Bệnh Chàm Ở Trẻ Em – Biểu Hiện Và Cách Điều Trị
Nội dung bài viết
Bệnh chàm ở trẻ em đặc trưng bởi tình trạng đỏ, khô, nứt nẻ và bong tróc da. Tình trạng này có thể dẫn đến một số rủi ro không mong muốn, do đó người chăm sóc hoặc cha mẹ cần có biện pháp điều trị phù hợp và kịp lúc.
Bệnh chàm ở trẻ em là gì?
Chàm là thuật ngữ chỉ một nhóm bệnh khiến da đỏ, ngứa và viêm. Bệnh chàm có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, tuy nhiên thường ảnh hưởng đến trẻ em trong độ tuổi từ 2 tháng đến 3 tuổi, tỷ lệ khoảng 15%, trong một số trường hợp các triệu chứng có thể kéo dài đến 5 tuổi.
Bệnh chàm – Eczema là bệnh lý có liên quan đến hệ thống miễn dịch và gen di truyền. Do đó, trẻ sinh ra trong gia đình có tiền sử bệnh lý dị ứng hoặc viêm da, thường có xu hướng dễ bị bệnh chàm. Ngoài ra, những trẻ bị hen suyễn hoặc dị ứng thường có nguy cơ mắc bệnh chàm cao hơn.
Chàm ở trẻ em có thể tái phát bất cứ lúc nào trong năm nhưng thường nghiêm trọng hơn vào mùa đông. Trong một số trường hợp, các triệu chứng bệnh chàm có thể trở thành mãn tính và kéo dài trong suốt quãng đời còn lại của trẻ.
Nguyên nhân gây bệnh chàm ở trẻ em
Nguyên nhân gây bệnh chàm rất khó xác định một cách rõ ràng. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết bệnh chàm có liên quan đến nhiều yếu tố như rối loạn hệ thống miễn dịch, di truyền và một số tác động bên ngoài môi trường. Trẻ có nhiều nguy cơ mắc bệnh chàm hơn khi sinh ra trong một gia đình có tiền sử bệnh chàm, viêm da cơ địa hoặc bệnh dị ứng khác.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh chàm bao gồm:
- Xà phòng, dầu gội và chất tẩy rửa không phù hợp có thể gây kích ứng làn da và gây bệnh chàm. Do đó, hãy chọn các sản phẩm chăm sóc da dành riêng cho trẻ nhỏ hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ về sản phẩm dành riêng cho da nhạy cảm.
- Tiếp xúc với các chất gây dị ứng như lông thú cưng, mạt bụi, nấm mốc, phấn hoa, một số loại thực vật hoặc khói thuốc lá cũng có thể kích ứng da của trẻ và gây ra bệnh chàm.
- Tắm cho bé quá thường xuyên hoặc bằng nước quá nóng có thể gây khô và ngứa da.
Biểu hiện và dấu hiệu nhận biết bệnh chàm ở trẻ em
Tương tự như bệnh chàm ở người trưởng thành, bệnh chàm ở trẻ em biểu hiện bởi các triệu chứng như:
- Ngứa da dữ dội
- Xuất hiện các mảng da màu đỏ nâu hoặc xám
- Các mảng da có thể hình thành mụn nước nổi cộm lên bề mặt da và rò rỉ dịch
- Mụn nước có thể bị vỡ ra, hình thành vảy khô, màu vàng
- Dày trở nên dày và đóng vảy
- Da có thể bị kích ứng và nhiễm trùng nếu trẻ gãi hoặc ma sát gây tổn thương bề mặt da
Vị trí phát triển của bệnh chàm thay đổi theo độ tuổi. Do đó, điều quan trọng là cha mẹ hoặc người chăm sóc cần lưu ý các giai đoạn để có biện pháp chăm sóc phù hợp.
Trẻ sơ sinh trong 6 tháng đầu:
- Bệnh chàm thường phổ biến ở má, cằm, trán và da dầu.
- Các dấu hiệu chàm cũng có thể lây lan sang các khu vực khác của cơ thể, tuy nhiên bệnh thường ít phát triển ở khu vực mặc tã (nơi luôn ẩm ướt). Trong giai đoạn này, da có xu hướng đỏ hơn, dễ rò rỉ dịch và bóng tróc vảy.
Trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi:
- Trẻ ở giai đoạn này, bệnh chàm thường có xu hướng xuất hiện ở khuỷu tay và đầu gối. Đây là những nơi dễ bị trầy xước và cọ xát khi trẻ học bò và học đi.
- Trong giai đoạn này, trẻ có xu hướng gãi nhiều hơn cũng như dễ bị ma sát, trầy xước da. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng, gây bệnh chàm bội nhiễm. Các đặc điểm lâm sàng bao gồm hình thành lớp vỏ màu vàng, nổi mẩn đỏ chứa các chất dịch với kích thước rất nhỏ trên da.
Trẻ mới biết đi, từ 2 – 5 tuổi:
- Trẻ trong độ tuổi từ 2 – 5 tuổi, bệnh chàm có xu hướng phát triển ở các nếp gấp cổ tay, khuỷu tay và đầu gối. Ngoài ra, bệnh cũng có thể phổ biến ở mắt cá chân, bàn tay, khu vực xung quanh miệng và mí mắt của trẻ.
- Trong giai đoạn này, da của trẻ có thể trở nên khô, thô ráp và bong tróc vảy. Bên cạnh đó, da cũng trở nên dày hơn và hình thành các đường hằn sâu vào da, có thể nhìn thấy bằng mắt thường, khoa học gọi là đường Lichen hóa.
Trẻ trên 5 tuổi:
- Các dấu hiệu bệnh chàm thường phổ biến ở các nếp gấp cổ tay và đầu gối. Đôi khi, bệnh chàm chỉ gây ảnh hưởng đến tay của trẻ, tỷ lệ chiếm khoảng 70%.
- Tuy nhiên, đôi khi các dấu hiệu cũng có thể xuất hiện ở phía sau tai, bàn chân hoặc da dầu của trẻ, mặc dù tình trạng này hiếm khi xảy ra. Ngoài ra, trong giai đoạn này bệnh chàm có xu hướng phát triển thành các thể bệnh khác như viêm da tiết bã, viêm da cơ địa.
Bệnh chàm ở trẻ em có nguy hiểm không?
Bệnh chàm là bệnh lý ngoài da phổ biến và gần như không gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng của trẻ.
Tuy nhiên, bệnh chàm là tình trạng mãn tính. Hầu hết các bệnh lý mãn tính đều có thể gây một số ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của người bệnh, đặc biệt là ở trẻ em. Một số ảnh hưởng phổ biến bao gồm:
- Chậm phát triển: Bệnh chàm ở trẻ em có thể trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức đề kháng và ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng của trẻ. Bên cạnh đó, các loại thuốc điều trị bệnh chàm như Corticosteroid (đặc biệt là Corticosteroid đường uống) có thể gây chậm phát triển ngắn hạn. Vì vậy việc sử dụng thuốc ở trẻ em cần được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên môn.
- Nhiễm vi khuẩn: Đây là vấn đề cực kỳ phổ biến ở trẻ em bị bệnh chàm. Vi khuẩn như tụ cầu hoặc vi khuẩn liên cầu khuẩn có thể xâm nhập vào các vết nứt nẻ trên da và gây bội nhiễm. Ngoài ra trẻ bị bệnh chàm thường giảm khả năng chống lại các loại vi khuẩn gây mụn nhọt, viêm nang lông hoặc chốc lở. Điều này dẫn đến một vòng nhiễm trùng khiến bệnh chàm trở nên nghiêm trọng hơn.
- Nhiễm virus: Nhiễm virus, đặc biệt là virus Herpes Simplex thường phổ biến hơn ở trẻ bị chàm hoặc viêm da cơ địa. Tình trạng này có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng và dẫn đến bệnh chàm Herpeticum.
- Viêm da đỏ da toàn thân: Đây là một tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong. Tình trạng này được xem như một biến chứng của bệnh chàm, bệnh vẩy nến, các bệnh viêm da khác, tác dụng phụ một số loại thuốc và khối u ác tính.
Biện pháp điều trị bệnh chàm ở trẻ em
Hiện tại không có biện pháp điều trị bệnh chàm. Mục tiêu của việc điều trị là cải thiện các triệu chứng, giảm ngứa, chống viêm và ngăn ngừa các cơn đau cho trẻ. Các triệu chứng thường có xu hướng cải thiện sau 3 tuần điều trị tích cực.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà cha mẹ có thể tham khảo các biện pháp điều trị như:
1. Tắm
Trong một số trường hợp, cha mẹ có thể cải thiện các triệu chứng bệnh chàm ở trẻ em bằng cách tắm 1 – 2 lần mỗi ngày. Mỗi lần tắm có thể kéo dài khoảng 10 phút và dùng nước ấm thay vì nước nóng.
Sử dụng các sản phẩm làm mềm da thay cho xà phòng hoặc dầu gội. Điều này có thể hạn chế tình trạng kích ứng da và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng bệnh chàm. Cha mẹ có thể tham khảo các loại dầu tắm giúp giữ ẩm cho da có có tính sát trùng nhẹ khi tắm cho trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ có thể sử dụng dung dịch kháng khuẩn, sát trùng như Natri Hypoclorit, Triclosan hoặc Staphylococcal 2 lần mỗi tuần để cải thiện các triệu chứng bệnh chàm. Trao đổi với người có chuyên môn hoặc bác sĩ nhi khoa để được hướng dẫn cụ thể.
2. Sử dụng chất làm mềm da
Da khô có thể khiến các triệu chứng bệnh chàm trở nên nghiêm trọng và khó kiểm soát. Do đó, trẻ bị bệnh chàm cần được dưỡng ẩm da hàng ngày bằng kem hoặc các loại thuốc mỡ dành riêng cho trẻ em.
Điều đặc biệt là quan trọng là thoa sản phẩm làm mềm, dưỡng ẩm da ngay khi tắm xong, đặc biệt là trong những tháng mùa đông. Ngoài ra, có thể thoa kem cho trẻ khi nhận thấy thân nhiệt của trẻ đang tăng lên.
3. Corticosteroid tại chỗ
Corticosteroid tại chỗ có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng bệnh chàm. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc cho trẻ em cần chú ý các rủi ro mà thuốc có thể mang lại.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và độ tuổi của trẻ mà bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc như:
Tác dụng nhẹ:
- Điều trị các triệu chứng chàm nhẹ
- Sử dụng được ở khu vực mặt và cổ
Tác dụng vừa phải:
- Dùng điều trị bệnh chàm ở mức độ trung bình
- Đối với bệnh chàm ở nách, háng hoặc chàm ở mặt nghiêm trọng có thể sử dụng ngắn hạn trong 5 – 7 ngày
Tác dụng mạnh:
- Dùng để điều trị bệnh chàm nghiêm trọng
- Không được dùng cho mặt và cổ
Không được sử dụng sử dụng Corticosteroid tác dụng rất mạnh cho trẻ em mà không có sự chỉ định và của bác sĩ chuyên môn.
– Một số lưu ý khi sử dụng Corticosteroid tại chỗ để điều trị bệnh chàm ở trẻ em bao gồm:
- Chỉ sử dụng Corticosteroid khi bệnh chàm đang hoạt động và ngưng khi các triệu chứng đã được cải thiện.
- Thoa một lớp mỏng ở khu vực da bệnh một đến hai lần mỗi ngày.
- Không nên pha loãng Corticosteroid với các chất làm mềm da. Điều này không được chứng minh là có thể làm giảm hiệu lực của thuốc.
- Không nên sử dụng Corticosteroid trong thời gian dài. Điều này có thể dẫn đến một số biến chứng như mỏng da và ức chế tuyến thượng thận.
- Trẻ em sử dụng Corticosteroid tại chỗ cần được kiểm tra thường xuyên với bác sĩ da liễu để tránh các rủi ro không mong muốn.
4. Thuốc ức chế Calcineurin tại chỗ
Các loại thuốc ức chế Calcineurin tại chỗ có thể được chỉ định điều trị bệnh chàm ở trẻ em khi Corticosteroid không mang lại hiệu quả điều trị. Ngoài ra thuốc ức chế Calcineurin đôi khi cũng được chỉ định để hạn chế các rủi ro nghiêm trọng khi sử dụng Corticosteroid.
Thuốc ức chế Calcineurin như Pimecrolimus hoặc Tacrolimus có thể được sử dụng để điều trị chàm ở trẻ em trên 2 tuổi, bao gồm chàm ở mặt và xung quanh cổ. Tuy nhiên, không được tự ý sử dụng thuốc khi không có sự chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
5. Thuốc kháng Histamine
Thuốc kháng Histamine không được sử dụng thường xuyên để điều trị bệnh chàm ở trẻ em. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thuốc kháng Histamine ngắn hạn (dưới 1 tháng) để điều trị các triệu chứng chàm nghiêm trọng hoặc đi kèm các bệnh lý khác như nổi mề đay mẩn ngứa.
Một số loại thuốc kháng Histamine có thể gây an thần. Do đó, sử dụng thuốc vào ban đêm để không gây ảnh hưởng đến các hoạt động cũng như sinh hoạt bình thường của trẻ. Ngoài ra, chỉ sử dụng thuốc kháng Histamine trong các đợt bùng phát cấp tính bệnh chàm ở trẻ em trên 6 tháng tuổi.
6. Thuốc kháng sinh
Kháng sinh tại chỗ có thể được sử dụng cho các trường hợp nhiễm trùng da cục bộ (< 5 cm) và trong tối đa 7 ngày. Thuốc kháng sinh đường uống được chỉ định trong 7 – 14 ngày để điều trị nhiễm trùng tổng quát hoặc bệnh chàm bội nhiễm ở trẻ em.
Các loại kháng sinh được sử dụng điều trị bệnh chàm ở trẻ thường có hoạt chất chống Staphylococcus Aureus và Streptococci.
7. Quang trị liệu
Quang trị liệu hoặc liệu pháp ánh sáng là phương pháp điều trị bệnh chàm ở trẻ bằng tia cực tím. Trong liệu pháp này bác sĩ có thể cho da của trẻ tiếp xúc với một loại ánh sáng đặc biệt để cải thiện các triệu chứng bệnh chàm.
Quang trị liệu cần thực hiện 2 – 3 lần mỗi tuần và trong nhiều tuần hoặc vài tháng. Bên cạnh đó liệu pháp này khá tốn kém và có thể gây lão hóa sớm hoặc tăng nguy cơ ung thư da. Vì vậy trước khi thực hiện liệu pháp, cha mẹ nên trao đổi với bác sĩ về các rủi ro và lợi ích mà liệu pháp mang lại.
Biện pháp phòng ngừa bệnh chàm ở trẻ em
Bệnh chàm là xu hướng tái phát theo từng đợt, do đó bên cạnh các việc điều trị cha mẹ nên tham khảo các biện pháp phòng ngừa các bệnh tái phát như:
- Hạn chế trầy xước da bằng cách cắt ngắn móng tay của trẻ, cho trẻ mang găng tay để hạn chế tình trạng gãi ngứa làm trầy xước, tổn thương da.
- Dưỡng ẩm với kem dưỡng ẩm, kem hoặc thuốc mỡ để tăng cường chức năng bảo vệ của da. Ngoài ra, không sử dụng sản phẩm chứa cồn, bởi vì cồn có thể làm khô da của trẻ.
- Cho trẻ mặc quần áo thoải mái, vừa vặn và làm từ chất liệu tự nhiên. Tránh các loại vải có thể gây kích ứng da như len hoặc vải tổng hợp.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí để cải thiện không khí và độ ẩm trong nhà.
- Sử dụng xà phòng và các chất tẩy rửa phù hợp, dành riêng cho trẻ em hoặc cho da dễ bị kích ứng.
- Tái khám thường xuyên hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ. Điều này có thể giúp bác sĩ kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh chàm tái phát.
Bệnh chàm ở trẻ em cần được điều trị đúng cách để ngăn ngừa các rủi ro và biến chứng không mong muốn. Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!