6 Mẹo Trị Ho Bằng Lê Hiệu Quả – Bài Thuốc Hay Dân Gian
Nội dung bài viết
Trị ho bằng lê là biện pháp hiệu quả với nguyên liệu dễ kiếm, cách chế biến đơn giản có thể thực hiện tại nhà. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả điều trị cao nhất, người bệnh cần sử dụng kết hợp lê với một số nguyên liệu khác. Cùng tìm hiểu một số bài thuốc kết hợp trong bài viết dưới đây
Tại sao lê có tác dụng trị ho hiệu quả?
Quả lê (tên khác là khoái quả, ngọc nhũ) là loại hoa quả phổ biến, có ở nhiều quốc gia. Không chỉ vì hương vị ngọt mát, thơm ngon mà lê còn là thành phần trong những bài thuốc dân gian có tác dụng ngăn ngừa các tình trạng ho, khó chịu tại nhà.
Trong Đông y, quả lê có tính mát, vị ngọt, hơi chua, có tác dụng thanh nhiệt bổ phế, tiêu độc, tiêu đờm, giảm ho và sinh tân dịch. Do đó, lê thường được sử dụng trong trị ho khan, ho có đờm, ho lâu ngày không khỏi. Chữa ho bằng lê thường được áp dụng cho những đối tượng như trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai, rất an toàn để uống và cho hiệu quả tốt..
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trong lê chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như canxi, acid amin, photpho và một số chất chống oxy hóa khác, giúp tăng cường sức đề kháng, cải thiện chức năng hô hấp và nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể. Đặc biệt, thành phần flavonoid – chất kháng viêm rất tốt, giúp hỗ trợ điều trị các tình trạng viêm nhiễm, dị ứng hiệu quả.
6 cách trị ho bằng lê hiệu quả nhất bạn nên biết
Để bài thuốc trị ho bằng lê thật sự hiệu quả, bệnh nhân nên kết hợp với nhiều nguyên liệu khác trong việc chế biến và sử dụng. Một số cách kết hợp khá hiệu quả bệnh nhân có thể tham khảo sau đây:
1. Cách chữa ho bằng quả lê và đường phèn
Theo y học cổ truyền, đường phèn có tác dụng bổ trung ích khí, nhuận phế, chỉ khái, trừ đàm. Do đó, nó có tác dụng giảm ho, giảm đau họng và làm sạch miệng. Kết hợp đường phèn vào các bài thuốc trị ho bằng lê sẽ giúp hiệu quả điều trị tăng lên gấp đôi. Cách dùng như sau:
Nguyên liệu:
- 1 – 2 quả lê
- 30g đường phèn
Cách làm:
- Lê rửa sạch, để nguyên vỏ. Cắt bỏ núm, khoét lõi và phần hạt lê tạo thành phần rỗng bên trong quả. Cho 30g đường phèn vào.
- Chưng cách thủy trong vòng 15 – 20 phút đến khi lê chín mềm thì tắt bếp. Để nguội, ăn cả phần nước và phần lê bên ngoài.
Người lớn nên ăn ngày 1 lần, trẻ nhỏ bố mẹ chia thành 2 – 3 phần sử dụng trong ngày. Thực hiện và ăn đều đặn trong 3-5 để cho hiệu quả giảm triệu chứng tốt nhất. Bài thuốc này thường sử dụng cho các trường hợp ho khan do phế nhiệt hoặc ho ở phụ nữ có thai.
2. Quả lê chưng mật ong trị ho hiệu quả
Trong mật ong có chứa nhiều thành phần kháng khuẩn, chống viêm hiệu quả. Ngoài ra, các thành phần vitamin, khoáng chất trong mật ong cũng có tác dụng nâng cao sức đề kháng, bồi bổ sức khỏe rất tốt, giúp giảm ho, đau rát họng.
Bài thuốc trị ho lê chưng mật ong có tác dụng rất tốt trong việc làm dịu các cơn ho, hỗ trợ điều trị viêm nhiễm ở họng và nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Nguyên liệu:
- 1-2 quả lê
- Mật ong nguyên chất lượng vừa đủ
Cách thực hiện:
- Lê rửa sạch bụi bẩn, gọt vỏ lê, cắt thành miếng nhỏ vừa ăn. Cho phần thịt quả lê vào bát, thêm lượng mật ong vừa đủ (khoảng 3 thìa canh), trộn đều
- Hấp cách thủy trong vòng 30 – 45 phút. Để cho hỗn hợp nguội hẳn, đổ sang lọ, dùng làm nhiều lần
- Sử dụng cả phần cái và phần nước, mỗi ngày 2 – 3 lần, mỗi lần ăn một miếng lê và một thìa nhỏ mật ong (ngậm một lúc trong cổ họng). Với trẻ nhỏ mẹ có thể ép nước lê và trộn mật ong cho bé dùng.
Sử dụng liên tục trong 3 – 5 ngày để cho hiệu quả tốt. Chữa ho bằng lê và mật ong có thể sử dụng khi bị ho khan, ho có đờm, ho lâu ngày, ho do cảm cúm. Tuy nhiên, tuyệt đối không sử dụng mật ong cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi vì có thể gây ngộ độc.
3. Quả lê và hạt sen
Sử dụng kết hợp lê và hạt sen rất tốt trong các trường hợp ho khan, ho lâu ngày, đồng thời giúp an thần, tăng cường sức đề kháng. Cách làm như sau:
Nguyên liệu:
- 1-2 quả lê
- 300gr hạt sen
Cách làm:
- Lê rửa sạch, gọt bỏ vỏ lê, cắt thành miếng vừa ăn. Hạt sen rửa sạch, tách đôi hạt, loại bỏ tâm sen
- Trộn hai nguyên liệu vào với nhau, có thể thêm một ít đường phèn tăng hương vị
- Đặt lên bếp, thêm nước xâm xấp mặt nguyên liệu, đun trong vòng 25 – 30 phút cho hạt sen và lê chín nhừ
Cách chữa này có thể cho hiệu quả giảm ho rất tốt. Tuy nhiên, không nên dùng quá nhiều cho trẻ nhỏ, vì hạt sen có thể gây đầy bụng.
4. Quả lê và củ cải
Trong Đông y, củ cải là nguyên liệu có tình hàn, rất tốt cho những người bị ho và mắc bệnh về phế quản – phổi. Kết hợp lê và củ cải là bài thuốc trị ho phổ biến, thường được sử dụng cho trẻ nhỏ. Người bệnh chế biến như sau:
Nguyên liệu:
- 1 – 2 quả lê
- 1 củ cải trắng
Cách làm:
- Lê và củ cải rửa sạch, gọt bỏ vỏ, cắt miếng nhỏ vừa ăn
- Xay nhuyễn của cải và lê, lọc lấy phần nước cốt
- Đặt lên bếp, đun sôi phần nước cốt này cho đến khi đặc lại thành dạng keo sệt. Có thể thêm 1 thìa mật ong, đường phèn để gia tăng hương vị. Khuấy đều hỗn hợp đến khi hòa tan hoàn toàn thì tắt bếp
- Để nguội, cho vào bình có nắp bảo quản sử dụng dần. Dùng khoảng 1 thìa hỗn hợp trước bữa ăn, đều đặn trong 5 – 7 ngày để cho hiệu quả trị ho tốt nhất.
Cách trị ho bằng lê và củ cải này thường dùng trong trường hợp ho có đờm, đi kèm biểu hiện sổ mũi, nghẹt mũi. Với trẻ em, nên sử dụng đường phèn thay cho mật ong tránh ngộ độc.
5. Lê hấp táo đỏ trị ho
Trong táo đỏ có nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho cơ thể, ngoài ra táo đỏ có tính giữ nhiệt, vị cam rất tốt cho các trường hợp bị ho. Người bệnh thực hiện như sau:
Nguyên liệu:
- 1 quả lê
- 3 quả táo đỏ
- Gừng, kỷ tử, mật ong hoặc đường phèn.
Cách làm:
- Rửa sạch lê, khoét bỏ phần hạt và một phần lõi (tạo thành một lỗ rỗng vừa phải)
- Ngâm táo đỏ kỷ tử, gừng trong nước ấm khoảng 15 phút.
- Cho toàn bộ táo đỏ, gừng, kỷ tử, mật ong/đường phèn vào trong quả lê
- Chưng cách thủy khoảng 15 phút. Để nguội và dùng mỗi ngày 1 lần với người lớn, dùng 2 – 3 lần/ ngày với trẻ nhỏ.
Lưu ý: Không dùng mật ong với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi có thể gây ngộ độc rất nguy hiểm.
6. Chưng lê với gừng trị ho
Gừng còn được gọi là Sinh khương trong y học cổ truyền. Gừng có vị cay, tính ấm, có tác dụng trừ hàn, giảm ho, bảo vệ đường hô hấp khỏi các tác nhân gây bệnh. Kết hợp lê với gừng sẽ giúp hiệu quả trị ho tăng lên nhiều lần. Thực hiện bài thuốc này như sau:
Nguyên liệu:
- 1 – 2 quả lê
- 100gr gừng
Cách làm:
- Rửa sạch lê, gọt bỏ vỏ, thái thành lát mỏng vừa ăn. Gừng rửa sạch, bỏ vỏ, đập dập, thái nhỏ.
- Trộn hai nguyên liệu với nhau, thêm một ít đường phèn/mật ong gia tăng hương vị
- Chưng cách thủy tầm 20 phút rồi sử dụng
Lưu ý khi trị ho bằng lê tại nhà
Những bài thuốc trị ho bằng lê là mẹo điều trị tại nhà lưu truyền dân gian từ lâu đời. Biện pháp này còn được chứng minh sự hiệu quả thông qua nhiều nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp điều trị này, bệnh nhân cần lưu ý vài điều sau đây:
- Lê là loại quả có tính hàn vì thế không sử dụng cho những người thường xuyên gặp vấn đề về tiêu hóa (táo bón, tiêu chảy), đau bụng do lạnh,…
- Chữa ho bằng lê là mẹo dân gian có tác dụng điều trị triệu chứng bệnh ở giai đoạn nhẹ. Trường hợp nặng người bệnh nên đến cơ sở y tế và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Các bài thuốc trị ho với lê thường chỉ hỗ trợ trong các trường hợp ho khan, ho có đờm. Với ho do vi khuẩn, virus, bệnh nhân cần đến bệnh viện thăm khám và điều trị bằng kháng sinh mới hết bệnh
- Trong quá trình sử dụng, bệnh không thuyên giảm mà có dấu hiệu nặng lên, cần đến bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp
- Với trẻ em chưa mọc răng, gặp khó khăn khi nhai nuốt, bố mẹ có thể nghiền nát lê lấy nước trong các bài thuốc kết hợp cho trẻ sử dụng
- Với trẻ em dưới 1 tuổi: Tuyệt đối không sử dụng mật ong kết hợp với lê, thay thế nguyên liệu này bằng đường phèn hoặc nguyên liệu khác thích hợp
- Kết hợp điều trị theo phác đồ của bác sĩ, nghỉ ngơi điều độ, uống nhiều nước, giữ ấm cơ thể để tăng hiệu quả
- Một số nguyên liệu, dược liệu kết hợp với lê có thể gây dị ứng. Vì thế, người bệnh cần lưu ý trong quá trình sử dụng
Biện pháp trị ho bằng lê là mẹo dân gian dễ dàng thực hiện tại nhà được nhiều gia đình áp dụng. Tuy nhiên, phương pháp này thường chỉ phù hợp với triệu chứng ho nhẹ, hỗ trợ giảm ho có đờm. Để đạt hiệu quả điều trị cao nhất, bệnh nhân nên đi thăm khám và sử dụng kết hợp với phác đồ điều trị của bác sĩ, nghỉ ngơi ăn uống điều độ.
THÔNG TIN HỮU ÍCH:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!