Vì sao da bị khô từng mảng? Cách nhận biết, điều trị
Nội dung bài viết
Da bị khô từng mảng có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm dị ứng, viêm da hoặc các bệnh lý tiềm ẩn khác trong cơ thể. Xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là cách tốt nhất để có biện pháp điều trị phù hợp.
Vì sao da bị khô từng mảng?
Da khô là tình trạng phổ biến, thường gặp nhất trong các tháng mùa đông, khi da tiếp xúc với không khí lạnh và độ ẩm không khí thấp. Tuy nhiên, da bị khô thành từng mảng có thể liên quan đến một số tình trạng y tế tiềm ẩn. Cụ thể các nguyên nhân và yếu tố rủi ro có thể bao gồm:
1. Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc là tình trạng xảy ra khi da tiếp xúc với chất gây kích ứng da. Tình trạng này có thể gây phát ban đỏ và ngứa. Nếu tiếp xúc bàn tay hoặc các ngón tay với các yếu tố kích ứng, người bệnh có thể gặp tình trạng bong tróc da ở các ngón tay.
Viêm da tiếp xúc chỉ ảnh hưởng đến các khu vực da tiếp xúc với chất gây dị ứng. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng ngứa, viêm hoặc khô da theo từng mảng.
Các triệu chứng viêm da tiếp xúc phổ biến bao gồm:
- Xuất hiện các mảng da khô, đỏ hoặc có vảy
- Nổi mề đay mẩn ngứa
- Ngứa da hoặc có cảm giác nóng rát trên các khu vực bị ảnh hưởng
- Rò rỉ hoặc vỡ các nốt mẩn đỏ
Viêm da tiếp xúc có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Ngoài ra, đối với các triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh có thể đề nghị sử dụng các loại kem steroid hoặc thuốc uống theo toa của bác sĩ.
2. Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa hay viêm da dị ứng là một dạng bệnh chàm, có thể dẫn đến tình trạng da bị khô từng mảng. Các triệu chứng viêm da cơ địa thường ảnh hưởng đến má, tay và chân.
Một số dấu hiệu nhận biết bệnh viêm da cơ địa bao gồm:
- Da khô, kích ứng
- Da có vảy
- Phát ban ngứa
- Nứt nẻ da
Hiện tại không có biện pháp điều trị bệnh viêm da cơ địa, tuy nhiên bác sĩ có thể đề nghị một kế hoạch điều trị các triệu chứng phù hợp theo độ tuổi, các triệu chứng và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Một số trường hợp bệnh viêm da cơ địa có thể tự khỏi theo thời gian, tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể kéo dài suốt đời.
3. Bệnh vẩy nến
Bệnh vẩy nến là một rối loạn tự miễn dịch khiến các tế bào da nhân lên quá nhanh. Người bệnh vẩy nến thường gặp tình trạng da bị khô từng mảng, có vảy và ngứa trên cơ thể.
Trong hầu hết các trường hợp bệnh vảy nến được kích hoạt bởi:
- Stress
- Hút thuốc lá
- Uống rượu
- Nhiễm trùng da
- Xuất hiện các vết thương hở trên da
- Sử dụng một số loại thuốc thường xuyên
- Thiếu hụt vitamin D
Hiện tại không có cách điều trị bệnh vẩy nến. Tuy nhiên, người bệnh có thể áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát các triệu chứng bệnh vẩy nến, bao gồm sử dụng kem bôi, liệu pháp ánh sáng và thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
4. Bệnh chàm
Bệnh chàm (eczema) là tình trạng có thể gây khô da thành từng mảng, ngứa và hình thành các mảng da có màu nâu đỏ. Triệu chứng chính của bệnh chàm khiến da ngứa, khô, thô ráp, tróc vảy, viêm và kích ứng.
Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp bệnh chàm gây ảnh hưởng đến các vị trí bao gồm:
- Tay
- Chân
- Mắt cá chân
- Cổ tay
- Cổ
- Ngực
- Mí mắt
- Khuỷu tay
- Đầu gối
- Mặt
Bệnh chàm dẫn đến tình trạng da bị khô từng mảng, khi gãy các mảng da này có thể đóng vảy và gây bong tróc. Bệnh không lây nhiễm và có thể điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm kem, thuốc và liệu pháp ánh sáng theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát các triệu chứng.
5. Bệnh da vảy cá
Da vảy cá là một thuật ngữ chỉ một nhóm các rối loạn da di truyền, dẫn đến tình trạng da bị khô từng mảng và có vảy. Da vảy cá là tình trạng không phổ biến và có khoảng 95% các trường hợp, các triệu chứng nhẹ và không cần điều trị.
Tình trạng da vảy cá thường phát triển khi ở trẻ em, tuy nhiên một số người trưởng thành cũng có thể phát triển các triệu chứng bệnh. Các triệu chứng này thường xuất hiện ở chân, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến cánh tay, thân và các bộ phận cơ thể khác.
Các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết bệnh da vảy cá bao gồm:
- Da bị khô từng mảng, ngứa và có thể bong tróc
- Xuất hiện vảy da
- Da có thể trở nên dày nhẹ
Hiện tại không có cách điều trị tình trạng da vảy cá. Tuy nhiên việc dưỡng ẩm và tẩy tế bào da chết thường xuyên có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng hiệu quả.
6. Bệnh vảy phấn hồng
Bệnh vảy phấn hồng là tình trạng xuất hiện các đốm hình tròn hoặc hình bầu dục lớn trên ngực, bụng hoặc lưng. Các mảng da tổn thương thường phát triển thành các cụm da khô, đường kính có thể rộng khoảng 10 cm.
Vẩy phấn hồng thường phổ biến ở phụ nữ từ 10 – 35 tuổi. Dấu hiệu chính là xuất hiện các đốm da khô, tròn, đơn lẻ, màu hồng hoặc màu rám nắng. Sau 1 – 2 tuần, vùng da tổn thương có thể xuất hiện một cụm các mảng vảy, có đường viền bên ngoài.
Hiện tại nguyên nhân dẫn đến vảy phấn hồng không rõ ràng. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng bệnh có thể do nhiễm virus, đặc biệt là một số chủng virus herpes, tuy nhiên bệnh không liên quan đến chủng virus gây mụn rộp. Vẩy phấn hồng không lây lan và thường dễ bị nhầm lẫn thành bệnh hắc lào.
Trong hầu hết các trường hợp bệnh vẩy phấn hồng sẽ tự cải thiện sau 4 – 10 tuần mà không cần điều trị. Nếu tình trạng bệnh kéo dài, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
7. Các nguyên nhân khác
Bên cạnh các bệnh lý da liễu, đôi khi tình trạng da bị khô từng mảng có thể liên quan đến một số nguyên nhân môi trường. Cụ thể các yếu tố rủi ro bao gồm:
- Không khí khô: Đôi khi không khí khô có thể làm mất độ ẩm trên da và khiến da xuất hiện các mảng khô. Vào mùa hè độ ẩm cao có thể khiến da không bị khô, tuy nhiên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều cũng có thể gây khô da.
- Mất nước: Nếu uống không đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày, da có thể bị khô từng mảng.
- Thiếu hụt các chất dinh dưỡng: Không tiêu thụ đầy đủ canxi, vitamin D, vitamin E có thể dẫn đến tình trạng da bị khô từng mảng và xuất hiện vảy trắng trên da. Các mảng da khô do thiếu hụt dinh dưỡng thường không nghiêm trọng tuy nhiên người bệnh nên cần bằng chế độ dinh dưỡng cần thiết để tăng cường sức khỏe tổng thể.
- Hút thuốc lá: Thuốc lá có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến da bị khô từng mảng. Ngoài ra, hút thuốc cũng có thể dẫn đến nếp nhăn da và màu da xỉn.
- Căng thẳng: Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến cơ thể theo nhiều cách khác nhau, bao gồm khiến da bị khô từng mảng.
- Tuổi cao: Khi cơ thể lão hóa, các lỗ chân lông thường sản xuất ít dầu hơn và điều này khiến da trở nên khô hơn. Các mảng da khô ở người lớn tuổi thường phổ biến ở cẳng chân, khuỷu tay hoặc cánh tay.
- Sử dụng xà phòng chứa hóa chất: Sử dụng các loại xà phòng, nước hoa, hóa chất hoặc các chất chống đổ mồ hôi có thể dẫn đến tình trạng da bị khô từng mảng. Ngoài ra, tắm nước nóng quá lâu cũng có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Cách nhận biết tình trạng da khô từng mảng
Da khô thành từng mảng thường chỉ là tạm thời, chẳng hạn như vào mùa đông, tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể kéo dài suốt đời. Các dấu hiệu và triệu chứng thường phụ thuộc vào tuổi tác, sức khỏe, môi trường sống và các bệnh lý cơ bản.
Trong hầu hết các trường hợp tình trạng da bị khô từng mảng có thể nhận biết bằng một số dấu hiệu như:
- Có cảm giác căng da ở một số vị trí nhất định, đặc biệt là sau khi tắm, đi bơi hoặc tiếp xúc với một yếu tố kích ứng nhất định
- Da sần sùi
- Ngứa
- Bong tróc da thành từng mảng, đóng vảy hoặc nứt nẻ từ nhẹ đến nặng
- Xuất hiện các đường nhăn da
- Da màu xám đen hoặc đỏ
- Các vết nứt da có thể trở nên sâu, nghiêm trọng và gây chảy máu
Hầu hết các trường hợp da bị khô từng mảng đều đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị tại nhà. Tuy nhiên hãy đến bệnh viện nếu tình trạng da trở nên nghiêm trọng hoặc không được cải thiện sau khi áp dụng các biện pháp tại nhà.
Biện pháp điều trị tình trạng da bị khô từng mảng
Các biện pháp điều trị tình trạng da khô thành từng mảng phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản dẫn đến các triệu chứng. Bác sĩ có thể đề nghị các loại kem, thuốc mỡ, kem dưỡng da hoặc các loại thuốc kê đơn để cải thiện tình trạng da. Cụ thể các biện pháp phổ biến bao gồm:
1. Biện pháp khắc phục tại nhà
Hầu hết các trường hợp da bị khô từng mảng có thể cải thiện bằng cách biện pháp tại nhà. Cụ thể cách chăm sóc da khô như sau:
- Dưỡng ẩm da: Sử dụng kem dưỡng ẩm để khóa ẩm cho da, ngăn ngừa trên da thoát ra bên ngoài. Thoa kẽm dưỡng tại vị trí da khô nhiều lần trong ngày và sau khi tắm.
- Sử dụng nước ấm và hạn chế thời gian tắm: Tắm quá lâu hoặc tắm nước quá nóng có thể loại bỏ lớp dầu tự nhiên trên da và khiến da bị khô. Hạn chế tắm hoặc tắm vòi sen trong 5 – 10 phút với nước ấm hoặc nước mát để bảo vệ làn da.
- Tránh sử dụng xà phòng gây khô da: Tốt nhất người bị da bị khô từng mảng nên sử dụng các chất tẩy rửa dịu nhẹ hoặc sữa tắm có bổ sung các chất dưỡng ẩm da. Tránh sử dụng các loại xà phòng kháng khuẩn, khử mùi hoặc sản phẩm có mùi thơm và chứa chồn.
- Thoa kem dưỡng ẩm sau khi tắm: Lau khô hoặc thâm khô da bằng khăn để giữ độ ẩm tự nhiên cho da. Trong vài phút sau khi tắm, hãy thoa kem dưỡng ẩm hoặc thuốc mỡ để khóa ẩm và hạn chế tình trạng da khô.
- Chọn các quần áo từ vải tốt cho da: Các loại sợi tự nhiên, chẳng hạn như bông và lụa có thể khiến da thoải mái, không bị ma sát và tổn thương. Tuy nhiên vải len có thể gây kích ứng da dẫn đến ma sát, khô và ngứa, do đó không thích hợp dùng cho người bị da khô thành từng mảng. Bên cạnh đó, giặt quần áo bằng các chất tẩy rửa tự nhiên để tránh gây kích ứng da.
2. Điều trị y tế
Trong hầu hết các trường hợp da bị khô từng mảng có thể được cải thiện bằng cách thay đổi lối sống, chẳng hạn như sử dụng kem dưỡng ẩm, tránh tắm nước nóng hoặc tắm quá lâu. Tuy nhiên trong các trường hợp nghiêm trọng hoặc khi các biện pháp điều trị tại nhà không mang lại hiệu quả, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.
Trong trường hợp da rất khô và có vảy, bác sĩ có thể khuyến khích người bệnh sử dụng kem dưỡng ẩm không kê đơn có chứa axit lactic hoặc ure. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như bệnh vẩy nến, viêm da cơ địa hoặc bệnh chàm, bác sĩ có thể đề nghị các loại kem, thuốc mỡ theo toa hoặc các phương pháp điều trị chuyên môn khác.
Đối với làn da cực kỳ khô ngứa hoặc dễ bị nứt nẻ, bác sĩ có thể kê toa steroid tại chỗ hoặc có loại thuốc có chứa steroid khác, để làm giảm tình trạng viêm da, phát ban, khô và ngứa. Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc uống hoặc tiêm.
Trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc hoặc các sản phẩm kê đơn khác để điều trị tình trạng da bị khô từng mảng.
Các phòng ngừa tình trạng da bị khô từng mảng
Bên cạnh các biện pháp điều trị, người bệnh có thể cải thiện các triệu chứng da bị khô thành từng mảng bằng một số lưu ý như:
- Sử dụng kem dưỡng ẩm mỗi ngày để khóa ẩm cho da
- Hạn chế tắm và tắm vòi sen không quá một lần mỗi ngày
- Thời gian tắm không nên kéo dài quá 10 phút
- Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí để bổ sung độ ẩm trong nhà
- Sử dụng xà phòng dưỡng ẩm cho cơ thể và tay
- Che chắn làn da cẩn thận khi cần ra ngoài, đặc biệt là trong thời tiết nóng hoặc quá lạnh
- Tránh chà xát hoặc gây tổn thương da
- Uống nhiều nước
Da bị khô từng mảng có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân, bệnh lý và các điều kiện sống khác nhau. Nếu không được chăm sóc và điều trị phù hợp tình trạng này có thể dẫn đến nứt nẻ, chảy máu và dẫn đến nhiễm trùng da. Do đó, nếu da khô nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!