Cách Bà Bầu Hết Bị Đau Nhức Xương Khớp Khi Mang Thai
Nội dung bài viết
Bà bầu thường bị đau nhức xương khớp trong 3 tháng cuối thai kỳ do cân nặng tăng nhanh, ảnh hưởng của hormone relaxin, thói quen lười vận động và ăn uống không phù hợp. Mặc dù không đe dọa đến sức khỏe của mẹ và thai nhi nhưng cơn đau kéo dài có thể gây khó khăn khi đi lại, sinh hoạt và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Để cải thiện tình trạng này, thai phụ nên điều chỉnh lối sống, sử dụng dụng cụ hỗ trợ và áp dụng các biện pháp giảm đau an toàn.
Bà bầu bị đau nhức xương khớp – Do đâu?
Đau nhức xương khớp khi mang thai là tình trạng khá phổ biến, xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Thống kê cho thấy, có đến hơn 85% thai phụ gặp phải vấn đề xương khớp – đặc biệt là trong 3 tháng cuối thai kỳ. Tình trạng này thường khiến mẹ bầu cảm thấy đau nhức, ê mỏi, khớp tê cứng, giảm khả năng vận động và yếu sức.
Thực tế, hiện tượng đau nhức xương khớp khi mang thai thường xảy ra ở những vị trí khớp chịu áp lực lớn như thắt lưng, khớp háng và khớp gối. Tuy nhiên một số mẹ bầu cũng có thể bị đau nhức toàn thân do thể trạng yếu, căng thẳng quá mức hoặc do lao động nặng.
Một số nguyên nhân phổ biến gây đau nhức xương khớp khi mang thai:
1. Tăng cân đột ngột
Tăng cân nhanh là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau nhức xương khớp ở mẹ bầu. Trọng lượng cơ thể tăng lên đột ngột khiến đốt sống thắt lưng, khớp gối, khớp háng và khớp cổ chân chịu áp lực lớn, tăng ma sát khi vận động dẫn đến tình trạng sưng viêm và đau nhức.
Nếu xảy ra do nguyên nhân này, tình trạng đau nhức thường xuất hiện từ tháng thứ 4 thai kỳ trở về sau. Trong 3 tháng đầu thai kỳ cơ thể mẹ hầu như không tăng cân quá nhiều nên ít bị đau nhức và ê mỏi.
2. Ảnh hưởng của hormone relaxin
Hormone relaxin được sản sinh mạnh trong suốt thời gian mang thai, đặc biệt là 3 tháng cuối thai kỳ. Hormone này có chức năng thư giãn các cơ, xương và khớp, tạo điều kiện để tử cung giãn nở và thai nhi có đủ không gian phát triển.
Ngoài ra, hormone relaxin còn giúp làm mềm cổ tử cung, thư giãn dây chằng quanh xương chậu nhằm giúp quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên hiện tượng giãn dây chằng có thể khiến ổ khớp mất ổn định, dễ đau nhức, ê mỏi khi đi lại và vận động.
3. Do chế độ ăn uống
Trong thời gian thai kỳ, mẹ bầu cần xây dựng thực đơn khoa học nhằm cung cấp đủ dinh dưỡng cho thai nhi và cơ thể. Nếu có chế độ ăn không lành mạnh, thai phụ có thể bị đau nhức xương khớp do tăng cân quá nhanh hoặc do thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.
Thống kê cho thấy, hầu hết phụ nữ mang thai bị đau nhức xương khớp đều có các thói quen ăn uống thiếu lành mạnh như:
- Tăng lượng thức ăn đột ngột, ăn quá no và bổ sung nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng khiến cơ thể tăng cân nhanh và gây áp lực lên ổ khớp
- Chế độ ăn nghèo dinh dưỡng gây thiếu hụt các khoáng chất có vai trò tạo xương như vitamin D, canxi, vitamin K, sắc, magie,…
- Thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm và đồ uống làm giảm khả năng hấp canxi và kích thích phản ứng viêm ở ổ khớp như nước ngọt gas, cà phê, rượu bia, thức ăn nhanh, muối đường.
4. Lười vận động
Trong 3 tháng đầu mang thai, mẹ bầu cần hạn chế vận động để tránh nguy cơ động thai và sảy thai. Khi bước vào tháng thứ 4, thai phụ nên dành thời gian để thực hiện các bài tập nhẹ nhàng nhằm duy trì sức khỏe tổng thể, cải thiện độ dẻo dai của hệ thống xương khớp và kích thích sự phát triển của thai nhi.
Tuy nhiên trên thực thế, hầu hết phụ nữ mang thai đều có thói quen ít vận động do cân nặng tăng lên nhanh khiến thể trạng uể oải và khó khăn khi di chuyển, hoạt động. Thói quen này có thể khiến các khớp xương và đốt sống bị chèn ép, dễ tổn thương và đau nhức khi có tác động.
5. Tiền sử chấn thương
Mẹ bầu có tiền sử chấn thương thường khởi phát cơn đau khi mang thai do ảnh hưởng của hormone và cân nặng. Vết nứt, gãy ở xương khớp có thể bị kích thích từ tháng thứ 4 thai kỳ gây đau nhức âm ỉ, ê mỏi trong suốt thời gian mang thai và kéo dài khoảng vài tháng sau khi sinh.
6. Biểu hiện của một số bệnh xương khớp
Một số thai phụ có thể bị đau nhức, ê mỏi và giảm khả năng vận động do các bệnh lý như:
- Loãng xương: Loãng xương là tình trạng mô xương thưa, xương xốp, giòn và dễ gãy. Bệnh lý này thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh và người cao tuổi. Tuy nhiên loãng xương cũng có thể xảy ra ở thai phụ nếu bị thiếu hụt vitamin D và canxi trầm trọng.
- Thoát vị đĩa đệm: Thoát vị đĩa đệm cũng có thể xảy ra trong thời gian mang thai do áp lực lớn từ trọng lượng lên đốt sống. Bệnh thường gây đau nhức vùng thắt lưng lan xuống hông, mông, bắp đùi và cẳng chân kèm theo triệu chứng tê bì, châm chích và yếu cơ.
- Đau vai gáy: Đau vai gáy là hội chứng khá phổ biến ở thai phụ và sản phụ. Hội chứng này điển hình bởi tình trạng đau nhức vùng cổ, vai, gáy, cơn đau có thể lan xuống vùng bả vai, cánh tay và ngón tay. Ngoài ra, đau vai gáy còn đi kèm với hiện tượng tê cứng gáy gây khó khăn và đau nhức khi cúi gập, xoay cổ.
7. Một số nguyên nhân khác
Ngoài ra, mẹ bầu bị đau nhức xương khớp còn có thể xảy ra do những nguyên nhân khác như:
- Làm việc quá sức
- Căng thẳng kéo dài
- Thường xuyên mang giày cao gót
- Đi lại nhiều
- Giờ giấc sinh hoạt không ổn định
- Ngủ sai tư thế hoặc duy trì 1 tư thế ngủ trong thời gian dài
Đau nhức xương khớp khi mang thai thường xảy ra do nhiều yếu tố tác động. Trong đó nguyên nhân thường gặp nhất là ảnh hưởng của hormone relaxin và cân nặng tăng đột ngột.
Đau nhức xương khi mang thai có sao không?
Bà bầu bị đau nhức xương khớp là tình trạng phổ biến, xảy ra chủ yếu vào 3 tháng cuối thai kỳ. Tình trạng này thường không đe dọa đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Sau quá trình sinh nở, cơn đau có thể thuyên giảm khi nội tiết tố và cân nặng ổn định trở lại.
Tuy nhiên đau nhức khớp xương kéo dài có thể khiến mẹ bầu mệt mỏi, suy nhược, khó khăn khi đi lại, vận động và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Nếu không tiến hành cải thiện, tình trạng đau nhức có thể gia tăng về mức độ, tần suất và tác động tiêu cực đến cuộc sống của mẹ bầu.
Vì vậy khi bị đau nhức, ê mỏi và cứng khớp, thai phụ nên điều chỉnh lối sống và áp dụng một số biện pháp an toàn nhằm cải thiện triệu chứng, phục hồi khả năng vận động và tăng cường độ dẻo dai của hệ thống xương khớp.
Bà bầu bị đau nhức xương khớp – Làm sao khắc phục?
Hầu hết các trường hợp bị đau nhức xương khớp khi mang thai đều xảy ra do tăng cân quá nhanh, ảnh hưởng của hormone thai kỳ và thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh. Thực tế, chỉ khoảng 5 – 7% thai phụ bị đau nhức và ê mỏi do các bệnh lý xương khớp.
Để cải thiện tình trạng đau nhức, tăng cường độ dẻo dai của khớp xương và nâng cao thể trạng, mẹ bầu có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục sau:
1. Sử dụng dụng cụ hỗ trợ
Tử cung giãn nở có thể gây chèn ép lên thắt lưng, khớp háng, các cơ quan tiêu hóa và tiết niệu. Vì vậy khi thai nhi bắt đầu phát triển mạnh, mẹ bầu nên sử dụng một số dụng cụ hỗ trợ để giảm áp lực lên các cơ quan, cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp và giúp các hoạt động sinh hoạt diễn ra thuận lợi hơn.
Các dụng cụ hỗ trợ được sử dụng để giảm đau nhức xương khớp cho mẹ bầu:
- Đai đỡ bụng bầu: Đai đỡ bụng bầu được sử dụng nhằm làm giảm áp lực từ thai nhi lên hệ thống xương khớp và các cơ quan xung quanh. Ngoài khả năng kiểm soát đau nhức xương khớp, dụng cụ này còn giúp mẹ bầu dễ dàng khi đi lại, vận động và sinh hoạt.
- Sử dụng gối ngủ cho bà bầu: Gối ngủ cho bà bầu thường được thiết kế hình chữ U hoặc chữ J nhằm nâng đỡ vùng bụng và tạo cảm giác thoải mái khi ngủ. Dụng cụ này giúp mẹ bầu tránh tình trạng khó ngủ, thường xuyên duy trì 1 tư thế ngủ và hỗ trợ làm giảm áp lực lên cột sống thắt lưng.
2. Áp dụng các biện pháp giảm đau tại nhà
Ngoài việc sử dụng dụng cụ hỗ trợ, bà bầu có thể giảm đau nhức xương khớp với một số mẹo đơn giản và an toàn như:
- Chườm ấm: Lưu lượng máu tuần hoàn kém có thể khiến ổ khớp thiếu máu nuôi dưỡng, suy yếu và dễ đau nhức, ê mỏi. Chườm ấm lên ổ khớp từ 10 – 15 phút giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, giãn nở không gian trong ổ khớp, giảm đau nhức và hạn chế đầu xương chèn ép lên dây thần kinh, dây chằng bao xung quanh.
- Chườm lạnh: Trong trường hợp mẹ bầu bị đau nhức khớp do đi lại nhiều, khớp sưng viêm và phù nề, có thể chườm lạnh từ 10 – 15 phút. Nhiệt độ lạnh từ túi chườm giúp làm co mạch máu, giảm viêm và cải thiện hiện tượng đau nhức rõ rệt.
- Xoa bóp: Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể xoa bóp với dầu nóng để thúc đẩy tuần hoàn máu và giảm đau nhức xương khớp. Tuy nhiên chỉ nên xoa bóp để giảm đau, tránh bấm huyệt và châm cứu khi mang thai. Một số huyệt vị có thể kích thích tử cung co thắt dữ dội, gây động thai hoặc thậm chí sảy thai.
- Tắm nước ấm: Tắm nước ấm là biện pháp giảm đau nhức toàn thân khá hiệu quả và an toàn với mẹ bầu. Nhiệt độ từ nước tắm giúp thư giãn mạch máu, dây thần kinh, giảm đau nhức, căng thẳng và đem lại cảm giác thoải mái cho thai phụ.
Các biện pháp giảm đau trên tương đối an toàn với phụ nữ mang thai. Vì vậy mẹ bầu có thể áp dụng thường xuyên để kiểm soát tình trạng ê mỏi, đau nhức và tê cứng khớp. Tránh tình trạng tự ý sử dụng thuốc giảm đau và chống viêm – kể cả thuốc dùng ngoài.
3. Xây dựng lối sống lành mạnh
Các biện pháp giảm đau tại nhà có độ an toàn cao nhưng hiệu quả khá hạn chế. Do đó thai phụ nên kết hợp với lối sống lành mạnh để hỗ trợ kiểm soát cơn đau, cải thiện sức khỏe và tăng cường hệ thống xương khớp.
Lối sống khoa học giúp cải thiện tình trạng bà bầu bị đau nhức xương khớp:
- Mẹ bầu nên xây dựng thực đơn ăn uống theo giai đoạn phát triển của thai nhi nhằm đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bé nhưng không gây tăng cân đột ngột.
- Tập trung vào các nhóm thực phẩm lành mạnh như thực phẩm giàu canxi, vitamin D, rau xanh, trái cây, thịt trắng, các loạt hạt, đậu, sữa chua. Hạn chế dùng đồ hộp, thức ăn nhanh, nước ngọt có gas, cà phê và rượu bia.
- Trong thời gian mang thai, mẹ bầu nên hạn chế khối lượng công việc, tránh mang vác vật nặng, đi giày cao gót, hạn chế đi lại quá nhiều và căng thẳng thần kinh.
- Nên dành thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân và đảm bảo ngủ đủ 7 – 9 giờ đồng hồ/ ngày.
- Từ tháng thứ 4 thai kỳ, mẹ bầu nên dành từ 10 – 30 phút để thực hiện các bộ môn luyện tập có cường độ nhẹ nhàng như yoga và bơi lội nhằm giảm đau nhức xương khớp, cải thiện độ dẻo dai của xương chậu và giúp quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi hơn.
Bà bầu bị đau nhức xương khớp có cần gặp bác sĩ không?
Đau nhức xương khớp ở bà bầu là tình trạng khá phổ biến và hầu hết đều xảy ra do những nguyên nhân thông thường. Tuy nhiên ở một số ít trường hợp, tình trạng này có thể là biểu hiện do thiếu hụt canxi trầm trọng hoặc do các bệnh lý xương khớp.
Vì vậy mẹ bầu nên chủ động tìm gặp bác sĩ khi nhận thấy các triệu chứng sau:
- Đau nhức xương khớp kéo dài và nghiêm trọng dần theo thời gian
- Đốt sống, ổ khớp tê cứng, ê mỏi
- Có hiện tượng chèn ép dây thần kinh (nóng ran, tê bì, dị cảm, rối loạn cảm giác)
- Đau nhức xương khớp có mức độ nặng khiến mẹ bầu không thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt, làm việc
- Đi kèm với một số biểu hiện toàn thân như sốt nhẹ, mệt mỏi, ăn uống kém
Bà bầu bị đau nhức xương khớp là tình trạng khá phổ biến, chủ yếu khởi phát trong 3 tháng cuối thai kỳ. Để cải thiện cơn đau và các triệu chứng đi kèm, thai phụ nên chủ động xây dựng lối sống lành mạnh, sử dụng dụng cụ hỗ trợ và áp dụng một số biện pháp giảm đau an toàn. Tuy nhiên nếu nhận thấy triệu chứng tiếp tục kéo dài, nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn hướng khắc phục cụ thể.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!