Đau Dạ Dày Từng Cơn Là Bị Gì Và Có Nguy Hiểm Không?
Nội dung bài viết
Đau dạ dày từng cơn là hệ quả do dạ dày bài tiết nhiều axit hoặc co bóp quá mức. Triệu chứng này thường khởi phát do ăn uống không lành mạnh, sinh hoạt thiếu khoa học, lạm dụng thuốc giảm đau – chống viêm hoặc căng thẳng thần kinh. Ngoài ra, đau dạ dày còn là biểu hiện của các bệnh lý ở đường tiêu hóa.
Đau dạ dày từng cơn là bị gì?
Đau dạ dày (đau thượng vị) đề cập đến cơn đau khởi phát ở vùng bụng nằm trên rốn do dạ dày tăng tiết axit hoặc co bóp quá mức. Thông thường, triệu chứng này là biểu hiện của các bệnh lý dạ dày như viêm loét dạ dày, trào ngược thực quản, xuất huyết tiêu hóa,…
Tuy nhiên ở một số trường hợp, cơn đau ở dạ dày có thể là hệ quả do vấn đề ở các cơ quan khác hoặc do thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh. Để xác định được nguyên nhân khiến dạ dày đau từng cơn, bạn nên cân nhắc một số triệu chứng đi kèm.
Dưới đây là một số nguyên nhân có khả năng gây đau thượng vị từng cơn:
1. Viêm loét dạ dày cấp tính
Viêm loét dạ dày cấp tính là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương và sưng viêm đột ngột. Bệnh thường khởi phát do nhiễm độc hoặc nhiễm trùng. Khác với loét dạ dày mãn tính, loét dạ dày cấp có triệu chứng bùng phát đột ngột và tiến triển thành từng cơn.
Vì vậy, đau dạ dày từng cơn có thể là dấu hiệu của viêm loét dạ dày cấp tính. Ngoài triệu chứng này, bệnh có thể đi kèm với một số biểu hiện khác như buồn nôn, nôn mửa, đầy bụng, tiêu lỏng, ợ hơi, ợ chua, sôi bụng,…
2. Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi dịch vị trong dạ dày trào ngược lên thực quản, thanh quản và khoang miệng. Bệnh lý này thường xảy ra do hút thuốc lá lâu năm, hội chứng Zollinger-Ellison, giảm chức năng cơ vòng thực quản dưới, tăng áp lực ổ bụng,…
Trào ngược dạ dày điển hình bởi tình trạng nóng rát ở thượng vị kéo dài đến cổ họng – đặc biệt là khi nằm hoặc sau khi ăn no. Tương tự loét dạ dày, bệnh lý này thường phát sinh triệu chứng thành từng cơn và có xu hướng tự thuyên giảm sau một thời gian ngắn.
Bên cạnh tình trạng đau dạ dày từng cơn, trào ngược thực quản còn gây nóng rát, ợ nóng, trớ thức ăn, có cảm giác chua, đắng ở cổ họng, buồn nôn, khó nuốt, tức ngực,… Nếu để kéo dài, bệnh có thể gây khàn tiếng, ho khan và hôi miệng.
3. Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích là tình trạng rối loạn cơ năng ruột già. Khác với bệnh Crohn hay viêm đại tràng, bệnh lý này không gây tổn thương niêm mạc hay làm tăng nguy cơ ác tính hóa tế bào. Hội chứng ruột kích thích là một dạng rối loạn cơ năng khiến ruột già co thắt quá mức, dẫn đến tình trạng đau bụng, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, chất nhầy trong phân,…
Thông thường, hội chứng này gây đau ở vùng bụng giữa. Tuy nhiên hoạt động co thắt quá mức có thể làm tăng áp lực ổ bụng, gây đè nén dạ dày và phát sinh cơn đau ở vùng thượng vị. Cơn đau và các triệu chứng do hội chứng ruột kích thích thường khởi phát từng cơn hoặc có thể kéo dài âm ỉ.
4. Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến nhất ở đường tiêu hóa. Bệnh lý này xảy ra khi tế bào niêm mạc phát triển bất thường, tăng sinh quá mức và xâm lấn các mô lân cận. Ở giai đoạn mới phát, ung thư dạ dày hầu như không gây ra triệu chứng bất thường.
Tuy nhiên theo thời gian, khối u phát triển về kích thước, làm tăng áp lực trong dạ dày và phát sinh các triệu chứng như đau dạ dày từng cơn, đầy hơi, trướng bụng, ợ chua, sụt cân, thiếu máu, mệt mỏi và ăn uống kém.
5. Xuất huyết tiêu hóa
Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng lòng mạch tiêu hóa bị vỡ và gây chảy máu. Đây là biến chứng thường gặp của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, polyp dạ dày, loét đại tràng,…
Xuất huyết tiêu hóa có biểu hiện điển hình là tình trạng nôn ra máu và tiêu phân đen. Tuy nhiên trước khi phát sinh các biểu hiện này, cơ thể sẽ xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo như đau thượng vị dữ dội, đau từng cơn và khởi phát đột ngột, có cảm giác nóng rát, cồn cào, hoa mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn mửa.
Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng cấp cứu nội – ngoại khoa nên cần được nhập viện trong thời gian sớm nhất. Nếu chậm trễ, máu có thể chảy liên tục, gây choáng, hạ huyết áp, sốc và tử vong.
6. Một số nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân bệnh lý, đau dạ dày từng cơn cũng có thể khởi phát do các nguyên nhân thông thường như:
- Dùng thức ăn gây kích ứng: Dạ dày có thể bài tiết axit quá mức, co bóp và phát sinh cơn đau do dung nạp các thực phẩm gây kích ứng như thức ăn nhanh, thức ăn cay nóng, nhiều gia vị, dầu mỡ,…
- Lạm dụng rượu bia: Ethanol (cồn) có trong rượu bia là thành phần gây hại cho cổ họng, thực quản và dạ dày. Dung nạp rượu bia quá mức có thể khiến niêm mạc dạ dày bị kích thích, thúc đẩy thành dạ dày tăng tiết dịch vị và phát sinh cơn đau dữ dội.
- Sử dụng thuốc chống viêm: Các loại thuốc chống viêm như corticoid và NSAID đều ảnh hưởng đến màng bảo vệ niêm mạc dạ dày. Trong trường hợp lạm dụng hoặc sử dụng thuốc trong thời gian dài, niêm mạc dạ dày có thể bị kích thích và khởi phát cơn đau thượng vị.
- Bụng quá đói hoặc quá no: Dạ dày có xu hướng tiết nhiều axit khi bụng quá đói hoặc co bóp quá mức khi ăn uống quá no. Các hoạt động này có thể kích thích cơn đau dạ dày bùng phát, gây buồn nôn, đầy bụng, khó chịu,..
- Căng thẳng thần kinh: Thần kinh căng thẳng có thể gây rối loạn dây thần kinh điều khiển hoạt động của dạ dày và đường ruột. Căng thẳng kéo dài thường khiến dạ dày co bóp bất thường, tăng tiết dịch vị và gây đau thượng vị từng cơn.
Thực tế, đau dạ dày theo từng cơn là triệu chứng phổ biến và có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy để xác định được nguyên nhân cụ thể, nên xem xét cùng với các triệu chứng đi kèm.
Đau dạ dày từng cơn có nguy hiểm không?
Đau dạ dày là triệu chứng thường gặp, đặc biệt là ở người mắc các vấn đề về dạ dày, người có thói quen hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và thuốc chống viêm. Mức độ nguy hiểm của triệu chứng phụ thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể.
Nếu xảy ra do thói quen sinh hoạt và ăn uống, triệu chứng có thể thuyên giảm nhanh chóng sau khi thay đổi lối sống. Trong trường hợp khởi phát do các bệnh lý tiêu hóa thông thường như loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, trào ngược thực quản,… triệu chứng chỉ được kiểm soát khi kết hợp giữa chế độ chăm sóc với sử dụng thuốc.
Tuy nhiên, đau dạ dày từng cơn có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và đe dọa đến tính mạng nếu khởi phát do ung thư dạ dày và xuất huyết tiêu hóa. Các vấn đề sức khỏe này có mức độ rất nghiêm trọng và có thể để lại di chứng nếu không được điều trị kịp thời.
Xử lý triệu chứng đau dạ dày từng cơn ngay tại nhà
Đau dạ dày từng cơn ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống, giấc ngủ, sinh hoạt và hoạt động học tập – làm việc. Để làm giảm triệu chứng này, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
1. Điều chỉnh chế độ ăn uống
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của dạ dày và đường ruột. Thay đổi thói quen ăn uống có thể giảm áp lực lên dạ dày, điều hòa hoạt động bài tiết axit và cải thiện các triệu chứng khó chịu.
Vì vậy để làm giảm đau dạ dày từng cơn, bạn nên điều chỉnh và xây dựng chế độ ăn khoa học theo các nguyên tắc sau:
- Tránh dung nạp các loại thực phẩm và đồ uống gây kích ứng cơ quan tiêu hóa như thức ăn đóng hộp, đồ ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, gia vị, thức ăn khó tiêu hóa, cà phê, trà đặc và rượu bia.
- Nên ăn chậm nhai kỹ, ăn đúng giờ và đủ bữa, tránh ăn quá no hoặc để bụng quá đói, hạn chế ăn sát giờ đi ngủ và vận động mạnh sau khi ăn.
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giúp trung hòa axit và bảo vệ niêm mạc dạ dày như rau xanh, ngũ cốc, nước lọc, các loại đậu, đậu bắp, khoai lang,…
- Nên ăn chín uống sôi, tránh dùng thực phẩm tươi sống hoặc chưa được làm chín hoàn toàn.
- Ưu tiên các phương thức chế biến ít gia vị và dầu mỡ như hấp, luộc, hầm,… Hạn chế dùng món ăn chiên xào hoặc nướng.
2. Thay đổi một số thói quen xấu
Ngoài chế độ dinh dưỡng, hoạt động của dạ dày còn bị ảnh hưởng bởi một số thói quen sinh hoạt. Vì vậy bên cạnh biện pháp điều chỉnh chế độ ăn, bạn nên thay đổi một số thói quen xấu như:
- Cân bằng thời gian học tập – làm việc và nghỉ ngơi nhằm giảm căng thẳng thần kinh và lo âu quá mức.
- Ngủ trước 11 giờ và đảm bảo thời gian ngủ kéo dài từ 6 – 8 giờ đồng hồ. Thức khuya và ngủ không đủ giấc có thể khiến dạ dày co bóp quá mức và tăng hoạt động bài tiết axit.
- Khói thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến chức năng hô hấp mà còn gây rối loạn cơ vòng thực quản và hoạt động co bóp của dạ dày. Vì vậy, nên từ bỏ thói quen này và hạn chế tiếp xúc với những người thường xuyên hút thuốc.
- Thói quen lười vận động có thể khiến cân nặng tăng nhanh và gây rối loạn nhu động ruột. Do đó bạn nên dành 15 – 30 phút/ ngày để tập thể dục nhằm cải thiện chức năng tiêu hóa, điều chỉnh cân nặng và duy trì sức khỏe tổng thể.
Ngoài khả năng giảm cơn đau dạ dày, thay đổi thói quen xấu còn giúp phòng ngừa các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như khó tiêu, đầy bụng, táo bón, tiêu chảy, đau bụng, ăn uống kém,…
3. Giảm đau dạ dày với mẹo tại nhà
Thay đổi thói quen và chế độ ăn chỉ đem lại hiệu quả khi áp dụng trong thời gian dài. Do đó song song với các biện pháp này, bạn có thể giảm đau dạ dày từng cơn với một số mẹo chữa tại nhà như:
- Dùng nước nha đam: Hàm lượng nước và chất nhầy trong nha đam không chỉ giúp làm dịu vết cháy nắng và vùng kích ứng mà còn hỗ trợ trung hòa axit và ức chế hại khuẩn trong dạ dày. Ngoài ra, thảo dược này còn hỗ trợ làm liền ổ viêm loét ở người bị loét dạ dày tá tràng.
- Uống trà bạc hà: Tinh dầu trong lá bạc hà được chứng minh về hiệu quả giảm buồn nôn, cải thiện căng thẳng và điều hòa nhu động ruột. Ngoài ra, hoạt chất Menthol trong thảo dược này còn giúp làm mát cổ họng, gây tê và giảm đau tại chỗ. Uống 1 tách trà bạc hà ấm có thể giảm cơn đau dạ dày và một số triệu chứng đi kèm như nóng rát cổ họng, buồn nôn, nôn ói,…
- Ngậm gừng tươi: Gừng tươi không đơn thuần là một loại gia vị mà còn được sử dụng để làm thuốc. Ngậm 1 lát gừng tươi khi bị đau dạ dày có thể cải thiện mức độ đau, giảm buồn nôn và cảm giác đắng miệng.
- Dùng nước mật ong ấm: Mật ong có vị ngọt thanh, giúp làm giảm cảm giác buồn nôn, đắng và chua ở cổ họng. Ngoài ra, nguyên liệu này còn có hiệu quả chống viêm và ức chế vi khuẩn có hại. Sử dụng 1 ly nước mật ong ấm không chỉ giảm các triệu chứng ở đường dạ dày mà còn thúc đẩy chức năng tiêu hóa.
Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng các cách chữa đau dạ dày tại nhà khác như uống nhiều nước, xoa bóp bụng, hít thở sâu, giảm đau dạ dày với nước dừa,…
Đau dạ dày từng cơn – Khi nào gặp bác sĩ?
Đau dạ dày từng cơn thường thuyên giảm nhanh sau khi cải thiện thói quen xấu và xây dựng lối sống lành mạnh. Tuy nhiên ở một số trường hợp, triệu chứng này có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và cần phải điều trị y tế trong thời gian sớm nhất.
Do đó, bạn nên chủ động đến bệnh viện khi có các triệu chứng sau:
- Đau dạ dày từng cơn có mức độ dữ dội, cơn đau lan tỏa toàn bộ ổ bụng, ngực và vai
- Nôn ói liên tục, dịch nôn có máu tươi hoặc bã cà phê
- Tiêu lỏng hoặc táo bón kéo dài
- Phân đen
- Choáng đầu
- Hạ huyết áp
- Cơ thể suy nhược rõ rệt
- Sụt cân nhanh chóng
Bài viết đã tổng hợp một số nguyên nhân có thể gây đau dạ dày từng cơn. Trong trường hợp triệu chứng không thuyên giảm sau khi chữa trị tại nhà, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và đề xuất phương hướng điều trị phù hợp.
Tham khảo thêm: Tại sao đau dạ dày trong đêm? Cách khắc phục TẬN GỐC
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!