Các Phương Pháp Nội Soi Dạ Dày Phổ Biến Hiện Nay

Nội soi qua đường miệng, đường mũi, nội soi gây mê và nội soi bằng viên nang là các phương pháp nội soi dạ dày phổ biến nhất hiện nay. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và mặt hạn chế nhất định. Vì vậy, để lựa chọn được phương pháp phù hợp và an toàn, bệnh nhân cần cân nhắc về tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng và khả năng tài chính.

các phương pháp nội soi dạ dày
Tìm hiểu các phương pháp nội soi dạ dày phổ biến nhất hiện nay

Các phương pháp nội soi dạ dày phổ biến – Ưu điểm & Hạn chế

Nội soi dạ dày là thủ thuật chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ở đường tiêu hóa trên. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách đưa thiết bị nội soi qua đường mũi hoặc miệng, sau đó di chuyển xuống thực quản, dạ dày và tá tràng. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể dùng thủ thuật này để sinh thiết mô nhằm quan sát mô bệnh học và xác định sự hiện diện của vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp).

Ngoài ra, nội soi dạ dày cũng được thực hiện đối với những trường hợp khẩn cấp như xuất huyết tiêu hóa trên nhằm xác định vị trí chảy máu và cầm máu trong thời gian sớm nhất.

Hiện nay có khá nhiều phương pháp nội soi dạ dày. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và mặt hạn chế nhất định. Để lựa chọn được phương pháp phù hợp, nên cân nhắc về tình trạng sức khỏe, nhu cầu cá nhân và khả năng tài chính.

4 năm chịu đựng HP dạ dày khiến tôi vô cùng mệt mỏi, có những lúc còn bị xuất huyết tiêu hóa. Nhưng nhờ kiên trì dùng thuốc, tôi đã thoải mái hơn rất nhiều, ăn được, ngủ được sau 2 tháng >>> XEM NGAY

Dưới đây là 4 phương pháp nội soi dạ dày phổ biến nhất:

1. Nội soi dạ dày qua đường miệng

Nội soi dạ dày qua đường miệng là phương pháp truyền thống và được áp dụng rộng rãi nhất hiện nay. Phương pháp này đưa dụng cụ nội soi (ống mềm, đầu chứa đèn chiếu và camera có kích thước nhỏ) qua cổ họng và đi xuống các cơ quan tiêu hóa như thực quản, dạ dày và ruột non.

Trước khi thực hiện, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân súc miệng để loại bỏ dịch nhầy và thừa ăn thừa bên trong vòm họng. Sau đó tiến hành xịt thuốc tê vào niêm mạc miệng để tránh cảm giác đau rát và khó chịu trong quá trình nội soi.

các phương pháp nội soi dạ dày
Nội soi qua đường miệng là phương pháp nội soi truyền thống và được áp dụng phổ biến nhất

Ưu điểm của phương pháp nội soi dạ dày qua đường miệng:

  • Dễ thực hiện và đa phần các cơ sở y tế đều có dịch vụ này
  • Độ chính xác cao
  • Chi phí hợp lý (dao động khoảng 200 – 300.000 đồng/ không bao gồm sinh thiết tìm vi khuẩn và xác định ung thư)
  • Có thể dễ dàng sinh thiết mô khi cần thiết
  • Nội soi qua đường miệng còn giúp bác sĩ xử lý một số vấn đề bất thường như chảy máu dạ dày, polyp dạ dày,…

Mặt hạn chế của nội soi dạ dày qua đường miệng:

  • Gây đau, khó chịu, buồn nôn và khó thở trong quá trình thực hiện
  • Một số bệnh nhân có sức chịu kém có thể yêu cầu ngưng nội soi trong quá trình thực hiện
  • Không quan sát được những vị trí hẹp và khuất ở đường tiêu hóa vì ống nội soi di chuyển liên tục có thể khiến bệnh nhân đau rát, buồn nôn và khó chịu.

2. Nội soi dạ dày thông qua đường mũi

Nội soi dạ dày qua đường mũi là một trong những phương pháp nội soi được áp dụng phổ biến. Phương pháp này có quy trình tương tự nội soi qua đường miệng. Tuy nhiên đối với nội soi đường mũi, bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị nội soi có kích thước nhỏ và mềm để tránh gây xây xước, tổn thương niêm mạc.

Trước khi thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ xịt thuốc tê trực tiếp lên niêm mạc mũi để giảm cảm giác đau và khó chịu. Sau đó luồn ống nội soi qua lỗ mũi xuống cuống họng, thực quản, dạ dày và phần đầu ruột non (tá tràng). Trong quá trình nội soi, bệnh nhân và bác sĩ hoàn toàn có thể trao đổi về tình trạng bệnh lý.

Các phương pháp nội soi dạ dày
Nội soi đường mũi có ưu điểm ít gây đau, không gây buồn nôn như nội soi qua đường miệng

Ưu điểm:

  • Ít gây đau, hầu như không gây buồn nôn và khó chịu như nội qua đường miệng
  • Dễ thực hiện, quy trình tương đối đơn giản
  • Cho kết quả khách quan, chính xác
  • Chi phí tương đối hợp lý (khoảng 400 – 600.000 đồng/ không bao gồm test HP và sinh thiết mô)

Mặt hạn chế:

  • Không phù hợp với người bị hẹp khe mũi, polyp mũi và mắc các vấn đề về hô hấp
  • Chi phí cao hơn so với nội soi qua đường miệng
  • Nội soi qua đường mũi không hỗ trợ được cho các thủ thuật ngoại khoa như cầm máu (trong điều trị xuất huyết tiêu hóa), thắt tĩnh mạch thực quản, phẫu thuật cắt polyp, tiêm xơ và nong hẹp thực quản
  • Có thể gây xây xước và chảy máu khi rút ống nội soi (thường xảy ra ở những đối tượng có niêm mạc mũi mỏng và nhạy cảm)

3. Nội soi dạ dày gây mê

Nội soi dạ dày gây mê là lựa chọn dành cho những trường hợp sợ đau, người cao tuổi và người có sức khỏe kém. Đối với phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành gây mê toàn thân trước khi đưa dụng cụ nội soi vào miệng. Gây mê giúp bệnh nhân không cảm thấy đau rát, khó chịu và buồn nôn trong quá trình thực hiện.

Hơn nữa khi thực hiện nội soi gây mê, bệnh nhân rơi vào trạng thái ngủ nên bác sĩ có thể bơm phồng ống tiêu hóa nhằm quan sát những vùng niêm mạc có nếp gấp và khuất. Bên cạnh đó, phương pháp này còn giúp bác sĩ dễ dàng thực hiện các thủ thuật như tiêm thuốc cầm máu trong điều trị xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, phẫu thuật cắt polyp và thắt tĩnh mạch thực quản.

Các phương pháp nội soi dạ dày
Nội soi dạ dày gây mê không phù hợp với trẻ dưới 3 tuổi, người bị suy hô hấp nặng, nghiện rượu,…

Ưu điểm của phương pháp nội soi gây mê:

  • Không gây đau đớn, khó chịu, buồn nôn, nôn mửa và lo lắng quá mức trong quá trình nội soi.
  • Bác sĩ dễ dàng quan sát biểu hiện của niêm mạc tiêu hóa và can thiệp các biện pháp điều trị trong trường hợp cần thiết.

Mặt hạn chế:

  • Không được thực hiện đối với trẻ dưới 3 tuổi, người bị suy hô hấp nặng, mắc chứng ngưng thở khi ngủ, người nghiện rượu, chất kích thích, đang sử dụng thuốc MAOIs, mắc các bệnh tim mạch và tiền căn gặp phải tác dụng nghiêm trọng khi dùng thuốc mê.
  • Chi phí cao hơn so với nội soi qua đường mũi và miệng (dao động khoảng 1 – 2.000.000 đồng/ không bao gồm sinh thiết, test Hp và điều trị)
  • Có nguy cơ dị ứng với thuốc gây mê
  • Mất thời gian hồi tỉnh sau khi thực hiện
  • Có thể gây đau thắt ngực và tăng kali huyết đối với người có sức khỏe yếu

4. Phương pháp nội soi dạ dày bằng viên nang

Nội soi dạ dày bằng viên nang là phương pháp mới nhất hiện nay. Phương pháp này không dùng các thiết bị nội soi truyền thống (ống mềm) mà sử dụng camera nhỏ được bọc trong viên nang. Camera này có thể ghi lại 3 hình ảnh/ 1 giây trong vòng 11 tiếng với hình ảnh rõ nét và độ phân giải lên đến 102.400 pixels.

Viên nang được uống trực tiếp qua đường miệng, di chuyển xuống thực quản, dạ dày, đường ruột và được đào thải qua phân. Phương pháp này có quy trình thực hiện đơn giản, không xâm lấn, không gây đau nhức và khó chịu.

Hiện nay, nội soi bằng viên nang được nhiều người lựa chọn vì không gây bất tiện hay khó chịu trong thời gian thực hiện. Hình ảnh từ camera sẽ được chuyển liên tụv vào phần mềm chuyên dụng của bác sĩ trong vòng 8 – 10 giờ đồng hồ.

Tuy nhiên để thuận lợi cho việc nội soi, bệnh nhân cần nhịn ăn, tránh hút thuốc lá, không sử dụng thuốc và đồ uống có màu trong vòng 12 giờ trước khi thực hiện và 4 giờ sau khi uống viên nang. Trong thời gian tồn tại trong cơ thể, viên nang không gây khó chịu hay bất cứ triệu chứng nào khác thường.

Các phương pháp nội soi dạ dày
Nội soi dạ dày bằng viên nang có chi phí cao hơn nhiều lần so với các phương pháp thông thường

Ưu điểm của phương pháp nội soi dạ dày bằng viên nang:

  • Có độ an toàn cao và tỷ lệ tai biến thấp (dưới 1%)
  • Không gây khó chịu, đau đớn, buồn nôn hay đau rát
  • Viên nang có kích thước nhỏ nên dễ dàng đi vào các vị trí có nếp gấp, hẹp và khuất. Chính vì vậy, phương pháp nội soi này có thể giúp bác sĩ quan sát rõ tình trạng ở thực quản, dạ dày và đường ruột.
  • Không có nguy cơ lây nhiễm chéo như các phương pháp nội soi thông thường.

Mặt hạn chế:

  • Chi phí cao hơn rất nhiều so với những phương pháp khác (khoảng 10 – 15 triệu đồng)
  • Không thể sinh thiết mô và test Hp
  • Không phù hợp với người bị chứng khó nuốt, động kinh, tắc ruột, người đang sử dụng máy khử rung, máy trợ tim, trẻ em dưới 10 tuổi và phụ nữ mang thai.

Một số lưu ý trước khi nội soi dạ dày

Nội soi dạ dày là thủ thuật chẩn đoán – điều trị các bệnh lý ở đường tiêu hóa trên. Phương pháp này giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng bất thường, đánh giá tổn thương ở cơ quan tiêu hóa và thực hiện một số thủ thuật ngoại khoa như nong thực quản, cầm máu, lấy dị vật, cắt polyp,…

Các phương pháp nội soi dạ dày
Cần nhịn ăn trước khi nội soi dạ dày qua đường mũi, miệng, nội soi gây mê và nội soi bằng viên nang

Tuy nhiên để hạn chế rủi ro và biến chứng sau khi nội soi, cần lưu ý một số thông tin sau:

  • Nên lựa chọn cơ sở y tế đáng tin cậy và uy tín. Nội soi dạ dày ở những phòng khám tư nhân không có đủ thiết bị, chuyên môn kém và không đảm bảo vô trùng máy móc có thể gây khó chịu, buồn nôn, xây xước vòm họng, niêm mạc mũi và làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân – đặc biệt là lây nhiễm vi khuẩn Hp.
  • Thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng và lịch sử dùng thuốc trước khi tiến hành nội soi. Đối với trường hợp có bệnh lý đặc biệt, bác sĩ sẽ cân nhắc, lựa chọn phương pháp nội soi an toàn và phù hợp với khả năng tài chính của bệnh nhân.
  • Trước khi nội soi khoảng 6 – 11 giờ, cần nhịn ăn, tránh dùng thức uống có màu, rượu bia và chỉ uống nước lọc. Với trường hợp nội soi bằng viên nang, cần sử dụng thuốc nhuận tràng để làm sạch ống tiêu hóa.
  • Khi nội soi, nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát để tránh làm tăng áp lực ổ bụng.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh và hạn chế sử dụng các thực phẩm khó tiêu hóa, có kết cấu cứng sau khi nội soi.
  • Đối với trường hợp nội soi bằng miệng, cần hạn chế la hét, nói quá nhiều và khạc nhổ sau khi nội soi. Các hoạt động này có thể khiến niêm mạc vòm họng bị tổn thương, rát và đau nhức.
  • Nếu có vấn đề bất thường (đau thắt ngực, nôn mửa ra máu, đau bụng,…), nên chủ động thông báo với bác sĩ để được tư vấn hướng khắc phục.

Bài viết đã tổng hợp các phương pháp nội soi dạ dày phổ biến nhất hiện nay. Hy vọng qua bài viết, bệnh nhân có thể lựa chọn được phương pháp phù hợp với nhu cầu, tình trạng sức khỏe và khả năng tài chính. Trong trường hợp có vấn đề sức khỏe đặc biệt, nên thông báo với bác sĩ để được chỉ định phương pháp phù hợp và an toàn.

Tham khảo thêm: Chi phí nội soi dạ dày mới nhất – Chi tiết bảng giá

5/5 - (4 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *