Cách Trị Chàm Da Đầu – Thuốc, Dầu Gội Và Chăm Sóc

Chàm da đầu là một dạng tổn thương da mãn tính thường diễn tiến dai dẳng và rất dễ tái phát. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng rụng tóc. Cần kết hợp điều trị và chăm sóc tốt để có thể sớm kiểm soát triệu chứng của bệnh, tránh tổn thương nặng nề.

chàm da đầu
Chàm da đầu là bệnh viêm da mãn tính có tiến triển dai dẳng

Chàm da đầu là gì? Nguyên nhân và triệu chứng

Chàm da đầu là thuật ngữ đề cập tới tình trạng da đầu bị đỏ, đổ nhiều dầu và bong tróc vảy. Đi kèm với tổn thương ngay trên da là sự kích hoạt của các triệu chứng ngứa ngáy rất khó chịu.

Cơ chế hình thành bệnh được xác định là do sự cộng hưởng của nhiều yếu tố như rối loạn hoạt động miễn dịch, hoạt động tuyến bã nhờn hay sự phát triển của nấm men cùng với một số tác động khác. Đây là bệnh lý da liễu mãn tính và có khả năng tái phát rất cao.

Trong một số ít trường hợp, bệnh có thể kéo dài vài tuần rồi tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, đa phần bệnh diễn tiến dai dẳng và tái phát thường xuyên ngay khi gặp điều kiện thuận lợi.

Bệnh chàm da đầu mặc dù không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe nhưng lại gây ra rất nhiều phiền toái trong cuộc sống. Đặc biệt là bệnh gây rụng tóc, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tác động xấu đến tâm lý.

1. Các nguyên nhân gây bệnh

Cơ chế bệnh sinh của chàm da đầu rất phức tạp. Ngoài hoạt động tiết bã nhờn, thiếu độ ẩm và yếu tố cơ địa thì các chuyên gia tin rằng sự phát triển quá mức của vi nấm Malassezia furfur cũng lên quan tới sự bùng phát của bệnh lý này.

Dưới đây là một vài phân tích về các nguyên nhân thường gặp nhất:

  • Yếu tố di truyền: Đây được cho là một trong những yếu tố chính thuộc cơ chế hình thành bệnh lý da liễu mãn tính này. Yếu tố di truyền có liên quan đến khiếm khuyết ở lớp da bảo vệ dò có một gen biến đổi trong các protein tạo nên cấu trúc da.
  • Nấm men sinh sôi: Đa phần các trường hợp đều liên quan đến vi nấm Malassezia furfur và Candida. Thông thường các loại nấm men này sống ngay tại lớp thượng bì da. Khi da tiết quá nhiều bã nhờn thì chúng sẽ hấp thu lipid từ bã nhờn và sinh sôi mạnh mẽ. Từ đó tạo ra các chất chuyển hóa, tấn công và gây viêm da, khiến da bị đỏ ngứa, bong vảy.
  • Rối loạn hoạt động tiết bã nhờn:  Da tiết quá nhiều hay quá ít bã nhờn đều sẽ gây ra các vấn đề bất thường. Đặc biệt là trong trường hợp tiết quá nhiều sẽ làm bít tắc lỗ nang lông và tạo môi trường thuận lợi cho nấm men phát triển.
nguyên nhân gây chàm da đầu
Căng thẳng kéo dài là yếu tố cộng hưởng làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Bên cạnh những nguyên nhân trên thì còn một số yếu tố rủi ro khác cũng có thể cộng hưởng làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh. Bao gồm:

  • Thời tiết đột ngột thay đổi khiến cơ thể dị ứng
  • Tiếp xúc với hóa chất, thuốc xịt tóc, dầu gội đầu hay yếu tố dị nguyên
  • Búi tóc quá chặt, thường xuyên cào gãi chà  xát lên da đầu
  • Thường xuyên dùng rượu bia, ăn uống thiếu lành mạnh
  • Tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị có chứa lithium, interferon, psoralen,…
  • Rối loạn nội tiết tố
  • Mắc các bệnh lý ảnh hưởng tới hoạt động miễn dịch của cơ thể
  • Thiếu ngủ, căng thẳng hay bị trầm cảm
  • Mắc các bệnh da liễu mãn tính khác, nhất là vảy nến và mụn trứng cá

2. Dấu hiệu đặc trưng

Tùy thuộc vào từng độ tuổi và giai đoạn phát triển mà bệnh chàm da đầu sẽ có những triệu chứng lâm sàng khác biệt. Dưới đây là một số biểu hiện đặc trưng nhất:

  • Da đầu có dấu hiệu đỏ lên, bị tiết nhiều dầu thừa và bã nhờn.
  • Trên bề mặt da xuất hiện vảy bong có kích thước nhỏ, thường là màu trắng hay nâu vàng và rất dễ bong tróc.
  • Chân tóc bị bết rít, có bụi trắng nhỏ bám vào.
  • Tổn thương da có thể gây ngứa và nóng rát, nhất là khi thời tiết nóng, da đổ nhiều mồ hôi và dầu thừa.
  • Trường hợp cào gãi và chà xát thường xuyên thì tổn thương thứ phát sẽ dễ kích hoạt. Thường gặp nhất là ở dạng lichen hóa. Da dày sừng, bị thâm nhiễm, nứt nẻ gây ngứa ngáy và đau rát nhiều.
viêm da đầu
Tổn thương có thể lan tỏa trên diện rộng, lan ra cả rìa chân tóc

Bên cạnh đó, bệnh chàm da đầu còn có thể ảnh hưởng trực tiếp tới vùng da ở viền tóc. Dấu hiệu điển hình là sự xuất hiện của các tổn thương có hình đa cung, màu đỏ, nổi cộm lên và có ranh giới rất rõ ràng với các vùng da lành. Trên bề mặt của tổn thương cũng sẽ có nhiều vảy trắng.

Bệnh chàm da đầu có nguy hiểm không?

Bệnh chàm da đầu chỉ làm phát sinh các triệu chứng bên ngoài da và hầu như không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Triệu chứng của bệnh thường đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị nếu sớm can thiệp.

Tuy nhiên, đây là bệnh lý có tính chất cố thủ, mãn tính và kéo dài dai dẳng. Nếu không nghiêm túc điều trị và chăm sóc tốt thì các vấn đề rủi ro hoàn toàn có thể phát sinh.

Rất nhiều người bệnh chàm da đầu than phiền rằng họ thường xuyên bị rụng tóc rất nhiều. Nguyên nhân là do kháng nguyên và các thành phần trung gian phóng thích vào da đầu có thể khiến cho nang tóc bị tổn thương và thoái hóa. Nếu không sớm can thiệp, nang tóc rất dễ bị hư hại nghiêm trọng, dẫn tới hiện trạng rụng tóc quá nhiều và gây hói đầu.

Bên cạnh đó, việc không kiểm soát tốt bệnh có thể khiến cho vi khuẩn, virus và vi nấm xâm nhập và tấn công vùng da bị chàm. Từ đó kích hoạt bội nhiễm. Tổn thương da thường đỏ lên, sưng viêm nhiều và tụ mủ, gây đau rát dữ dội. Bên cạnh đó còn làm tăng thân nhiệt, gây sốt, mệt mỏi, ớn lạnh và đau nhức cơ thể.

Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh còn ảnh hưởng trực tiếp đến ngoại hình, gây tâm lý tự ti, khó chịu. Từ đó khiến chất lượng cuộc sống bị giảm sút nghiêm trọng.

Cách điều trị chàm da đầu – thuốc, dầu gội và chăm sóc

Như đã đề cập, chàm da đầu là bệnh lý có tiến triển mãn tính, dai dẳng và rất dễ tái phát. Chính vì thế, nếu muốn tác động toàn diện đến diễn tiến của bệnh thì bạn cần kết hợp dùng thuốc cùng các giải pháp chăm sóc tốt tại nhà.

Dưới đây là các phương pháp điều trị có khả năng đáp ứng với triệu chứng của bệnh:

1. Dùng thuốc Tây trị chàm da đầu

Điều trị bằng thuốc hiện đang được cho là giải pháp chính với bệnh chàm nói chung và chàm da đầu nói riêng. Tùy thuộc vào biểu hiện triệu chứng cùng các yếu tố liên quan khác mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp nhất.

trị chàm da đầu
Bác sĩ có thể chỉ định các thuốc điều trị tại chỗ để kiểm soát triệu chứng chàm da đầu

Các thuốc được kê toa có thể bao gồm:

  • Thuốc costicosteroid dạng bôi ngoài:

Các loại kem bôi có chứa fluocinolone acetonide, mometasone, betamethasone… sẽ giúp kiểm soát sưng viêm, đồng thời giảm ngứa ngáy và khó chịu. Trước khi áp dụng các loại thuốc có hoạt động mạnh thì bác sĩ sẽ chỉ định thuốc có nồng độ dưới 1%. Chú ý tuân thủ liều lượng, dùng liều cao kéo dài sẽ rất dễ phát sinh các tác dụng không mong muốn.

  • Thuốc ức chế miễn dịch:

Trường hợp thuốc costicosteroid dạng bôi ngoài không đáp ứng tốt thì bác sĩ có thể chỉ định Tacrolimus hay Pimecrolimus để thay thế. Thuốc này ít phát sinh phản ứng phụ hơn nhưng lại ko dùng được cho trẻ 2 tuổi.

  • Thuốc kháng nấm đường uống:

Đây là nhóm thuốc có chứa hoạt chất ức chế nấm mạnh, sẽ được bác sĩ chỉ định khi điều trị tại chỗ không mang lại hiệu quả. Thuốc kháng nấm đường uống vừa giúp kiểm soát nấm men, vừa hỗ trợ làm giảm các triệu chứng trên da. Tuy nhiên, những người bị suy giảm chức năng gan cần tuyệt đối thận trọng khi dùng.

  • Thuốc kháng histamine H1:

Nhóm thuốc này thường được chỉ định trong trường hợp tổn thương da gây ngứa ngáy nhiều. Thuốc kháng histamine H1 có khả năng dung nạp rất tốt, khá lành tính, rất hiếm khi gây ra những tác dụng ngoại ý nghiêm trọng.

  • Các loại thuốc khác:

Trường hợp tổn thương da tiến triển nặng và quá nghiêm trọng thì thuốc steroid đường uống có thể được chỉ định. Loại thuốc này có tác dụng ức chế hoạt động miễn dịch để làm giảm viêm và các triệu chứng đi kèm. Còn trong trường hợp tổn thương da kích hoạt bội nhiễm thì việc sử dụng kháng sinh là rất cần thiết.

2. Chàm da đầu nên dùng dầu gội gì?

Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều sản phẩm dầu gội không chỉ giúp làm sạch tóc mà còn có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh chàm da đầu. Bạn có thể tham khảo và lựa chọn một số loại dầu gội sau đây:

  • Dầu gội đầu chứa selen sunfit:

Sản phẩm này có khả năng tiêu diệt một số chủng vi nấm làm bùng phát bệnh chàm da đầu. Vi nấm được tiêu diệt thì các triệu chứng trên da như khô, viêm hay ngứa ngáy cũng không tiến triển thêm. Để nhận được hiệu quả tốt nhất cần dùng loại dầu gội này tối thiểu 2 lần mỗi tuần. Thận trọng với một số tác dụng phụ như gây khô hoặc nhờn da đầu, làm đổi màu tóc, rụng tóc hoặc gây kích ứng.

  • Dầu gội đầu chứa kẽm pyridine:

Kẽm pyrithione là hoạt chất có tính kháng khuẩn và kháng nấm rất tốt. Ngoài ra còn hỗ trợ làm giảm tốc độ sản xuất các tế bào da. Nhờ đó mà có khả năng làm giảm sự hình thành da bong tróc. Có thể dùng với tần suất 3 lần/ tuần. Nên tìm mua các loại dầu gội có hàm lượng kẽm pyrithione dao động từ 1 – 2%. Tác dụng phụ duy nhất của sản phẩm này là có thể gây kích ứng.

  • Dầu gội chứa axit salicylic:

Sản phẩm này có khả năng làm bong các mảng da bên ngoài chuẩn bị tróc khỏi da đầu. Hàm lượng axit salicylic trong dầu gội hoạt động hiệu quả nhất khi ở mức 1,8 – 3%. Cũng giống như dầu gội đầu chứa kẽm pyridin, sản phẩm này có thể gây kích ứng da.

chữa chàm da đầu
Khi bị chàm da đầu nên lựa chọn dầu gội phù hợp và gội đầu đúng cách

Bất kể bạn đang dùng sản phẩm dầu gội nào cũng cần chú ý gội đầu đúng cách. Điều này không chỉ đảm bảo sản phẩm phát huy tốt công dụng mà còn tránh bệnh tiến triển nặng nề thêm.

Chú ý gội đầu đúng cách theo hướng dẫn dưới đây:

  • Trước hết, bạn hãy sử dụng nước có độ ấm vừa phải để làm ướt tóc.
  • Thoa đều dầu gội lên da đầu và tóc sau đó xoa nhẹ nhàng để dầu gội có thể thấm vào da đầu.
  • Tuyệt đối không chà xát, kỳ cọ mạnh hay gãi da đầu vì có thể làm phát sinh tổn thương thứ phát và dễ gây nhiễm trùng.
  • Để yên dầu gội trên đầu theo đúng thời gian được khuyến nghị, thông thường là khoảng 5 phút.
  • Dầu gội chứa nhựa than có thể gây độc nên tránh để nó tiếp xúc với mắt hoặc miệng.
  • Cuối cùng rửa sạch đầu lại với nước ấm và dùng khăn mềm thấm khô. Có thể sấy với nhiệt độ thấp để đầu nhanh khô hơn.

3. Các giải pháp tự nhiên khác

Khi bệnh đã bước sang giai đoạn duy trì và thuyên giảm thì người bệnh có thể tận dụng nguyên liệu tự nhiên để hỗ trợ điều trị. Điều này sẽ giúp làm giảm sự lạm dụng vào thuốc, đồng thời cải thiện tốt các triệu chứng và nuôi dưỡng da đầu.

Các giải pháp tự nhiên có thể bao gồm:

  • Sử dụng tinh dầu tràm:

Đây là nguyên liệu có khả năng kháng nấm và kháng khuẩn mạnh. Chính vì thế mà người bệnh có thể tận dụng để hỗ trợ điều trị chàm da đầu. Bằng cách thêm vài ba giọt vào dầu gội khi gội đầu để phát huy tác dụng làm giảm viêm và ngứa ngáy.

  • Thoa mật ong thô lên da đầu: 

Mật ong thô cũng là một nguyên liệu có đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm và chống viêm rất tốt. Nó có thể trị ngứa và khắc phục tình trạng bong tróc da. Mặc dù không thể chữa khỏi bệnh chàm nhưng có thể giúp tổn thương trên da đầu chóng lành hơn.

Pha loãng mật ong thô trong nước ấm theo tỷ lệ 9:1. Thoa dung dịch này lên vùng da bị bệnh khoảng vài ba phút. Sau đó để nguyên khoảng vài giờ dùng nước ấm rửa lại. Cứ cách 1 ngày có thể áp dụng cách này 1 lần trong 4 tuần liên tục.

  • Gội đầu bằng lá trầu không:

Lá trầu không là loại thảo dược tự nhiên có tác dụng giảm ngứa, tiêu viêm và ức chế vi nấm, vi khuẩn. Ngoài ra, tinh dầu trong lá trầu còn giúp làm sạch bã nhờn, giữ cho da đầu luôn ở trạng thái thông thoáng.

chữa chàm da đầu
Có thể dùng lá trầu không nấu nước gội đầu để hỗ trợ điều trị chàm da đầu

Để hỗ trợ điều trị bệnh chàm da đầu có thể dùng 5 – 7 lá trầu không đun sôi với 2 lít nước. Cho ra thau pha thêm nước lã cho nguội bớt rồi dùng gội đầu. Có thể duy trì đều đặn 2 – 3 lần mỗi tuần.

Chăm sóc và dự phòng bệnh chàm da đầu

Các triệu chứng của bệnh chàm da đầu thường có thể đáp ứng tốt với các giải pháp điều trị. Tuy nhiên bệnh lý này lại rất dễ tái phát khi có những yếu tố thuận lợi tạo điều kiện. Chính vì thế, cùng với việc điều trị, cần chú ý kết hợp với các giải pháp chăm sóc và dự phòng nguy cơ bệnh tái phát.

Dưới đây là một số khuyến nghị cần thực hiện:

  • Giữ cho da đầu luôn trong trạng thái sạch sẽ thông thoáng bằng cách thường xuyên gội đầu với tần suất 2 – 3 lần mỗi tuần.
  • Tuyệt đối không gội đầu với nước nóng hay dùng tay chà xát, gãi mạnh lên da đầu đang tổn thương.
  • Cần sử dụng các sản phẩm dầu gội, dầu xả và kem ủ tóc lành tính, dịu nhẹ. Nên tham khảo bác sĩ để được tư vấn về loại sản phẩm phù hợp.
  • Tuyệt đối không dùng nhiệt hay hóa chất lên da đầu trong suốt quá trình điều trị bệnh.
  • Khi di chuyển ngoài trời cần đội mũ hay sử dụng dù để tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Các tia UV từ áng nắng có thể khiến tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, thúc đẩy nấm men sinh sôi gây hư hại nang tóc.
  • Duy trì chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt điều độ, uống nhiều nước, ngủ nghỉ đúng giờ đủ giấc để cải thiện miễn dịch và nâng cao thể trạng.

Chàm da đầu mặc dù là bệnh lý lành tính nhưng lại có tiến triển dai dẳng và rất dễ tái phát. Chính vì thế mà người bệnh cần nghiêm túc điều trị, kết hợp với chăm sóc và dự phòng khoa học. Tốt nhất, khi các triệu chứng bệnh kích hoạt, chủ động thăm khám ngay để được bác sĩ giúp đỡ.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Bị chàm sữa hành hạ suốt mấy năm, mẹ bỉm sữa Trịnh Tâm đã tìm ra bí quyết để thoát khỏi tình trạng này an toàn, không ảnh hưởng chất lượng sữa cho con bú.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *