Dày sừng nang lông là gì? Chữa được không? Điều cần biết

Dày sừng nang lông là một tình trạng dạ phổ biến, dẫn đến các mảng da thô ráp và các nốt sần nhỏ thường không đau hoặc ngứa. Tình trạng da này có thể kéo dài trong một thời gian dài nhưng có thể được cải thiện bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Dày sừng nang lông
Dày sừng nang lông là bệnh lý phổ biến gây nổi các mẩn đỏ nhỏ trên da

Dày sừng nang lông là gì?

Dày sừng nang lông là một tình trạng lành tính (không gây hại) và biểu hiện dưới dạng những vết sưng, mẩn đỏ nhỏ trên da. Người bệnh có thể nhận thấy các nốt mụn nhỏ li ti, không đau đớn xuất hiện trên da, xung quanh các nang lông. Các vết sưng này có thể có màu trắng, đỏ, nâu hoặc có màu da.

Tình trạng da này đôi khi được gọi là là bệnh da gà, do biểu hiện tương tự như da gà. Những vết sưng hay mụn nhỏ này thực chất là tế bào da chết làm bít các nang lông. Thông thường, dày sừng nang lông phổ biến ở cánh tay trên, đùi, má hoặc mông.

Đây là một tình trạng da rất phổ biến, đến mức các bác sĩ cho đây là một biến thể da, thay vì một bệnh lý. Tình trạng này thường phổ biến ở những gia đình có tiền sử bệnh chàm, dị ứng và hen suyễn. Có khoảng 50 – 80% thanh thiếu niên và 40% người trưởng thành phát triển các triệu chứng dày sừng nang lông tại một thời điểm  nào đó trong đời.

Các vết sưng do dày sừng nang lông không lây lan, không gây đau đớn hoặc khó chịu. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn vào mùa đông khi da có xu hướng khô. Ngoài ra mang thai và sinh con cũng có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Dày sừng nang lông được xem là một biến thể da bình thường, lành tính, có thể liên quan đến khả năng di truyền. Tình trạng này không nguy hiểm, có thể tự cải thiện vào năm 30 tuổi nhưng không thể phòng ngừa hoặc điều trị. Tuy nhiên, các loại kem dưỡng ẩm, kem kê đơn và một số biện pháp khác có thể hỗ trợ cải thiện vẻ ngoài của da và tăng tính thẩm mỹ.

Dấu hiệu của bệnh dày sừng nang lông

Dày sừng nang lông đặc trưng bởi các tổn thương da xuất hiện như các nốt sần như da gà đã nhổ lông. Do đó, đôi khi tình trạng da này còn được gọi là bệnh da gà.

Các triệu chứng bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trong cơ thể nơi có các nang lông và không bao giờ xuất hiện ở lòng bàn chân hoặc lòng bàn tay. Trong hầu hết các trường hợp, dày sừng nang lông gây ảnh hưởng đến cánh tay và đùi, tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể kéo dài đến cẳng tay hoặc cẳng chân.

dấu hiệu của bệnh dày sừng nang lông
Da thô ráp và nổi nhiều mẩn đỏ nhỏ là dấu hiệu bệnh phổ biến

Các triệu chứng phổ biến có thể bao gồm:

  • Da bị ngứa, khô, đặc biệt là ở phía sau bắp tay, chân hoặc mông
  • Kích ứng da khiến các vết sưng trở nên sưng đỏ và dễ nhận thấy hơn, tình trạng này được gọi là viêm da do ma sát
  • Da thô ráp như giấy nhám, đặc biệt là nơi các vết sưng xuất hiện
  • Các vết sưng trở nên nghiêm trọng hơn khi không khí khô, chẳng hạn như vào mùa đông
  • Các vết sưng da có thể xuất hiện với nhiều màu sắc khác nhau tùy thuộc vào màu da cơ bản

Trong một số trường hợp, dày sưng nang lông có thể gây ngứa ngáy, khó chịu. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, người bệnh không cảm thấy đau, khó chịu và các triệu chứng thường không trở nên nghiêm trọng.

Ngoài ra, các triệu chứng như ngứa da, khô hoặc đỏ có thể liên quan đến một số tình trạng da khác, chẳng hạn như bệnh chàm, vẩy nến, dị ứng hoặc nhiễm nấm. Do đó, người bệnh lo lắng về các triệu chứng bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Nguyên nhân gây dày sừng nang lông

Dày sừng nang lông là kết quả của sự tích tụ keratin (chất sừng), một loại protein cứng bảo vệ da khỏi các chất độc hại và nhiễm trùng. Sự tích tụ các chất sừng này tạo thành một nút có vảy gây đóng các lỗ chân lông. Thông thường tình trạng này phát triển thành một vùng, dẫn đến các mảng da sần sùi, gồ ghề.

Hiện tại, nguyên nhân gây tích tụ chất sừng vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên các bác sĩ cho rằng tình trạng này có thể liên quan đến các tình trạng da như viêm da dị ứng, bệnh chàm hoặc các bệnh lý di truyền khác.

nguyên nhân gây bệnh dày sừng nang lông
Viêm da dị ứng hoặc bệnh chàm có thể làm tăng nguy cơ dày sừng nang lông

Đối tượng nguy cơ phát triển dày sừng nang lông:

  • Da khô
  • Bệnh chàm
  • Bệnh da vảy cá (ichthyosis vulgaris)
  • Hen suyễn
  • Béo phì
  • Là phụ nữ
  • Trẻ em hoặc thanh thiếu niên
  • Người da trắng hoặc người có làn da sáng màu

Bất cứ ai cũng có thể phát triển tình trạng da này, tuy nhiên trẻ em và thanh thiếu niên được xem là có nguy cơ cao. Dày sưng nang lông cũng bắt đầu ở cuối giai đoạn hoặc trong thời kỳ thanh thiếu niên, thường vào khoảng những năm 20 tuổi và biến mất vào năm 30 tuổi.

Ngoài ra, các thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ trong độ tuổi dậy thì hoặc mang thai cũng có thể dẫn đến các triệu chứng dày sừng nang lông.

Dày sừng nang lông có lây không? Có chữa được không?

Mặc dù là một bệnh lý da liễu, tuy nhiên dày sừng nang lông không lây cho người khác. Bởi vì tình trạng da này không liên quan đến nhiễm trùng, virus, nấm hoặc các tác nhân có thể gây lây nhiễm khác.

Bên cạnh đó, dày sừng nang lông là bệnh lý lành tính, không nguy hiểm và có thể tự cải thiện hoàn toàn khi người bệnh được 30 tuổi.

Hiện tại không có cách chữa khỏi  bệnh dày sừng nang lông. Tuy nhiên tình trạng này không nguy hiểm và có thể không cần điều trị. Đối với một số người bệnh, tình trạng này có thể tự biến mất hoàn toàn vào khoảng 30 tuổi. Bên cạnh đó, các triệu chứng cũng có xu hướng biến mất vào màu hè và xuất hiện vào mùa đông (mùa khô).

Mặc dù không có cách điều trị khỏi bệnh, tuy nhiên người bệnh có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm hoặc thuốc mỡ theo toa để cải thiện làn da và tính thẩm mỹ. Nhiều sản phẩm điều trị dày sừng nang lông có sẵn không cần kê toa, tuy nhiên một số loại khác có thể cần nhận được toa thuốc của bác sĩ. Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể các biện pháp điều trị và chăm sóc da.

Chẩn đoán dày sừng nang lông như thế nào?

Thông thường dày sừng nang lông có thể được chẩn đoán thông qua các bài kiểm tra thể chất thông thường tại ví trí da biểu hiện bệnh. Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng da này không cần xét nghiệm y tế, tuy nhiên nếu nghi ngờ các bệnh lý liên quan, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm bổ sung.

Ngoài ra, vị trí và đặc điểm của các tổn thương da có thể giúp bác sĩ xác định tình trạng bệnh, chẳng hạn như:

1. Vị trí

Các tổn thương da dày sừng nang lông thường phổ biến ở cánh tay, đặc biệt là cánh tay trên. Đôi khi bệnh cũng có thể xuất hiện ở má, chân (trên hoặc dưới) và mông.

chữa bệnh dày sừng nang lông
Tình trạng da này thường được chẩn đoán thông qua vị trí bệnh và các đặc trưng liên quan

2. Đặc trưng của bệnh

Hình dáng và đặc trưng của bệnh có thể xác định các nguyên nhân cơ bản. Cụ thể, dày sừng nang lông có các đặc trưng chẳng hạn như:

  • Không đau: Do đó, nếu người bệnh cảm thấy đau đớn hoặc khó chịu khi ấn vào khu vực tổn thương da, có thể các tổn thương này không phải là dày sừng nang lông.
  • Ngứa hoặc khô: Khô da là tình trạng phổ biến của dày sừng nang lông. Đôi khi bệnh có thể gây ngứa (hoặc không).
  • Da thô ráp: Các tổn thương da này thường khiến da trở nên cứng và thô ráp như giấy nhám khi chạm vào.
  • Đổi màu: Các vết thương do tình trạng da này có thể có màu da, đỏ, trắng, nâu, thậm chí là nâu sẫm hoặc đen (tùy thuộc vào màu da tự nhiên của người bệnh).

Điều trị dày sừng nang lông như thế nào?

Thông thường dày sừng nang lông có thể tự khỏi khi người bệnh khoảng 30 tuổi. Tuy nhiên trong thời gian chờ đợi, người bệnh có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về các biện pháp điều trị và chăm sóc da để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng. Đôi khi các biện pháp dưỡng ẩm và chăm sóc da tại nhà có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng hiệu quả.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị chẳng hạn như:

1. Dưỡng ẩm thường xuyên

Những người có làn da khô thường dễ bị dày sừng nang lông hơn so với người khác. Da khô có nhiều khả năng bị ngứa và thường có xu hướng gãi ngứa liên tục. Da khô cũng có xu hướng sần sùi và khiến các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

điều trị bệnh dày sừng nang lông như thế nào
Dưỡng ẩm để hạn chế tình trạng khô da và ngăn ngừa các rủi ro liên quan

Có một số loại kem được bào chế dành cho da khô hoặc các sản phẩm điều trị bệnh chàm có thể được sử dụng để cải thiện các triệu chứng bệnh. Người bệnh nên thoa một lợp dày sau khi tắm để da hấp thụ tối đa các dưỡng chất.

Bên cạnh đó, những người có làn da khô cần cân nhắc dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày, kể cả khi da không cảm thấy khô hoặc khó chịu. Điều này có thể cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các rủi ro liên quan.

2. Hạn chế da khô

Ngoài việc sử dụng kem dưỡng ẩm dày, người bệnh nên hạn chế sử dụng xà phòng có tính tẩy mạnh trên khu vực bệnh. Hoặc người bệnh cũng có thể sử dụng xà phòng dưỡng ẩm để cải thiện các triệu chứng.

Tắm nước nóng có thể gây khô da, do đó người bệnh nên giảm nhiệt độ nước tắm hoặc chỉ tắm một lần mỗi ngày để ngăn ngừa các rủi ro liên quan.

Sau khi tắm vỗ nhẹ da để ngăn ngừa kích ứng và khô da quá mức. Những người bị dày sừng nang lông nên hạn chế chà sát mạnh trên da để tránh các tổn thương liên quan. Ngoài ra, sử dụng máy tạo độ ẩm vào ban đêm, đặc biệt là những người sống ở nơi có khí hậu lạnh hoặc khô.

3. Tránh các chất gây dị ứng

Dày sừng nang lông không phải là một phản ứng dị ứng. Tuy nhiên những người bệnh chàm có nhiều khả năng mắc bệnh nhiều hơn, và bệnh chàm thường có liên quan đến tình trạng dị ứng da. Một số hóa chất hoặc chất gây dị ứng khác có thể khiến các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng.

Các sản phẩm có thể gây dị ứng cần tránh tiếp xúc bao gồm:

  • Bột giặt
  • Một số loại kem dưỡng da
  • Một số loại thực phẩm

Bên cạnh đó, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với các chất đã từng gây ra các phản ứng dị ứng hoặc bệnh chàm. Những người không chắc chắn các phản ứng hoặc các chất dẫn đến phản ứng dị ứng nên cân nhắc kiểm tra các phản ứng dị ứng trước khi sử dụng.

4. Điều trị các tình trạng cơ bản

Mặc dù tình trạng dày sừng nang lông có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, tuy nhiên những người có làn da dị ứng hoặc bệnh chàm thường có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn. Do đó, điều trị các vấn đề cơ bản có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh và ngăn ngừa một số tình trạng da khác.

Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn các biện pháp điều trị và chăm sóc da phù hợp.

dày sừng nang lông có chữa được không
Trao đổi với bác sĩ về các biện pháp điều trị các bệnh lý liên quan đến dày sừng nang lông

5. Sử dụng kem bôi da

Ngoài kem dưỡng ẩm, một số phương pháp điều trị khác có thể được sử dụng để tẩy tế bào chết và ngăn ngừa sự tích tụ của chất sừng. Cụ thể các loại thuốc thường được đề nghị sử dụng bao gồm:

  • Retinoids tại chỗ: Các sản phẩm có chứa retinol và các dẫn chất khác của vitamin A, có thể giúp da sản sinh các tế bào mới khỏe mạnh nhanh chóng hơn.
  • Corticoid tại chỗ: Các loại kem steroid nhẹ có thể làm giảm ngứa và ngăn ngừa các triệu chứng viêm da liên quan.

6. Tẩy tế bào chết hóa chất

Các biện pháp tẩy tế bào da chết có thể loại bỏ lớp da chết ở mặt ngoài của da. Điều này có thể ngăn ngừa tình trạng da kẹt lại ở các lỗ chân lông và đẩy nhanh quá trình loại bỏ các chất sừng dư thừa.

Các biện pháp tẩy tế bào da chết cơ học, chẳng hạn như sử dụng đường, xơ mướp hoặc các biện pháp khác có thể gây kích ứng da và khiến các triệu chứng dày sừng nang lông trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, trong hầu hết các trường hợp, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp tẩy da chết hóa học, chẳng hạn như:

  • Axit salicylic
  • Axit glycolic
  • Axit lactic
  • Urê

Sau khi tẩy da chết, thoa kem dưỡng ẩm để hạn chế tình trạng khô da và tăng tốc độ tái tạo tế bào da mới.

7. Điều trị laser

Trong các trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị điều trị laser để cải thiện da. Điều trị bằng laser được thực hiện bởi một bác sĩ da liễu có chuyên môn. Phương pháp điều trị này có thể giúp cải thiện tình trạng mẩn đỏ liên quan một cách hiệu quả.

Hầu hết các phương pháp điều trị dày sừng nang lông chỉ là tạm thời. Người bệnh cần tiếp tục duy trì điều trị để cải thiện các triệu chứng liên tục. Bên cạnh đó, các biện pháp điều trị có thể không mang lại hiệu quả tương tự ở các đối tượng bệnh. Tuy nhiên, kể cả khi điều trị không thành công, dày sừng nang lông cũng không nguy hiểm và không dẫn đến các tổn thương lâu dài cho da.

Dày sừng nang lông khi nào cần đến bệnh viện?

Một số tình trạng da khác, bao gồm phản ứng dị ứng và nhiễm trùng da có thể trông giống như dày sừng nang lông. Do đó, nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc không đáp ứng các phương pháp chăm sóc tại nhà, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn và chăm sóc da phù hợp.

Bên cạnh đó, người bệnh nên đến bệnh viện hoặc hẹn gặp bác sĩ da liễu nếu xuất hiện các triệu chứng, chẳng hạn như:

  • Có dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như xuất hiện các vết da đỏ, da nóng khi chạm vào, sốt hoặc đau đớn dữ dội
  • Ngứa dữ dội và không được cải thiện ngay cả khi sử dụng kem chống ngứa
  • Không đáp ứng các biện pháp chăm sóc tại nhà
  • Kèm theo các triệu chứng khác, chẳng hạn như nôn mửa hoặc đau đớn

Trong hầu hết các trường hợp, dày sừng nang lông là tình trạng da tạm thời và có thể biến mất theo thời gian. Bệnh không dẫn đến các rủi ro lâu dài ảnh hưởng đến da, không gây khó chịu hoặc đau đớn. Tuy nhiên, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng. Tùy thuốc vào tình trạng da, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị và chăm sóc da phù hợp.

Tham khảo thêm: Viêm lỗ chân lông (nang lông): Dấu hiệu và cách điều trị

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *