Các Loại Thuốc, Kem Bôi Điều Trị Viêm Da Tiếp Xúc

Hồ nước, thuốc tím, thuốc kháng sinh, kháng histamine, thuốc bôi corticoid,… là một số loại thuốc điều trị viêm da tiếp xúc phổ biến. Sử dụng các loại thuốc này đúng cách có thể cải thiện tổn thương da, giảm ngứa ngáy, nóng rát và dự phòng biến chứng.

thuốc trị viêm da tiếp xúc
Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị chính đối với bệnh viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc là một dạng viêm da cấp – mãn khá phổ biến. Bệnh thường khởi phát biểu hiện lâm sàng sau khi tiếp xúc với các chất kích ứng hoặc dị ứng như hóa chất, dung môi công nghiệp, côn trùng, mủ thực vật, kim loại, xà phòng, mỹ phẩm,…

Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể nhưng viêm da tiếp xúc có thể gây tổn thương da kèm nóng rát, châm chích và ngứa ngáy. Hơn nữa nếu không điều trị đúng cách, bệnh có thể tiến triển dai dẳng, tăng nguy cơ bội nhiễm và chàm hóa.

Hiện nay, phương pháp điều trị chính đối với bệnh lý này là sử dụng thuốc bôi và thuốc uống. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế rủi ro phát sinh, cần lựa chọn thuốc phù hợp với mức độ và giai đoạn phát triển của bệnh.

Các loại thuốc bôi điều trị viêm da tiếp xúc

Thuốc bôi được ưu tiên sử dụng trong điều trị các bệnh ngoài da nói chung và viêm da tiếp xúc nói riêng. So với thuốc uống, thuốc bôi có độ an toàn cao, hầu như không ảnh hưởng đến chức năng nội tạng và tác động trực tiếp đến vùng da thương tổn.

Một số loại thuốc bôi thường được dùng để điều trị viêm da tiếp xúc, bao gồm:

1. Dung dịch Jarish giúp sát khuẩn và vệ sinh da

Dung dịch Jarish chứa thành phần chính là Acid boric có tác dụng ức chế hoạt động nhân đôi của vi nấm và vi khuẩn. Loại thuốc này được sử dụng trong giai đoạn mới phát của viêm da tiếp xúc, đặc biệt là viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, côn trùng, mủ thực vật, hóa chất,…

thuốc chữa viêm da tiếp xúc
Dung dịch Jarish được sử dụng trong giai đoạn viêm da tiếp xúc mới khởi phát

Ngoài tác dụng sát trùng và khử khuẩn, dung dịch Jarish còn hỗ trợ giảm viêm và làm dịu bề mặt da. Bên cạnh tác dụng điều trị viêm da tiếp xúc, loại thuốc này còn được sử dụng trong điều trị các bệnh da liễu thường gặp như vảy nến, chàm và nhiễm trùng da do nấm.

Thuốc được sử dụng với tần suất 2 – 3 lần/ ngày tùy vào mức độ và phạm vi vùng da thương tổn. Khi sử dụng thuốc, nên để da thoáng, tránh băng kín bằng gạc hoặc băng keo cá nhân.

2. Hồ nước giúp làm dịu và sát trùng da

Tương tự như dung dịch Jarish, hồ nước được sử dụng trong giai đoạn viêm da tiếp xúc mới phát đặc trưng bởi tổn thương da phù nề, viêm đỏ, bề mặt nổi nhiều mụn nước và phỏng mủ. Với thành phần chính là Kẽm oxit, Glycerin và bột Talc, hồ nước có tác dụng làm dịu da, se vết thương, giảm ngứa và sát trùng.

Thuốc được sử dụng với tần suất 2 lần/ ngày nhằm ngăn ngừa viêm nhiễm và hỗ trợ làm khô vùng da tổn thương. Tuy nhiên cần tránh sử dụng hồ nước lên vùng da có tổn thương sâu hoặc đã xuất hiện hiện tượng viêm nhiễm.

3. Thuốc tím điều trị viêm da tiếp xúc bội nhiễm

Trong trường hợp viêm da tiết xúc bội nhiễm hoặc tổn thương da tiết dịch nhiều, nên sử dụng thuốc tím để diệt vi khuẩn và kiểm soát nhiễm trùng. Thành phần chính của thuốc tím là kali permanganat có đặc tính oxy hóa giúp diệt nấm, vi khuẩn gram âm và gram dương.

Thuốc được sử dụng trực tiếp lên vùng da tổn thương từ 1 – 2 lần/ ngày. Đối với những trường hợp có phạm vi da tổn thương rộng, nên pha thuốc tím với nước tắm để làm se vết loét, giảm ngứa và sát khuẩn. Khi sử dụng thuốc, cần tránh băng kín vùng da được che phủ. Tình trạng này có thể làm tăng mức độ hấp thu và dẫn đến hiện tượng tăng kali huyết.

4. Thuốc bôi da chứa corticoid

Thuốc bôi corticoid là loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh da liễu. Loại thuốc này có tác dụng giảm tổn thương da, chống viêm và cải thiện triệu chứng ngứa ngáy dựa trên hoạt động ức chế miễn dịch.

Tuy nhiên, thuốc chỉ được sử dụng khi tổn thương da ngưng rỉ dịch, khô, bong tróc và nứt nẻ. Dùng thuốc chứa corticoid trong thời điểm da nổi nhiều mụn nước, phù nề và ẩm ướt có thể khiến tổn thương da chậm lành và tăng nguy cơ bội nhiễm.

Ngoài ra, nhóm thuốc này chỉ được dùng tối đa trong 15 – 20 ngày. Lạm dụng thuốc bôi corticoid có thể gây viêm nang lông, teo da, giãn mao mạch, hình thành mụn trứng cá, rậm lông,…

thuốc bôi điều trị viêm da tiếp xúc
Thuốc bôi corticoid được sử dụng phổ biến để điều trị viêm da cơ địa và các bệnh da liễu khác

Một số chế phẩm chứa corticoid được sử dụng để điều trị viêm da tiếp xúc, bao gồm:

  • Dipolac G
  • Fucidin H
  • Gentri-sone
  • Eumovate
  • Diprosone

Hiện nay, corticoid thường được phối hợp với hoạt chất kháng sinh và acid salicylic để phòng ngừa viêm nhiễm, làm mềm bề mặt và giảm hiện tượng bong tróc, khô ráp, dày sừng,…

5. Thuốc kháng sinh điều trị tại chỗ

Đối với trường hợp viêm da bội nhiễm hoặc tổn thương da có nguy cơ nhiễm trùng cao, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc bôi chứa hoạt chất kháng sinh.

Khi dùng nhóm thuốc này, nên tuân thủ liều lượng, tần suất và thời gian sử dụng để giảm nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc. Ngoài ra, cần tránh băng kín vùng da được che phủ – trừ trường hợp có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

Các loại thuốc kháng sinh tại chỗ được sử dụng để điều trị viêm da tiếp xúc, bao gồm:

  • Fusidicort
  • Bactroban
  • Tyrosur
  • Gentamicin 0.3%
  • Decocort cream
  • Derimucin

6. Thuốc ức chế calcineurin

Thuốc ức chế calcineurin được sử dụng thay thế cho thuốc corticoid trong trường hợp chống chỉ định hoặc gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng. Loại thuốc này có tác dụng điều hòa miễn dịch và ức chế sản xuất chất gây viêm, từ đó làm giảm ngứa ngáy và cải thiện tổn thương da.

Không giống với corticoid, thuốc ức chế calcineurin không gây mỏng da, rậm lông hay làm giãn mao mạch. Tuy nhiên lạm dụng nhóm thuốc này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và ác tính hóa tế bào.

thuốc bôi viêm da tiếp xúc
Thuốc ức chế calcineurin được sử dụng thay thế cho corticoid dạng bôi trong một số trường hợp

Các loại thuốc ức chế calcineurin được sử dụng phổ biến:

  • Tacrolimus (Protopic, Tacropic,…)
  • Pimecrolimus (Elidel)

Không chỉ được sử dụng trong điều trị viêm da tiếp xúc, loại thuốc này còn được dùng để chữa viêm da cơ địa, vảy nến, viêm da tiết bã nhờn và một số bệnh da liễu mãn tính khác.

7. Kem làm mềm da

Kem làm mềm da được sử dụng khi tổn thương da ngưng rỉ dịch, khô, ngứa ngáy, bong tróc và dày sừng. Dưỡng ẩm thường xuyên không chỉ cải thiện bề mặt da và giảm các triệu chứng lâm sàng mà còn hỗ trợ phục hồi tế bào hư tổn, tái tạo màng lipid và tăng cường chức năng miễn dịch cho da.

Ngoài ra, một số loại kem làm mềm da còn chứa thành phần sát trùng (Zinc oxide), giảm ngứa (Oat extract), phục hồi da (Panthenol, Niacinamide, Glycerin) và giảm dày sừng (BHA, PHA,….).

Nghiên cứu cho thấy, làn da thiếu ẩm, khô ráp và bong tróc có chức năng bảo vệ kém và dễ bị tổn thương khi có tác nhân kích thích. Trong khi đó, làn da được cung cấp độ ẩm thường xuyên có khả năng miễn dịch tốt, tốc độ phục hồi nhanh, ít có nguy cơ nhiễm trùng và hình thành sẹo thâm.

viêm da tiếp xúc bôi thuốc gì
Kem làm mềm da có tác dụng dưỡng ẩm, giảm bong tróc, ngứa ngáy và phục hồi làn da

Một số loại kem làm mềm da được dùng để điều trị viêm da tiếp xúc, bao gồm:

  • Physiogel cream
  • A-derma Exomega
  • Panthenol cream
  • Lacticare-HC lotion

Lưu ý: Không sử dụng kem làm mềm da khi tổn thương phù nề, rỉ dịch, có mụn nước và phỏng mủ. Sử dụng kem dưỡng trong thời gian này có thể khiến da ẩm ướt và chậm lành.

Thuốc bôi có độ an toàn tương đối cao và hầu như không ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng. Tuy nhiên lạm dụng thuốc bôi có thể khiến da bị viêm nhiễm, giãn mao mạch và phát sinh nhiều tác dụng không mong muốn. Vì vậy, chỉ nên sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, đồng thời cần tuân thủ liều lượng và tần suất sử dụng.

Bị viêm da tiếp xúc nên uống thuốc gì?

Trong trường hợp tổn thương da gây ngứa ngáy nhiều, phạm vi ảnh hưởng rộng và đáp ứng kém với điều trị tại chỗ, có thể cân nhắc sử dụng một số loại thuốc uống sau:

1. Thuốc kháng histamine tổng hợp

Histamine là thành phần trung gian được giải phóng trong quá trình dị ứng. Khi được phóng thích vào da và niêm mạc, histamine gây ngứa ngáy, viêm đỏ, phù nề và nóng rát.

Trong trường hợp viêm da tiếp xúc gây ngứa nhiều, có thể sử dụng một số loại thuốc kháng histamine tổng hợp để cải thiện triệu chứng. Nhóm thuốc này tương đối an toàn, có khả năng dung nạp tốt và phù hợp với nhiều đối tượng.

bị viêm da tiếp xúc uống thuốc gì
Thuốc kháng histamine tổng hợp được sử dụng để giảm ngứa ngáy do viêm da tiếp xúc gây ra

Các loại thuốc kháng histamine tổng hợp được sử dụng trong điều trị viêm da tiếp xúc, bao gồm:

  • Fexofenadin
  • Cetirizin
  • Chlorpheniramine
  • Loratadin
  • Brompheniramin

2. Thuốc giảm đau, kháng viêm non-steroid

Ngoài tổn thương da, viêm da tiếp xúc có thể đi kèm với một số triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, sốt nhẹ, sưng hạch gây đau và nhức mỏi. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giảm đau và kháng viêm non-steroid để cải thiện cơn đau, giảm viêm sưng, phù nề và hạ thân nhiệt.

  • Thuốc giảm đau thông thường: Acetaminophen là thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến nhất. Ngoài tác dụng giảm đau nhức, loại thuốc này còn có tác dụng điều hòa thân nhiệt.
  • Thuốc chống viêm non-steroid (NSAID): NSAID được sử dụng khi tổn thương do viêm da tiếp xúc gây đau, sốt nhẹ và sưng viêm. Nhóm thuốc này không chỉ có tác dụng giảm cơn đau mà còn có hiệu quả kháng viêm dựa trên hoạt động ức chế enzyme cyclooxygenase và prostaglandin. Tuy nhiên, cần thận trọng NSAID khi có tiền sử xuất huyết tiêu hóa và loét dạ dày – tá tràng.

Trên thực tế, thuốc giảm đau và kháng viêm non-steroid chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn (khoảng 1 – 3 ngày).

3. Thuốc chống viêm chứa steroid

Thuốc chống viêm chứa steroid (corticoid) chỉ được sử dụng khi da phù nề nặng và không có đáp ứng với các loại thuốc bôi và thuốc uống thông thường. Corticoid đường uống có tác dụng chống viêm và kháng dị ứng mạnh.

Tuy nhiên nhóm thuốc này có thể gây loãng xương, tăng đường huyết, hội chứng Cushing, suy tuyến thượng thận,… nên chỉ được sử dụng trong những trường hợp cần thiết. Hơn nữa, thuốc chống viêm chứa steroid chỉ được dùng trong thời gian ngắn với liều thấp nhất có đáp ứng.

4. Thuốc kháng sinh đường uống

Thuốc kháng sinh đường uống được sử dụng khi tổn thương da bị nhiễm trùng trên phạm vi rộng. Nhóm thuốc này được chỉ định trong khoảng 7 – 10 ngày tùy vào mức độ viêm nhiễm.

bị viêm da tiếp xúc dùng thuốc gì
Kháng sinh được sử dụng khi da bị nhiễm trùng nặng hoặc nhiễm trùng trên diện rộng

Hiện nay, kháng sinh được dùng trong điều trị viêm da bội nhiễm chủ yếu là nhóm cephalosporin và penicillin. Khi dùng kháng sinh, cần sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Tự ý ngưng thuốc hoặc dùng thuốc không đều có thể gây tái nhiễm hoặc tăng chủng vi khuẩn không nhạy cảm.

Kháng sinh là một trong những nhóm thuốc dễ phát sinh rủi ro khi sử dụng. Để hạn chế tác dụng phụ của nhóm thuốc này, nên uống nhiều nước và tăng cường bổ sung thực phẩm chứa probiotic.

5. Kết hợp sử dụng viên uống bổ sung

Ngoài các loại thuốc điều trị, bạn có thể sử dụng một số viên uống bổ sung như vitamin E, C, A và Kẽm nếu không có chống chỉ định. Các loại viên uống bổ sung có tác dụng tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ làm giảm tổn thương da và tăng tốc độ phục hồi tế bào.

Nếu có chống chỉ định với viên uống bổ sung, có thể cung cấp vitamin và kẽm cho cơ thể bằng một số loại thực phẩm như rau xanh, trái cây, hải sản, các loại đậu và hạt.

Lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm da tiếp xúc

Sử dụng thuốc là phương pháp chủ yếu trong điều trị các bệnh da liễu nói chung và viêm da tiếp xúc nói riêng. Dùng thuốc đúng cách có thể làm giảm tổn thương da, cải thiện ngứa ngáy, nóng rát và châm chích. Tuy nhiên, các loại thuốc điều trị viêm da tiếp xúc có thể gây ra tác dụng phụ và rủi ro nếu thiếu thận trọng khi sử dụng.

bị viêm da tiếp xúc thì uống thuốc gì
Nên tham vấn y khoa trước khi sử dụng thuốc nhằm hạn chế rủi ro và tác dụng phụ phát sinh

Do đó trong thời gian sử dụng thuốc, cần lưu ý một số thông tin quan trọng sau:

  • Chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định của dược sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa. Tránh tình trạng tự ý dùng thuốc khi chưa tham vấn y khoa. Sử dụng loại thuốc không phù hợp có thể khiến da tổn thương nặng, chậm lành hoặc thậm chí làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
  • Phải tuân thủ liều lượng, tần suất và thời gian dùng thuốc để đảm bảo hiệu quả điều trị và dự phòng các tình huống rủi ro.
  • Viêm da tiếp xúc có thể tiến triển nặng và lan tỏa rộng nếu thường xuyên tiếp xúc với các chất kích ứng hoặc dị ứng. Do đó bên cạnh sử dụng thuốc, cần cách ly với các yếu tố kích thích như hóa chất, dung môi công nghiệp, mùa cưa, mỹ phẩm, mủ thực vật, côn trùng, xà phòng,…
  • Nếu phát sinh tác dụng phụ có mức độ nghiêm trọng, nên chủ động ngưng thuốc và tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và xử lý kịp thời.
  • Vệ sinh da đúng cách, tránh chà xát và gãi cào lên vùng da tổn thương.
  • Kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học nhằm hỗ trợ hiệu quả của thuốc và rút ngắn thời gian điều trị.

Bài viết đã tổng hợp một số loại thuốc uống và kem bôi điều trị viêm da tiếp xúc được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo. Để được tư vấn về loại thuốc phù hợp và hạn chế rủi ro phát sinh, bạn nên tham vấn y khoa trước khi sử dụng.

Tham khảo thêm: Cách chăm sóc giúp viêm da tiếp xúc không để lại sẹo

4.9/5 - (8 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *