Cách Chăm Sóc Giúp Viêm Da Tiếp Xúc Không Để Lại Sẹo
Nội dung bài viết
Viêm da tiếp xúc có thể để lại sẹo sau quá trình điều trị. Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng sẹo thâm có thể tác động xấu đến yếu tố thẩm mỹ, ngoại hình và tâm lý. Vì vậy bên cạnh sử dụng thuốc, cần chăm sóc da đúng cách và chủ động thực hiện các công thức giúp ngừa sẹo, giảm thâm.
Bị viêm da tiếp xúc có để lại sẹo không?
Viêm da tiếp xúc là tình trạng da viêm đỏ, nổi mụn nước kèm nóng rát và ngứa ngáy do tiếp xúc với các yếu tố kích ứng hoặc dị ứng. Ngoài tổn thương da, bệnh lý này cũng có thể làm phát sinh một số triệu chứng toàn thân như sưng hạch, mệt mỏi và sốt nhẹ.
Viêm da tiếp xúc là bệnh da liễu thường gặp, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều nhất ở trẻ nhỏ, người có làn da mỏng, nhạy cảm và người có cơ địa dị ứng. Thông thường, tổn thương da do bệnh lý này có thể thuyên giảm sau 3 – 20 ngày điều trị và hầu như không để lại di chứng nặng nề.
Ngoài mối quan tâm về cách điều trị và dấu hiệu nhận biết, khá nhiều bạn đọc còn thắc mắc về vấn đề “Bị viêm da tiếp xúc có để lại sẹo không?”. Theo các bác sĩ Da liễu, nguy cơ để lại sẹo thâm do viêm da tiếp xúc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Vùng da bị ảnh hưởng: Trên thực tế, các vị trí da trên cơ thể có đặc tính không đồng đều. Vùng da mặt, cổ và bẹn có độ mỏng và nhạy cảm hơn so với vùng da ở tay, thân mình và chân. Vì vậy nếu xảy ở vùng da nhạy cảm, viêm da tiếp xúc có nguy cơ để lại sẹo thâm và chậm lành hơn so với những vùng da khác.
- Cơ địa: Cơ địa là yếu tố quan trọng đối với làn da và tiến triển của các bệnh da liễu. Ở một số người, tổn thương da có thể tự khỏi, phục hồi nhanh và hầu như không để lại vết thâm. Tuy nhiên ở một số trường hợp, tổn thương có xu hướng dai dẳng, chậm lành và có nguy cơ hình thành sẹo thâm, sẹo lồi.
- Tác nhân gây tổn thương da: Mức độ tổn thương da phụ thuộc nhiều vào tác nhân kích ứng/ dị ứng. Nếu xảy ra do các tác nhân có độ kích ứng nhẹ như ánh nắng, ma sát, xà phòng,… tổn thương da có thể thuyên giảm và phục hồi nhanh. Tuy nhiên trong trường hợp khởi phát do hóa chất, nọc độc côn trùng, mỹ phẩm chứa thành phần kích ứng, da có thể bị tổn thương nặng, chậm phục hồi và để lại sẹo.
- Do cách chăm sóc và điều trị: Chăm sóc và điều trị đúng cách có thể giảm triệu chứng trong thời gian ngắn, phục hồi mô da hư tổn và hạn chế mức độ thâm sẹo. Ngược lại ở các trường hợp không can thiệp điều trị hoặc chăm sóc không đúng cách, da có thể bị ngứa ngáy dữ dội, viêm nhiễm, chảy máu và có khả năng để lại sẹo thâm.
Thâm sẹo là hệ quả do nhiều yếu tố tác động. Nếu không điều trị và chăm sóc đúng cách, tổn thương do viêm da tiếp xúc có thể để lại nền da nâu sẫm hoặc thậm chí hình thành sẹo lồi, sẹo lõm. Do đó, bạn nên chủ động điều trị và chăm sóc đúng cách để kiểm soát triệu chứng và bảo vệ làn da.
Cách chăm sóc giúp ngăn ngừa sẹo do viêm da tiếp xúc
Sẹo thâm có thể mờ dần theo thời gian. Tuy nhiên vết thâm trên da ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình và yếu tố tâm lý – đặc biệt là vùng da mặt. Vì vậy khi bị viêm da tiếp xúc, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp giúp phục hồi da và ngăn ngừa sẹo sau:
1. Điều trị trong thời gian sớm nhất
Điều trị sớm là biện pháp giúp kiểm soát tổn thương da, giảm mức độ hư hại thượng bì và hạn chế nguy cơ hình thành sẹo thâm. Ngoài ra, điều trị kịp thời còn giúp giảm ngứa ngáy, nóng rát, châm chích và dự phòng các biến chứng như da chàm hóa và viêm da tiếp xúc bội nhiễm.
Một số biện pháp điều trị viêm da tiếp xúc phổ biến, bao gồm:
- Đối với những trường hợp kích ứng da do tiếp xúc với mủ thực vật, hóa chất, mỹ phẩm, côn trùng,… nên rửa sạch da trong 2 – 3 phút ngay sau khi tiếp xúc. Biện pháp này giúp loại bỏ chất kích ứng và giảm mức độ tổn thương da.
- Trong thời gian da viêm đỏ, nổi mụn nước và phù nề, nên sử dụng các loại thuốc dạng dung dịch có tác dụng làm dịu và sát trùng như hồ nước, kẽm oxide, dung dịch Jarish,…
- Khi mụn nước khô và bong vảy, có thể dùng thuốc bôi corticoid, thuốc bôi kháng sinh,… để giảm ngứa, chống viêm và ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Trong trường hợp có bội nhiễm, nên sử dụng thuốc tím và kháng sinh đường uống để kiểm soát nhiễm trùng và giảm mức độ tổn thương da.
- Dùng thuốc kháng histamine tổng hợp (Cetirizin, Loratadin, Chlorpheniramine,…) nếu tổn thương da gây ngứa ngáy nhiều.
2. Chăm sóc da đúng cách
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, chăm sóc da đúng cách cũng có thể tăng tốc độ phục hồi, giảm ngứa ngáy và hạn chế hình thành sẹo thâm.
Các biện pháp chăm sóc da giúp ngừa thâm sẹo do viêm da tiếp xúc:
- Tuyệt đối không dùng tay gãi hoặc chà xát mạnh lên vùng da thương tổn. Tác động cơ học có thể kích thích tổn thương da lan rộng, lở loét và chảy máu.
- Vệ sinh da 2 lần/ ngày với nước muối sinh lý hoặc các dung dịch làm sạch dịu nhẹ.
- Khi tổn thương da khô, có thể thoa kem dưỡng từ 2 – 3 lần/ ngày để giảm bong tróc và ngứa ngáy. Ngoài tác dụng dưỡng ẩm, kem dưỡng còn giúp phục hồi bề mặt da và hạn chế hình thành sẹo thâm.
- Tia UV từ ánh nắng có thể kích thích da sản sinh melanin và tăng nguy cơ hình thành vết thâm sạm. Vì vậy trong thời gian điều trị viêm da tiếp xúc, nên hạn chế di chuyển và hoạt động ngoài trời. Trong trường hợp phải tiếp xúc với ánh nắng, nên thoa kem chống nắng, đội mũ, sử dụng ô và mặc áo khoác để bảo vệ da.
- Tránh để da tiếp xúc với các yếu tố kích ứng và dị ứng như hóa chất, xà phòng, mỹ phẩm chứa thành phần kích ứng, côn trùng, mủ thực vật,… Tiếp xúc với dị nguyên có thể khiến tổn thương da lan tỏa rộng, tiến triển nặng nề và gây sẹo thâm sẫm màu.
- Nên uống nhiều nước, bổ sung thêm trái cây, rau xanh, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa,… để giữ ẩm cho da, kích thích da sản sinh collagen và giảm nguy cơ hình thành sẹo.
- Tránh các loại thức ăn và đồ uống gây sẫm màu da và tăng nguy cơ hình thành sẹo như thịt bò, rau muống, cà phê, rượu bia và nước ngọt có gas.
3. Ngừa thâm sẹo với công thức từ thiên nhiên
Trong giai đoạn phục hồi, da có xu hướng tăng sinh biểu mô để làm liền và se vết thương. Tuy nhiên, biểu mô tăng sinh quá mức có thể gây ra sẹo lõm hoặc sẹo lồi. Vì vậy bên cạnh việc điều trị và chăm sóc, bạn nên chủ động thực hiện các công thức ngăn ngừa sẹo từ thiên nhiên như:
– Công thức ngừa sẹo do viêm da tiếp xúc từ nghệ và sữa chua:
Từ lâu nghệ đã được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị thâm sẹo. Nghiên cứu cho thấy, hoạt chất curcumine và beta-carotene trong loại thảo dược này có khả năng kích thích da sản sinh collagen, ức chế gốc tự do và sắc tố melanin. Sử dụng nghệ đều đặn có thể cải thiện độ đàn hồi, giảm sẹo thâm và làm đều màu da.
Ngoài ra, công thức này còn bổ sung thêm sữa chua để tăng tác dụng nuôi dưỡng và ngừa thâm sẹo. Axit lactic trong sữa chua có thể làm ẩm da, giảm tình trạng da khô ráp, bong tróc và loại bỏ tế bào chết. Kết hợp nguyên liệu này với bột nghệ giúp tăng khả năng hấp thu, nuôi dưỡng làn da trắng sáng và ngừa thâm sẹo.
Hướng dẫn thực hiện:
- Trộn đều ½ thìa bột nghệ với 2 thìa sữa chua không đường (có thể tăng giảm liều lượng tùy vào phạm vi da bị ảnh hưởng)
- Làm sạch da và lau khô
- Sau đó thoa hỗn hợp lên da trong 15 – 20 phút
- Cuối cùng rửa lại với nước ấm và thoa kem dưỡng ẩm
Công thức từ nghệ và sữa chua có độ an toàn cao, ít kích ứng và không gây mỏng da. Vì vậy bạn có thể áp dụng mẹo ngừa thâm này lên da mặt và một số vùng da nhạy cảm khác.
– Ngừa thâm do viêm da tiếp xúc với yến mạch và sữa tươi
Công thức từ yến mạch và sữa tươi thích hợp với làn da khô ráp và ngứa ngáy nhiều. Hoạt chất avenanthramides (anthranilic acid amides) trong yến mạch đã được chứng minh về hiệu quả chống kích ứng, giảm ngứa và kháng viêm. Ngoài ra, yến mạch còn chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp sát trùng, làm dịu và phục hồi tế bào da hư tổn.
Công thức từ yến mạch và sữa tươi còn có tác dụng dưỡng ẩm, làm mềm da và loại bỏ các tế bào chết. Bên cạnh tác dụng giảm ngứa và ngừa sẹo, công thức này còn giúp tăng tốc độ phục hồi da, ngăn ngừa nhiễm trùng và lở loét.
Hướng dẫn thực hiện:
- Trộn đều 1 thìa bột yến mạch với 2 thìa sữa tươi không đường
- Làm sạch da và thoa hỗn hợp trực tiếp lên da
- Sau khoảng 10 – 15 phút, nên dùng tay massage nhẹ nhàng để giảm ngứa ngáy và loại bỏ các vảy bong trên bề mặt
- Sau đó rửa sạch da với nước ấm
– Dùng dầu dừa dưỡng ẩm và ngăn ngừa sẹo thâm
Trong trường hợp viêm da tiếp xúc xảy ra do xà phòng hoặc các chất tẩy rửa có độ pH cao, bạn có thể sử dụng dầu dừa để dưỡng ẩm và ngăn ngừa sẹo thâm. Với hàm lượng axit béo dồi dào, dầu dừa có khả năng làm mềm da, giữ ẩm và cải thiện tình trạng khô ráp, nứt nẻ,…
Bên cạnh đó, axit lauric trong tinh dầu này còn có khả năng ức chế nấm Candida và tụ cầu vàng Staphylococcus aureus. Ngoài ra dầu dừa còn chứa nhiều polyphenol có tác dụng ức chế gốc tự do, tăng sản sinh collagen, cải thiện độ đàn hồi của da và ngừa thâm, giảm sẹo.
Hướng dẫn thực hiện:
- Làm sạch vùng da cần điều trị
- Cho 1 ít dầu dừa lên tay và massage cho dầu nóng lên
- Sau đó thoa dầu dừa vào vùng da tổn thương và xoa bóp nhẹ nhàng
- Rửa sạch da với nước ấm sau 10 phút
- Đối với những vùng da khô và dày cứng như vùng da chân, tay,… có thể dùng dầu dừa thay thế cho kem dưỡng thông thường
Các công thức từ thiên nhiên có độ an toàn cao và có thể ngăn ngừa thâm sẹo do viêm da tiếp xúc. Tuy nhiên do có nguồn gốc từ tự nhiên nên các công thức này có hiệu quả chậm và chỉ đem lại cải thiện lâm sàng đối với trường hợp có tổn thương da nhẹ đến trung bình.
Lưu ý: Trong trường hợp da tổn thương nặng và có nguy cơ để lại sẹo lồi, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn về các sản phẩm ngừa và điều trị sẹo đặc hiệu.
Viêm da tiếp xúc có thể lại sẹo nếu không xử lý đúng cách. Vì vậy, bạn nên chủ động điều trị sớm kết hợp với chăm sóc da và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa để giảm nguy cơ hình thành sẹo thâm trên da.
Tham khảo thêm: Viêm da tiếp xúc có lây không? Làm sao nhanh hết?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!