Dị ứng thực phẩm: Các loại dễ gây dị ứng và cách trị
Nội dung bài viết
Tỷ lệ dị ứng thực phẩm ngày càng tăng, nó ảnh hưởng đến khoảng 2,5 – 10% dân số toàn cầu. Nhận biết những thực phẩm dễ gây dị ứng và xử trí thông minh khi bị dị ứng thực phẩm là những kỹ năng bạn nên trang bị ngay từ bây giờ để bảo vệ sức khỏe, tính mạng.
TOP thực phẩm dễ gây dị ứng nhất
Dị ứng thực phẩm là phản ứng quá mức của hệ miễn dịch với thực phẩm. Lúc đó, cơ thể cảm nhận được rằng một loại protein trong thực phẩm cụ thể có thể gây hại và kích hoạt hệ miễn dịch tạo ra histamine để bảo vệ chính nó.
Histamine gây ra các triệu chứng dị ứng phổ biến như:
- Nổi mề đay
- Ho
- Thờ khò khè
- Sưng ở môi, mặt, lưỡi, cổ họng hoặc các bộ phận khác của cơ thể
- Đau bụng, tiêu chảy
- Buồn nôn hoặc nôn
- Chóng mặt
- Thậm chí ngất xỉu
Cơ thể sau đó ghi nhớ phản ứng miễn dịch này và khi bạn ăn lại thực phẩm đó (thậm chí chỉ cần chạm phải), phản ứng dị ứng sẽ được kích hoạt thêm lần nữa.
Cách duy nhất để ngăn ngừa các phản ứng dị ứng là tránh các thực phẩm gây ra các dấu hiệu và triệu chứng bất lợi. Dưới đây là danh sách những thực phẩm dễ gây dị ứng mà bạn nên nắm được:
8 thực phẩm tự nhiên gây dị ứng thường gặp
Mặc dù bất kỳ thực phẩm nào nào cũng có thể gây ra dị ứng, nhưng có tới 90% trường hợp dị ứng thực phẩm là do các loại thực phẩm sau:
- Sữa bò
Sữa bò và các sản phẩm từ sữa bò là một trong những thực phẩm dễ gây dị ứng cho trẻ nhất, với tỷ lệ mắc phải từ 2 – 7,5%. Người trưởng thành ít khi bị dị ứng sữa bò. Thay vào đó, họ thường gặp các phản ứng bất dung nạp sữa bò hơn.
- Trứng
Một phân tích tổng hợp gần đây về tỷ lệ dị ứng thức ăn ước tính rằng dị ứng trứng ảnh hưởng từ 0,5 – 2,5% trẻ nhỏ. Ovomucoid – protein trong lòng trắng trứng đã được chứng minh là chất gây dị ứng chủ yếu.
- Lúa mì
Dị ứng lúa mì là do phản ứng miễn dịch bất lợi đối với các protein có trong lúa mì và các loại ngũ cốc liên quan. Tình trạng này phổ biến hơn ở trẻ nhỏ và có thể gây ra sốc phản vệ nghiêm trọng.
- Đậu nành
Dị ứng đậu nành/đậu tương ảnh hưởng đến khoảng 0,4% trẻ nhỏ và 50% trong số này sẽ thoát được tình trạng dị ứng này khi 7 tuổi.
- Đậu phộng/lạc
Ở Mỹ, dị ứng đậu phộng ảnh hưởng đến khoảng 1% trẻ nhỏ và 0,6% người trưởng thành. Ở những người cực kỳ mẫn cảm, chỉ cần một lượng đậu phộng nhỏ cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng.
- Hạt quả hạch
Dị ứng các loại hạt quả hạch ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số nói chung. Các loại hạt phổ biến gây ra các phản ứng dị ứng bao gồm: Hạt phỉ, quả óc chó, hạt điều và hạnh nhân. Những loại hạt ít khi gây dị ứng có thể kể tới là: Hạt dẻ cười, hạt dẻ, hạt quả hạch Brazil, hạt thông, hạt mắc ca…
- Động vật có vỏ
Tỷ lệ dị ứng động vật có vỏ là 0,5 – 5%. Dị ứng động vật có vỏ bao gồm các nhóm động vật giáp xác (như cua, bề bề, tôm hùm, tôm càng, nhuyễn thể, hà) và động vật thân mềm (như mực, bạch tuộc). Dị ứng động vật có vỏ phổ biến và dai dẳng ở người trưởng thành.
- Cá
Tỷ lệ dị ứng cá dao động từ 0,2 – 2,29% trong dân số nói chung. Nhưng tỷ lệ này có thể đạt tới 8% ở nhóm người hoạt động trong ngành chế biến cá. Loại dị ứng này thường gặp ở người trưởng thành.
Nhìn chung, ở người lớn, phần lớn dị ứng thức ăn được kích hoạt bởi một số protein có trong:
- Động vật có vỏ
- Đậu phộng
- Các loại hạt
- Cá
Ở trẻ em, dị ứng thức ăn thường được kích hoạt bởi protein có trong:
- Đậu phộng
- Các loại hạt
- Trứng
- Sữa bò
- Lúa mì
- Đậu nành
14 chất gây dị ứng trong thực phẩm đóng gói
Bên cạnh đó, ở một số quốc gia, đặc biệt là EU, các cơ quan chức năng đã đưa ra danh sách 14 chất gây dị ứng trong thực phẩm phổ biến nhất. Các doanh nghiệp thực phẩm phải ghi rõ sản phẩm của mình có chứa những chất này hay không ngay ở trên bao bì.
Người tiêu dùng cần đọc kỹ bao bì sản phẩm để biết được trong đó có những thành phần gây dị ứng hay không.
14 chất gây dị ứng trong thực phẩm nay bao gồm:
- Rau cần tây
- Ngũ cốc chứa gluten (chủ yếu là lúa mì)
- Động vật giáp xác
- Trứng
- Cá
- Đậu lupin (được tạo thành bột để làm làm bánh ngọt, bánh kếp, mì ống, bánh nướng, bánh ngọt)
- Sữa
- Động vật thân mềm
- Mù tạc
- Quả hạch (hạt thông, hạt điều, hạt óc chó, hạt dẻ cười…)
- Đậu phộng/lạc
- Hạt mè/vừng
- Đậu nành
- Sulfur dioxide/sulphites (được dùng trong trái cây sấy khô, thịt, nước ngọt, rượu bia)
Thực phẩm gây hội chứng dị ứng đường miệng
Hội chứng kỳ lạ này còn được gọi là dị ứng phấn hoa thực phẩm (Pollen-food allergy syndrome hoặc oral allergy syndrome). Nó ảnh hưởng đến nhiều người bị viêm mũi dị ứng. Khi đó, một số loại trái cây, rau củ tươi hoặc các loại hạt và gia vị đều có thể gây ra phản ứng dị ứng khiến miệng ngứa ran. Trong trường hợp nghiêm trọng, loại dị ứng này có thể dẫn đến sưng cổ họng, thậm chí sốc phản vệ.
Sở dĩ protein trong một số loại thực phẩm nêu trên gây ra các triệu chứng bất lợi vì chúng tương tự như protein gây dị ứng được tìm thấy trong một số loại phấn hoa. Đây là một ví dụ điển hình cho các trường hợp phản ứng chéo.
- Nếu bạn dị ứng với phấn hoa bạch dương, bạn có thể bị phản ứng với: Táo, cà rốt, hạnh nhân, quả mơ tây, cần tây, anh đào, hạt phỉ, đào, mận, khoai tây sống, đậu nành, hoa hồi, rau mùi ta, thì là, mùi tây…
- Nếu bạn bị dị ứng với phấn hoa, bạn có thể bị phản ứng với: Chuối, các loại dưa (dưa hấu, dưa vàng), dưa chuột, bí ngòi…
- Nếu bạn dị ứng với các loại cỏ, bạn có thể bị phản ứng với: Dưa chuột, kiwi, các loại dưa, cam, đậu phộng, cà chua, khoai tây, bí ngòi…
- Nếu bạn dị ứng với phấn hoa ngải cứu, bạn có thể bị phản ứng với: Táo, ớt chuông, bắp cải, cà rốt, cần tây, súp lơ, hành tây, đào, hoa hồi, hạt tiêu đen, rau mùi ta, thì là, mù tạt, mùi tây…
Ngoài ra, ăn một số loại thực phẩm nhất định có thể khiến một số người cảm thấy ngứa và chóng mặt ngay sau khi bắt đầu tập luyện thể dục thể thao. Nó thậm chí còn gây phát ban hoặc sốc phản vệ. Bởi vậy, nên tránh các thực phẩm có khả năng gây dị ứng ngay trước khi tập luyện.
Dị ứng thực phẩm và cách điều trị hiệu quả
Ngay khi xuất hiện những dấu hiệu dị ứng thực phẩm đầu tiên, bạn hãy ngừng ăn những thực phẩm nghi là gây ra phản ứng đó. Một số phương pháp dưới đây có thể giúp bạn khắc phục dị ứng thức ăn hiệu quả.
Sử dụng thuốc
Dị ứng thực phẩm thông thường có thể tự khỏi khi bạn ngừng ăn hoặc tiếp xúc với thực phẩm đó. Tuy nhiên, trong các trường hợp khẩn cấp, bạn có thể phải sử dụng thuốc kháng histamine hoặc thuốc Epinephrine.
- Thuốc kháng histamine được bán sẵn dưới dạng gel, chất lỏng hoặc viên nén. Chúng thường có hiệu quả đối với bệnh nhân gặp phản ứng dị ứng nhẹ hoặc trung bình. Histamine là hóa chất có trong cơ thể gây ra hầu hết các triệu chứng dị ứng. Thuốc kháng histamine có thể giúp ngăn chặn tác dụng này.
- Thuốc Epinephrine (Adrenaline) thường được chỉ định cho những người bị dị ứng thực phẩm nặng, có nguy cơ bị sốc phản vệ. Tiêm Epinephrine giúp huyết áp tăng lên bằng cách thu hẹp các mạch máu. Nó cũng làm dịu đường thở.
Những người đã từng gặp phải các phản ứng dị ứng nghiêm trọng nên mang theo dụng cụ tiêm tự Epinephrine tự động, như EpiPen, Twinject, EpiPen Jr. hoặc Anapen.
Triệu chứng sốc phản vệ thường gặp khi sử dụng thuốc bị dị ứng sai cách:
- Tụt huyết áp nhanh
- Sợ hãi, hoảng loạn
- Ngứa họng
- Buồn nôn
- Vấn đề hô hấp, dần trở nên khó chịu hơn
- Da bị ngứa, phát ban lanh nhanh chóng và bao phủ phần lớn cơ thể.
- Hắt hơi
- Chảy nước mũi và nước mắt
- Nhịp tim nhanh
- Sưng ở cổ họng, môi, mặt và miệng rất nhanh
- Nôn
- Mất ý thức
Cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay khi xuất hiện những triệu chứng trên.
Tránh thực phẩm gây viêm
Những thực phẩm sau đây làm tăng viêm trong cơ thể, làm suy yếu hệ thống miễn dịch và dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa. Chúng cũng làm nặng hơn các triệu chứng dị ứng hoặc khởi phát dị ứng.
- Thực phẩm đóng gói
Thực phẩm đóng gói hoặc chế biến sẵn có thể chứa GMO (thực phẩm biến đổi gene), như ngô, đậu nành, dầu canola và dầu thực vật. Chúng cũng có thể chứa các thành phần ẩn nấp bên trong gây ra phản ứng dị ứng. Đó là lý do tại sao những người bị dị ứng thực phẩm luôn cần đọc nhãn cẩn thận trước khi mua và sử dụng.
- Đường
Đường có thể gây ra sự phát triển quá mức của vi khuẩn, làm suy yếu hệ thống miễn dịch và tăng bất dung nạp thực phẩm. Đường cũng dẫn đến viêm, làm trầm trọng thêm các triệu chứng dị ứng thực phẩm và hạn chế khả năng dung nạp thực phẩm của cơ thể một cách bình thường.
- Hương liệu nhân tạo
Hương liệu nhân tạo có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng dị ứng thực phẩm. Các chuyên gia tin rằng thuốc nhuộm tạo màu trong thực phẩm đóng gói có thể gây tác động xấu đến sức khỏe ở mọi đối tượng, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Có bằng chứng cho thấy chiết xuất cochineal (dùng để nhuộm màu đỏ thực phẩm) có thể gây ra phản ứng dị ứng và hen suyễn.
- Gluten
Kể cả không bị bệnh Celiac hoặc dị ứng lúa mì, một số người vẫn có thể gặp những tác động bất lợi từ gluten – một chất có trong lúa mì. Loại bỏ gluten khỏi chế độ ăn cũng có thể giúp ích theo một cách nào đó.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng triệu chứng khó chịu tiêu hóa ở một số bệnh nhân dị ứng thực phẩm đã được cải thiện rõ ràng khi họ thực hiện chế độ ăn không có gluten.
Chế độ ăn uống loại trừ
Chế độ ăn uống loại trừ (Elimination Diet) là kế hoạch ăn kiêng đặc biệt giúp hỗ trợ điều trị dị ứng hiệu quả. Nó giúp xác định thực phẩm nào là thủ phạm gây dị ứng và loại bỏ chúng khỏi bữa ăn.
Chế độ ăn này được thực hiện trong thời gian ngắn, khoảng 3 – 6 tuần.
Các bước thực hiện:
- Ngừng ăn tất cả các thực phẩm gây dị ứng phổ biến trong ít nhất 3 tuần.
- Trong thời gian này, bạn được ăn các thực phẩm lành mạnh, như thịt hữu cơ, rau củ quả, chất béo lành mạnh… Những thực phẩm chống viêm này có thể giúp giảm các triệu chứng dị ứng.
- Đồng thời, nên đọc kỹ nhãn thực phẩm để chắc chắn rằng không ăn phải dù chỉ một lượng nhỏ thực phẩm có khả năng gây dị ứng.
- Nên ghi chép lại tất cả những gì bạn ăn và không ăn, cũng như những triệu chứng gặp phải sau khi ăn.
- Sau 3 tuần, hãy ăn trở lại những thực phẩm mà trước đó bạn nghi ngờ có thể gây dị ứng. Ăn chúng trong 1 – 2 tuần và đừng quên ghi lại các triệu chứng. Đây là giai đoạn tái tiêu thụ.
- So sánh các triệu chứng của giai đoạn loại trừ và giai đoạn tái tiêu thụ.
- Nếu triệu chứng bất lợi xuất hiện sau khi bạn ăn một trong những những thực phẩm nghi là tác nhân gây dị ứng, bạn có thể xác nhận nó chính là thực phẩm gây dị ứng. Hãy loại trừ thực phẩm này một lần nữa.
Ngoài việc hỗ trợ điều trị dị ứng thực phẩm, phát hiện những thực phẩm có thể gây dị ứng mà bạn chưa biết tới, chế độ ăn uống loại trừ còn mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe.
Bao gồm:
- Giảm triệu chứng ruột kích thích
- Giảm đau nửa đầu
- Ngăn ngừa, điều trị tăng động giảm chú ý và tự kỷ ở trẻ nhỏ
- Giảm hội chứng ruột rò rỉ
- Giảm các triệu chứng mẩn đỏ, phát ban, mụn trên da
Bổ sung dưỡng chất
Một số dưỡng chất dưới đây có thể giúp giảm triệu chứng dị ứng thực phẩm nhanh chóng:
- Enzyme tiêu hóa
Enzyme tiêu hóa hỗ trợ hệ thống tiêu hóa phân giải hoàn toàn các hạt thức ăn. Việc không thể tiêu hóa hết các protein thực phẩm có thể liên quan đến dị ứng thực phẩm và gây ra các triệu chứng tiêu hóa khó chịu.
- Probiotic
Một nghiên cứu năm 2001 được công bố trên Tạp chí Allergy and Clinical Immunology cho thấy sự khác biệt về vi khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh trước sự phát triển của dị ứng. Nó cho thấy vai trò của vi khuẩn đường ruột trong việc ngăn ngừa dị ứng. Nghiên cứu này đã dẫn đến giả thuyết rằng lợi khuẩn probiotic có thể thúc đẩy dung nạp thực phẩm. Để tăng cường lợi khuẩn trong đường ruột, bạn có thể bổ sung 50 tỷ sinh vật này mỗi ngày thông qua thực phẩm chức năng.
- MSM (Methylsulfonylmethane)
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Alternative and Complementary Medicine, bổ sung MSM có vai trò như một phương pháp điều trị dị ứng thực phẩm hiệu quả. Là một hợp chất chứa lưu huỳnh hữu cơ, MSM được áp dụng để cải thiện chức năng miễn dịch, đồng thời giảm viêm và phục hồi các mô cơ thể.
MSM được coi là một phương pháp chữa dị ứng thực phẩm tiềm năng vì có khả năng giảm các vấn đề tiêu hóa và tình trạng da.
- Vitamin B5
Axit pantothenic/vitamin B5 giúp hỗ trợ chức năng của tuyến thượng thận, từ đó hỗ trợ điều trị dị ứng thực phẩm tự nhiên. Nó giúp hệ tiêu hóa hoạt động tối ưu và tăng cường chức năng miễn dịch để giảm khả năng phản ứng thái quá với thực phẩm của cơ thể.
- L-glutamine
Ruột bị rò rỉ hoặc tăng tính thấm sẽ gây ra các tình trạng sức khỏe khác nhau, bao gồm dị ứng. L-glutamine là một axit amin có nhiều trong đường ruột. Bổ sung L-glutamine có thể cải thiện tình trạng này.
Chế độ ăn uống thay thế
Cách điều trị hiệu quả nhất cho dị ứng thực phẩm là tránh hoàn toàn các thực phẩm gây dị ứng. Điều này có thể gây khó khăn khi bạn bị dị ứng với các thực phẩm phổ biến, như sữa, trứng và lúa mì.
May mắn thay, có rất nhiều lựa chọn thay thế cho các thực phẩm gây dị ứng mà vẫn có thể nhận được cùng một giá trị dinh dưỡng.
- Sữa dừa
Có rất nhiều sản phẩm thay thế sữa bò làm từ các loại thực vật, như đậu nành, gạo, khoai tây, dừa, yến mạch, hạnh nhân, hạt lanh, hướng dương và hạt mắc a… Chúng không thực sự là sữa mà là chiết xuất có nguồn gốc từ thực vật.
Giống như sữa bò bán trên thị trường, các loại sữa này có thể được bổ sung thêm các chất dinh dưỡng, như vitamin D và vitamin A. Bởi vậy, nhiều sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng tương tự như sữa bò, nhưng một số khác lại không.
Bên cạnh đó, thực tế là dị ứng đậu nành cũng đang gia tăng ở nhiều quốc gia. Bởi vậy, sử dụng sữa đậu nành thay thế sữa bò cũng tiềm ẩn đầy rủi ro. Hơn nữa, hầu hết các loại sữa đậu nành đều chứa phytoestrogen hoặc chất bắt chước estrogen – hormone nữ nên có thể gây bất lợi nếu uống quá nhiều.
Đậu nành cũng là một trong những thực phẩm biến đổi gene phổ biến, có hại cho lợi khuẩn trong ruột và làm hỏng chức năng tiêu hóa.
Bởi vậy, sữa dừa là thực phẩm thay thế tốt nhất cho sữa bò. Loại sữa này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là khả năng giảm cholesterol “xấu” LDL.
- Thay thế trứng
Trứng thường được sử dụng để tăng sự liên kết của các thực phẩm khác trong công thức nấu ăn. Các chất thay thế trứng sau đây đã được Mạng lưới Dị ứng Thực phẩm và Sốc phản vệ khuyến nghị nên áp dụng:
Để tăng độ kết dính: Sử dụng 2 thìa canh trái cây xay nhuyễn (như chuối nghiền và sốt táo); Hoặc, 1 thìa canh hạt lanh ngâm trong 3 thìa canh nước
Tăng độ nở xốp và kết dính: Sử dụng 1,5 thìa canh nước, 1,5 thìa canh dầu ăn và 1 thìa cà phê bột nở; Hoặc, 1 thìa cà phê bột nở, 1 thìa canh nước và 1 thìa canh giấm; Hoặc, 1 gói gelatin và 2 thìa canh nước ấm; Hoặc ,1 thìa cà phê men hòa tan trong 1/4 cốc nước
Ngoài ra, trên thị trường đã xuất hiện các sản phẩm thay thế trứng có nguồn gốc từ khoai tây. Khi trộn với nước, chúng có thể thay thế vai trò của trứng trong các món bánh nướng.
- Bơ hạt hạnh nhân và bơ hướng dương
Đây là thực phẩm thay thế bơ đậu phộng nổi bật nhất. Chúng chứa ít axit béo bão hòa, giàu axit béo không bão hòa, cung cấp nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa phytosterol độc đáo, các vitamin, như riboflavin, và khoáng chất vi lượng, như magie.
- Bột/hạt không có gluten
Có nhiều loại bột không chứa lúa mì và có thể dễ dàng được sử dụng thay cho bột mì trong công thức làm bánh. Các loại bột không chứa lúa mì hoặc gluten, bao gồm bột dừa, bột hạnh nhân, bột yến mạch và bột gạo.
- Thực phẩm giàu protein
Nếu bạn bị dị ứng với thủy hải sản, bạn có thể nhận được lượng protein cần thiết hàng ngày từ trứng, thịt đỏ và thịt gia cầm hữu cơ. Nếu bạn theo chế độ ăn chay hoặc thuần chay, bạn có thể lấy protein từ thực vật, bao gồm đậu lăng, đậu đen và natto.
- Sử dụng tinh dầu
Tinh dầu bạc hà có thể xoa dịu khó chịu trong đường tiêu hóa và giảm viêm liên quan đến dị ứng thức ăn. Nó cũng có thể giúp giảm các triệu chứng dị ứng thực phẩm khác, như đau đầu và ngứa ngáy.
Bạn có thể thoa dầu bạc hà lên thái dương, xoa lên bụng hoặc lòng bàn chân. Đây cũng là một loại tinh dầu tự nhiên có thể uống an toàn. Để giảm đau bụng hoặc rối loạn tiêu hóa, hãy pha 1 – 2 giọt tinh dầu với nước rồi uống.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng tinh dầu khuynh diệp để giúp làm sạch xoang, cải thiện hô hấp và giảm các triệu chứng dị ứng thực phẩm. Khuynh diệp có chứa citronellal giúp giảm đau và chống viêm mạnh mẽ.
Đồng thời, dầu khuynh diệp còn thúc đẩy thải độc. Để loại bỏ dị ứng thực phẩm, hãy khuếch tán 5 – 10 giọt tinh dầu khuynh diệp trong không khí hoặc bôi 1 – 2 giọt tinh dầu này lên ngực và thái dương.
Lưu ý: Tinh dầu có thể gây phản ứng dị ứng ở một số người. Hãy chắc chắn rằng bản thân không bị dị ứng tinh dầu bạc hà hoặc khuynh diệp trước khi sử dụng.
Tóm lại, nếu bạn nghi ngờ mình bị dị ứng thực phẩm, hãy tránh tiếp xúc với thực phẩm hoàn toàn cho đến khi có chỉ định của bác sĩ. Nếu bạn ăn thực phẩm nào đó và gặp phản ứng nhẹ, sử dụng thuốc kháng histamine có thể giúp giảm triệu chứng.
Khi xuất hiện các phản ứng nghiêm trọng hơn và bất kỳ triệu chứng sốc phản vệ nào, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ khẩn cấp ngay.
Đừng bỏ lỡ:
Tin bài nên đọc
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!