hạn như nám đốm. Nám đốm (Hori nevus) là tình trạng tăng sắc tố vùng mặt, thường xuất ở hai bên thái dương, cánh mũi, sống mũi và vùng má. Nguyên nhân gây nám đốm không rõ ràng, tuy nhiên rối loạn nội tiết tố, tác động của ánh nắng mặt trời, tác động của môi trường sống và một số loại thuốc có thể làm tăng nguy mắc bệnh nám đốm.
2. Các loại tàn nhang phổ biến
Tương tự như nám da, tàn nhang là tình trạng tăng sắc tố da lành tính. Trong hầu hết các trường hợp, tàn nhang hình thành do sản xuất quá nhiều hắc tố melanin, tác nhân tạo ra màu da và tóc (sắc tố).
Có hai loại tàn nhang phổ biến là tàn nhang Ephelides và tàn nhang solar lentigines (hay còn gọi là đồi mồi). Hai loại tàn nhang có thể giống nhau về hình thức, tuy nhiên hai loại tàn nhang này khác nhau về thời gian phát triển. Cụ thể, hai loại tàn nhang phổ biến có các đặc trưng như:
Tàn nhang Ephelides:
Tàn nhang Ephelides được mô tả là một loại tàn nhang phẳng, có màu nâu nhạt hoặc đỏ và mờ dần khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Loại tàn nhang này thường phổ biến ở người có làn da sáng, mặc dù có thể ảnh hưởng đến các tông da khác nhau.
Tàn nhang Ephelides có thể xuất hiện trên khuôn mặt, mu bàn tay và các phần còn lại trên cơ thể.
Các đặc trưng của tàn nhang Ephelides:
- Thường có tính di truyền
- Xuất hiện lần đầu tiên khi được 2 – 3 tuổi, thường là sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
- Phổ biến ở cánh tay, ngực, mặt và cổ
- Có thể có màu đỏ, nâu đậm hoặc nâu nhạt
- Có thể biến mất khi cơ thể lão hóa
- Có thể phai nhạt vào mùa đông
- Thường có kích thước từ 1 – 2 mm hoặc lớn hơn
- Có đường viên không được xác định rõ ràng
Tàn nhang Solar letigines (đồi mồi):
Đồi mồi trông giống như những vết tàn nhang lớn, được tạo thành sau nhiều năm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Các đốm đồi mồi thường phổ biến hơn ở người lớn tuổi, thường là trên 40 tuổi.
Các đặc điểm của tàn nhang Solar letigines:
- Đôi khi được gọi là đồi mồi, vết đen hoặc đốm gan
- Xuất hiện ở người lớn tuổi và đặc biệt phổ biến ở người trên 50 tuổi
- Có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trong cơ thể tiếp xúc với ánh nắng, bao gồm mặt, cổ, cánh tay, cổ tay, ống chân, lưng và ngực
- Không mờ dần và không biến mất theo thời gian
- Có màu vàng nhạt đến nâu đậm
- Thường xuất hiện sau một thời gian dài tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc khi cơ thể lão hóa
- Có đường viền rõ ràng so với vùng da xung quanh
Điều trị các loại nám tàn nhang
Hầu hết các loại nám tàn nhang không nguy hiểm và có thể điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Mặc dù không phải tất cả các loại nám tàn nhang đều có thể điều trị và đáp ứng điều trị, tuy nhiên, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp xử lý như:
1. Điều trị các loại nám da
Các loại nám da có thể được điều trị tại nhà bằng cách kiểm soát các tác nhân gây nám da và tránh tiếp xúc. Cụ thể người bệnh có thể hạn chế nguy cơ nám da với một số biện pháp, chẳng hạn như:
- Thoa kem chống nắng mỗi ngày: Chống nắng đúng cách là một trong những cách tốt nhất để điều trị và ngăn ngừa nám da. Bởi vì ánh nắng mặt trời có thể gây nám da, do đó người bệnh cần thoa kem chống nắng mỗi ngày, kể cả ngày không có nắng. Luôn chọn kem chống nắng có khả năng bảo vệ phổ rộng và bôi lại ít nhất hai giờ một lần. Nếu người bệnh đi bơi hoặc hoạt động gây đổ mồ hôi nhiều, hãy thoa lại kem chống nắng thường xuyên hơn.
- Mặc quần áo bảo vệ: Bên cạnh việc sử dụng kem chống nắng, người bệnh có thể tăng thêm khả năng bảo vệ bằng cách mặc thêm quần áo hoặc đội mũ rộng vành để hạn chế các triệu chứng nám da.
- Mang kính râm: Mang kính râm có thể che chắn khu vực xung quanh mắt và ngăn ngừa nám da ở khu vực này. Tuy nhiên nên tránh các loại kính râm có viền kim loại, điều này có thể hút nhiệt và khiến tình trạng nám da trở nên nghiêm trọng hơn.
- Không tẩy lông: Cố gắng không tẩy lông hoặc triệt lông, bời vì điều này có thể gây viêm da và khiến tình trạng nám da trở nên nghiêm trọng hơn.
Đối với tình trạng nám da nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể tham khảo một số cách điều trị y tế, chẳng hạn như:
- Hydroquinone: Đây là lựa chọn điều trị làm sáng da phổ biến ở người bị nám da. Sản phẩm có sẵn ở dạng kem, gel và chất lỏng. Một số sản phẩm có sẵn mà không cần kê toa của bác sĩ, tuy nhiên các dạng Hydroquinone mạnh hơn (và hiệu quả hơn) cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ da liễu.
- Tretinoin: Tretinoin có thể được sử dụng kết hợp để tăng cường và đẩy nhanh tác dụng của Hydroquinone. Tretinoin cần được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ da liễu.
- Corticosteroid: Các sản phẩm chứa Corticosteroid có thể giúp giảm viêm và cải thiện 75% tình trạng nám da sau 2 tháng sử dụng. Tuy nhiên, Corticosteroid cần được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn trong một thời gian ngắn để tránh các rủi ro liên quan.
- Peel da hóa học: Peel da sử dụng axit salicylic, glycolic hoặc các thành phần hóa học khác để loại bỏ các lớp da trên cùng nhằm mục đích giúp da đều màu hơn. Sau khi peel da vài ngày, da sẽ bong tróc, trở nên nhạy cảm và bắt đầu đều màu hơn.
- Siêu mài mòn da: Phương pháp siêu mài mòn da có thể được sử dụng để cải thiện mức độ các nám da. Quy trình này tăng sự thay đổi tế bào, loại bỏ các tế bào da đã bị ảnh hưởng bởi sắc tố. Siêu mài mòn da nên được thực hiện bởi bác sĩ da liễu có chuyên môn để tránh các rủi ro liên quan.
- Điều trị bằng laser: Nhiều tia laser có thể cải thiện tình trạng nám da hiệu quả. Tuy nhiên, một số tia laser có thể khiến tình trạng nám da nghiêm trọng hơn, do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
2. Điều trị tàn nhang
Tàn nhang tự nhiên không cần điều trị. Khi cơ thể lão hóa, tàn nhang có thể tự biến mất hoặc nhạt đi. Tuy nhiên, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp hỗ trợ làm mờ tàn nhang, chẳng hạn như:
- Sử dụng kem chống nắng: Kem chống nắng không thể loại bỏ các vết tàn nhang hiện có, tuy nhiên có thể hỗ trợ ngăn ngừa các vết tàn nhang mới. Người bệnh nên thoa kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên, thoa trước khi ra nắng ít nhất là 15 phút và thoa lại sau mỗi â giờ.
- Điều trị bằng laser: Điều trị bằng laser sử dụng các xung ánh sáng tập trung, cường độ cao để nhắm vào vùng da bị tổn thương để làm sáng da và cải thiện các triệu chứng tàn nhang.
- Áp lạnh: Áp lạnh là thủ thuật sử dụng nitơ lỏng để đóng băng và tiêu diệt các tế bào da bất thường. Áp lạnh thường an toàn, mang lại hiệu quả cao nhưng có thể dẫn đến một số tác dụng phụ, chẳng hạn như chảy máu và phồng rộp.
- Retinoid tại chỗ: Retinoid là một hợp chất vitamin A, được sử dụng để cải thiện các tổn thương lên da do ánh nắng mặt trời và làm sáng da tàn nhang. Retinoid được sử dụng theo hướng dẫn của nha sĩ, tuy nhiên đôi khi có thể dẫn đến một số tác dụng phụ, chẳng hạn như đỏ da, khô da, bong tróc và nhạy cảm.
- Peel da hóa chất: Phương pháp này sử dụng dung dịch hóa học để tẩy tế bào chế và làm bong tróc các vùng da bị tổn thương. Để loại bỏ tàn nhang, nha sĩ sử dụng dung dịch có chứa axit glycolic hoặc axit trichloroacetic để loại bỏ các đốm tàn nhang và tái tạo da mới.
Ngoài ra, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp tự nhiên để loại bỏ tàn nhang tại nhà. Cụ thể các phương pháp này bao gồm:
- Nước chanh: Sử dụng tăm bông thoa trực tiếp nước cốt chanh lên da để làm sáng da và điều trị tàn nhang.
- Mật ong: Kết hợp mật ong với muối hoặc đường để làm hỗn hợp tẩy tế bào chết và làm mờ tình trạng tàn nhang.
- Sữa chua: Thoa trực tiếp sữa chua lên da và giữ yên trong vài phút có thể hỗ trợ cải thiện tàn nhang.
- Hành tây: Chà một lát hành tây lên da sau đó rửa sạch với nước ấm có thể hỗ trợ tẩy tế bào chết và làm sáng các vết tàn nhang.
Có một số loại tổn thương da phổ biến, lành tính, bao gồm cả nám và tàn nhang. Các loại nám tàn nhang khác nhau có đặc điểm và đáp ứng điều trị khác nhau. Hầu hết các loại nám tàn nhang không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng gây khó chịu, mất thẩm mỹ, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về các biện pháp điều trị và phòng ngừa phù hợp.
Có thể bạn quan tâm: 10+ cách trị nám tại nhà nhanh từ thiên nhiên, dân gian
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!