Phụ nữ sau sinh bị đau nhức xương khớp – Cách khắc phục
Nội dung bài viết
Đau nhức xương khớp sau sinh là tình trạng phổ biến xảy ra ở 80 – 85% sản phụ. Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường là do áp lực từ quá trình sinh nở, ảnh hưởng của hormone thai kỳ, thiếu canxi và vi chất dinh dưỡng. Trong một số ít trường hợp, đau nhức khớp cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh xương khớp mãn tính.
Nhận biết đau nhức xương khớp ở sản phụ
Đau nhức xương khớp là tình trạng thường gặp ở người cao tuổi và người lao động nặng nhọc. Tuy nhiên tình trạng này còn có thể xảy ra ở phụ nữ mang thai và sau khi sinh. Theo số liệu thống kê, có khoảng 80 – 85% sản phụ gặp phải các vấn đề xương khớp.
Thực chất, đau nhức xương khớp sau sinh là hệ quả do các thay đổi đột ngột trong quá trình mang thai. Sau khi sinh, cơ thể cần một thời gian nhất định để hồi phục thể trạng và cân bằng các thay đổi đột ngột về tâm sinh lý.
Các dấu hiệu nhận biết đau nhức xương khớp sau khi sinh:
- Luôn có cảm giác người ê mỏi, khó chịu và thiếu sức
- Thường xuyên đau nhức khớp háng, thắt lưng và khớp gối
- Cơn đau xuất hiện khi vận động, vào ban đêm hoặc sáng sớm sau khi ngủ dậy
- Có thể đi kèm với hiện tượng tê bì các đầu ngón và cứng khớp gối
- Khớp thường phát ra âm thanh khi đi lại hoặc cử động mạnh
Đau nhức xương khớp ở phụ nữ sau sinh thường có mức độ nhẹ và hầu hết đều thuyên giảm sau khoảng một vài tháng. Tuy nhiên ở một số trường hợp có tiền sử chấn thương, mắc các bệnh xương khớp mãn tính hoặc đẻ mổ, triệu chứng có thể tiến triển dai dẳng và nặng nề hơn.
Phụ nữ sau sinh bị đau nhức xương khớp – Do đâu?
Hiện tượng đau nhức xương khớp thường xảy ra do xương suy yếu, giảm độ chắc khỏe, dẻo dai, mô sụn bị bào mòn, xơ hóa, dây chằng bị kéo giãn,… Tổn thương ở các cơ quan cấu thành ổ khớp khiến cấu trúc khớp mất ổn định, lỏng lẻo, suy yếu và dễ đau nhức khi vạn động.
Một số nguyên nhân gây đau nhức xương khớp ở phụ nữ sau khi sinh, bao gồm:
1. Áp lực từ quá trình sinh nở
Áp lực từ quá trình sinh nở là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ sau sinh bị đau nhức xương khớp. Khi sinh nở, nữ giới buộc phải sử dụng lực mạnh để đẩy thai nhi ra bên ngoài. Lực đẩy này vô tình khiến xương chậu, thắt lưng và các vùng xương khớp lân cận bị chèn ép, tổn thương và đau nhức.
Vì vậy hầu hết sản phụ đều cảm thấy đau nhức xương khớp trong khoảng 1 – 2 tuần đầu sau sinh. Đối với người có thể trạng yếu, tình trạng này có thể kéo dài trong vòng vài tháng.
2. Thiếu hụt canxi và một số vi chất dinh dưỡng
Trong thời gian mang thai, hầu hết vi chất dinh dưỡng được mẹ bầu hấp thu đều được chuyển vào bào thai nhằm giúp thai nhi phát triển toàn diện. Vì vậy sau khi sinh, nữ giới thường bị thiếu hụt canxi và một số vi chất dinh dưỡng thiết yếu như canxi, magie, sắt, vitamin D, vitamin K,…
Thiếu hụt canxi là tình trạng phổ biến nhất ở sản phụ. Khoáng chất này là thành phần thiết yếu trong quá trình tạo xương, duy trì hệ thống xương khớp dẻo dai và chắc khỏe. Do đó tình trạng sụt giảm canxi có thể khiến sản phụ bị đau nhức khớp, ê mỏi và gặp khó khăn khi vận động.
3. Ảnh hưởng của hormone thai kỳ
Các hormone (Progesterone, Relaxin) được sản sinh mạnh trong thời gian mang thai đảm nhiệm vai trò thư giãn tử cung, dây chằng và vùng xương chậu nhằm giúp thai nhi có đủ không gian để phát triển. Đồng thời thúc đẩy chuyển dạ và giúp quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi.
Tuy nhiên hormone thai kỳ có thể làm thư giãn dây chằng và các ổ khớp khác khiến cấu trúc khớp trở nên lỏng lẻo, tê cứng, ê mỏi và đau nhức khi vận động. Các hormone này có xu hướng giảm dần sau khi sinh nở. Vì vậy sau vài tháng, tình trạng đau nhức ở sản phụ sẽ thuyên giảm rõ rệt.
4. Làm việc ngay sau khi sinh
Phụ nữ sau sinh cần nghỉ ngơi ít nhất từ 2 – 3 tháng để phục hồi thể trạng. Nếu vận động mạnh và lao động nặng trong thời gian này, các khớp xương có xu hướng ma sát mạnh, chèn ép lên dây thần kinh và gây đau nhức dai dẳng.
Hơn nữa, làm việc ngay sau khi sinh còn gây ra một số ảnh hưởng như suy nhược cơ thể, căng thẳng, tăng nguy cơ trầm cảm, loãng xương và giảm chất lượng nguồn sữa mẹ.
5. Do một số thói quen xấu
Ngoài những nguyên nhân kể trên, phụ nữ sau sinh bị đau nhức xương khớp còn có thể bắt nguồn từ các thói quen xấu sau:
- Lười vận động: Sau khi sinh, sản phụ nên đi lại nhẹ nhàng và thực hiện các bài tập có cường độ vừa phải để phục hồi thể trạng và cải thiện chức năng của các khớp xương. Thói quen lười vận động có thể làm tăng áp lực lên ổ khớp gây ra tình trạng ê ẩm, đau nhức và tê cứng khớp.
- Cân nặng tăng đột ngột: Đau nhức xương khớp sau khi sinh có thể do ăn uống quá mức khiến cân nặng tăng đột ngột. Trọng lượng cơ thể cao khiến đốt sống thắt lưng, xương chậu và khớp gối bị chèn ép, kích thích phản ứng viêm và gây đau nhức dai dẳng.
- Giờ giấc sinh hoạt không ổn định: Giờ giấc sinh hoạt của sản phụ phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động của bé. Vì vậy trong thời gian sau sinh, sản phụ thường xuyên thức dậy giữa đêm, ngủ không đủ giấc, ngủ chập chờn,… dẫn đến hiện tượng mệt mỏi, uể oải, suy nhược, đau nhức xương khớp và suy giảm trí nhớ.
6. Biểu hiện của các bệnh xương khớp
Ở một số ít trường hợp, đau nhức xương khớp sau sinh có thể là biểu hiện của các bệnh xương khớp sau:
- Bệnh loãng xương: Loãng xương thường gặp ở phụ nữ sau sinh do thiếu canxi, vitamin D và một số khoáng chất cần thiết. Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng khiến quá trình tạo xương bị ức chế dẫn đến hiện tượng mất xương, mật độ mô xương giảm. Loãng xương điển hình bởi triệu chứng đau nhức, tê mỏi, châm chích, cứng khớp, giảm phạm vi và mức độ cử động.
- Thoát vị đĩa đệm: Thoát vị đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm bị tổn thương, xơ hóa, nứt rách và giảm khả năng hấp thu lực từ đốt sống. Bệnh thường gây đau nhức vùng thắt lưng, cơn đau có thể lan xuống vùng hông, đùi, bắp chân kèm theo tình trạng tê bì, yếu cơ và cứng khớp.
- Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp là một trong những dạng viêm khớp có cơ chế tự miễn. Cơ chế khởi phát bệnh có liên quan đến hoạt động bất thường của hệ miễn dịch, dẫn đến tình trạng tự tạo kháng thể tấn công vào mô sụn, dây chằng và mô mềm bao quanh khớp. Bệnh thường gây đau nhức các khớp xương kèm theo triệu chứng tê bì, sưng nóng, viêm đỏ và cứng khớp.
Trên thực tế, đau nhức xương khớp sau khi sinh thường khởi phát do nhiều nguyên nhân cộng hưởng. Trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu canxi, áp lực từ quá trình sinh nở và ảnh hưởng từ hormone relaxin.
Cách khắc phục đau nhức xương khớp sau sinh
Thông thường, thuốc giảm đau được sử dụng để cải thiện tình trạng tê bì và đau nhức xương khớp. Tuy nhiên đối với phụ nữ mang thai và sau khi sinh, các loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến nguồn sữa và gián tiếp tác động đến trẻ nhỏ.
Vì vậy sản phụ nên áp dụng các biện pháp giảm đau an toàn sau:
1. Xây dựng lối sống khoa học
Xây dựng lối sống khoa học là biện pháp kiểm soát đau nhức xương khớp sau sinh an toàn và hiệu quả. Ngoài khả năng giảm đau, lối sống lành mạnh còn giúp sản phụ phục hồi thể trạng, nâng cao khả năng miễn dịch và tái tạo các mô xương bị hư hại do thiếu hụt canxi.
Lối sống giúp kiểm soát đau nhức xương khớp ở phụ nữ sau sinh:
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi, vitamin D và khoáng chất như phô mai, sữa, bơ, thịt bò, cá, tôm, hàu, bí đỏ, quả bơ,… nhằm cải thiện độ chắc khỏe và dẻo dai của xương khớp.
- Sản phụ nên ăn uống điều độ, ăn đủ bữa và cân đối khối lượng thực phẩm trong bữa ăn để hạn chế tình trạng tăng cân đột ngột và suy nhược.
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm và đồ uống làm giảm khả năng hấp thu canxi và kích thích phản ứng viêm ở khớp như thức ăn nhanh, thực phẩm chứa chất béo bão hòa, muối đường, cà phê, rượu bia và nước ngọt có gas.
- Sau khi sinh khoảng 7 – 10 ngày, nên bắt đầu tập các bộ môn có cường độ nhẹ nhàng để cải thiện hệ thống xương khớp, giảm đau nhức và phục hồi thể trạng. Hoạt động thể chất còn giúp sản phụ ngăn ngừa chứng loãng xương và khô khớp.
- Nên chia sẻ việc chăm sóc bé với bạn đời và người thân trong gia đình. Dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và thư giãn để tránh căng thẳng, suy nhược và hỗ trợ kiểm soát tình trạng đau nhức khớp.
- Không nên làm việc ngay sau khi sinh. Đồng thời chỉ làm việc khoảng 6 – 7 giờ đồng hồ để hạn chế căng thẳng và mệt mỏi.
- Tránh một số hoạt động làm tăng áp lực lên xương khớp như mang giày cao gót, đi lại quá nhiều, mang vác nặng,…
- Đối với sản phụ tăng cân nhiều trong thời gian mang thai, nên ăn uống khoa học và luyện tập thường xuyên để kiểm soát trọng lượng cơ thể và giảm áp lực lên các khớp xương.
Ngoài lợi ích đối với hệ thống xương khớp, lối sống lành mạnh còn giúp sản phụ duy trì thể trạng khỏe mạnh, đảm bảo nguồn sữa mẹ dồi dào và giàu dinh dưỡng.
2. Giảm đau nhức xương khớp với thảo dược
Lối sống khoa học chỉ giúp cải thiện mức độ cơn đau, phục hồi thể trạng và tăng cường hệ thống xương khớp. Vì vậy sản phụ có thể tận dụng một số loại thảo dược tự nhiên để giảm nhanh tình trạng đau nhức và một số triệu chứng đi kèm:
- Dùng lá lốt chữa đau nhức xương khớp: Lá lốt có vị cay nồng, tính ấm, tác dụng chống viêm, tán hàn và chỉ thống. Giã đắp lá lốt lên vùng khớp bị đau nhức có thể tăng tuần hoàn máu, hạn chế tình trạng chèn ép dây thần kinh, cải thiện đau nhức và tê cứng khớp.
- Sử dụng gừng tươi trị đau khớp: Mẹo giảm đau bằng gừng tươi không chỉ phổ biến trong phạm vi nhân dân mà còn được nghiên cứu trên cơ sở khoa học. Nghiên cứu cho thấy, hoạt chất Zingerol trong thảo dược này có tác dụng ức chế chất trung gian gây viêm, từ đó giúp giảm hiện tượng sưng và đau khớp. Để giảm tình trạng đau nhức xương khớp sau sinh, sản phụ có thể ngâm chân với nước gừng ấm hoặc giã đắp gừng với muối biển.
- Dùng bài thuốc đắp từ ngải cứu: Đắp ngải cứu sao với muối lên vùng khớp đau nhức từ 1 – 2 lần/ ngày có thể giảm tình trạng đau nhức, tê bì và cứng khớp. Hoạt chất trong thảo dược này có thể giảm viêm, kích thích tuần hoàn máu và hạn chế mức độ chèn ép lên dây thần kinh.
Các mẹo giảm đau nhức xương khớp bằng thảo dược tương đối lành tính và an toàn với phụ nữ sau khi sinh. Tuy nhiên các mẹo chữa này thường có tác dụng chậm nên cần phối hợp với lối sống lành mạnh để kiểm soát cơn đau hoàn toàn.
3. Các biện pháp giảm đau khác
Ngoài ra, phụ nữ sau khi sinh bị đau nhức xương khớp cũng có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau khác như:
- Chườm nóng: Chườm nóng là biện pháp giảm đau nhanh và tương đối an toàn với phụ nữ sau khi sinh. Để giảm đau nhức, có thể chườm túi ấm lên vùng khớp từ 10 – 15 phút.
- Xoa bóp bấm huyệt: Xoa bóp bấm huyệt là biện pháp giảm đau có nguồn gốc từ Đông y. Phương pháp này sử dụng lực từ ngón tay và bàn tay nhằm đả thông kinh mạch, giảm đau nhức và thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu. Khi xoa bóp, có thể kết hợp với dầu nóng để tăng hiệu quả giảm đau.
- Dùng viên uống bổ sung: Để giảm đau nhức xương khớp và bổ sung vi chất dinh dưỡng bị thiếu hụt, sản phụ có thể sử dụng các viên uống bổ sung chứa canxi, vitamin D hoặc Omega 3. Tuy nhiên trước khi dùng, nên trao đổi với dược sĩ để nắm rõ liều lượng và thời gian sử dụng.
Đau nhức xương khớp sau sinh – Khi nào gặp bác sĩ?
Nếu xảy ra do các nguyên nhân thông thường, đau nhức xương khớp ở sản phụ có thể thuyên giảm nhanh sau khi điều chỉnh lối sống và áp dụng các biện pháp giảm đau tại nhà. Trong trường hợp do các bệnh xương khớp mãn tính, tình trạng đau nhức thường nghiêm trọng hơn theo thời gian.
Vì vậy sản phụ nên tìm gặp bác sĩ khi nhận thấy các triệu chứng sau:
- Đau nhức xương khớp kéo dài và không thuyên giảm sau khi thay đổi lối sống
- Xuất hiện các triệu chứng chèn ép dây thần kinh như tê bì, châm chích, nhức mỏi, rối loạn cảm giác và cứng khớp
- Đau nhức khớp có mức độ nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt và làm việc
Phụ nữ sau sinh bị đau nhức xương khớp là tình trạng khá phổ biến. Nếu kịp thời điều chỉnh và chăm sóc đúng cách, tình trạng này sẽ thuyên giảm rõ rệt chỉ sau một vài tháng. Trong trường hợp cơn đau kéo dài và đi kèm với các triệu chứng nặng nề, sản phụ nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị y tế.
Tham khảo thêm: TOP những món ăn tốt cho bệnh xương khớp cần bổ sung
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!