Trẻ em bị đau bụng: Nguyên nhân, cách xử lý, chữa trị
Nội dung bài viết
Trẻ em bị đau bụng thường xảy ra do thói quen ăn uống không điều độ, dị ứng hoặc ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý như viêm ruột thừa cấp, lồng ruột cấp tính, xoắn u nang buồng trứng và xoắn thừng tinh.
Nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ em
Đau bụng là thuật ngữ đề cập đến tình trạng cơn đau khởi phát ở vùng bụng (bao gồm vùng bụng trên, giữa và bụng dưới). Thông thường, triệu chứng này là biểu hiện của các vấn đề ở đường tiêu hóa. Tuy nhiên ở một số trường hợp, đau bụng cũng có thể xảy ra do các nguyên nhân ít gặp hơn.
Trẻ em là một trong những nhóm đối tượng dễ bị đau bụng do hệ miễn dịch, sức khỏe của trẻ còn non yếu và chưa phát triển hoàn chỉnh. Một số nguyên nhân phổ biến gây đau bụng ở trẻ em, bao gồm:
1. Do thói quen ăn uống không điều độ
Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ kém hơn so với người trưởng thành. Vì vậy nếu không ăn uống điều độ, trẻ có thể bị đau bụng, đầy hơi, ợ chua, ợ nóng và buồn nôn.
Các thói quen ăn uống có thể gây ra chứng đau bụng ở trẻ nhỏ:
- Ăn quá nhiều bánh kẹo, uống nước ngọt có gas hoặc các loại thực phẩm chứa hàm lượng đạm cao như hột vịt lộn, thịt bò, tôm, cua,…
- Trẻ ăn uống quá mức khiến hệ tiêu hóa bị ứ trệ, hoạt động kém và gây đau bụng
- Trẻ có thói quen vận động, chạy nhảy sau khi ăn
- Hay ăn khuya, ăn uống không đúng giờ,…
- Do đổi sữa công thức liên tục khiến hệ tiêu hóa không kịp thích nghi
- Trẻ dùng các món ăn không đảm bảo vệ sinh
Những thói quen này khiến trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng và đại tiện thất thường.
2. Dị ứng/ ngộ độc thực phẩm
Dị ứng và ngộ độc thực phẩm cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ nhỏ bị đau bụng. Dị ứng là tình trạng cơ thể xác định protein trong thực phẩm là dị nguyên và có xu hướng đối kháng bằng cách phóng thích chất trung gian hóa học histamine vào da và mô mềm. Histamine hoạt hóa các tế bào gây viêm và làm bùng phát các triệu chứng như nổi mề đay, đau bụng, tiêu chảy, ngứa cổ họng, buồn nôn,…
Ngộ độc thực phẩm (trúng thực) là tình trạng ăn/ uống thực phẩm nhiễm khuẩn, ôi thiu hoặc thực phẩm nhiễm độc tố. Sau khi sử dụng các loại thực phẩm và thức uống nhiễm độc, trẻ sẽ có những biểu hiện bất thường như đau bụng dữ dội, sốt, đau đầu, tiêu chảy, nôn mửa và buồn nôn.
3. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc
Đau bụng ở trẻ em cũng có thể là tác dụng phụ khi sử dụng kháng sinh, thuốc hạ sốt, giảm đau,… Khác với người trưởng thành, các cơ quan ở trẻ nhỏ chưa thực sự phát triển. Chính vì vậy khi dùng thuốc, trẻ thường bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, chán ăn, mệt mỏi và uể oải. Tuy nhiên, tình trạng này có thể tự thuyên giảm sau khi ngưng thuốc một vài ngày.
4. Hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn chỉnh
Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn chỉnh, số lượng lợi khuẩn không nhiều và chức năng đề kháng còn non yếu. Chính vì vậy, trẻ thường xuyên bị đau bụng, tiêu chảy và đầy hơi, chướng bụng. Đây là hiện tượng phổ biến ở trẻ nhỏ và có xu hướng giảm dần khi trưởng thành.
5. Biểu hiện của các bệnh lý
Ngoài những nguyên nhân trên, trẻ em bị đau bụng cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Viêm ruột thừa cấp: Viêm ruột thừa cấp là tình trạng ruột thừa (một phần của đường ruột) bị viêm nhiễm do virus hoặc vi khuẩn. Bệnh lý này đặc trưng với tình trạng đau bụng dưới bên phải, buồn nôn, nôn mửa, sốt nhẹ và rối loạn đại tiện. Viêm ruột thừa có thể gây biến chứng nhiễm trùng phúc mạc. Vì vậy khi nhận thấy những triệu chứng này, phụ huynh nên đưa con trẻ đến bệnh viện để được phẫu thuật kịp thời.
- Xoắn u nang buồng trứng: Những năm gần đây, u nang buồng trứng không chỉ xuất hiện ở phụ nữ trưởng thành mà còn có thể ảnh hưởng đến bé gái mới sinh. Tuy nhiên, đa phần phụ huynh đều nhầm lẫn những triệu chứng của bệnh lý này là biểu hiện của chứng rối loạn tiêu hóa. Xoắn u nang buồng trứng ở bé gái thường gây đau bụng dưới kèm buồn nôn, nôn mửa và có khối u ở vùng chậu (có thể sờ bằng tay).
- Xoắn thừng tinh: Xoắn thừng tinh là nguyên nhân phổ biến gây đau bụng ở bé trai. Tình trạng này xảy ra do tinh hoàn xoay quanh thừng tinh khiến mạch máu bị tắc nghẽn đột ngột. Phụ huynh có thể nhận biết bệnh xoắn thừng tinh qua triệu chứng trẻ đau bụng dưới đột ngột kèm theo sưng đỏ và đau tinh hoàn.
- Lồng ruột cấp tính: Lồng ruột là tình trạng cấp cứu ngoại khoa có mức độ rất nghiêm trọng. Tình trạng này xảy ra khi đoạn ruột ở phía trên chui vào lòng ruột bên dưới (hoặc ngược lại) khiến quá trình lưu thông ruột bị tắc nghẽn. Lồng ruột thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc trưng bởi triệu chứng đau bụng từng cơn, da tái nhợt, nôn mửa, đi ngoài ra phân lẫn máu và trẻ có xu hướng khóc thét khi cơn đau bùng phát.
- Nhiễm giun sán: Nhiễm giun sán thường gây đau bụng ở vùng rốn, trẻ gầy yếu, bụng ỏng, hay bị tiêu chảy, ăn uống kém và lười ăn.
- Thoát vị bẹn: Thoát vị bẹn là tình trạng một phần của đường ruột đi xuyên qua khu vực yếu của thành bụng và xâm lấn đến ống bẹn (nằm ở 2 bên bụng dưới). Tình trạng này thường gây đau bụng dưới, mức độ đau tăng lên khi trẻ vận động hoặc vui chơi cường độ mạnh. Thoát vị bẹn chủ yếu ảnh hưởng đến bé trai – đặc biệt là trường hợp sinh thiếu tháng.
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori: Helicobacter pylori là loại xoắn khuẩn gram (-) có khả năng gây viêm loét dạ dày. Loại xoắn khuẩn này có thể xâm nhập vào cơ thể của trẻ do người lớn ôm hôn, mớm cơm hoặc sử dụng chung vật dụng cá nhân. Nhiễm Helicobacter pylori khiến trẻ nhỏ bị đau thượng vị, buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng, ăn uống kém,…
Trẻ em bị đau bụng – Khi nào nên gặp bác sĩ?
Đau bụng là tình trạng thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên ở một số ít trường hợp, tình trạng này có thể là biểu hiện của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như ngộ độc thực phẩm, thoát vị bẹn, xoắn thừng tinh, xoắn u nang buồng trứng, viêm ruột thừa cấp,…
Vì vậy, phụ huynh nên đưa con trẻ đến gặp bác sĩ khi nhận thấy những triệu chứng bất thường sau:
- Trẻ đau bụng dữ dội, cơn đau kéo dài trong thời gian dài
- Buồn nôn, nôn mửa dữ dội
- Phân lỏng, có kèm máu, chất nhầy hoặc mủ
- Trẻ bị đau đầu, sốt nhẹ hoặc sốt cao
- Bụng xuất hiện khối u
- Hoặc đi kèm với bất cứ triệu chứng nào bất thường
Cách chữa đau bụng ở trẻ em an toàn, dễ thực hiện
Nếu đau bụng ở trẻ nhỏ khởi phát do những nguyên nhân thông thường như rối loạn tiêu hóa, dị ứng thực phẩm, hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn chỉnh,… phụ huynh có thể áp dụng một số biện pháp cải thiện sau:
1. Điều chỉnh thói quen ăn uống
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tiêu hóa và sức khỏe của trẻ nhỏ. Việc điều chỉnh thói quen ăn uống giúp điều hòa chức năng của dạ dày, đường ruột, hỗ trợ tăng cường sức khỏe và cải thiện triệu chứng đau bụng đáng kể.
Phụ huynh nên xây dựng chế độ ăn uống cho trẻ nhỏ theo nguyên tắc sau:
- Thiết lập thực đơn ăn uống cho trẻ tùy thuộc theo độ tuổi và cân nặng. Không cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc cho trẻ ăn uống quá độ.
- Cân bằng đạm, chất xơ, tinh bột, vitamin và khoáng chất trong bữa ăn của trẻ. Tránh cho trẻ ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều đạm, chất béo, gia vị và hạn chế sử dụng các món ăn được chế biến sẵn.
- Không nên thay đổi sữa công thức liên tục. Việc này có thể khiến hệ tiêu hóa của trẻ không kịp thời thích nghi, dẫn đến tình trạng bụng đầy trướng, đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy.
- Cho trẻ uống đủ nước theo nhu cầu (dựa trên cân nặng) và thường xuyên bổ sung sữa chua cho trẻ nhỏ. Sữa chua cung cấp probiotic (lợi khuẩn) giúp điều hòa hoạt động tiêu hóa và ức chế các hại khuẩn bên trong đường ruột.
- Lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng. Đồng thời ngâm rửa với nước muối và nấu chín hoàn toàn. Không cho trẻ sử dụng thực phẩm sống (ngay cả khi đã được kiểm định) vì hệ tiêu hóa của trẻ kém nên có thể bị đau bụng khi dùng các món ăn này.
2. Giữ vệ sinh và tẩy giun sán định kỳ
Trẻ nhỏ chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân. Chính vì vậy, ký sinh trùng, vi khuẩn và nấm có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.
Để phòng ngừa đau bụng và bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ, phụ huynh nên:
- Tắm rửa cho trẻ 2 lần/ ngày với các sản phẩm chứa thành phần diệt khuẩn dịu nhẹ (chứa tinh dầu tràm trà, kẽm,…).
- Hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách và rửa tay sau khi đi vệ sinh. Ngoài ra, nên vệ sinh tay chân cho trẻ bằng xà phòng sau khi tiếp với đất cát.
- Nên cho trẻ ăn uống riêng và không sử dụng vật dụng cá nhân chung với người lớn. Đồng thời, người lớn nên tránh hôn môi trẻ để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Helicobacter pylori.
- Xổ giun cho trẻ 1 – 2 lần/ năm và đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe và cân nặng.
- Phụ huynh nên vệ sinh đồ chơi của trẻ bằng xà phòng và phơi dưới ánh nắng mặt trời để làm sạch vi khuẩn và nấm men tích tụ.
3. Áp dụng mẹo giảm đau bụng tạm thời
Ngoài những biện pháp trên, phụ huynh cũng thể áp dụng một số mẹo giảm đau bụng tạm thời để cải thiện cảm giác khó chịu và giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn.
Các biện pháp giảm đau bụng cho bé ngay tại nhà:
- Chườm ấm: Phụ huynh có thể dùng túi chườm đắp lên vùng bụng của bé để làm giảm cơn đau. Nhiệt độ ấm từ túi chườm giúp thư giãn cơ, thúc đẩy tuần hoàn máu và điều hòa nhu động ruột. Thực hiện biện pháp này từ 2 – 3 lần/ ngày có thể cải thiện tình trạng đau bụng đáng kể.
- Xoa bóp vùng bụng: Xoa bóp vùng bụng theo chuyển động tròn trong 10 – 15 phút có thể cải thiện tình trạng đau bụng do khó tiêu và táo bón. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể kết hợp với tinh dầu khuynh diệp để làm ấm bụng và giảm đau bụng do dị ứng thực phẩm.
- Uống nước mật ong ấm: Cho trẻ uống 1 ly nước ấm mật ong có thể làm dịu đường tiêu hóa và giảm tình trạng đau bụng đáng kể. Ngoài ra, mật ong còn có đặc tính chống viêm và ức chế hại khuẩn bên trong đường ruột. Tuy nhiên, không nên áp dụng mẹo chữa này đối với trẻ dưới 2 tuổi vì trẻ có thể bị ngộ độc với Clostridium botulinum có trong nguyên liệu.
Đau bụng là triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là ở trẻ dưới 12 tuổi. Tình trạng này có thể thuyên giảm khi áp dụng các mẹo giảm đau tạm thời, điều chỉnh thói quen ăn uống, giữ gìn vệ sinh và tẩy giun định kỳ. Tuy nhiên nếu nhận thấy trẻ có những triệu chứng bất thường, phụ huynh nên chủ động đưa con trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và xử lý kịp thời.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!