Hội Chứng Ruột Kích Thích Là Gì? Biểu Hiện Và Điều Trị

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là tình trạng rối loạn chức năng đại tràng mãn tính, điển hình bởi triệu chứng tiêu chảy, táo bón, đầy bụng, khó tiêu và có chất nhầy trong phân. Do nguyên nhân chưa rõ ràng nên hiện nay điều trị bệnh lý này chủ yếu là cải thiện triệu chứng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hội chứng ruột kích thích là gì
Hội chứng ruột kích thích là gì?

Hội chứng ruột kích thích là gì?

Hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome – IBS) là một dạng rối loạn chức năng của đại tràng, có tính chất tái đi tái nhiều lần nhưng không có tổn thương về mặt tổ chức học, giải phẫu và sinh hóa. Tỷ lệ mắc bệnh chiếm khoảng 5 – 20% dân số và gặp nhiều ở nữ giới – đặc biệt là người dưới 45 tuổi.

Trước đây, IBS còn được gọi là viêm đại tràng co thắt, viêm đại tràng tiết nhầy, bệnh đại tràng chức năng, ruột co thắt, viêm đại tràng mãn tính,… Tuy nhiên hiện nay, rối loạn chức năng ở đại tràng được thống nhất với tên gọi hội chứng ruột kích thích.

Bệnh lý này tương đối lành tính, hầu như không gây nguy hiểm đến tính mạng và không làm tăng nguy cơ ung thư như viêm đại tràng hay các bệnh lý có tổn thương thực thể. Tuy nhiên chức năng đại tràng bị rối loạn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, gây sụt cân, mệt mỏi, mất ngủ và tác động tiêu cực đến yếu tố tâm lý.

Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy IBS có liên quan đến sự tác động qua lại giữa hệ thống thần kinh ruột (trục não – ruột) và hệ thống thần kinh trung ương. Bệnh không bắt nguồn từ chế độ ăn uống, sinh hoạt, nhiễm trùng và tác dụng phụ của các loại thuốc như các bệnh lý ở đường tiêu hóa khác. Tuy nhiên các yếu tố này có thể khiến triệu chứng của IBS chuyển biến nghiêm trọng hơn.

Biểu hiện của hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích có triệu chứng không điển hình và thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác ở đường tiêu hóa. Mức độ triệu chứng còn có sự khác biệt rõ rệt ở từng trường hợp mắc bệnh.

hội chứng ruột kích thích ibs
IBS điển hình bởi triệu chứng đau bụng âm ỉ, đau quặn bụng, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi và chướng bụng

Một số dấu hiệu thường gặp của hội chứng ruột kích thích:

  • Đau quặn bụng hoặc đau âm ỉ, cơn đau thường giảm sau khi đi cầu
  • Đầy hơi
  • Có cảm giác chướng bụng
  • Tiêu chảy hoặc táo bón, đôi khi xuất hiện xen kẽ giữa 2 triệu chứng này
  • Phân có chất nhầy nhưng bao giờ có máu

Các triệu chứng của IBS có xu hướng tái đi tái lại nhiều lần, xảy ra tối thiểu trong 6 tháng với tần suất thấp nhất là 3 ngày/ tháng.

Ở một số trường hợp, IBS có thể gây ra các triệu chứng nặng nề hơn như:

  • Sụt cân
  • Chán ăn
  • Thiếu máu
  • Ngoài ra, bệnh kéo dài còn gây căng thẳng và lo âu quá mức

Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích

Hiện nay, nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy bệnh lý này có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân trực tiếp sau:

  • Rối loạn co bóp ống tiêu hóa: Nhu động của đại tràng quá nhanh hoặc quá chậm ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa, gây táo bón, tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu,… và làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích.
  • Các vấn đề tâm thần: Hệ thống thần kinh trung ương và thần kinh ruột có thể bị rối loạn khi xuất hiện các vấn đề tâm thần như suy nhược, căng thẳng, rối loạn lo âu. Bất thường ở hệ thần kinh khiến chức năng đại tràng bị rối loạn, ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa và làm phát sinh các triệu chứng lâm sàng.

Ngoài các nguyên nhân trên, triệu chứng của hội chứng ruột kích thích có thể bùng phát và tiến triển mạnh khi có các yếu tố như:

hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm
Thần kinh căng thẳng có thể làm nghiêm trọng triệu chứng và tiến triển của hội chứng ruột kích thích
  • Thực phẩm: Thực tế, triệu chứng của IBS có xu hướng nặng hơn khi bị dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm.  Ngoài ra, một số loại thực phẩm còn có thể gây đầy bụng, khó tiêu và táo bón. Các loại thực phẩm ảnh hưởng đến bệnh lý này, bao gồm bông cải xanh, thức uống có gas, sữa, rượu bia, cải bắp, chất béo, socola,…
  • Căng thẳng: Căng thẳng thần kinh có thể làm tăng mức độ rối loạn của hệ thần kinh ruột và làm nghiêm trọng hơn triệu chứng của IBS.
  • Nội tiết – giới tính: Thực tế cho thấy, nữ giới có nguy cơ mắc IBS cao gấp 2 lần nam giới. Hơn nữa, thay đổi nội tiết trong thời gian hành kinh và mang thai cũng có thể khiến triệu chứng của hội chứng này trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Các loại thuốc: Các loại thuốc kháng viêm, giảm đau và kháng sinh có thể gây viêm dạ dày và tổn thương ống tiêu hóa. Mặc dù không phải là nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích nhưng các loại thuốc này có thể khiến triệu chứng của bệnh chuyển biến nặng hơn.
  • Ảnh hưởng của một số bệnh lý: Chức năng của đại tràng có thể bị rối loạn do ảnh hưởng sau phẫu thuật cắt túi mật, viêm dạ dày – ruột, nhiễm khuẩn ruột,…

Các đối tượng có nguy cơ cao bị hội chứng ruột kích thích:

  • Nữ giới dưới 45 tuổi
  • Tiền sử gia đình mắc hội chứng ruột kích thích
  • Có vấn đề về tâm lý như rối loạn nhân cách, trầm cảm, lo lắng, căng thẳng,…
  • Nữ giới có nội tiết tố bất ổn

Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không?

Hội chứng ruột kích thích là một dạng rối loạn chức năng của đại tràng. Bệnh lý này tương đối lành tính, không gây ra tổn thương thực thể cũng không làm tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên hoạt động co bóp bất thường của ống tiêu hóa có thể gây tiêu chảy, táo bón kéo dài, làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng,…

Biểu hiện của hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích kéo dài dẫn đến suy dinh dưỡng, sụt cân và suy nhược cơ thể

Nếu không được kiểm soát, triệu chứng của bệnh có thể tiến triển dai dẳng và gây ra các biến chứng như:

  • Tăng nguy cơ bị bệnh trĩ: Tiêu chảy và táo bón kéo dài có thể làm tăng áp lực lên tĩnh mạch trực tràng – hậu môn khiến đám rối tĩnh mạch bị giãn, ứ huyết và tạo thành các búi trĩ. Mặc dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng bệnh trĩ gây vướng víu khi sinh hoạt, lao động và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.
  • Suy nhược cơ thể: Ruột già bị rối loạn chức năng có thể làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng. Hơn nữa, chế độ ăn uống kiêng khem để kiểm soát IBS còn khiến cơ thể không được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Vì vậy hội chứng ruột kích thích kéo dài có thể dẫn đến tình trạng sụt cân và suy nhược cơ thể.
  • Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Các triệu chứng của IBS không chỉ tác động đến hoạt động ăn uống, đại tiện mà còn gây ra nhiều phiền toái khi sinh hoạt, lao động,… Ngoài ra, tình trạng bệnh tái đi tái lại còn gây lo lắng, chán nản và làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý.

Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích

Như đã đề cập, hội chứng ruột kích thích không có triệu chứng điển hình nên rất dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề ở ống tiêu hóa khác. Vì vậy trước khi điều trị, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán để xác định bệnh lý và loại trừ một số khả năng có thể xảy ra.

Do không có tổn thương thực thể nên chẩn đoán IBS chủ yếu là loại trừ các bệnh lý có triệu chứng tương tự. Ngoài ra để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào 2 tiêu chuẩn sau:

  • Tiêu chuẩn Rome: Tiêu chuẩn này dựa vào các triệu chứng điển hình như đau bụng và khó chịu xảy ra trong ít nhất 3 ngày/ tháng trong liên tục 3 tháng gần đây, kết hợp 2 triệu chứng đi kèm là tăng số lần đi tiêu và thay đổi độ đặc của phân.
  • Tiêu chí Manning: Tiêu chuẩn này tập trung vào tình trạng giảm mức độ đau sau khi đại tiện, có chất nhầy trong phân, độ đặc của phân thay đổi, luôn có cảm giác đi tiêu không hết phân,…

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể dựa vào một số triệu chứng báo động để chẩn đoán:

  • Thiếu máu do sắt
  • Tiêu chảy kéo dài gây ảnh hưởng đến giấc ngủ
  • Đau bụng – mức độ đau không thuyên giảm sau khi đi tiêu
  • Sốt
  • Sụt cân đột ngột
  • Khởi phát sau 50 tuổi
  • Chảy máu trực tràng

Đối với các trường hợp có triệu chứng báo động, bác sĩ sẽ yêu cần kiểm tra bổ sung để loại trừ một số bệnh lý có khả năng xảy ra như:

  • Nội soi: Nội soi là thủ thuật chẩn đoán phổ biến đối với các bệnh ở đường tiêu hóa có thương tổn thực thể. Đối với các trường hợp xuất hiện triệu chứng báo động, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi đại tràng sigma và đại tràng để loại trừ các bệnh lý tiềm ẩn.
  • Chụp X-Quang: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị chụp X-Quang để loại trừ nguyên nhân do nhiễm khuẩn hoặc khối u ở ống tiêu hóa.
  • Chụp CT: Chụp CT vùng chậu và ổ bụng được thực hiện nhằm loại trừ một số nguyên nhân có thể gây ra triệu chứng đau bụng.
  • Xét nghiệm không dung nạp lactose: Chứng không dung nạp lactose có biểu hiện tương tự IBS. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra hơi thở và đề nghị loại bỏ thực phẩm chứa lactose (sữa) ra khỏi chế độ ăn trong khoảng vài tuần để loại trừ bệnh lý này.
  • Kiểm tra hơi thở: Kiểm tra hơi thở được thực hiện nếu nghi ngờ các triệu chứng như tiêu chảy, tức bụng, chướng bụng,… xảy ra do loạn khuẩn trong đại tràng tăng sinh quá mức.
  • Xét nghiệm phân: Trong trường hợp táo bón và tiêu chảy kéo dài bất thường, bác sĩ sẽ xét nghiệm phân để xác định sự hiện diện của ký sinh trùng và vi khuẩn. Nếu xảy ra do IBS, các xét nghiệm này thường cho kết quả âm tính.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện nhằm chẩn đoán phân biệt với bệnh Celiac (bệnh tiêu hóa mãn tính xảy ra do đường ruột nhạy cảm với protein có trong lúa mạch và lúa mì).

Các phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích

Do nguyên nhân chưa rõ ràng nên hiện nay điều trị hội chứng ruột kích thích chủ yếu là cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phần lớn các trường hợp IBS đều có thể kiểm soát bằng chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh. Tuy nhiên nếu hội chứng này có mức độ trung bình đến nặng, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc điều trị.

1. Thay đổi chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng không phải là nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến tiến triển và mức độ của các triệu chứng. Vì vậy, xây dựng chế độ ăn uống khoa học có thể làm thuyên giảm hoặc cải thiện hoàn toàn các triệu chứng do IBS gây ra.

Nguyên nhân hội chứng ruột kích thích
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến các triệu chứng do IBS gây ra

Chế độ dinh dưỡng dành riêng cho người bị hội chứng ruột kích thích, bao gồm:

  • Loại bỏ thực phẩm gây đầy hơi như nước uống có gas, bắp cải, bông cải trắng và bông cải xanh. Các loại thực phẩm này có thể gây đầy bụng, khó tiêu và trung tiện nhiều.
  • Để giảm tình trạng tiêu chảy do IBS, nên ngưng sử dụng các loại thực phẩm chứa gluten như lúa mạch và lúa mì.
  • Hạn chế các loại thực phẩm và đồ uống làm tăng áp lực lên ống tiêu hóa và kích thích rối loạn chức năng đại tràng như cà phê, rượu bia, bánh kẹo, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn chứa quá nhiều đạm, dầu mỡ và gia vị.
  • Cố gắng bổ sung các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nhưng không ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa như trứng, cá hồi, thịt gà, quả bơ,…
  • Tuyệt đối không bỏ bữa, ăn uống không đúng giờ hoặc ăn uống qua loa. Các thói quen này có thể khiến cơ thể giảm sức khỏe, sụt cân và mệt mỏi.
  • Cung cấp cho cơ thể từ 2 – 2.5 lít nước/ ngày nhằm hỗ trợ làm mềm phân, cân bằng điện giải và giảm mất nước do tiêu chảy kéo dài.

Trên thực tế, bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng cụ thể của từng trường hợp để hướng dẫn xây dựng chế độ ăn phù hợp.

2. Sử dụng thuốc điều trị

Trong trường hợp triệu chứng không thuyên giảm khi điều chỉnh chế độ ăn, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc cần thiết như:

Biểu hiện của hội chứng ruột kích thích
Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc để kiểm soát triệu chứng của IBS
  • Viên uống bổ sung chất xơ: Đối với những trường hợp bị táo bón kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định một số viên uống bổ sung chất xơ như Natufib để điều hòa nhu động ruột, giảm táo bón và cải thiện chức năng tiêu hóa. So với chất xơ từ thực phẩm, chất xơ hòa tan trong các viên uống này thường không gây đầy hơi hay chướng bụng.
  • Thuốc nhuận tràng: Nếu viên uống bổ sung chất xơ không đem lại hiệu quả đối với chứng táo bón, bác sĩ có thể chỉ định thuốc nhuận tràng để làm mềm phân và tăng co bóp cơ quanh thành ruột nhằm đẩy phân ra bên ngoài. Tuy nhiên khi sử dụng loại thuốc này, cần uống nhiều nước để hạn chế mất nước và rối loạn điện giải. Một số loại thuốc nhuận tràng thường được sử dụng, bao gồm Sorbitol, Bisacodyl và Lactulose.
  • Thuốc trị tiêu chảy: Thuốc trị tiêu chảy được sử dụng nhằm điều hòa nhu động ruột, giảm tần suất đi tiêu và tăng độ đặc của phân. Các loại thuốc trị tiêu chảy thường được dùng trong điều trị hội chứng ruột kích thích, bao gồm Cholestyramine và Loperamide.
  • Thuốc giảm đau chống co thắt: Trong trường hợp đau quặn bụng kéo dài và có mức độ nặng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống co thắt nhằm giảm cơn đau do IBS gây ra. Các loại thuốc co thắt thường được dùng để điều trị IBS bao gồm Dipropyline và Hyoscine butylbromide.
  • Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm có tác dụng giảm đau và an thần. Ngoài ra, thuốc còn có hiệu quả điều trị táo bón. Hiện nay thuốc chống trầm cảm được sử dụng trong điều trị IBS chủ yếu là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc hoặc thuốc chống trầm cảm 3 vòng.

Ngoài ra, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc khác tùy vào triệu chứng và mức độ đáp ứng của từng trường hợp cụ thể.

Lối sống cho người bị hội chứng ruột kích thích

Hiện nay, điều trị hội chứng ruột kích thích còn nhiều hạn chế và trở ngại. Vì vậy bên cạnh các phương pháp y tế, bạn nên xây dựng lối sống lành mạnh để giảm nhẹ triệu chứng và ngăn chặn tiến triển của bệnh.

Nguyên nhân hội chứng ruột kích thích
Tập thể dục giúp điều hòa nhu động ruột và hỗ trợ làm giảm triệu chứng do hội chứng ruột kích thích gây ra

Lối sống cho người bị hội chứng ruột kích thích, bao gồm:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có tiền sử dị ứng hoặc có nguy cơ dị ứng cao.
  • Hoạt động thể chất được chứng minh có hiệu quả trong việc điều hòa chức năng của hệ thần kinh, giảm rối loạn hoạt động của đại tràng và cải thiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Vì vậy, bạn nên dành 20 – 30 phút/ ngày để tập các bộ môn có cường độ nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, đạp xe, bơi lội,…
  • Có thể kết hợp với xoa bóp vùng bụng để kích thích nhu động ruột, cải thiện chức năng tiêu hóa, giảm triệu chứng táo bón và đầy hơi.
  • Căng thẳng có thể làm nghiêm trọng triệu chứng của IBS. Vì vậy, nên giảm khối lượng công việc, dành thời gian nghỉ ngơi, đọc sách, ngủ đủ giấc,… để giải tỏa các suy nghĩ tiêu cực và làm giảm áp lực lên hệ thần kinh trung ương.
  • Điều trị triệt để các bệnh lý có ảnh hưởng đến hội chứng ruột kích thích như viêm dạ dày – ruột, trầm cảm, rối loạn nội tiết,…

Hội chứng ruột kích thích là bệnh thường gặp ở đường tiêu hóa. Bệnh lý này tương đối lành tính và có thể kiểm soát thông qua chế độ dinh dưỡng, sử dụng thuốc,… Tuy nhiên nếu không can thiệp điều trị, bệnh có thể tiến triển xấu và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Tham khảo thêm: 5 bài thuốc dân gian chữa viêm đại tràng hiệu quả

5/5 - (6 bình chọn)

GỢI Ý XEM THÊM

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *