Tại Sao Trẻ Sơ Sinh Bị Ho? Ba Mẹ Cần Làm Gì Giúp Bé
Nội dung bài viết
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị ho, tình trạng này cũng có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý hô hấp nghiêm trọng. Trẻ sơ sinh cũng là đối tượng nhạy cảm do đó ba mẹ cần đặc biệt lưu ý khi trẻ có vấn đề về sức khỏe. Vậy, ba mẹ nên làm gì khi trẻ bị ho? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.
Tại sao trẻ sơ sinh bị ho? Nguyên nhân do đâu?
Trẻ sơ sinh bị ho thường là biểu hiện phản ứng lại của cơ thể khi gặp các tác nhân gây kích ứng từ bên ngoài. Đây là phản xạ nhằm mục đích ngăn chặn dị vật xâm nhập hoặc hỗ trợ xuất tiết, đào thải chúng ra khỏi đường hô hấp. Tình trạng ho ở trẻ có thể do các nguyên nhân sau đây:
- Nguyên nhân từ đường hô hấp trên (xoang mũi, hầu họng và tai): Trẻ mắc một số bệnh lý viêm nhiễm như viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai, cảm lạnh,… kèm theo ho có đờm do chất nhầy chảy theo đường xoang, mũi sau.
- Nguyên nhân từ đường hô hấp dưới (khí quản, phế quản, phổi): Trẻ mắc các bệnh lý như viêm phế quản, viêm thanh quản đi kèm khàn tiếng, ho khan, viêm phổi, viêm tiểu phế quản hoặc bệnh hen suyễn ở trẻ
- Một số nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân bệnh lý trên, trẻ sơ sinh bị ho có thể do thay đổi thời tiết; môi trường sống bị ô nhiễm; bị sặc, hóc dị vật; tình trạng hút thuốc lá thụ động;…và một số nguyên nhân khác
Dù ho xảy ra bởi bất kỳ nguyên nhân gì, tình trạng này ở trẻ sơ sinh cần được xử lý kịp thời tránh hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Các loại bệnh ho thường gặp ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị ho tùy vào từng trường hợp và nguyên nhân gây bệnh mà có cách xử lý cho phù hợp. Dưới đây là một số loại ho thông thường, hay gặp ở trẻ sơ sinh:
- Ho do cảm lạnh: Cơ thể chưa phát triển toàn diện, hệ miễn dịch còn non yếu khiến trẻ dễ mắc chứng cảm lạnh. Đặc biệt vào mùa lạnh, đường thở thường xuyên tiếp xúc với không khí lạnh càng dễ khiến trẻ bị ho do cảm lạnh. Triệu chứng của bệnh là sổ mũi, chảy nước mũi kèm với ho và đau họng
- Ho do viêm họng: Là tình trạng niêm mạc họng bị tác nhân gây viêm nhiễm tấn công khiến họng sưng đỏ. Xuất hiện các triệu chứng sưng đau cổ họng, ho nhiều, có thể đi kèm xuất tiết, khó thở do niêm mạc khí quản sưng tấy gây bít tắc đường hô hấp.
- Ho do viêm phế quản: Viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc phế quản (chưa xuống đến phổi). Nguyên nhân gây viêm phế quản ở trẻ sơ sinh là virus hợp bào hô hấp RSV. Loại virus này có thể dễ dàng xâm nhập vào phế quản – phổi khi cơ thể có hệ miễn dịch yếu.
- Ho gà: Là tình trạng nhiễm khuẩn Bordetella pertussis nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng. Đôi khi, biểu hiện cảm lạnh hay sốt ở bệnh không rõ ràng. Người bệnh thường ho liên tiếp từng cơn, khi rít vào nghe như tiếng gà gáy.
- Ho do viêm phổi: Là bệnh lý gây ra bởi các tác nhân gây viêm nhiễm tấn công phổi. Khi trẻ bị ho do viêm phổi thường đi kèm khạc đờm có màu và mùi hôi đặc trưng
- Ho do hen suyễn: Bệnh lý hen suyễn không phổ biến ở trẻ sơ sinh trừ trường hợp tiền sử gia đình có người bị hen hoặc trẻ mắc bệnh chàm bẩm sinh. Cũng rất khó để phát hiện và chẩn đoán hen suyễn ở trẻ nhỏ, biểu hiện đặc trưng nhất là thở khò khè. Đây là tình trạng bệnh mãn tính, gây nguy hiểm nếu không xử lý kịp thời
Triệu chứng ho ở trẻ sơ sinh?
Nhận biết triệu chứng và xác định nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị ho rất quan trọng để chữa trị đúng cách. Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp khi bé bị ho do nhiều nguyên nhân khác nhau:
Trẻ sơ sinh bị ho do viêm đường hô hấp trên
Đường hô hấp trên gồm tai, mũi xoang, hầu họng. Khi đó, các triệu chứng đi kèm bao gồm:
- Ho nhiều, ho khan hoặc ho có đờm
- Đau họng, ngứa rát cổ họng, cơn đau tăng khi ho
- Sốt nhẹ hoặc sốt cao trên 38,5 độ C
- Sổ mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi (triệu chứng không đặc hiệu)
Trẻ sơ sinh bị ho do viêm đường hô hấp dưới
Đường hô hấp dưới gồm phế quản – phổi, thanh quản, tiểu phế quản, phế nang. Các triệu chứng đi kèm như sau:
- Ho kéo dài, ho nhiều về đêm và sáng sớm
- Thở nhanh, thở gấp, khó thở, nghe tiếng thở rít khi gắng sức
- Sốt cao, bỏ bú, quấy khóc (đặc trưng ở viêm phổi)
- Nôn trớ, mệt mỏi, ngủ li bì
- Có thể kèm theo hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi
Trẻ sơ sinh bị ho do hen suyễn
Hen suyễn là tình trạng bệnh lý mãn tính, khó phát hiện khi trẻ mới sinh. Tuy nhiên, ba mẹ có thể nhận biết qua những dấu hiệu sau:
- Viêm họng gây ho, đau họng
- Nghẹt mũi, sổ mũi
- Có thể có sốt nhẹ
- Trẻ thường xuyên có biểu hiện ngứa ngáy
- Chảy nhiều nước mắt
Trẻ sơ sinh bị ho do bệnh lý trào ngược dạ dày
Do cơ quan tiêu hóa chưa phát triển đầy đủ nên nhiều trẻ có thể mắc trào ngược dạ dày. Khi đó, bệnh này có các triệu chứng như:
- Ho, sưng đau cổ họng, có dấu hiệu viêm loét niêm mạc họng
- Nôn, trớ, sặc
- Chậm tăng cân, suy dinh dưỡng
- Một số bệnh lý liên quan thường xuyên tái phát: viêm phổi, viêm tai, viêm mũi
Trẻ sơ sinh bị ho do sặc sữa
Trẻ sơ sinh bị ho đôi khi do mẹ cho bé bú không đúng tư thế, bú khi đang khóc, sữa chảy quá nhiều trẻ không nuốt kịp. Khi trẻ bị sặc sữa, các dấu hiệu điển hình như sau:
- Ho sặc sụa khi đang bú hoặc sau bú, ho tím tái mặt mũi
- Sữa trào ra từ mũi, miệng
- Trường hợp nặng khiến trẻ ngừng thở, nguy hiểm đến tính mạng
Trẻ sơ sinh bị ho do bệnh tim mạch
Nhiều trẻ sơ sinh bị bệnh lý tim mạch bẩm sinh mà chưa phát hiện ngay. Ba mẹ có thể dựa vào các dấu hiệu sau để đưa trẻ đi khám kịp thời:
- Ho khan thường xuyên, hô hấp khó khăn
- Mỗi lần bú xong, trẻ có biểu hiện khó thở, quấy khóc
- Da tím tái, không được hồng hào, đặc biệt là móng tay, móng chân
- Đi tiểu ít, ăn kém, suy dinh dưỡng
Khi nào cần đưa trẻ đến bác sĩ?
Trẻ sơ sinh là lứa tuổi nhạy cảm, chưa thể phản kháng và thể hiện cảm xúc. Do đó, ba mẹ cần theo dõi sát sao, quan sát trẻ khi có các biểu hiện bất thường về sức khỏe. Đưa trẻ đến gặp bác sĩ trong các trường hợp sau đây:
- Trẻ sơ sinh bị ho nói riêng và trẻ dưới 4 tuổi nói chung, đều cần được đưa đến cơ sở y tế, dù là ho vì nguyên nhân gì
- Ho khan, đi kèm các triệu chứng như bệnh cảm lạnh, không sốt nhưng kéo dài 5-7 ngày không khỏi
- Thở khò khè, thở rít, thở nhanh, khó thở khi ngủ
- Sốt cao trên 38,5 độ C, ho khan hoặc ho có đờm
- Ho liên tục, ho kéo dài thành từng cơn
- Da xanh xao, tím tái, trẻ bỏ ăn, quấy khóc
Tình trạng ho ở trẻ sơ sinh cần được nhận biết và điều trị kịp thời, tránh để lại di chứng ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ. Ba mẹ không được tự ý mua thuốc hoặc dùng các bài thuốc không rõ nguồn gốc cho trẻ sơ sinh tại nhà.
Trẻ sơ sinh bị ho có nguy hiểm không? Cha mẹ cần làm gì?
Trẻ sơ sinh bị ho là phản xạ tự nhiên nhằm bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân từ môi trường ngoài xâm nhập vào đường hô hấp. Tuy nhiên, ho cũng được coi là biểu hiện của một số bệnh lý về hô hấp nguy hiểm cần được điều trị sớm, đúng cách.
Bên cạnh đó, nếu để tình trạng ho kéo dài dai dẳng, diễn tiến nghiêm trọng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ sau này.
Do đó, biện pháp hàng đầu khi trẻ sơ sinh bị ho là đưa trẻ đến các cơ sở y tế. Ba mẹ nên theo dõi sát sao các biểu hiện hàng ngày của trẻ và phát hiện kịp thời khi sức khỏe có dấu hiệu bất thường. Thông qua triệu chứng lâm sàng và các phương pháp chẩn đoán cần thiết, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với lứa tuổi. Bên cạnh việc điều trị theo phác đồ, ba mẹ cần lưu ý thực hiện những điều sau:
- Cho trẻ bú mẹ nhiều hơn: Với trẻ sơ sinh, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính cũng như tăng cường sức đề kháng tốt nhất. Bên cạnh đó, sữa cũng chính là nước uống giúp trẻ giảm các triệu chứng ngứa họng, muốn ho,…
- Tắm nước ấm: Tốt nhất hạn chế việc tắm rửa khi trẻ bị ho. Nếu có, thực hiện thao tác lau người. tắm rửa thật nhanh bằng nước ấm. Điều đó cũng giúp thư giãn đường thở, dễ chịu cổ họng và giảm ho ở trẻ
- Chia nhỏ bữa ăn và lượng ăn trong ngày: Khi trẻ sơ sinh bị ho thường đi kèm với biểu hiện nôn trớ, do hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh. Do đó, mẹ nên cho trẻ bú nhiều lần trong ngày và mỗi lần chỉ ăn một lượng vừa phải, không để quá no
- Massage chân tay với dầu tràm: Ba mẹ có thể sử dụng dầu tràm (hoặc dầu khuynh diệp) massage lòng bàn chân, bàn tay cho trẻ mỗi tối hoặc sau khi tắm. Biện pháp này giúp điều hòa cơ thể, giữ ấm toàn thân, giảm các triệu chứng ho rất hiệu quả
- Sử dụng máy giữ ẩm không khí: Điều chỉnh độ ẩm vừa phải, đặc biệt trong phòng ngủ giúp trẻ sơ sinh dễ thở hơn khi ngủ, ngủ ngon hơn và không quấy khóc
- Sử dụng một số mẹo dân gian trị ho: Có thể áp dụng một số bài thuốc mẹo như lá hẹ chưng đường phèn; rau diếp cá đun sôi với nước vo gạo,…Tuy nhiên, phương pháp này không nên lạm dụng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị. Tuyệt đối không dùng các bài thuốc có chứa mật ong cho trẻ sơ sinh.
Những sai lầm ba mẹ có thể mắc phải khi trị ho cho trẻ sơ sinh
Khi trẻ sơ sinh bị ho, bỏ ăn, quấy khóc khiến ba mẹ đứng ngồi không yên. Vì quá nôn nóng, đôi khi ba mẹ rất dễ mắc phải những sai lầm sau đây:
Dùng thuốc không đúng lứa tuổi
Mỗi lứa tuổi có phương pháp điều trị riêng, ngược lại, mỗi loại thuốc ho có thể chỉ phù hợp với lứa tuổi nhất định. Nhiều gia đình có từ 2 bé trở lên thường có thói quen lấy thuốc của đứa lớn cho đứa bé uống khi bị ho và ngược lại. Đây là sai lầm phổ biến, rất nguy hiểm do có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khi sử dụng thuốc không đúng tuổi
Tự ý cho trẻ dùng kháng sinh
Nhiều ba mẹ nghĩ rằng ho là phải uống kháng sinh. Ho có thể do nhiều nguyên nhân và chỉ có ho do viêm nhiễm virus, vi khuẩn mới cần dùng kháng sinh. Việc lạm dụng kháng sinh khi trẻ còn nhỏ ảnh hưởng nhiều đến sức đề kháng của trẻ. Thậm chí, có thể gây ra tình trạng “kháng kháng sinh”, gây khó khăn cho việc điều trị
Dùng thuốc ức chế ho ngay lập tức
Vì muốn giảm cơn ho ở trẻ, nhiều ba mẹ ngay lập tức mua thuốc giảm ho cho trẻ uống. Tuy nhiên, hành động này vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là ho có đờm, dịch nhầy có thể vướng mắc tại đường hô hấp, khiến trẻ ngạt thở. Mặt khác, thuốc giảm ho không chỉ định có thể ức chế trung tâm hô hấp quá mạnh gây suy hô hấp, nguy hiểm đến tính mạng.
Ngừng thuốc khi triệu chứng thuyên giảm
Cho trẻ sơ sinh uống thuốc là vấn đề nan giải với nhiều gia đình vì trẻ rất dễ nôn trớ, quấy khóc. Đồng thời, nhiều gia đình quan niệm rằng thuốc tây sử dụng nhiều không tốt nên chỉ nên dùng ít nhất có thể. Đó là lý do nhiều ba mẹ ngừng thuốc của trẻ khi triệu chứng thuyên giảm. Ngược lại, việc làm này có thể khiến trẻ gặp tình trạng “nhờn thuốc” do uống không đủ liều. Bệnh có thể tái phát do nguyên nhân gây ho chưa được tiêu diệt triệt để.
Ủ ấm quá kỹ khi trẻ bị bệnh
Khi trẻ có vấn đề về sức khỏe, nhiều ba mẹ luôn ủ ấm con mình bằng nhiều lớp quần áo, chăn quấn. Tuy nhiên, việc làm này đôi khi khiến ba mẹ khó theo dõi thân nhiệt của trẻ, nhất là khi trẻ có biểu hiện sốt cao.
Cách phòng tránh ho ở trẻ sơ sinh ba mẹ cần lưu ý
Khi trẻ sơ sinh bị ho, mẹ nên ăn gì và kiêng gì? Trẻ sơ sinh lấy nguồn dinh dưỡng chủ yếu từ sữa mẹ, do đó người mẹ cần chủ động thay đổi chế độ dinh dưỡng để hỗ trợ điều trị ho cho trẻ. Cụ thể như sau:
- Ăn cháo móng giò: Trong thành phần món ăn này có nhiều đạm và hàm lượng dinh dưỡng cao, nâng cao sức đề kháng cho trẻ
- Ăn thực phẩm giàu protein như thịt gà, thịt bò: Nhóm thực phẩm này giàu năng lượng cũng như vitamin, khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ
- Ăn chuối xiêm: Giúp tăng lượng sữa ở người mẹ, ngoài ra trong chuối chứa nhiều chất dinh dưỡng, vitamin cần thiết
- Ăn đu đủ: Trong loại quả này chứa một lượng lớn các loại vitamin A, B, C, K và khoáng chất canxi, magie,…giúp điều trị ho rất hiệu quả
- Hạn chế thực phẩm cay nóng, nhiều gia vị: Ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ, gây kích ứng vòm họng, khiến bé ho nhiều hơn
- Hạn chế đồ chiên xào, dầu mỡ: Hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển đầy đủ, các thực phẩm dầu mỡ có thể khiến trẻ khó tiêu, đầy bụng, chán ăn
- Hạn chế thực phẩm tanh (tôm, cá,…): Loại thực phẩm này gây khó tiêu ở trẻ, ngoài ra hải sản còn gây kích ứng cổ họng, khiến triệu chứng ho gia tăng
- Hạn chế ăn cam, quýt: Trong thành phần cam quýt có thành phần sinh nhiều dịch đờm, ảnh hưởng đến việc điều trị ho ở trẻ
Trẻ sơ sinh là đối tượng nhạy cảm, cần được quan tâm chăm sóc đầy đủ hạn chế các vấn đề về sức khỏe. Một số biện pháp phòng tránh việc trẻ sơ sinh bị ho ba mẹ có thể lưu ý như sau:
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu: Sữa mẹ chính là nguồn dinh dưỡng tự nhiên nhất nâng cao sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ hạn chế các bệnh lý về đường hô hấp
- Tiêm vacxin định kỳ đầy đủ: Tiêm chủng theo lịch tiêm, lứa tuổi đã quy định giúp trẻ phòng ngừa được các bệnh truyền nhiễm và biến chứng nguy hiểm
- Mang mặc trang phục phù hợp khi ra đường: Nên tạo thói quen đeo khẩu trang cho trẻ ngay từ khi còn bé. Với những trẻ còn quá nhỏ, có thể sử dụng các tấm khăn choàng đầu, mang mặc quần áo phù hợp với thời tiết khi ra đường
- Vệ sinh mũi họng cho trẻ: Thường xuyên vệ sinh mũi họng với nước muối sinh lý cho trẻ sau khi tắm rửa, thay quần áo, 1-2 lần/ngày
- Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người: Do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh nên rất dễ mắc nhiều mầm bệnh truyền nhiễm. Vì thế, ba mẹ nên hạn chế đưa trẻ đến những nơi công cộng như công viên, trung tâm thương mại,…
- Không lạm dụng điều hòa nhiệt độ: Tùy thời tiết, trẻ sơ sinh vẫn có thể nằm trong phòng điều hòa. Tuy nhiên, mẹ không nên để nhiệt độ thấp hơn 26 độ C hoặc bật liên tục nhiều hơn 2-3 tiếng/lần
Trẻ sơ sinh bị ho có thể do nhiều nguyên nhân, cũng có thể là biểu hiện của bệnh lý đường hô hấp nghiêm trọng. Ba mẹ cần theo dõi tình trạng sát sao và đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Đồng thời, người mẹ nên chủ động điều chỉnh chế độ ăn của mình để phối hợp với phương pháp điều trị của bác sĩ, nhanh chóng chữa dứt điểm bệnh cho trẻ.
THÔNG TIN HỮU ÍCH:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!