Nhận Biết Viêm Da Tiếp Xúc Do Kiến Ba Khoang Và Cách Trị

Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang đặc trưng bởi tình trạng da nổi vệt đỏ, mụn nước, phỏng mủ kèm sưng nóng, đau rát và ngứa ngáy. Đối với những trường hợp nhẹ, bệnh có thể tự khỏi mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên nếu da ngứa và viêm đỏ nhiều, nên sử dụng thuốc kịp thời để cải thiện triệu chứng và hạn chế nguy cơ viêm nhiễm.

viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
Kiến ba khoang là loại côn trùng phổ biến gây ra viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang

Viêm da tiếp xúc là một dạng tổn thương da cấp hoặc mãn tính do tiếp xúc yếu tố kích ứng hoặc dị ứng, điển hình bởi tình trạng da nóng rát, viêm đỏ, nổi mụn nước, mủ, khô ráp và bong tróc. Thống kê cho thấy, côn trùng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh lý này.

Dịch tiết từ côn trùng có thể gây tổn thương da, kích thích hiện tượng viêm, nổi mụn nước kèm nóng rát, châm chích và ngứa ngáy. Trong đó, kiến ba khoang là loại côn trùng có khả năng gây viêm da tiếp xúc thường gặp nhất.

viêm da tiếp xúc kiến ba khoang
Kiến ba khoang sinh sản quanh năm nhưng phát triển mạnh vào mùa mưa, thời tiết nóng ẩm

Kiến ba khoang là loại côn trùng thuộc họ Staphylinidae, thân được chia thành 3 – 5 khoang rõ rệt, có màu nâu đỏ xen lẫn với màu đen. Loại côn trùng này sinh sản quanh năm, ưa khí hậu nhiệt đới và nóng ẩm. Vào mùa mưa (khoảng tháng 7 – 10), kiến ba khoang sinh sản mạnh và có khả năng gây viêm da tiếp xúc cao.

Khác với các loại côn trùng thông thường, kiến ba khoang hoạt động chủ yếu vào ban ngày, ưa ánh sáng và nơi ẩm thấp. Do đó, loại côn trùng này có thể bị thu hút bởi ánh đèn, sau đó chui vào phòng ngủ, gầm kệ và tủ quần áo. Axit trong dịch tiết của kiến ba khoang chính là nguyên nhân khiến da bị tổn thương, kích ứng và nổi mụn nước.

Nhận biết viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang

Viêm da tiếp xúc côn trùng nói chung và kiến ba khoang nói riêng có hình thái lâm sàng tương đối đa dạng và không có tính điển hình cao. Thống kê cho thấy, có khoảng 60% trường hợp khởi phát triệu chứng đầu tiên vào buổi sáng.

viêm da tiếp xúc kiến ba khoang
Viêm da tiết xúc do côn trùng chủ yếu gây tổn thương lâm sàng ở da mặt và ½ thân mình

Dấu hiệu nhận biết viêm da tiếp xúc côn trùng do kiến ba khoang:

  • Ban đầu, da có hiện tượng căng và hơi rát
  • Sau đó khoảng 6 – 8 giờ, xuất hiện vết đỏ có nền hơi cộm và ranh giới rõ với vùng da xung quanh, vết có chiều rộng khoảng 3 – 10mm, dài 1 – 5cm
  • Bề mặt vết đỏ nổi nhiều mụn nước và đôi khi có phỏng nước ở trung tâm
  • 100% trường hợp đều có giác rát bỏng tại chỗ
  • Tổn thương xuất hiện ở ½ thân mình và mặt (chiếm hơn 80%)
  • Trong 1 – 2 ngày đầu, viêm da có thể đi kèm với triệu chứng nổi hạch đau, mệt mỏi, khó chịu và sốt nhẹ
  • Một số trường hợp có hiện tượng sưng phù mí mắt
  • Có thể xuất hiện tổn thương đối xứng ở vùng bẹn và tay
  • Các phỏng mủ trên da tiến triển trong khoảng 3 ngày sau đó có xu hướng khô, đóng vảy, rụng vảy và để lại nền da thẫm màu (toàn bộ tiến triển có thể kéo dài từ 5 – 20 ngày tùy vào mức độ tổn thương da và phạm vi ảnh hưởng)
  • Ở một số trường hợp, bề mặt vết đỏ chỉ nổi lấm tấm mụn nhỏ và ngứa, không phát triển thành phỏng mủ và lặn hoàn toàn sau 3 – 5 ngày
  • Bên cạnh các dấu hiệu ngoài da, có thể tìm kiến ba khoang ở trên giường và trong buồng ngủ để xác định viêm da tiếp xúc do côn trùng gây ra.

Trên thực tế từ tháng 7 – 10, kiến ba khoang có thể viêm da tiếp xúc từ 2 – 3 lần hoặc hơn nếu không có biện pháp phòng ngừa.

Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang có nguy hiểm không?

Viêm da tiếp xúc là một dạng tổn thương da thường gặp, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và tỷ lệ mắc bệnh đồng đều ở nam – nữ. Đối với trường hợp có mức độ nhẹ, bệnh có thể tự khỏi sau 3 – 5 ngày mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên các triệu chứng như da viêm đỏ, nổi mủ, nóng rát, ngứa, châm chích, sốt nhẹ,… có thể làm ảnh hưởng đến hiệu suất lao động, học tập và yếu tố thẩm mỹ.

Ngoài ra ở những trường hợp tổn thương da nặng nhưng không điều trị đúng cách, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Viêm da tiếp xúc bội nhiễm: Viêm da tiếp xúc bội nhiễm xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào tổn thương da gây nhiễm trùng, sưng viêm và đau nhức. Trong trường hợp không xử lý sớm, bội nhiễm có thể khiến da phù nề nặng, làm tăng thân nhiệt và đau nhức cơ thể.
  • Để lại sẹo thâm: Tổn thương do viêm da tiếp xúc có thể để lại nền da tối màu và thâm sạm. Mặc dù không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng sẹo thâm tác động xấu đến ngoại hình, dẫn đến tâm lý thiếu tự tin và e ngại khi giao tiếp – nhất là ở vùng da mặt.
  • Tái phát nhiều lần: Kiến ba khoang sinh sản và phát triển mạnh vào mùa mưa và nóng ẩm (tháng 7 – 10). Nếu không chủ động phòng ngừa, viêm da tiếp xúc có thể tái phát nhiều lần gây tổn thương da, khó chịu, ảnh hưởng đến ngoại hình, hiệu suất lao động và chất lượng cuộc sống.

Chẩn đoán bệnh viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang

Hiện nay, chẩn đoán viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang chủ yếu là thăm khám lâm sàng. Trong trường hợp sốt cao và sưng hạch, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu để loại trừ khả năng nhiễm trùng.

Ngoài ra với những trường hợp không có triệu chứng điển hình, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán với một số loại viêm da khác như:

  • Zona thần kinh
  • Viêm da do sơn, hóa chất
  • Viêm da do tiếp xúc lá cây

Điều trị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang

Đối với những trường hợp tổn thương có phạm vi nhỏ, mức độ nhẹ và chỉ gây nóng rát, ngứa ngáy tại chỗ, bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu viêm da tiếp xúc gây đau rát nhiều hoặc làm bùng phát các triệu chứng toàn thân, nên chủ động khắc phục với các biện pháp sau:

1. Cách xử lý tạm thời

Ngay sau khi phát hiện da tiếp xúc với dịch tiết từ kiến ba khoang, nên thực hiện một số mẹo xử lý tạm thời như:

viêm da tiếp xúc kiến ba khoang
Sau khi tiếp xúc với dịch tiết của kiến, nên rửa sạch da với nước mát hoặc nước muối sinh lý
  • Rửa sạch tay với nước mát trong vài phút để loại bỏ dịch tiết trên bề mặt da và giảm mức độ tổn thương.
  • Có thể dùng bông gòn thấm nước muối sinh lý lên da để giảm viêm, sưng nóng và loại bỏ dịch tiết từ kiến ba khoang.
  • Kiểm tra phòng ốc, dưới chân đèn, tủ quần áo… để tìm xác côn trùng. Thực tế, dịch tiết từ côn trùng đã chết cũng có thể gây phỏng và kích ứng da.
  • Sau khi da giảm nóng rát và ngứa, nên tắm rửa, giặt quần áo và mền gối nếu cần thiết.

Các biện pháp xử lý tạm thời có thể làm giảm lượng dịch tiết của côn trùng, hạn chế mức độ và phạm vi tổn thương da.

2. Sử dụng thuốc bôi, uống

Trong trường hợp viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang gây bỏng rát, sưng nóng và ngứa ngáy nhiều, có thể sử dụng một số loại thuốc sau:

viêm da tiếp xúc kiến ba khoang
Để giảm ngứa và viêm do kiến ba khoang, có thể dùng hồ nước, thuốc bôi chứa corticoid, kẽm oxide,…
  • Dung dịch làm dịu da: Có thể dùng hồ nước hoặc dung dịch Jarish lên da để sát trùng, làm dịu hiện tượng viêm, sưng nóng và hỗ trợ làm khô mụn nước, phỏng mủ.
  • Thuốc bôi chứa kẽm oxit: Kẽm oxit có tác dụng làm dịu da, giảm sưng viêm và ngứa ngáy. Ngoài ra, loại thuốc này còn giúp sát trùng và ngăn ngừa viêm nhiễm.
  • Thuốc mỡ kháng sinh: Khi mụn nước khô và đóng vảy, có thể sử dụng thuốc mỡ kháng sinh để giảm viêm, chống ngứa và ngăn ngừa bội nhiễm.
  • Thuốc kháng histamine tổng hợp: Các loại thuốc kháng histamine tổng hợp (Chlorpheniramine, Cetirizine, Loratadine, Fexofenadine,…) được sử dụng nhằm giảm ngứa ngáy do viêm da tiếp xúc gây ra.
  • Thuốc bôi chứa corticoid: Nếu da sưng viêm và đau nhiều, có thể dùng thuốc bôi chứa corticoid trong 5 – 7 ngày. Tuy nhiên cần tránh thoa thuốc lên vùng da mỏng hoặc vùng da có vết lở loét, xây xước.
  • Thuốc kháng sinh: Trong trường hợp có bội nhiễm, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh đường uống trong thời gian từ 5 – 10 ngày. Nhóm kháng sinh được dùng phổ biến chủ yếu là macrolid và penicillin.

Hầu hết các trường hợp viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang đều thuyên giảm nhanh sau khi sử dụng thuốc.

3. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Bên cạnh sử dụng thuốc, nên kết hợp với biện pháp chăm sóc tại nhà để rút ngắn thời gian điều trị, giảm ngứa ngáy và ngăn ngừa bội nhiễm da.

viêm da tiếp xúc kiến ba khoang
Hạn chế chà xát và gãi cào lên vùng da tiếp xúc với dịch tiết côn trùng

Một số biện pháp chăm sóc viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang tại nhà:

  • Tránh chà xát và gãi cào lên mụn nước và phỏng mủ. Các hoạt động này có thể gây vỡ mụn nước, da lở loét, rỉ dịch và tăng nguy cơ viêm nhiễm.
  • Nếu tổn thương da xuất hiện ở thân mình, nên mặc quần áo rộng rãi để giảm ma sát và hạn chế da bài tiết nhiều mồ hôi.
  • Khi tổn thương da khô lại, cần dùng kem dưỡng ẩm từ 2 – 3 lần/ ngày. Ngoài tác dụng làm dịu da, giảm ngứa, kem dưỡng còn giúp phục hồi các mô da hư tổn và hạn chế thâm sẹo.
  • Uống nhiều nước và bổ sung rau xanh, trái cây trong thời gian điều trị để hỗ trợ giảm ngứa và nuôi dưỡng làn da từ bên trong.
  • Trong trường hợp ngứa ngáy nhiều, có thể sử dụng thuốc hoặc chườm mát, ngâm bột yến mạch,… để cải thiện triệu chứng.

Phòng ngừa viêm da tiết xúc do kiến ba khoang

Kiến ba khoang sinh sản quanh năm và có thể gây tái phát viêm da tiếp xúc nếu không chủ động phòng ngừa. Vì vậy sau khi điều trị, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

viêm da tiếp xúc kiến ba khoang
Vệ sinh không gian sống thường xuyên giúp phòng ngừa viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
  • Nên kéo rèm và đóng kín cửa sổ vào buổi tối để hạn chế kiến ba khoang và một số loại côn trùng chui vào nhà.
  • Kiểm tra mền chiếu và phòng ngủ thường xuyên để tránh côn trùng ẩn nấp.
  • Vào buổi tối, nên giũ quần áo và khăn tắm trước khi mặc và sử dụng. Đồng thời, không phơi quần áo ngoài trời vào buổi tối.
  • Tuyệt đối không chạm tay trực tiếp vào côn trùng còn sống hoặc đã chết. Nên dùng bao tay hoặc dùng chổi để giảm nguy cơ bị viêm da tiếp xúc.
  • Vệ sinh nhà cửa và cắt tỉa cây xanh thường xuyên – đặc biệt là vào mùa mưa và thời tiết nóng ẩm.
  • Nếu vô tình chạm vào dịch tiết côn trùng, nên rửa sạch với xà phòng và nước muối để hạn chế da nổi mụn nước và phỏng mủ.
  • Đeo bao tay, mang ủng và mặc đồ kín khi làm vườn.
  • Vào thời điểm kiến ba khoang phát triển mạnh, nên phun xịt thuốc diệt côn trùng định kỳ để giảm nguy cơ tái phát bệnh.

Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang là tình trạng da liễu thường gặp. Nếu chăm sóc và điều trị đúng cách, tổn thương da có thể thuyên giảm chỉ sau 3 – 7 ngày. Tuy nhiên với những trường hợp chủ quan, phỏng mủ và mụn nước có thể bị vỡ, gây trợt loét da, rỉ dịch và viêm nhiễm.

5/5 - (3 bình chọn)

Bài thuốc An Bì Thang hiện đang được phân phối độc quyền tại Trung tâm Da liễu Đông y Việt Nam. Hàng ngàn người đã và đang sử dụng bộ sản phẩm này. Họ đánh giá sao về bài thuốc?

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *