Cách trị bệnh chàm tay nhanh khỏi và kiêng kỵ
Nội dung bài viết
Bệnh chàm tay có biểu hiện đặc trưng là các sang thương đỏ ngứa chứa nhiều mụn nước kèm theo tình trạng nứt nẻ, bong tróc da. Để điều trị bệnh nhanh khỏi, bên cạnh việc sử dụng thuốc theo đơn bác sĩ, người bệnh cần chú ý kiêng kỵ những vấn đề dưới đây.
Nguyên nhân gây bệnh chàm tay
Chàm tay là một bệnh lý da liễu mãn tính gây ra những tổn thương viêm đỏ trên da tay kèm theo tình trạng khô da, ngứa ngáy, bong tróc và nứt nẻ da. Đến nay, nhiều cuộc nghiên cứu đã được mở ra nhưng vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh chàm ở tay. Tuy nhiên, y học đã chỉ ra một số yếu tố có thể thúc đẩy căn bệnh này phát triển như:
- Cơ địa: Những người có cơ địa nhạy cảm, dễ bị dị ứng thường có nguy cơ bị bệnh chàm tay cao hơn những người khác.
- Di truyền: Bệnh chàm có tính chất di truyền. Nếu trong gia đình có bố mẹ từng mắc căn bệnh này thì con cháu của họ cũng có nguy cơ phát triển bệnh chàm ở tay hay bất cứ vị trí nào trên cơ thể ngay từ khi còn nhỏ.
- Vệ sinh da tay kém: Tay không được rửa thường xuyên, vệ sinh da kém chính là những điều kiện lý tưởng để vi khuẩn và nấm men có thể dễ dàng tấn công vào hàng rào bảo vệ da. Chúng kích thích hệ miễn dịch hoạt động mạnh mẽ để tiêu diệt các tác nhân gây bệnh nhưng lại vô tình tấn công nhầm vào các tế bào da khỏe mạnh ở tay, từ đó dẫn đến viêm da và làm bệnh chàm bùng phát.
- Thiếu hụt filaggrin: Filaggrin là một loại protein đóng vai trò giữ nước và cân bằng độ ẩm trên da. Nghiên cứu lớp sừng da của người bị chàm tay cho thấy hầu hết đều có hiện tượng thiếu hụt chất này.
- Do tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên: Bệnh chàm tay thường xảy ra ở những người làm việc trong môi trường chứa nhiều hóa chất hoặc thường xuyên phải tiếp xúc với xà phòng, thuốc nhuộm, sơn, khói bụi ô nhiễm. Đây là những yếu tố dị nguyên có thể kích hoạt phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch, làm giải phóng nhiều histamin gây ra tình trạng viêm ngứa và tổn thương thường thấy ở bệnh chàm tay.
- Các nguyên nhân khác gây chàm ở tay: Da tay bị ma sát nhiều, khô da, stress kéo dài, thời tiết hanh khô, quá nóng hoặc quá lạnh, môi trường sống bị ô nhiễm…
Triệu chứng bệnh chàm ở tay
Người bị bệnh chàm tay thường có các biểu hiện như sau:
- Ban đầu, bệnh chàm thường gây viêm da. Sang thương là những đám da nhỏ có màu đỏ hoặc màu hồng sưng nề. Có thể nhìn thấy rõ ranh giới giữa vùng da bệnh với khu vực da tay khỏe mạnh.
- Có cảm giác ngứa ngáy, châm chích hoặc đau rát nhẹ ở vùng da bị nhiễm bệnh
- Trên nền da đỏ xuất hiện nhiều mụn nhỏ ti ti. Các mụn này sau đó có thể trở thành mụn nước chứa đầy dịch bên trong.
- Khi mụn nước bị vỡ, bề mặt da rỉ ra dịch trong, hơi đục hoặc dịch màu vàng. Mụn nước khô lại sẽ đóng thành lớp vảy tiết cứng.
- Trường hợp ảnh hưởng đến móng tay, bệnh chàm có thể khiến móng bị biến đổi màu sắc, trở nên giòn, đục và rất dễ gãy.
Bệnh chàm ở tay rất dễ tái phát do da tay là khu vực thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Tổn thương trên da lặp đi lặp lại nhiều lần tạo thành một lớp dày sừng thô ráp. Nó có thể gây ngứa ngáy dữ dội và khiến da bị bong tróc, nứt nẻ, chảy máu.
Nếu không được chăm sóc tốt, vi khuẩn, virus có thể xâm nhập vào tổn thương hở trên da gây bệnh chàm bội nhiễm. Khu vực da bị bệnh cũng có thể bị Lichen hóa làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ da.
Làm thế nào để chẩn đoán bệnh chàm tay?
Việc sớm chẩn đoán có thể giúp cho quá trình điều trị bệnh được dễ dàng hơn. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ mắc bệnh chàm, bạn hãy liệt kê để bác sĩ da liễu nắm rõ, bao gồm cả thời gian xuất hiện cũng như mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Ngoài ra, bác sĩ có thể tiến hành một số kỹ thuật khác để chẩn đoán bệnh chàm ở tay cũng như nguyên nhân gây bệnh. Bao gồm:
- Hỏi thăm về lịch sử mắc bệnh trong gia đình
- Kiểm tra tổn thương ngoài da
- Xét nghiệm dị ứng da để tìm ra tác nhân gây dị ứng là nguyên nhân khiến cho bệnh chàm khởi phát.
Cách trị bệnh chàm tay
Để điều trị bệnh chàm ở tay, bác sĩ có thể kê đơn các loại kem bôi hoặc thuốc uống nhằm giúp bệnh nhân làm giảm các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra. Ngoài ra, một số phương pháp khắc phục bệnh tự nhiên hay liệu pháp quang hóa trị liệu cũng được áp dụng để hỗ trợ rút ngắn thời gian điều trị bệnh.
1. Thuốc chữa bệnh chàm tay do bác sĩ kê đơn
Các thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh chàm ở tay chủ yếu là thuốc làm giảm triệu chứng. Dưới đây là một số loại thuốc thường được bác sĩ kê đơn:
- Hydrocortisone: Đây là thuốc mỡ thuộc nhóm corticoid có tác dụng giảm viêm, chống ngứa da. Thuốc được sử dụng bôi trực tiếp lên khu vực tổn thương khi da đang còn ẩm. Bệnh nhân được khuyến cáo nên làm sạch vùng da bị nhiễm bệnh hoặc tắm rửa trước rồi mới thoa thuốc để đạt được hiệu quả tốt nhất. Điều quan trọng là đọc kỹ hướng dẫn trong tờ giấy đính kèm của nhà sản xuất hoặc tuân thủ dùng đúng chỉ định của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ ngoài ý muốn.
- Thuốc kháng histamin: Thuốc có tác dụng ức chế phản ứng dị ứng gây viêm và ngứa da, ở người bị chàm tay, qua đó cải thiện các triệu chứng bệnh có liên quan. Bệnh nhân có thể được chỉ định thuốc theo đường bôi hoặc đường uống. Cần lưu ý, các thuốc kháng histamin dạng uống có thể gây buồn ngủ. Vì vậy, thuốc thường được chỉ định vào buổi tối. Trường hợp dùng thuốc vào ban ngày thì không nên lái xe hay làm những công việc cần có sự tập trung cao độ.
- Thuốc kháng sinh: Một số trường hợp bị bệnh chàm ở tay có biến chứng nhiễm trùng, bội nhiễm vi khuẩn sẽ được chỉ định kháng sinh. Lúc này, khu vực tổn thương có biểu hiện phồng rộp, lở loét, làm mủ, nứt nẻ, sưng và đau nặng. Khi dùng thuốc kháng sinh cần chú ý uống đủ đợt điều trị theo đơn bác sĩ. Mặc dù các tổn thương bội nhiễm có thể sắp lành nhưng cũng cần tiếp tục duy trì uống thuốc kháng sinh cho đủ liệu trình để tránh nguy cơ bị lờn thuốc.
- Thuốc chống nấm: Bao gồm Ketoconazole hay Griseofulvin… Thuốc được chỉ định cho các trường hợp bị chàm tay do nhiễm nấm, phổ biến nhất là các chủng nấm Candida hay Malassezia. Tùy theo mức độ nặng nhẹ mà người bệnh có thể được sử dụng thuốc kháng nấm dạng bôi hay dùng theo đường uống..
- Thuốc điều biến miễn dịch: Nếu không đáp ứng được với các thuốc điều trị trên, bác sĩ có thể đề nghị cho người bệnh dùng thuốc điều chế miễn dịch, chẳng hạn như Elidel hay Protopic. Khi được sử dụng, thuốc có thể thay đổi cách thức mà hệ miễn dịch hoạt động khi tương tác với các yếu tố dị nguyên. Bệnh nhân chỉ được phép sử dụng khi có sự cho phép của bác sĩ, tuyệt đối không tự mua thuốc về sử dụng bừa bãi.
2. Điều trị bệnh chàm tay bằng liệu pháp ánh sáng
Liệu pháp ánh sáng còn được gọi là quang hóa trị liệu. Phương pháp này sử dụng tia UVB dải hẹp hoặc UVA tác động lên khu vực da tay bị ảnh hưởng bởi bệnh chàm nhằm mục đích giảm viêm đỏ, ức chế sự tăng trưởng bất thường của các tế bào sừng, đồng thời giúp bệnh nhân giảm nhẹ các triệu chứng lâm sàng của bệnh. Trong đó, tia UVB dải hẹp được sử dụng phổ biến hơn do ít gây bỏng da hơn so với tia UVA.
Về cơ bản, liệu pháp ánh sáng được đánh giá cao về mức độ an toàn cũng như tính hiệu quả, có thể áp dụng cho cả trẻ em và phụ nữ mang thai. Tuy nhiên người có tiền sử bị ung thư da sẽ không được chỉ định phương pháp này.
3. Các phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh chàm tay tại nhà
Ngoài thuốc và các phương pháp điều trị y khoa, bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc áp dụng các mẹo chữa bệnh chàm tay trong dân gian để đẩy nhanh tốc độ hồi phục của da.
- Bài thuốc chữa chàm tay từ lá lốt: Hái lượng lá lốt vừa đủ đem rửa sạch, thái nhỏ. Giã nát lá lốt cùng với vài hạt muối ăn. Khi sử dụng, làm sạch vùng da bị bệnh rồi lấy hỗn hợp vừa giã đắp lên chỗ tay bị chàm khoảng 20 phút. Duy trì thực hiện mỗi ngày 1 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ có tác dụng ức chế vi khuẩn, nấm gây bệnh, giảm viêm ngứa da.
- Dùng dầu dừa: Loại dầu này giúp kháng khuẩn, làm dịu cơn ngứa bằng cách tăng cường bổ sung độ ẩm cho da, đồng thời hạn chế hiện tượng bong tróc vảy ở vùng da bị nhiễm bệnh. Để thấy được hiệu quả, bạn hãy lấy dầu dừa bôi trực tiếp lên tổn thương 2 – 3 lần liên tục mỗi ngày trong một thời gian nhất định. Ngoài dầu dừa, có thể thay thế bằng các loại tinh dầu thiên nhiên khác cũng có tác dụng tương tự như dầu ô liu, dầu bạc hà, dầu chàm trà, dầu mù u…
- Lá đinh lăng trị bệnh chàm tay: Lá đinh lăng sử dụng với số lượng lớn đem thái nhỏ, phơi khô. Mỗi ngày lấy 30g hãm uống thay trà.
- Sử dụng bột yến mạch: Với hàm lượng chất chống oxy hóa phong phú, bột yến mạch có thể giúp giảm viêm, bảo vệ tế bào da khỏi tác hại của gốc tự do cũng như các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, nguyên liệu này còn bổ sung vitamin và khoáng chất dồi dào giúp thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da mới thay thế cho các tế bào da bị tổn thương. Khi sử dụng, chỉ cần lấy 2 – 3 thìa bột yến mạch pha với nước ấm vài phút. Sau đó ngâm vùng da tay bị chàm vào khoảng 10 phút rồi rửa lại.
- Rửa tay bằng nước lá khế: Lá khế được đem rửa sạch rồi nấu lấy nước đặc ngâm rửa tay vài lần trong ngày. Điều này có thể giúp giảm kích ứng da, ngăn ngừa nhiễm trùng nhờ đặc tính kháng khuẩn tự nhiên của các hoạt chất có trong lá khế.
- Chữa chàm tay bằng nước muối sinh lý: Vệ sinh vùng da bị nhiễm bệnh mỗi ngày vài lần bằng nước muối sinh lý cũng là cách đơn giản để cải thiện các triệu chứng bệnh chàm ở tay, chống bội nhiễm.
- Thoa nha đam: Thành phần của nha đam chủ yếu là nước, các axit amin và vô số loại khoáng tố có lợi cho da. Nhờ vậy, nguyên liệu này có khả năng dưỡng ẩm da, xoa dịu cơn ngứa, làm giảm hiện tượng sừng hóa da ở tay do ảnh hưởng của bệnh chàm. Sử dụng gel nha đam thoa trực tiếp lên da mỗi ngày 2 lần trong ít nhất một tuần để thấy được hiệu quả rõ ràng.
- Bài thuốc từ nghệ: Nghệ nổi tiếng với tác dụng kháng viêm, ngừa sẹo, làm nhanh lành tổn thương trên da nhờ chứa nhiều curcumin. Người bệnh có thể lấy nghệ tươi giã lấy nước bôi lên da hoặc trộn bột nghệ chung với mật ong để có tác dụng nhanh hơn.
Khi chữa bệnh chàm tay bằng mẹo tự nhiên cần chú ý đảm vệ sinh trong khâu điều chế và sử dụng các nguyên liệu để không khiến tình trạng viêm nhiễm ở da tay trở nên nghiêm trọng hơn.
Kiêng kỵ khi bị bệnh chàm tay
Bị bệnh chàm ở tay nên kiêng gì? Đây cũng là vấn đề quan trọng người bệnh nên tìm hiểu để có được kế hoạch chăm sóc da và có chế độ ăn uống sinh hoạt đúng cách khi bị bệnh. Dưới đây là một số việc không nên làm khi bị chàm tay:
1. Kiêng ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng
Một số thực phẩm không phù hợp có thể làm tăng phản ứng dị ứng khiến khu vực tổn thương bị viêm và ngứa ngáy dữ dội hơn. Chúng bao gồm:
- Đồ tanh, hải sản
- Các món ăn được chế biến với nhiều dầu mỡ
- Gia vị cay
- Thực phẩm có tính nóng: Gạo nếp, nhãn, các loại hạt có vỏ cứng
- Đậu phộng
- Trứng
- Thực phẩm chế biến sẵn
- Đồ ngọt
- Rau củ muối chua
Ngoài ra, người bị bệnh chàm tay cũng cần kiêng uống nước ngọt, bia rượu và các chất kích thích khác. Thay vào đó, hãy tăng cường sử dụng các loại rau xanh, hoa quả chứa nhiều vitamin A, B, C ( cam, quýt, dâu tây, cà chua, các sản phẩm từ đậu nành, lúa mạch…) và các gia vị có tính kháng viêm tự nhiên ( gừng, tỏi, nghệ ).
2. Tránh căng thẳng
Stress kéo dài có thể kích thích sản sinh nhiều cortisol. Chất này có thể gây ức chế hoạt động của hệ miễn dịch và khiến các triệu chứng bệnh chàm da ở tay trở nên nghiêm trọng hơn.
Nếu bị căng thẳng, hãy áp dụng một số kỹ thuật đơn giản để cải thiện tâm trạng như: Tập thể thao, nghe nhạc, dạo bộ quanh công viên, đọc sách, xây dựng lại kế hoạch làm việc, gặp gỡ người thân bạn bè…
3. Kiêng cào gãi lên da khi bị bệnh chàm tay
Da có thể bị tổn thương nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể bị nhiễm trùng nếu người bệnh liên tục dùng tay cào gãi mạnh gây ra các vết thương hở trên da. Để ngăn ngừa tình trạng này, người bệnh chú ý cắt ngắn móng tay và thay thế việc cào gãi bằng các biện pháp giảm ngứa da an toàn hơn như: Thoa kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, chườm nóng, chườm lạnh kết hợp sử dụng thuốc kháng histamin do bác sĩ kê đơn.
4. Kiêng sử dụng xà phòng rửa tay có chất tẩy rửa mạnh và hương thơm
Những sản phẩm này có thể gây kích ứng và làm hại da tay khi đang bị bệnh chàm. Bạn nên lựa chọn các loại xà phòng rửa tay không mùi, không chứa chất tạo bọt hay chất tẩy. Ưu tiên các sản phẩm dạng lỏng sẽ ít có nguy cơ bị kích ứng da hơn.
Tương tự, hóa chất, bột giặt, nước rửa chén hay nước tẩy… đều có thể khiến vùng da bị chàm trở nên khô và ngứa ngáy dữ dội hơn. Người bị bệnh chàm tay khi tiếp xúc với những chất này cần mang gang tay để bảo vệ cho da.
5. Tránh mặc áo len
Mặc áo len không chỉ gây bí bách, làm tăng tiết mồ hôi ở tay mà còn gây cọ sát, kích ứng da, làm tổn thương trở nên nghiêm trọng và lan rộng. Tốt nhất người bệnh nên chọn áo có chất liệu cotton mềm mại, thấm hút mồ hôi nhanh. Áo mới mua về nên giặt trước khi mặc vì nó có thể ẩn chứa nhiều bụi bẩn, vi khuẩn, nấm hay thuốc nhuộm gây hại cho da.
6. Kiêng để da tay tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gay gắt có thể khiến da tay bị khô, ngứa ngáy nhiều, lâu lành và dễ để lại thâm sẹo. Vì vậy, người bệnh nên hạn chế ra ngoài nắng khi không cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài, hãy mặc áo dài tay để che chắn cho vùng da bị bệnh, đồng thời cố gắng uống nhiều nước để da luôn duy trì được độ ẩm cần thiết.
Để điều trị bệnh chàm tay cần có nhiều thời gian. Người bệnh nên tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và tích cực chữa trị kết hợp chăm sóc da đúng cách để các triệu chứng bệnh nhanh chóng thuyên giảm.
Thông tin hữu ích cho bạn
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!