Bị Đau Dây Thần Kinh Lưng – Cách Nhận Biết Và Điều Trị
Nội dung bài viết
Đau dây thần kinh lưng có thể liên quan đến các chấn thương, căng thẳng hoặc áp lực ở hông và lưng. Tuy nhiên đôi khi tình trạng này cũng có thể liên quan đến một số bệnh lý và tình trạng sức khỏe cần điều trị y tế.
Cách nhận biết đau dây thần kinh lưng
Các triệu chứng và dấu hiệu đau dây thần kinh lưng có thể thay đổi giữa các đối tượng bệnh. Cơn đau có thể được kích hoạt bởi nhiều yếu tố khác nhau hoặc xảy ra mà không rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, người bệnh có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết phổ biến bao gồm:
- Đau hoặc tê liệt ở lưng: Khi dây thần kinh ở lưng bị chèn ép có thể gây suy yếu hoặc ảnh hưởng đến cảm giác bình thường ở người bệnh. Điều này dẫn đến các cơn đau nhói, đau âm ỉ hoặc tê mỏi ở lưng.
- Gây ảnh hưởng đến sự phối hợp của cơ thể: Khi các dây thần kinh vận động bị chèn ép, não không thể nhận biết chính xác phản hồi về các hành động thông thường. Điều này gây khó khăn cho các phối hợp vận động. Trong một số trường hợp người bệnh có thể mất khả năng di chuyển hoặc di chuyển chậm chạp.
- Yếu hoặc teo cơ: Khi các dây thần kinh vận động bị chèn ép, các cơ lưng có thể bị căng cứng, suy yếu và mất khả năng vận động. Điều này có thể gây mất cảm giác ở lưng hoặc gây mỏi lưng khi ngồi hoặc đứng.
Nguyên nhân gây đau dây thần kinh lưng
Đau dây thần kinh lưng có thể do chèn ép, tổn thương các dây thần kinh ở lưng hoặc liên quan đến các bệnh lý ở vùng thắt lưng dẫn đến đau và suy nhược dây thần kinh. Tình trạng này thường phổ biến ở người trong độ tuổi từ 30 – 50. Điều này thường là do cột sống, đĩa đệm và các cấu trúc xương khớp khác thoái hóa theo gian và gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh.
Một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng đau dây thần kinh ở lưng thường bao gồm:
1. Đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa là thuật ngữ được sử dụng để mô các cơn đau dây thần kinh ở chân được gây ra bởi sự kích thích hoặc chèn ép các dây thần kinh tọa. Dây thần kinh tọa bắt nguồn từ lưng dưới, đi đến mông và phân bố xuống hai chân.
Đau dây thần kinh tọa thường được cảm nhận dọc theo đường đi của dây thần kinh. Các triệu chứng phổ biến có thể bao gồm:
- Đau hoặc nóng rát liên tục ở lưng dưới, mông và tỏa xuống phía đùi, chân và bàn chân.
- Tê chân hoặc ngứa ran và yếu ở lưng dưới, cẳng chân và bàn chân.
Cơn đau thần kinh tọa chỉ ảnh hưởng đến một bệnh cơ thể. Người bệnh thường cảm thấy nặng nề ở một bên chân hoặc đau dây thần kinh lưng về một phía. Hiếm khi cả hai phần cơ thể đều bị ảnh hưởng.
Triệu chứng đau dây thần kinh tọa thường trở nên nghiêm trọng hơn khi ngồi, cố gắng đứng dậy, uốn cong cột sống về phía trước, xoắn cột sống, nằm xuống hoặc khi ho. Các triệu chứng có xu hướng được cải thiện khi người bệnh đi bộ hoặc chườm nóng vào khu vực lưng dưới.
Đau dây thần kinh tọa thường không nghiêm trọng và có thể điều trị bằng nhiều phương pháp. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này có thể liên quan đến các tình trạng y tế nghiêm trọng như viêm cột sống hoặc khối u cột sống.
2. Bong gân
Căng thẳng hoặc chấn thương các dây chằng ở lưng có thể xảy ra khi cơ lưng bị kéo căng quá mức. Tình trạng này gây rách, tổn thương hoặc ảnh hưởng đến dây chằng, kết nối xương với nhau và dẫn đến tình trạng bong gân.
Bong gân hoặc căng thẳng các dây chằng ở lưng có thể gây đau dây thần kinh lưng hoặc tê mỏi vùng xương chậu. Nguyên nhân có thể bao gồm:
- Nâng một vật nặng hoặc xoắn cột sống trong khi nâng
- Chuyển động đột ngột gây áp lực hoặc căng thẳng cho lưng thấp
- Tư thế xấu trong thời gian dài
- Chấn thương do thể thao, đặc biệt là trong các môn thể thao liên quan đến xoắn hoặc lực tác động lớn lên lưng
Mặc dù bong gân thường không nghiêm trọng, tuy nhiên các cơn đau kéo dài có thể cần điều trị để tránh dẫn đến các rủi ro không mong muốn.
3. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Đĩa đệm là cấu trúc tự nhiên chứa chất lỏng với nhiệm vụ chính là giảm tải áp lực và má sát giữa các đốt sống. Khi cơ thể già đi, các đĩa đệm có thể lão hóa theo thời gian, mất nước, hydrat hóa và dẫn đến thoát vị đĩa đệm.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy bên trong các đĩa đệm thắt lưng thoát ra khỏi vị trí bình thường. Phần nhân nhầy thoát ra khỏi đĩa đệm chứa đầy protein và có thể gây viêm khi chạm đến dây thần kinh. Điều này dẫn đến viêm và chèn ép dây thần kinh, dẫn đến các cơn đau nhức dữ dội.
Bên cạnh đó, phần thành của đĩa đệm thường cứng và được bao bọc bởi các dây thần kinh. Do đó, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể gây tổn thương hoặc rách các dây thần kinh. Điều này dẫn đến đau đớn dữ dội.
4. Hẹp ống sống
Hẹp ống sống là tình trạng cột sống bị thu hẹp và chèn ép lên tủy sống. Tình trạng này có thể xảy ra dọc theo cột sống và dẫn đến các triệu chứng như:
- Đau, yếu chân hoặc cánh tay
- Đau dây thần kinh lưng, đặc biệt là khi đứng hoặc đi bộ
- Tê chân hoặc mông
- Gặp vấn đề trong việc giữ thăng bằng
Các triệu chứng hẹp ống sống thường có xu hướng được cải thiện khi người bệnh ngồi hoặc nghỉ ngơi. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể xuất hiện khi người bệnh đứng hoặc đi bộ.
5. Gai cột sống
Gai cột sống là tình trạng thoái hóa cột sống dẫn đến tình trạng xuất hiện các gai xương ở bên ngoài và hai bên cột sống. Tình trạng này có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trong cơ thể nhưng thường phổ biến ở cột sống cổ và cột sống thắt lưng.
Hầu hết các trường hợp gai cột sống không dẫn đến các triệu chứng cụ thể và không gây đau. Tuy nhiên, khoảng 40% người bệnh trên 60 tuổi có thể trải qua cảm giác đau đớn ở khu vực bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, trong một số trường hợp các gai xương có thể hình thành bên trong đốt sống, gây chèn ép tủy sống hoặc rễ thần kinh. Điều này dẫn đến các cơn đau dây thần kinh ở lưng và gây tê ở cánh tay hoặc chân.
6. Thoái hóa cột sống
Thoái hóa cột sống là tình trạng xảy ra một đốt sống thoái hóa theo thời gian, bị viêm hoặc trượt khỏi vị trí ban đầu. Tình trạng này có thể phổ biến ở bất cứ vị trí nào trong cột sống. Khi ảnh hưởng đến lưng dưới, thoái hóa cột sống có thể dẫn đến các cơn đau dây thần kinh lưng do dây thần kinh bị chèn ép hoặc mất ổn định.
7. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn có thể dẫn đến tình trạng viêm khớp, thoát vị đĩa đệm, hao mòn các đốt sống và gây chèn ép đến các dây thần kinh ở lưng. Đây cũng là một nguyên nhân phổ biến có thể gây chèn ép các dây thần kinh ở lưng dưới, thường là lưng dưới.
Viêm khớp dạng thấp là bệnh viêm khớp nghiêm trọng và có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Chẩn đoán tình trạng đau dây thần kinh lưng
Để chẩn đoán tình trạng đau dây thần kinh lưng, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra thể chất để xác định mức độ của các tổn thương. Các kiểm tra cụ thể bao gồm:
- Phạm vị chuyển động ở lưng
- Vấn đề thăng bằng
- Thay đổi phản xạ ở chân
- Yếu cơ bắp
- Thay đổi cảm giác ở chi dưới
Bác sĩ không thể chẩn đoán tình trạng đau dây thần kinh lưng thông qua các kiểm tra thể chất đơn lẻ. Do đó, bác sĩ thường chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm chuyên môn để kiểm tra nguyên nhân gây chèn ép dây thần kinh.
Các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán đau dây thần kinh lưng thường bao gồm:
- X – quang: Giúp bác sĩ xác định tình trạng cột sống lưng, các đốt sống và tình trạng đĩa đệm.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Giúp bác sĩ xác định tổn thương ở các mô mềm, bao gồm các đĩa đệm ở đốt sống, tủy sống và các dây thần kinh ở lưng dưới.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Có thể hiển thị một hình ảnh chi tiết về lưng và kiểm tra chức năng của các dây thần kinh.
- Nghiên cứu dẫn truyền thần kinh: Xét nghiệm này có thể kiểm tra các xung thần kinh và các cơ bắp phản ứng với các điện cực trên da.
- Điện cơ (EMG): Bác sĩ có thể ấn một cây kim vào các cơ ở lưng để kiểm tra phản ứng của các dây thần kinh. Cách các cơ phản ứng với điện cực có thể giúp bác sĩ xác định các dây thần kinh ở lưng có bị tổn thương hay không.
Phương pháp điều trị đau dây thần kinh lưng
Hầu hết các trường hợp đau dây thần kinh lưng không nghiêm trọng. Người bệnh có thể cải thiện các triệu chứng tại nhà hoặc điều trị y tế theo phác đồ của bác sĩ. Tuy nhiên đôi khi người bệnh có thể cần phẫu thuật để ngăn ngừa các rủi ro không mong muốn.
1. Chăm sóc tại nhà
Đau dây thần kinh lưng nhẹ thường có thể được điều trị tại nhà. Các biện pháp mang lại hiệu quả cao thường bao gồm:
- Nghỉ ngơi: Tránh các hoạt động có thể gây kích ứng và căng thẳng ở dây thần kinh để hỗ trợ quá trình chữa lành tự nhiên. Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh nghỉ ngơi tại giường trong 1 – 2 ngày và tránh các hoạt động thể chất trong một thời gian để cải thiện các cơn đau.
- Chườm nóng hoặc lạnh: Thay đổi giữ việc chườm nóng và chườm lạnh trong tối đa 20 phút mỗi lần có thể cải thiện các cơn đau và chống cơ thắt cơ lưng.
- Chuyển động nhẹ nhàng: Sau khi các cơn đau được cải thiện, người bệnh có thể tập các động tác kéo giãn nhẹ nhàng để tránh các cơn đau dây thần kinh và cột sống.
- Thay thế tư thế ngủ: Tư thế ngủ xấu có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng và tăng nguy cơ đau dây thần kinh lưng. Do đó bác sĩ có thể đề nghị người bệnh điều chỉnh tư thế ngủ, chẳng hạn như kê gối dưới đầu gối hoặc nằm nghiêng với gối đặt giữa hai đầu gối.
- Sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm không kê đơn: Các loại thuốc phổ biến thường bao gồm ibuprofen và naproxen. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
2. Điều trị y tế
Trong các trường hợp cơn đau nghiêm trọng hoặc gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, người bệnh có thể tham khảo các phương pháp điều trị y tế.
Thông thường các loại thuốc được chỉ định bao gồm:
- Thuốc chống động kinh: Được sử dụng để hỗ trợ chống co thắt cơ bắp, làm dịu các cơn đau liên quan đến chèn ép dây thần kinh. Các loại thuốc phổ biến thường bao gồm Carbamazepine, Oxcarbazepine, Gabapentin hoặc Pregabalin. Các tác dụng phụ thường bao gồm đau thượng vị, táo bón, buồn ngủ, buồn nôn và các vấn để về tim. Bên cạnh đó, phụ nữ có thai không được khuyến khích sử dụng thuốc chống co giật.
- Thuốc giảm đau tại chỗ: Thuốc được bào chế dưới dạng miếng dán, gel hoặc kem bôi được sử dụng để cải thiện các cơn đau dây thần kinh ở lưng. Mặc dù một số hoạt chất có thể hấp thụ vào da, tuy nhiên thuốc ít khi xâm nhập vào máu, do đó có thể hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên, thuốc giảm đau tại chỗ có thể gây nóng, rát, sưng ngoài da và một số tình trạng dị ứng da khác.
- Thuốc chống trầm cảm: Tình trạng mất cân bằng trong các dẫn truyền thần kinh có thể khiến các cơn đau thần kinh lưng trở nên nghiêm trọng. Do đó, bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống trầm cảm để cần bằng các chất dẫn truyền và cải thiện cơn đau. Các loại thuốc phổ biến thường bao gồm thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin – norepinephrine và các chất ức chế tái hấp thu Serotonin có chọn lọc.
- Thuốc giảm đau Opioid: Trong trường hợp các cơn đau nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau Opioid để cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các rủi ro. Tuy nhiên, thuốc giảm đau Opioid có thể gây nghiện, tăng nguy cơ táo bón, buồn nôn. Bên cạnh đó khi sử dụng quá liều có thể gây ra các vấn đề hô hấp và có thể gây tử vong khi kết hợp với rượu hoặc thuốc an thần. Do đó, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và không lạm dụng thuốc để tránh các rủi ro không mong muốn.
- Tiêm Steroid: Các cơn đau dữ dội có thể được điều trị bằng cách tiêm steroid ngoài màng cứng tại vị trí đau. Liệu pháp này được thực hiện tại bệnh viện dưới sự hỗ trợ của tia X.
3. Phẫu thuật
Trong các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để điều trị tình trạng đu dây thần kinh lưng. Trao đổi với bác sĩ để được tư vấn các phương pháp phẫu thuật phù hợp.
Phẫu thuật có thể cải thiện các triệu chứng hiệu quả tuy nhiên thường đi kèm với nhiều rủi ro và biến chứng. Bên cạnh đó, phẫu thuật thường có thời gian phục hồi lâu và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Các bài tập cải thiện đau dây thần kinh lưng
Bên cạnh các phương pháp điều trị y tế, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về các bài tập cải thiện tình trạng đau dây thần kinh lưng. Các bài tập phổ biến thường bao gồm:
Bài tập kéo đầu gối vào ngực:
- Người tập nằm trên sàn nhà.
- Nâng đầu lên một chút và kéo đầu gối ép vào ngực. Giữ yên tư thế trong 20 – 30 giây.
- Thay đổi chân và lặp lại động tác.
Động tác giãn cơ:
- Người bệnh nằm trên sàn nhà, duỗi thẳng chân để bàn chân hướng lên trần nhà.
- Giữ yên tư thế trong khoảng 20 – 30 giây.
- Thay đổi chân và thực hiện lại các thao tác.
Bài tập kéo dài:
- Người bệnh nằm trên sàn nhà, uốn cong hai đầu gối, bàn chân đặt trên sàn nhà.
- Nâng cao chân trái lên và đặt lên chân phải, sao cho mắt cá chân trái chạm vào đầu gối chân phải.
- Sử dụng hai tay nắm lấy đùi chân phải và kéo về phía ngực.
- Giữ yên tư thế trong 20 – 30 giây và trở về vị trí ban đầu.
- Đổi chân và lặp lại các động tác.
Có nhiều động tác và bài tập có thể cải thiện tình trạng đau dây thần kinh ở lưng. Tuy nhiên trước khi luyện tập người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để tránh các rủi ro không mong muốn.
Đau dây thần kinh ở lưng thường có thể cải thiện bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà, thuốc và các bài tập hỗ trợ. Tuy nhiên nếu các triệu chứng gây cản trở cuộc sống hàng ngày hoặc trở nên nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện và tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!